Chuyện kể nuôi dưỡng: Sự tích đèn ông sao

Ngày xửa ngày xưa, ở một ngôi làng nọ có hai cha con sinh sống bằng nghề làm đèn trung thu. Công việc này kéo dài suốt cả năm nhưng bận rộn nhất là khi bước vào tháng 8. Hằng ngày, người con ra đồng nhặt rơm rạ sau mùa gặt về phơi khô, giã dập rồi bện thành những manh giấy. Hai cha con hì hục cắt, dán, ghép thành hình trái bầu, trái bí quen thuộc rồi mài mực vẽ lên chiếc đèn hình mặt trăng, hình chú Cuội. Những chiếc đèn được bày đầy trong nhà, ngoài sân, đợi đến tháng tám là bày bán nơi phiên chợ huyện. Trẻ con trong làng và các làng bên cạnh đổ xô về mua đèn của hai cha con để chơi trung thu.

Ngày tháng trôi qua, công việc cứ lặp đi lặp lại. Người cha lấy làm hãnh diện vì đã mang lại niềm vui cho bọn trẻ. Ông cảm thấy hài lòng và thỏa mãn với những chiếc đèn trung thu mà hai cha con đã tạo nên. Nhưng người con thì không. Càng ngày anh càng nhận ra sự đơn điệu của những chiếc đèn bầu bí, những chiếc đèn giống hệt nhau về hình dáng, màu sắc, kích thước, và cả những hình ảnh được vẽ lên chúng.

Người con nung nấu ý định về một chiếc đèn trung thu mới khác với những chiếc đèn mà hai cha con đã làm qua bao năm nay. Nhưng khác như thế nào thì anh chưa nghĩ ra. Một đêm nọ, trong khi mãi mê nằm ngắm những vì sao trên trời, những vì sao với những vệt sáng lấp lánh kéo dài thành hình năm cánh đều đặn, người con chợt nảy ra ý định sẽ làm một chiếc đèn giống hệt như hình ngôi sao trên trời. Anh mừng rỡ bày tỏ ý nguyện ấy với cha, nhưng chẳng những không đồng tình, người cha lại đùng đùng nổi giận. Ông cho rằng nghề làm đèn trung thu do ông bà truyền lại từ bao đời, ông không muốn thay đổi hình dáng những chiếc đèn bầu bí, và cấm người con nhắc đến việc làm chiếc đèn trung thu mới.

Chàng trai buồn lắm nhưng vẫn không từ bỏ ý định này. Anh quyết tâm phải làm chiếc lồng đèn mới trong mùa trung thu tới. Ngày ngày, anh vẫn  làm những công việc quen thuộc cùng cha mình, nhưng đêm xuống anh lại lẻn ra sau vườn mày mò với công việc riêng của mình. Đầu tiên, anh đốn tre, hì hục chẻ, chuốt thành những chiếc que mảnh với độ dài, kích cỡ bằng nhau. Khó khăn nhất là lúc ráp khung, phải làm thế nào cho chiếc đèn giống hệt như ngôi sao trên trời. Chàng trai phải thức trắng đêm này qua đêm khác, tháo ra lắp lại  nhiều lần mới ra hình ngôi sao. Anh sung sướng treo chiếc khung lên cành cây hoa cườm thảo, rồi bắt đầu dán giấy lên hai mặt của năm cánh ngôi sao. Vô tình những cánh hoa cườm thảo rơi xuống bám vào mặt giấy tạo nên màu vàng rực rỡ, chàng trai bèn dán chúng vào năm cánh ngôi sao. Anh mong muốn chiếc đèn không chỉ đẹp về hình dáng mà còn lấp lánh màu sắc như những ngôi sao trên trời. Thế là anh cầm bút say sưa vẽ. Anh vẽ những đám mây làm nên bảy sắc cầu vồng. Trong lúc say mê làm việc, anh lỡ đâm ngòi viết vào đầu ngón tay. Máu nhỏ lên mặt giấy, thấm vào những đám mây tạo nên những sắc màu lấp lánh.

Chiếc đèn làm xong vừa lúc trăng lên và chàng trai kiệt sức gục xuống bên gốc cây hoa cườm thảo. Đêm ấy khi đám rước đèn đi qua ngõ nhà hai cha con, bọn trẻ ngạc nhiên nhận ra một quầng sáng lấp lánh nơi góc vườn. Chúng ùa vào rồi đồng loạt  reo lên khi trông thấy chiếc đèn ngôi sao tỏa sáng rực rỡ treo trên cây hoa cườm thảo. Bên dưới gốc cây là một chàng trai tuấn tú khôi ngô đang nằm thiêm thiếp. Bọn trẻ đỡ chàng trai vào nhà, cùng người cha đánh dầu, ủ ấm cho đến khi anh tỉnh dậy. Sau khi anh tỉnh dậy, chúng xin phép anh giong chiếc đèn ngôi sao mới đi khắp làng.

Kể từ đó trở đi, cứ mỗi mùa trăng rằm tháng 8 tới, bên cạnh những chiếc đèn bầu bí, sân nhà hai cha con đã xuất hiện những chiếc đèn ngôi sao lấp lánh, đủ màu sắc. Và bọn trẻ trong xóm luôn háo hức chờ đèn ông sao của hai cha con để đi rước đèn. Cho đến tận ngày nay, những chiếc đèn ấy vẫn luôn rực sáng mỗi khi trung thu đến. (Sưu tầm)