Triết lý

sứ mệnh

Trong khi nền giáo dục Việt Nam đang loay hoay và thiếu một triết lý giáo dục mạch lạc, xuyên suốt; trong khi các xã hội phát triển như Mỹ như Nhật đang gặp phải nhiều vấn đề trong chính sự phát triển do thiếu cái nhìn sâu sắc về con người; chúng tôi tiếp cận nền giáo dục Steiner và tìm thấy trong nó một triết lý về con người giản dị, sáng rõ: con người tự do và nhân văn. Chữ tự do hiểu một cách sâu sắc: tự do với uy quyền, tự do với mọi tưởng thưởng hay trừng phạt, tự do với chính sự ái ngã để thênh thang phát triển bản thân trong niềm vui hân hoan. Chữ nhân văn hiểu cho rõ hơn: đứa trẻ được học cách tôn trọng từng cá thể ngoài mình, được học cách hỗ trợ bạn bè cùng phát triển, được sống trong bầu không khí của lòng biết ơn và sự tôn trọng không chỉ con người mà tôn trọng mọi sự sống, vạn vật.

Điều đặc biệt hơn nữa trong nền giáo dục này: triết lý giáo dục không phải là một vài tính từ vẽ lên cho đẹp cho sang, triết lý giáo dục mà họ theo đuổi hiển hiện thống nhất và xuyên suốt trong mọi bài học, từng môn học, từng con người tham gia vào môi trường giáo dục.

Bỏ qua chủ nghĩa vật chất, đi xa hơn chủ nghĩa dân tộc, rộng hơn khái niệm công dân toàn cầu; mỗi đứa trẻ được giáo dục trong tình yêu thương và kỷ luật nội tại sâu sắc để trở nên trước tiên là một con người có đam mê, có khả năng bền bỉ theo đuổi đam mê để hạnh phúc, sau đó là con người tự do, con người nhân văn trong mối quan hệ tổng hòa của các sự sống.

Với tinh thần đó, chúng tôi mong mỏi rằng từ ngôi trường bé nhỏ này cảm hứng có thể được lan truyền rộng và sâu để nhiều phụ huynh, nhiều anh chị em bạn bè làm giáo dục, có thêm chút lửa để bước tiếp và có bạn đồng hành trên con đường đem lại những giá trị bền vững cho trẻ em, cho chính chúng ta.