Bú mẹ dưới góc nhìn nhân chủng học

Trong bài viết này mình sẽ chia sẻ thông tin về mối quan hệ nguyên nhân kết quả giữa bú mẹ và sự phát triển của hộp sọ, nền tảng sức khỏe và tuổi thọ của một con người.

Hãy quan sát một em bé sơ sinh!

Thân hình đó, khuôn mặt đó, chân tay đó… tác phẩm kỳ diệu của tạo hóa đó là kết quả lao động của chính em bé khi nằm trong bụng mẹ. Em bé đã, đang và sẽ luôn là người tự sáng tạo ra chính mình cả thể chất và tinh thần. Bạn biết đấy, khi em bé trong bụng mẹ, không ai có thể can thiệp được vào danh sách việc cần làm của bé thì cả cuộc đời về sau không ai có thể làm hộ bé sứ mệnh tự xây dựng con người mình được.

Em bé sinh ra đã có phản xạ tìm vú mẹ. Em bé làm điều này với nhiều mục đích khác nhau, nhưng quan trọng nhất là tìm lại sợi dây liên kết gắn mình với mẹ, bầu ngực mẹ thay bánh nhau, đầu ti mẹ thay dây rốn, em bé cần được cảm thấy là một với mẹ như xưa. Mùi ngực mẹ giống mùi nước ối mà em bé sống trong đó. Em bé bú mẹ, kích hoạt phản xạ tiết sữa của mẹ. Em bé bú mẹ giúp mẹ co tử cung, giảm chảy máu và tống sản dịch ra ngoài. Người mẹ tiết ra hormone oxytocin, hormone tình yêu và tận hưởng cảm giác chưa bao giờ biết đến trong đời về tình yêu vô điều kiện dành cho con người nhỏ bé là con mình. Hai mẹ con thiết lập mối quan hệ song phương. Tiếng Việt hay nói cho con bú chỉ mối quan hệ một chiều từ người mẹ sang con, nhưng thực ra là người con cũng trao cho mẹ nhiều như nhận từ mẹ. Từ giờ mình sẽ luôn viết là nuôi con bú mẹ thay vì cho con bú mẹ để tôn trọng mối quan hệ song phương này.

Xưa các cụ có câu TAY LÀM HÀM NHAI, TAY QUAI MIỆNG TRỄ xét dưới góc độ nhân chủng học là rất chuẩn xác. Đầu trẻ sơ sinh chiếm ¼ chiều dài cơ thể, tỉ lệ đó ở người trưởng thành là 1/7. Hộp sọ phần lớn chứa não, mặt em bé sơ sinh tròn, nhỏ, ngắn, dẹt (nông) chưa phải là khuôn mặt sau này khi trưởng thành. Cấu trúc xương mặt của em bé trong tương lai: hốc mắt to hay nhỏ, mũi cao hay thấp, mặt nông hay sâu, hàm én hay hàm nhọn, xương gò má cao hay thấp, cung răng rộng và đẹp đủ chỗ cho 32 răng hay hẹp, lệch khớp cắn, các xoang rộng để giọng nói sau này của bé hay, âm, vang hay nhỏ hẹp thều thào nói không có thanh tướng, đường thở rộng hay hẹp… sẽ do chính em bé tự mình nỗ lực lao động để tự thiết kế khuôn mặt của mình qua từng cữ bú. Nghe lạ quá phải không? Nhưng đó chính xác là kết quả dài hạn bên cạnh kết quả ngắn hạn là no bụng sau mỗi cữ bú.

