Tìm hiểu về vòng xoắn ốc trong lễ hội Ánh sáng

KHU VƯỜN MÙA ĐÔNG HAY XOẮN ỐC MÙA VỌNG LÀ GÌ?
Nguồn bài viết: Waldorf Publications
Khu vườn ánh sáng
Trong một khu vườn mùa đông,
Bóng tối bao phủ trái đất,
Mẹ Trái đất đang chờ đợi, chờ đợi, chờ đợi
Chờ hạt giống của Mẹ nảy mầm.

Trẻ nhỏ thường sợ bóng tối. Trên thực tế, nhiều người trưởng thành cũng e sợ bóng tối. Cuối thu lập đông, ngày ngắn lại và bóng tối bao trùm vạn vật, các lễ hội diễn ra đánh dấu thời điểm này, cho đến ngày ánh sáng bắt đầu tràn ngập trở lại.

Trong tháng 12, ngày trở nên tối tăm nhất. Ở các trường Waldorf, ngay sau Lễ Tạ ơn, có một lễ kỷ niệm gọi là Khu vườn Mùa đông, hay Khu vườn Mùa Vọng (hay Lễ hội Ánh Sáng). Mùa Vọng có nghĩa là “sẽ tới” và ngoài thuật ngữ này được sử dụng trong một số lễ kỷ niệm tôn giáo, có nghĩa là thông báo sự xuất hiện của ánh sáng.

Karl König, một bác sĩ nhân chủng học vào đầu thế kỷ 20, đã phát minh ra lễ kỷ niệm này cho các Làng Camphill. Lễ hội nhằm giúp các thành viên cộng đồng hình dung về nhu cầu ánh sáng trong bóng tối và thực hành chánh niệm mong chờ sự trở lại của ánh sáng. Nhiều nền văn hóa và tôn giáo tổ chức các lễ kỷ niệm vào thời điểm tháng 12 này trong năm: lễ Hanukkah, Giáng sinh và Ngày chí Druid, v.v.

Đối với Xoắn ốc Mùa Vọng hoặc Khu vườn Mùa đông, trẻ sẽ vào một căn phòng tối với lấp đầy bởi những cây xanh xếp lại với nhau tạo thành hình xoắn ốc trên sàn nhà. Giáo viên sẽ đảm nhận chuẩn bị chu đáo vòng xoắn ốc xanh này. Những cây xanh tạo thành con đường cho trẻ em đi bộ theo hình xoắn ốc vào trung tâm. Vòng xoắn ốc xanh được điểm xuyết bằng pha lê, thực vật có hoa và các báu vật khác. Ở trung tâm của hình xoắn ốc là một ngọn nến. Một đứa trẻ bước vào căn phòng tối mang theo một cây nến thắp sáng. Thường thì đứa trẻ này có thể mặc áo trắng trông như thiên thần. Đi thật chậm rãi quanh vòng xoắn ốc nhằm hướng dẫn cho những trẻ đang quan sát cách thực hiện, một cách chậm rãi và toàn tâm, “thiên thần” sau đó thắp nến chờ ở tâm vòng xoắn.

Sau đó, lần lượt từng trẻ đi đến điểm bắt đầu của vòng xoắn ốc. Trẻ nhận từ giáo viên một quả táo khoét lỗ có cắm một ngọn nến bên trong. Đứa trẻ đi theo hình xoắn ốc với ngọn nến chưa thắp, di chuyển đến trung tâm và thắp nến bằng ngọn nến trung tâm đã được đặt lên bởi đứa trẻ đầu tiên, “thiên thần” của Khu vườn mùa đông. Sau khi ngọn nến được thắp sáng, đứa trẻ cẩn thận đi ngược lại vòng xoắn ốc và tìm một vị trí trên vòng để đặt quả táo cùng ngọn nến sáng xuống. Sau đó, đứa trẻ tiếp theo thực hiện nghi thức tương tự. Mỗi đứa trẻ đều có một lượt cho đến khi tất cả các trẻ đều có cơ hội thắp một ngọn nến và đặt nó vào hình xoắn ốc. Nhạc được chơi tràn ngập căn phòng trong khi bọn trẻ đi dạo trong vườn và thắp nến.

Vào cuối buổi lễ, vòng xoắn ốc sẽ ngập tràn ánh sáng, được thắp lên bằng tất cả những ngọn nến của trẻ em. Điều này mang đến cho các em một bức tranh đầy mạnh mẽ về sức mạnh của ánh sáng trong màn đêm, về ngọn nến của một người góp phần tạo nên ánh sáng tuyệt vời với những người khác trong thế giới tăm tối như thế nào, về ánh sáng đến từ mỗi chúng ta. Nó đưa ra một lời nhắc nhở về sự biến đổi hằng niên của mặt trời từ yếu thành mạnh mẽ vào Đông chí. Lặng lẽ trong bóng tối chờ đợi ánh sáng trở lại, góp một chút sức lực của mỗi người để làm cho thế giới tươi sáng, là những bài học cuộc sống quan trọng cần được trang bị.

