Màu sắc và tâm hồn con người

Nếu như trước nay bạn/ hay chính là tâm hồn bạn đang tương giao với màu sắc một cách vô thức, như là “tôi thích màu này/ tôi muốn cái này màu này hay màu kia nhưng tôi không rõ vì sao” thì nay nó có thể trở nên có ý thức khi bạn hiểu về màu sắc và tâm hồn con người.

Quan sát màu sắc xung quanh

Quan sát thế giới tự nhiên là một cách hiệu quả để bắt đầu hiểu về màu sắc (Kì thực, Quỳnh không thích vẽ mà việc mình thích nhất là quan sát thế giới xung quanh, với mình, việc vẽ sinh sau việc quan sát). Một trong những điều quan trọng nhất trong giáo dục Steiner là sự quan sát tinh tế và thật tâm.

Người lớn đôi khi quá bận rộn để dừng lại để quan sát. Một vầng trăng tròn đang toả sáng, có khi ta chỉ mải giơ điện thoại lên chụp sao cho đẹp, chứ hiếm ai lắng lại mà quan sát, mà cảm nhận xem vầng trăng sáng ra sao, để lắng nghe được thông điệp của vũ trụ.

Chúng ta hãy thử nhìn ngắm mọi thứ xung quanh mình, ngay lúc này, ngay tại nơi bạn đang ngồi. Hãy chú ý nhìn ngắm màu sắc, thứ gì cũng có màu sắc phải không? Hãy phân biệt màu sắc do con người tạo ra và màu sắc của thiên nhiên, có điều gì khác nhau không?

Có người chia sẻ rằng họ quan sát thấy màu sắc nhân tạo được khếch đại hơn bình thường, như là màu đen kịt, đỏ đậm…, trong khi màu sắc tự nhiên thì êm ả hơn.

Có người chia sẻ rằng khi nhìn vào màu sắc nhân tạo, họ cảm thấy hơi lạnh, dù là một màu rất đẹp, họ rất thích nhưng họ thấy nó không có hồn như vẫn là màu đó có trong tự nhiên.

Có người nhìn thật kỹ và thấy những cánh hoa cúc không tuyệt đối một màu trắng, mà có hơi xanh một chút, hoặc hơi vàng một chút, không có cánh hoa nào là giống nhau. Bầu trời thì chuyển màu liên tục trong ngày, trong một khoảnh khắc, bầu trời cũng không chỉ là một màu xanh mà cuối chân trời sẽ đậm hơn, hay nhạt hơn. Trong khi đồ vật nhân tạo thường là đơn sắc.

Đúng như vậy, điều này giải thích cho việc vì sao bạn cảm thấy thế giới tự nhiên thật sống động trong khi đồ nhân tạo thì không. Trong tự nhiên, bạn sẽ không tìm được nơi nào có một màu duy nhất, mà sẽ là màu này chuyển sang màu kia, xen kẽ nhau, bạn sẽ cảm thấy có sự “thở” trong đó.

Hãy quan sát đồ vật nhân tạo nhất của thời đại ngày nay là đồ nhựa. Đồ nhựa thường chỉ có một màu đơn sắc, rất khô cứng, cảm giác có sự “chết” ở đó. Nên tránh cho trẻ em sử dụng đồ nhựa, nhất là đồ chơi nhựa; thay vào đó, hãy đưa cho trẻ những thứ có sự sống, dù là một nửa nhân tạo, một nửa thiên nhiên như một khúc cây đã được cưa gọt. Trong trường học Steiner, những bức tranh màu nước, kỹ thuật sơn tường lazure… là những cách thức bắt chước thiên nhiên, đưa hơi thở, sự sống động vào môi trường của trẻ.

Màu sắc là biểu hiện của tâm hồn vũ trụ

Màu sắc là biểu hiện của tâm hồn vũ trụ. Tưởng tượng khi ta đi dạo trong một khu rừng tuyệt đẹp, chính là ta đang đi dạo trong tâm hồn vũ trụ đấy.