Hộp sọ người có 22 xương, 8 xương sọ và 14 xương mặt. Tuy nhiên, xương duy nhất có thể chuyển động được và hỗ trợ việc bú mẹ của trẻ là xương hàm dưới. Em bé bú mẹ hoàn toàn trong sáu tháng đầu đời là 6 tháng x 30 ngày x 8 cữ một ngày x 30 phút = 43.200 phút = 720 giờ lao động. Đương nhiên em bé sẽ tiếp tục bú mẹ và giảm dần khi một tuổi. Em bé lao động như thế sẽ có cung răng rộng, lưỡi có đủ chỗ, đường thở sẽ thông thoáng. Đặc biệt, xương hàm dưới sẽ phát triển nhô ra và khớp với nhau chứ không bị trễ xuống như các em bé không bú mẹ.

Bú mẹ và mút sữa từ bình là hai động từ hoàn toàn khác nhau. Khi các phương tiện truyền thông, sách vở, tài liệu nói và viết là bú bình, họ đã đánh tráo khái niệm để lừa dối các bà mẹ. Động từ “bú” chỉ dùng cho em bé bú mẹ. Em bé uống sữa từ bình dùng các nhóm cơ khác hoàn toàn và thực hiện hành động mút. Mút sữa từ bình sẽ làm vòm miệng cao lên thay vì dài ra, cung răng ngắn lại, các xoang bị thu hẹp, đường thở thu hẹp, lưỡi không có đủ chỗ trong khoang miệng, mặt nông, hộp sọ của bé sẽ có một khung hình hoàn toàn khác.

Mút sữa từ bình làm bé ăn nhanh hơn rất nhiều dẫn đến giảm thời gian ăn, em bé chưa thỏa mãn môi miệng và phản xạ bú nên sẽ khóc quấy, lúc đó người lớn sẽ cho em bé ngậm và mút ti giả. Hậu quả của ti giả là em bé luôn trong tình trạng há miệng, xương hàm dưới trễ xuống. Nếu em bé ngậm ti giả cả đêm thì xương hàm dưới sẽ trễ xuống cả đêm dẫn đến thói quen thở miệng. Em bé thở miệng thường có những đặc điểm sau: khuôn mặt dài, hẹp, miệng hẹp, cười hở nướu, sai khớp cắn, lưng gù, thở gấp, khó tập trung và gặp khó khăn trong việc phát âm sau này.

Chưa hết, do thở miệng nên em bé thở hết hơi ẩm qua miệng dẫn đến miệng khô, môi khô, nẻ, chảy máu và thường xuyên thức dậy giữa đêm vì khô miệng. Em bé lớn sẽ thức dậy giữa đêm vài lần để uống nước dẫn đến giấc ngủ bị gián đoạn và không có một giấc ngủ chất lượng cần thiết cho sự phát triển thể chất cũng như tâm trí cần có trong độ tuổi đang lớn. Em bé thở miệng sẽ thở nông, thở gấp nhiều nhịp trong một phút, lượng oxy trong máu thấp, có nguy cơ cao huyết áp và suy tim. Thở miệng cũng làm giảm chức năng phổi dẫn đến hen suyễn.

Em bé bú mẹ toàn bộ là em bé phát triển cân bằng hai nửa cơ thể do mẹ thay đổi bên bú và ôm con cả hai bên tay đều nhau nên hộp sọ phát triển đều các bên, trong khi em bé mút bình thường chỉ được mẹ ôm tay trái vì tay phải, tay thuận là tay cầm bình sữa nên em bé chỉ được kích thích một nửa phải của cơ thể.

Hộp sọ của em bé bú mẹ hoàn toàn khác với hộp sọ em bé mút bình sữa vì khi xương còn mềm, em bé được cân bằng giữa thời gian nằm ngửa, thời gian mẹ ôm tay trái, thời gian mẹ ôm tay phải, thời gian nằm sấp nên hộp sọ tròn, rộng, đủ chỗ cho não phát triển. Cộng với việc em bé bú mẹ lao động chăm chỉ nên xương mặt phát triển, xương hàm rộng đủ chỗ cho 32 răng sau này, hố mắt rộng đủ chỗ cho đôi mắt phát triển hết kích cỡ, các xoang rộng giúp em bé dễ thở, đủ chỗ cho không khí trước khi đi xuống phổi kịp ấm và ẩm hóa.

