Chuyện kể cho trẻ: Sự tích bánh chưng, bánh giày

Vào đời Hùng Vương thứ 6, sau khi dẹp xong giặc Ân, nhà vua có ý truyền lại ngôi báu. Nhưng vua có những 20 người con trai – gọi là các lang, không biết chọn ai cho xứng đáng. Vua bèn cho gọi các con lại và bảo :

“Tổ Tiên ta từ thuở dựng nước, đã truyền được sáu đời, giặc Ân nhiều lần xâm lấn bờ cõi, nhưng nhờ phúc ấm Tiên vương, ta đều đánh đuổi được. Nay, đất nước thái bình, nhưng ta già rồi, không sống mãi ở đời, người nối ngôi ta phải nối được chí ta, không nhất thiết phải là con trưởng. Tết năm nay, nếu ai tìm được thức ăn ngon lành, ý nghĩa nhất để dâng cúng Tổ Tiên thì ta sẽ truyền ngôi cho người đó”.

Nghe vua phán, các lang liền cho người lên rừng xuống bể, cố công tìm kiếm cho được của ngon vật lạ. Trong khi đó, lang Liêu – con trai thứ 18 của vua Hùng, có mẹ xuất thân nhà nông lại mất sớm nên so với các anh em, chàng thiệt thòi nhất. Lang Liêu tính tình hiền lành, chịu khó, từ nhỏ chăm lo việc đồng áng, trồng lúa, trồng khoai. Nhớ lời vua cha, chàng suy nghĩ lung lắm, đã mất ngủ mấy đêm.

Một hôm, khi ra đồng thăm lúa, ngắm nhìn những ruộng lúa bạt ngàn tuơi tốt, những người nông dân chịu thương cúi khó, tần tảo sớm hôm làm ra hạt gạo, chàng bỗng nảy ra mong muốn: “Tại sao ta không làm ra thức ngon từ chính cây lúa mà ta gieo trồng, chăm sóc bao ngày tháng, từ chính hạt gạo nuôi sống ta hàng ngày?”. Thế là lang Liêu lại tiếp tục suy nghĩ tìm cách làm ra món ăn từ lúa gạo. Đêm hôm ấy mệt quá, chàng ngủ thiếp đi, trong giấc mơ, chàng mộng thấy một ông cụ râu tóc bạc phơ, phong thái uy nghiêm nhưng nở nụ cười hiền từ bảo chàng:

“Này con, vật trong trời đất không gì quý bằng hạt gạo, con hãy lấy gạo nếp làm thành bánh hình tròn và hình vuông tượng hình Trời và Đất. Con hãy lấy lá bọc ngoài, đặt nhân trong ruột bánh để tượng hình cha mẹ sinh thành”. Lang Liêu vô cùng mừng rỡ, chàng cúi người cảm ơn ông cụ, khi ngẩng lên thì ông cụ đã biến mất.

Chàng tỉnh dậy, lòng hân hoan mong trời mau sáng để cùng người dân làm bánh. Lang Liêu chọn gạo nếp ngon, lấy thịt lợn và đỗ xanh đặt vào giữa làm nhân bánh, lấy lá dong gói bọc bên ngoài thành hình vuông vức, bỏ vào nồi chưng chín. Lại đem gạo nếp đồ chín giã mịn, nặn thành hình tròn.

Đến ngày lễ Tổ, dân chúng khắp nơi đổ về Phong Châu để xem ai sẽ lên nối ngôi, các lang lần lượt đem thức ăn đến dâng cỗ cúng. Chao ôi, bao nhiêu là của ngon vật lạ, sơn hào như nem công chả phượng, tay gấu gan tê…; hải vị như yến sào vi cá, hải trư, đẹn biển… Duy chỉ có lang Liêu dâng mâm cỗ đơn giản với hai loại bánh. Vua Hùng lấy làm lạ hỏi chuyện, chàng kể laị chuyện được Thần báo mông, vua cha nếm thử thấy bánh ngon lại càng thấm thía ý nghĩa của hai loại bánh, liền chọn món của lang Liêu để dâng cúng Tổ Tiên.

Lễ xong, vua phán:

“Hai món bánh này xứng đáng đứng đầu các thứ cỗ. Nó bày tỏ lòng biết ơn với Trời Đất, hiếu thảo với cha mẹ lại chan chứa tình yêu đối với ruộng đồng, quê hương. Bánh dễ làm, đều từ nguyên liệu gần gũi thân thuộc với dân chúng. Bánh tròn tượng Trời, bao la vô tận, ta đặt tên là Bánh Giày. Bánh vuông tượng Đất, bên trong chứa thịt mỡ, đậu xanh tựa như trên Đất có muông thú, cỏ cây; lại như con cái được cha mẹ sinh thành dưỡng nuôi. Lá dong bọc ngoài, mỹ vị để trong ngụ ý trăm họ đùm bọc nhau. Lang Liêu dâng lễ vật ý nghĩa nhất, rất hợp ý ta, vậy Liêu sẽ nối ngôi ta, xin Tiên vương chứng giám”.

Lang Liêu lên ngôi, lấy hiệu là Tiết Liêu Vương – đó chính là vua Hùng thứ 7. Từ đó trở đi, dịp Tết Nguyên Đán hàng năm, nhân dân lại làm bánh Chưng bánh Giày để dâng cúng Tổ Tiên, Trời Đất

Mầm non Koi sưu tầm.