Câu chuyện về giờ ăn ở Mầm non Koi

Cho con ăn sao vất vả quá!

Từ ngày chúng tôi bắt đầu mở những ngôi trường mầm non đến nay đã hơn 7 năm, chúng tôi gặp không biết bao nhiêu bố mẹ khổ sở với việc ăn uống của con mình. Và khi quan sát các trường mầm non, chúng tôi cũng phải thành thực mà nói rằng nó quá buồn chán, vất vả cho cô giáo và mệt mỏi với trẻ con. Theo quy định của ngành mầm non, cô giáo không ăn cùng trẻ, và thế nên ở các trường làm đúng quy định ấy cô giáo chỉ còn một nhiệm vụ phục vụ nhiều đứa trẻ trong giờ ăn. Hết đút cho trẻ này, đợi con ngậm chán chê miếng cháo xay hay cơm nát, cô vừa mệt mỏi chờ đợi vừa với tay sang đút cho bạn khác, và tất nhiên bạn này sẽ không ngoại lệ, ngậm miếng cháo miếng cơm chẳng ngon lành gì cho đến khi vì sợ cô mà nuốt chửng, có khi là trong nước mắt.

Tôi mô tả thật theo quan sát của mình và theo lời kể của các cô giáo mầm non không nhằm mục đích phê phán, mà bởi tôi thực sự thương các cô, các con.

Tại sao cái cực hình ăn uống đó cứ mãi không thay đổi?
Tại sao?

Và thế nên chúng tôi đã quyết tâm thay đổi, làm khác đi cái quy định kia.

Giờ ăn ở Koi thế nào?

Ngôi trường đầu tiên chúng tôi mở ra, cô và trò ngồi ăn cùng nhau như trong một gia đình, trẻ không ăn cháo xay nhuyễn ngay từ 12 tháng. Thành quả mà chúng tôi đạt được là trẻ nào cũng ăn ngon, một bạn bé 5 tuổi đến trường vẫn còn ăn cháo xay (dẫn đến cơ hàm không phát triển, hàm ngắn, răng hỏng) sau 1 tháng ở trường đã ăn cơm ngon lành và từ đó bỏ cháo.

Đó là ngôi trường đầu tiên, và giờ đây với Koi thậm chí các bạn được nhiều hơn như thế nhiều vào mỗi giờ ăn, không chỉ còn là ăn uống ngon miệng, vui vẻ, biết tự ăn mà không cần cô xúc ngay từ 15-18 tháng. Mà hơn thế, mỗi giờ ăn các con học thêm nhiều giá trị về lòng biết ơn, về cái đẹp, về những quy tắc ứng xử thanh lịch khi ăn, về nề nếp, kỉ luật.

Tiếng hát đầu giờ ăn là lời cảm ơn đến người nấu bếp, đến bông lúa, luống khoai, đến người trồng lúa trồng khoai, và tiếng hát nhẹ nhàng của các con, của cô cũng là một dấu hiệu ngừng lại các nô đùa để ở bên nhau và ở trong bữa ăn.

Các con bé tẹo cũng rất nhanh ngấm được điều này và thích thú về nhà bắt bố mẹ cùng nắm tay hát bài hát cảm ơn trước mỗi bữa ăn.

Bàn ăn bày biện chỉn chu, ngay ngắn và thật đẹp, với lọ hoa, với khăn ăn được cô thêu tay những hình ảnh riêng cho từng bạn, với bát sứ trắng sạch thơm tho…những thứ bé xinh này lại là bài học về mỹ cảm, về màu sắc, về bố cục, về hội họa hiệu quả với các con hơn nhiều những giờ học ngồi im trên ghế nghe thầy cô giảng giải.

Sự chỉn chu từ thầy cô giáo trong từng động tác, từng cách sắp xếp sẽ ngấm vào trẻ một cách tự nhiên, và đó là nền móng sâu và chắc cho những tính cách tốt đẹp, những phong cách lịch duyệt được hình thành. Thức ăn ngon lành mà giản dị, sạch từ nguồn gốc đến cách chế biến thanh nhẹ cũng là yếu tố khiến giờ ăn thật vui, thật nhanh.

Chẳng bạn nào cần cô động viên ăn uống nữa dù trước khi đến trường bạn có khó ăn khó tính đến đâu.
Thầy cô giáo ngồi ăn cùng các con, rất hạn chế việc phục vụ trẻ mà kiên nhẫn chờ đợi để các bạn được tự làm, tự phục vụ từ những việc có vẻ khó khăn với con như bê một bát canh đầy từ chỗ cô ngồi quay trở về chỗ ngồi của mình, đến việc nhặt những hạt cơm rơi vãi dưới sàn sau mỗi bữa ăn.

Đó thực sự là những bài học giá trị mà trẻ ít khi được làm khi ở nhà, bởi người lớn vội vã, hoặc đôi khi vì quá lo lắng con làm vỡ bát đĩa gây chảy máu, bẩn nhà…

Ở Koi, các bạn được dõi theo, được kiên nhẫn chờ đợi và tạo mọi cơ hội để tự làm, để mỗi ngày nới rộng hơn ra khả năng của mình.