VÒNG XOẮN ỐC MÙA ĐÔNG
Nguồn bài viết: Syringa Mountain School
Lược dịch bởi @cộng đồng Steiner-Waldorf Việt Nam-SWAVN

Đi quanh vòng xoắn ốc là một lễ hội được tổ chức ở hầu hết các trường Waldorf vào đúng hoặc gần ngày đông chí. Truyền thống này tôn vinh chu kỳ ánh sáng và bóng tối theo các mùa trong năm, người tổ chức sắp đặt một lối đi trong mê cung đơn giản có hình xoắn ốc. Mọi thứ về vòng xoắn ốc đều là những biểu tượng có ý nghĩa riêng: Từ hình dạng của vòng xoắn ốc đến những quả táo đỏ, những cành cây có lá xanh, nến sáp ong và các đồ vật được đặt trong vòng xoắn ốc.

🐚 VÒNG XOẮN ỐC là một trong nhiều hình mẫu của tự nhiên, có thể thấy được hình mẫu này trong vỏ sò, hoa, quả thông, đầu ngón tay và các thiên hà. Trong lễ hội tôn vinh sự trở lại của ánh sáng đến thế giới này, chúng ta sử dụng hình xoắn ốc để thể hiện nhịp điệu theo mùa cũng như thể hiện hành trình chiêm nghiệm để tìm thấy “ánh sáng” bên trong của chính mình.

Sự khởi đầu của con đường xoắn ốc đánh dấu ngày hạ chí. Khi chúng ta đi xoắn ốc vào bên trong mê cung, nó tượng trưng cho việc tiếp diễn của mùa và qua mùa thu, thời điểm ngày dần ngắn lại. Tâm của hình xoắn ốc tượng trưng cho ngày đông chí: Thời điểm đen tối nhất trong năm. Ở đây, chúng ta dừng lại ở tâm điểm trước khi quay ngược ra ngoài, tức là qua mùa xuân đến ngày hạ chí (*).

Hành trình mà mỗi đứa trẻ đi qua vòng xoắn ốc cũng đại diện cho hành trình nội tâm tìm thấy “ánh sáng” bên trong chúng. Sâu thẳm trong mỗi chúng ta, chúng ta khám phá vẻ đẹp, sức mạnh, ý tưởng của bản thân, và cả những món quà mà chúng ta trao tặng cho thế giới. Sau khi thấm nhuần những khám phá này, chúng ta trở nên rạng rỡ hơn và trao tặng ánh sáng từ nơi ta ra ngoài thế giới.

🍎 TÁO ĐỎ: Táo đỏ thường được dùng làm giá đỡ nến trong vòng tròn xoắn ốc và buổi lễ. Ẩn mình bên trong quả táo là hạt mầm đang kiên nhẫn chờ đợi trong bóng tối, chờ tới khi nảy mầm. Những quả táo biểu trưng cho những hạt giống ẩn chứa năng lực của chúng ta. Chúng ta chưa thấy thành quả tâm sức của mình dành cho các em học sinh, nhưng sâu bên trong mỗi em là hạt giống của những người trưởng thành mà các em sẽ trở thành sau này.

🌲CÂY CÓ LÁ XANH: được tìm thấy trong nhiều câu chuyện thần thoại, thường tượng trưng cho cây sự sống. Đây là những cây sống được qua mùa đông mà không cần “ngủ đông”. Chúng đại diện cho sức mạnh tái tạo của cuộc sống, thiên nhiên và các mùa. Sử dụng những cành cây có lá xanh để thể hiện sự phong phú bền vững của sự sống trên hành tinh chúng ta.

🕯️NẾN SÁP ONG: Trong văn hóa Trung Quốc, nến sáp ong được coi là biểu tượng của tình yêu vĩnh cửu và sự ấm áp. Chúng ta sử dụng chúng như ánh sáng của chính mình trong bóng tối để tượng trưng cho tình yêu trường tồn.

🌸 VƯƠNG QUỐC THIÊN NHIÊN: Tôn vinh sự sống đa dạng trên hành tinh của chúng ta bằng cách đặt giữa các cành cây có lá xanh những đồ vật tượng trưng cho vương quốc thiên nhiên: khoáng vật, thực vật và động vật. Chúng ta có thể dùng pha lê, vỏ sò, lông vũ, quả thông, quả mọng, cam và táo nằm dọc theo con đường xoắn ốc.

(*) Ngày Hạ chí diễn ra vào mùa hè – tháng 6 và ngày Đông chí diễn ra vào mùa đông – tháng 12. Ngày Hạ chí thì Mặt trời nằm cao nhất về hướng Bắc nên ngày dài nhất, ngày Đông chí thì Mặt trời nằm cao nhất về hướng Nam nên đêm dài nhất.