Mẹ ơi, đừng bỏ con cho bác giúp việc

Xin được bày tỏ rằng tôi không kì thị người giúp việc. Ngược lại, tôi thương họ, tôi nể và thương họ như nể phục và thương mến những thuyền nhân dám đánh cược mạng sống của mình với bão tố ngoài khơi để mơ về miền đất hứa. Họ, những thân phận người lầm lũi từ quê lên phố, vượt qua bao lời dèm pha dị nghị của xóm làng vì miếng cơm manh áo.

Đối với những con người thật thà chân lấm tay bùn, cả đời chưa đi khỏi lũy tre làng thì những lời dèm pha này có sức mạnh công phá mọi thành lũy. Bởi vậy, đâu có mấy ai đi làm giúp việc trong tâm thế mình đang làm một công việc đáng kính, hay ít ra là một công việc có giá trị cho xã hội. Họ luôn mang trong mình những tổn thương, những yếu thế và rồi tất cả điều đó sẽ được chính đứa trẻ họ chăm nom hứng chịu. Một số không nhiều những người giúp việc giữ được sự an vui, hạnh phúc khi gia đình họ đến giúp bù đắp được phần nào những tổn thương trong họ.

Sáng nay, khi tôi ngồi làm việc ở nhà, đang tận hưởng không khí vắng lặng của khu chung cư vào ngày mọi người đi làm hết thì nghe chói tai tiếng hét từ nhà bên, mà tôi biết nhà chỉ có bác giúp việc và em bé 2 tuổi, những từ ngữ cộc cằn được hét với âm độ lớn khiến tôi vài lần đứng lên ngồi xuống, rồi quyết định gõ cửa nhà bác. Tôi biết hành động của tôi có lẽ không để làm gì, bởi nó chỉ giải quyết lần này và lúc này, giải quyết vấn đề lương tâm của tôi hơn là vấn đề cho đứa trẻ. Em sẽ vẫn tiếp tục được bác chăm nom ít nhất thêm vài năm nữa, bác thì cũng không vì tôi sang chơi lần này mà sẽ trở nên an vui hơn với nghề, với trẻ.

Câu chuyện này có lẽ khá phổ biến ở hầu hết các gia đình trẻ thành thị. Một đứa trẻ và một bác giúp việc ở nhà, nhẹ thì bật tivi cho ăn và chơi với cái ti vi, nặng thì bao bực dọc của một thân phận người yếu thế sẽ trút hết lên đứa trẻ. Và thật buồn hơn nữa, đó lại thường là những đứa trẻ dưới 3 tuổi, là độ tuổi quan trọng nhất trong việc hình thành nhân cách, độ tuổi gom góp các kí ức vào tiềm thức để dựng xây một con người an vui.

Một câu chuyện khác về chị họ tôi, chị được vú em nuôi từ thời cuối những năm 70, cho đến giờ không ai trong họ không nói chị giống bác vú em từ tính cách, từ cách nói năng. Khoa học không phải không có những bằng chứng về giai đoạn đầu đời này, mọi kỉ niệm, mọi trải nghiệm sâu sắc sẽ in hằn vào tiềm thức, là cái nằm dưới ý thức, là phần chìm của tảng băng trôi, là cái mà khi đã in hằn sau này chúng ta không có cách nào xóa bỏ hay thay đổi được, hoặc ít ra là vô cùng khó khăn. Thực ra chúng ta tưởng rằng ý thức của chúng ta kiểm soát toàn bộ đời sống; mà không phải vậy, dù ra sức kiểm soát, dù là một người duy lý đến cực đoan bạn cũng không thể kiểm soát quá 20% những sự việc trong đời sống. Phần còn lại là do tiềm thức của bạn tác động tới những lựa chọn, quyết định, hành vi của bạn.

Vậy thì tại sao cả đời bạn đã gắng sức để phát triển bản thân, để nhận thức, để biết sống an vui, bạn không giúp con bạn bước tiếp bậc thang này, mà lại vô tình đẩy con xuống một xuất phát điểm gian nan và nguy hiểm hơn chính của bạn? Tôi không có ý nói tất cả những người giúp việc đều có xuất phát điểm thấp hơn những bố mẹ thành thị, thậm chí tôi tin nhiều người không biết chữ nhưng nhân văn và đáng trọng hơn những bồ chữ. Nhưng may rủi quá, khi ta trông chờ vào việc tìm kiếm được một người lạ đầy nhân ái, an vui để nuôi nấng con ta, để con ta như miếng bọt biển thấm hút những nội tâm của người lạ đó. Và ngay cả khi đó, bạn cũng đã đánh mất một trải nghiệm quý giá, mẹ và con cùng nương vào nhau để mà phát triển, để mà trưởng thành, để mà yêu thương.

Cô Nguyễn Thu Hương.