Nếu em bé được bú mẹ toàn bộ, hộp sọ sẽ khác, cách thở sẽ khác, nhịp thở sẽ khác, hệ hô hấp, hệ tuần hoàn, hệ tiêu hóa, hệ thần kinh sẽ khác, sức khỏe sẽ khác và tuổi thọ sẽ khác.

Vậy nên, sau khi có đủ thông tin, có thể các mẹ sẽ thay đổi và quay về nuôi con bú mẹ. Với các em bé dưới một tuổi, độ tuổi bú mẹ, hãy tận hưởng thời gian con bú mẹ. Với các em bé đã ăn dặm, giới thiệu đồ ăn cần nhai, bỏng gạo, bỏng thanh, bánh quy ăn dặm (mẹ có thể tự làm), bánh mỳ nguyên cám, thanh rau củ luộc, hoa quả hãy để có cả chất xơ. Ví dụ như ăn bưởi, cam, quýt ngọt thì mẹ cầm cho bé cắn, nhai, mút ăn cả các tép. Ở Việt Nam có mía, bạn có thể dùng thanh mía đã chẻ tư thay cái gặm nướu giúp bé tách lợi bên cạnh việc học nhai.

Với các em bé đã trên một tuổi, các cha mẹ có thể khắc phục hậu quả và lập lại thói quen ăn mới tốt hơn cho sự phát triển của hộp sọ bằng các cách sau:

Sắp xếp thời gian để ngày ba bữa em bé có 30 – 60 phút ngồi vào bàn ăn đàng hoàng chậm rãi, từ tốn.

Tập lại phản xạ nhai để cải tạo xương hàm. Làm mẫu vừa ăn vừa nhai để con học theo. Việc này khó hơn bạn tưởng đấy vì người lớn cũng lười nhai.

Dừng hoặc hạn chế tối đa đồ ăn lỏng, đồ ăn nuốt chửng ví dụ sữa bột, váng sữa, sữa chua, sinh tố, nước trái cây, cháo, bún, phở, bánh đa… Đưa đồ ăn thô, phải nhai nhiều vào thực đơn: ngô nếp luộc, khoai lang luộc, thanh mía, thanh rau củ luộc, mực khô xé, bò khô tự làm xé, sắn dây luộc, củ dong giềng, gà ta, cùi dừa, bánh đa nướng.. để em bé tự ăn.

Giới hạn lượng thức ăn trên đĩa từng miếng một để em bé thực sự nhai kỹ thức ăn trong miệng rồi mẹ gắp cho miếng thứ hai.

Dừng ăn cơm chan canh nuốt chửng cho nhanh chuyển thành ăn cơm và có một bát canh bên cạnh, muốn ăn canh thì xúc một thìa canh ăn riêng rồi lại ăn cơm.

Nghiêm túc trong việc ngăn mình xúc cho con để em bé ăn độc lập, khi tự ăn chậm hơn, em bé cũng sẽ nhai kỹ hơn.

Người Việt có câu, cái răng cái tóc là góc con người. Bạn không thể nhìn được hộp sọ, khoang xoang, hay điều tra lịch sử một con người từ những lúc chính họ cũng không nhớ được nhưng bạn có thể nhìn thấy khung xương hàm và hàm răng khi cười. Một người có đủ 32 răng trắng và đều tăm tắp như hạt na chắc chắn là người khỏe mạnh về thể chất. Hy vọng bài viết này sẽ giúp bạn có đủ thông tin để giúp con mình một cách tốt nhất có thể.

Chúc cho các em bé tương lai có đủ bốn cái răng khôn!

___

Bài: Nhà giáo Lê Mai Hương, hiện đang sống và làm việc tại Hà Lan.
Ảnh: Juan Jose Porta, Unsplash.