Bạo lực của trẻ con sinh ra từ đâu?

Tối nay đến nhà bạn ăn cơm, cô chị 5 tuổi đến giờ ngủ mà mẹ chưa về cho ngủ, mệt mỏi và bất an đánh nhau với em liên tục. Mẹ hiểu và chỉ biết nhủ với mình lời xin lỗi con gái. Mẹ nhìn ra được nguyên nhân sâu xa nhất của tất cả những biểu hiệu tiêu cực của con và đang trong trải nghiệm của quá trình phục hồi, sửa chữa trên chặng đường dài vạn dặm của mẹ con mình.

Khi về bạn hỏi: bọn trẻ con bạo lực vậy là do đâu? Và bạn tự trả lời: do bản năng. Mẹ thì nghĩ: là do mẹ.
Mình không tin bản năng con người là bạo lực và tàn ác. Con người sinh ra từ yêu thương và để yêu thương, chỉ chính cái thế giới con người tạo ra đã phá hủy bản năng yêu thương đó. Bức ảnh chụp một người con gái rớm nước mắt, ngực để trần với đầy vết cào xước, những vết cắt rớm máu ở XQ sử quán làm mình bị ám ảnh mãi. Hôm nay lại nhớ đến nó khi nghĩ về chuyện bạo lực của con trẻ, hay chính là của con người. Maria là một nghệ sỹ, cô đặt trước mặt mình rất nhiều vật dụng: một bông hoa hồng, một cuốn sách, một khẩu súng, một cái kéo….bao gồm những vật dụng êm ái và bạo lực trước một đám đông không hề biết cô là ai. Cô cam kết với tất cả khán giả trước mặt cô: tôi sẽ chỉ im lặng, hoàn toàn bất động và im lặng, không phản ứng trước bất cứ hành động nào của các bạn trong 6h, các bạn có thể làm bất cứ điều gì với những vật này trên cơ thể tôi. Và trong mọi cuộc trình diễn, điều cô nhận được đều giống nhau. Ban đầu đám đông e dè, bắt đầu với những vật êm ái như hoa hồng, sách…để chạm vào cô, cô hoàn toàn bất động…Rồi sau khi họ tin chắc chắn họ có thể làm gì tùy thích và cô sẽ chỉ bất động, những gì cô nhận được là sự nhục mạ, bạo lực tăng dần lên, ban đầu là cào xước bằng hoa hồng, chửi rủa, xé áo,cắt da…Và đỉnh điểm của đám đông bạo lực là có người đàn ông dùng khẩu súng định bắn vào đầu cô, cô vẫn bất động và một người khác cướp lại khẩu súng. Hết thời gian 6h, cô thoát khỏi trạng thái bất động và đám đông sợ hãi bỏ chay. Mình đã khóc khi đọc chú thích của bức ảnh ố nhòe này ở XQ sử quán. Tại sao con người lại có thể đối xử với nhau đến thế? Là do năng lượng quá khích của đám đông hay ẩn sâu trong mỗi con người là một con thú tàn ác? Mình vẫn muốn tin con người sinh ra từ yêu thương và để yêu thương, nó chỉ bị xóa nhòa đi và che phủ bằng bạo lực do chính con người.

Vậy nguyên nhân sâu xa của bạo lực là do đâu? Tất cả những ganh ghét, đố kỵ, hận thù, bạo lực…có lẽ chỉ đều từ một nguyên nhân sâu xa nhất là sự bất an nội tâm, là một tâm hồn yếu đuối do thiếu vắng tình yêu thương, không phân biệt trẻ con hay người lớn. Trẻ con sẽ có những biểu hiện trung thực nhất, dễ nhìn nhất, người lớn chỉ biến hóa nó đi thôi và cũng chỉ để che mắt chính người lớn với nhau thôi, chứ không che giấu được với trẻ con.

Montessori dừng lại ở cái nhìn trẻ con là những thiên tài học tập bằng khả năng học tập thấm hút (hay thẩm thấu, tức học mà không cần phân tích, suy nghĩ), bà tập trung vào các kĩ năng mà trẻ con học được thông qua bắt chước. Steiner thì nhìn sâu hơn và khẳng định: trẻ con bắt chước mọi điều từ môi trường xung quanh, chúng không chỉ bắt chước hành động, đó là phần nhỏ nhất và dễ nhìn thấy nhất. Cái quan trọng hơn, và sâu xa hơn, chúng bắt chước cả suy nghĩ, cảm xúc của bạn. Vì thế sự cân bằng nội tâm, những giá trị nội tại của người lớn xung quang trẻ là yêu cầu trước tiên và quan trọng nhất.

Bắt đầu làm mẹ với năng lượng yêu thương và sự kiên nhẫn vô hạn, mẹ đã có một cô con gái nhạy cảm, dịu dàng vô cùng. Hai năm đầu đời của con đã chỉ có yêu thương và dịu dàng, không một lời nói to, không một cái nhíu mày, không một sự xáo trộn trong tâm mẹ dù thế giới xung quanh có ra sao. Và cũng chính mẹ, với những bất an nội tâm liên miên sau đó đã ảnh hưởng tiêu cực thế nào đến cô con gái nhạy cảm, đến chàng trai ương ngạnh mà dịu dàng vô cùng của mẹ. Sau tất cả những trải nghiệm của mẹ con mình thì mẹ tin khẳng định của ông Steiner về trẻ con là sâu sắc. Các con bắt chước không phải hành động nơi mẹ, mà bắt chước chính những cảm xúc của mẹ. Những hành động bạo lực chỉ là cái phô ra, bên trong đó mới là nguyên nhân, và nguyên nhân này là do mẹ.

Khi mẹ đã nhận ra lỗi lầm, không có lí do gì mẹ không sửa được lỗi, các con nhỉ, mẹ sẽ chỉ bình an và bình an, dù thế giới ngoài kia có ra sao. Và mẹ tin mẹ đủ sức ôm con chặt hơn nữa, thương con nhiều hơn nữa mỗi khi con hư, mỗi khi con gào thét hay có những hành động bạo lực…cho đến khi nào con bắt chước hoàn toàn tâm bình an ấy, để những cái ôm của mẹ con mình thật dịu dàng và chỉ là dịu dàng, để thấy con cười lấp lánh vui và thủ thỉ: con yêu mẹ!

Cô Nguyễn Thu Hương.