Ngày Tết truyền thống trong lòng người trẻ

Nếu được là một người con Việt, được nuôi dưỡng và lớn lên trong ngôi nhà Việt là một may mắn của đời người, như một con cá được bơi trong nước hồ ao nhà mình vậy. Một cách tự nhiên, văn hoá Việt chảy trong ta và cho ta những rung động tâm can với mọi thứ thân thuộc xung quanh: một tiếng rao trên phố, một gánh hoa nặng đôi vai, một que hương nghi ngút khói… Mỗi khi Tết đến, xuân về, tâm hồn ta lại thấy bồi hồi, nhớ về gia đình, quê hương, nhớ về ngày Tết Nguyên đán truyền thống – dù chỉ một lần được sống trong những ngày ấy thì những hương, những vị, những màu… của Tết khó mà phai mờ trong tâm trí. Những người Việt đã trải qua hai, ba chục “nồi bánh chưng” như các thầy cô mầm non nào khó để làm lại lễ hội Tết truyền thống cho trẻ nhỏ.

Nào bánh chưng xanh, câu đối đỏ, nào hành muối, mứt dừa, cây nêu, tràng pháo, mùi già, đào thắm, khói hương v.v… nào có khó gì nhìn ra ngày Tết ở trường. Thế nhưng ý nghĩa của ngày Tết là gì nếu không có những điều trên? Khi thời đại thay đổi, ngày Tết cũng đổi thay. Người già tha thiết tìm về quê quán, làm lại phong tục tập quán của ông cha; trong khi người trẻ phá cách, sáng tạo, tìm ra thế giới. Các em bé nhỏ thì sao nhỉ? Con cái trong nhà được ví như sợi dây màu nhiệm gắn kết giữa các thế hệ, giữa ông bà và cha mẹ, giữa cái mới – cái cũ, và sâu hơn là giữa những cái tôi, những tâm hồn người.

Giữa bộn bề của thời đại này, người trẻ như thầy cô giáo ở trường dành thời gian để ngẫm nghĩ về lễ hội Tết Nguyên đán truyền thống, trong mình và trong người, đặc biệt là trong những đứa trẻ mới tinh với Tết. Nguyện ước về một lễ hội Tết tưng bừng, trọn vẹn hương vị Tết Việt, thuận ý trời, đẹp lòng người – cũng giống như nguyện ước về một đứa trẻ tròn trịa sáng ngời vốn là nguyện ước chung của các thế hệ – nay là một cơ hội để người trẻ đi tìm hỏi người già về ngày Tết, cơ hội có dăm ba câu chuyện, mười mấy nụ cười, có khi thêm một cái ôm đã lâu rồi lãng quên. Ấy là điều chứa đựng ý nghĩa thực sự của Tết, mà nếu không có thì ngàn vạn bánh chưng hay câu đối đỏ cũng chẳng làm nên cái mùa xuân trong lòng người.

~ Ghi chép của một giáo viên Koi.