Giáo dục Steiner nhìn nhận rằng không chỉ con người là một cơ thể có tâm hồn, mà vạn vật trong thế giới cũng có tâm hồn. Ví như một ngôi trường cũng có tâm hồn của riêng nó. Điều này không chỉ hiểu bằng đầu óc mà cần được hiểu bằng cả trái tim mình. Tương tự vậy, con người có những ý định, thế giới thiên  nhiên cũng có những ý định của đấng tạo hoá. Ta hãy đặt câu hỏi vậy ý định của thiên nhiên là gì trong những màu sắc kia? Vì sao trái chín là màu đỏ và mặt biển là màu xanh?

Màu sắc ta nhìn thấy bằng mắt chỉ là màu sắc vật lý mà thôi, để nhìn được tâm hồn của vũ trụ, ta phải nhìn vào tâm hồn mình. Khi đó ta sẽ thấy màu sắc mang những thông điệp khách quan – khi vắng bóng tính chủ quan, ai cũng thấy như ai vậy thôi.

Hãy sử dụng ba màu cơ bản: đỏ, vàng, xanh dương vẽ lên giấy và quan sát:

Hình tròn màu xanh dương muốn co vào, hay nở ra? Hình tròn màu vàng?

Hình tròn màu xanh dương bọc lấy hình tròn màu vàng cho ta cảm nhận gì? Và ngược lại?

Nhiều người cùng thấy ra một điều giống nhau, rằng màu xanh dương thì co vào, màu vàng thì nở ra. Trong khi màu xanh dương bọc lấy màu vàng mang lại cảm giác gọn gàng, ấm áp; thì màu vàng bọc lấy màu xanh dương mang lại cảm giác gì đó không được thoải mái.

Khi đi du lịch, được đến gần thiên nhiên cây cỏ, ta thường có cảm giác vô cùng thư giãn, dễ chịu, là bởi ta được thấy những thứ rất hài hoà trong thiên nhiên. Thiên nhiên vốn là một bậc thầy trong việc dùng màu – tất cả mọi cử chỉ của thiên nhiên đều được đặt màu rất đúng. Hãy thử tìm kiếm màu vàng – màu của niềm vui, suy nghĩ, ý tưởng, bạn sẽ tìm thấy những thứ nhỏ nhắn, li ti như nhuỵ hoa. Niềm vui cũng vậy, niềm vui thường nhỏ bé, và nó muốn rong chơi khắp mọi nơi. Hãy tìm kiếm màu xanh dương – màu của sự bao dung, sâu sắc, khiêm tốn, bạn sẽ nhìn thấy ở bầu trời, mặt biển, ở những thứ bao la. Hiếm có thể tìm thấy những thứ nhỏ màu xanh dương, bởi xanh dương thích được ở trong không gian rộng lớn. Những điều lớn lao thì cũng bao dung và khiêm nhường, nó thường làm nền cho những thứ khác nổi lên.

Thiên nhiên là một người thầy lớn. Người nghệ sĩ thực sự cũng sẽ rèn luyện để đưa tâm hồn mình trở thành một giác quan tâm linh đúng đắn – nghe có vẻ cao xa, nhưng sự đúng đắn này giống như khi chúng ta thiền định: tôi có một nỗi buồn, tôi thừa nhận nó, tôi cảm nhận nỗi buồn này một cách tinh tế nhất, xem nó có màu sắc gì? Nỗi buồn ấy có chút gì của sự cô đơn? hay sự thất vọng? hay thậm chí nỗi buồn có ánh lên chút niềm vui? Dù bạn làm việc ở lĩnh vực nào: hội hoạ, âm nhạc, dạy học… bạn đều có thể rèn luyện được khả năng này: khiến cho nội tâm mình trở nên tinh tế. Bạn cũng cần rèn luyện khả năng này cho dù bạn không làm trong lĩnh vực nghệ thuật, đó là lý do vì sao Nghệ thuật/ Artslà một bộ môn quan trọng và bắt buộc trong các cấp học Steiner.

Vì sao chọn sử dụng màu nước trong giáo dục Steiner?

