Vì sao sự phát triển bản thân của người chăm sóc có vai trò quyết định trong giáo dục trẻ?

Tại sao sự phát triển bản thân của giáo viên/cha mẹ lại có vai trò quyết định trong vấn đề giáo dục trẻ?

– Giáo viên/bố mẹ là hình mẫu quan trọng nhất, quan trọng hơn mọi giáo trình, chương trình học ở bậc mầm non.

– Trẻ học thông qua bắt chước.

– Trẻ thấm thấu toàn bộ con người bên trong của giáo viên từ tư duy, cảm xúc, trạng thái cân bằng hay bất an đến các hành vi bên ngoài như lời nói, dáng đi, cử chỉ.

Chúng ta vẫn nghe nói trẻ học thông qua bắt chước, điều này cũng đã được khoa học chứng minh, và bằng quan sát bố mẹ thầy cô nào cũng thấy ra điều đó. Nhưng mức độ bắt chước đến đâu, mức độ thẩm thấu người khác của trẻ đến mức nào? Steiner nhấn mạnh, trẻ em trong giai đoạn đầu đời (0-7 tuổi, đặc biệt là giai đoạn 0-3 tuổi) có bản năng bắt chước và thẩm thấu mọi khía cạnh con người lẫn phi con người từ môi trường bên ngoài. Điều này có nghĩa như thế nào?

Môi trường phi con người là âm thanh, màu sắc, hình khối, sự sắp đặt tất cả những yếu tố này được trẻ “hút” vào bên trong mình ngay lập tức, người lớn có thể chỉ cảm thấy chút ít khó chịu khi nghe một âm thanh chói tai, nhìn một màu sắc chói mắt, nhưng trẻ em thì không khó chịu (bởi trẻ chưa phản ứng mà chỉ thẩm thấu), nhưng ngay lập tức, như miếng bọt biển, chúng hút toàn bộ “sự khó chịu” của những chói mắt, chói tai này vào bên trong cơ thể chúng, in vào trong sự hoạt động của các cơ quan hô hấp, tiêu hóa, hệ thần kinh, in vào từng tế bào còn rất non nớt của chúng. Trẻ hoàn toàn chưa có cơ chế tự vệ hay phản ứng, tức không chọn lọc, không khó chịu hay ưa thích mà dung nạp toàn bộ. Như thế, chúng ta hiểu một môi trường hài hòa, đẹp đẽ sẽ cần thiết cho trẻ em đến mức nào! Khi các tế bào, các hệ nội tạng của trẻ được hàng ngày in dấu những điều hài hòa, đẹp đẽ chúng sẽ hoạt động và hình thành một cách hài hòa, đẹp đẽ, ngược lại nếu hàng ngày chúng “ăn” những yếu tố thiếu hài hòa, chói gắt, mất cân đối từ môi trường thì ắt hẳn các cơ quan nội tạng của trẻ, các cấu tạo cơ thể như khung xương, hộp sọ sẽ hình thành và hoạt động theo cách thiếu hài hòa và chói gắt đó.

Môi trường phi con người đã ảnh hưởng mạnh mẽ lên từng tế bào của trẻ như vậy thì môi trường con người, những người trực tiếp chăm sóc trẻ còn ảnh hưởng mạnh mẽ hơn hàng nghìn hàng triệu lần những yếu tố phi con người. Khi nói tới con người, trạng thái bên trong luôn là yếu tố cốt tủy nhất, tức là trạng thái tâm thức, tư duy và tình cảm của người lớn bên cạnh sẽ ngay lập tức được trẻ hút vào và biến thành của trẻ. Sau đó mới tính đến các hành vi bên ngoài như lời nói, dáng đứng đi, cử chỉ, những hành vi bên ngoài này cũng ngay lập tức được trẻ thẩm thấu, bắt chước và bộc lộ ra, là phần mà chúng ta, người lớn với khả năng quan sát ít nhiều bị giới hạn trước những yếu tố phi hình hài, dễ thấy hơn và không thể không công nhận.

~ Trích từ Sổ tay học viên 9 tháng 10 ngày, khoá 2 năm 2023 – Biên soạn: Trung tâm đào tạo Hanoi Steiner.