Màu nước là thứ hoạ cụ mới nhất, được sinh ra sau rất nhiều loại hoạ cụ khác, và nó cũng là thứ hoạ cụ khó nhất. Khi là một giáo viên trung học Stener, tôi có cơ hội làm việc với những trẻ đã có đến 8 năm kinh nghiệm vẽ màu nước từ bậc mầm non, tôi nhận thấy những trẻ này có thể dùng được rất nhiều loại hoạ cụ khác: chì màu, sơn dầu… một cách dễ dàng hơn các trẻ khác bởi trẻ đã bắt đầu từ hoạ cụ khó nhất rồi. Không chỉ tốt về mặt kỹ thuật mà trẻ còn có chiều sâu trong tác phẩm của mình.

Có nhiều người lớn khi nhìn ngắm bức tranh màu nước trong trường học Steiner đặt câu hỏi rằng: vì sao các bạn dạy trẻ về sự thật, nhưng bức tranh các bạn vẽ lại không giống thật? Giả sử ta vẽ một bông hoa, ta sẽ vẽ một quầng sáng bọc bên ngoài bông hoa ấy. Nếu hiểu ở sự thật thông thường thì bức tranh như là giả tưởng. Thế nhưng ở một sự thật cao hơn, là ta đang vẽ ánh sáng sức sống của chính cành hoa ấy, không phải là ánh sáng của mặt trời chiếu vào mà là sự toả sáng của tâm hồn (hay của thể Etheric).

Trẻ mầm non cần trải nghiệm màu sắc hơn là cần học vẽ một bức tranh cho đẹp, cho giống thật. Ở lớp học Steiner, trẻ mầm non không được dạy bất cứ kỹ thuật vẽ nào (dù là tô màu trong ô, vẽ theo mẫu…) mà trẻ được quan sát quá trình cô giáo chuẩn bị cho hoạt động vẽ màu nước, từng bước chậm rãi, cách sắp xếp mọi thứ đẹp đẽ, chỉn chu, thể hiện sự trân trọng từng việc mình làm – ấy là cử chỉ đúng để trẻ quan sát và học tập. Không chỉ là cử chỉ bề ngoài, cử chỉ nội tâm mới là thứ quan trọng mà trẻ mầm non có khả năng trực nhận dù không thấy bằng mắt thường. Giả sử một người mẹ vụng về cầm bút, nhưng mẹ vẽ bức tranh bằng cả trái tim yêu thương của mình thì trẻ sẽ cảm nhận được và tin rằng bức tranh của mẹ là đẹp nhất. Hiểu điều này để ta biết rằng trẻ thực sự học được điều gì từ những thứ ta mang đến, như một câu dạy đối với các giáo viên rằng “You have no idea how unimportant is all that the teacher says or does not say on the surface, and how important what he himself is as teacher” (Tạm dịch: Những điều người giáo viên lựa chọn nói ra hay không nói ra trước mặt trẻ kì thực chẳng quan trọng như bạn nghĩ. Điều có giá trị hơn cả (để giáo dục) là bản thân người giáo viên là người như thế nào.)

Trong giáo dục Steiner, người giáo viên cần cho trẻ quan sát thấy sự thật. Khi vẽ tranh, ta sẽ vẽ thân cây đi từ dưới lên trên, rồi mới đến lá, đến hoa, đến quả. Hoặc vẽ một con gà thì sẽ bắt đầu từ một quả trứng, rồi chân, đuôi, cổ đi ra từ quả trứng. Trẻ cần được nhìn thấy chuyển động đúng đắn của tự nhiên. Quá trình quan trọng hơn kết quả – đó là một trong những bài học được nhấn mạnh trong nền giáo dục Steiner.

~ Bài ghi từ buổi sinh hoạt chuyên môn về “Màu nước và nội tâm con người”, mầm non Koi, 1/2024.

~ Người hướng dẫn: cô Đinh Hương Quỳnh, giáo viên nghệ thuật cấp trung học, trường Đồng Xanh (Sài Gòn).