Mấy năm trước, trường tôi nhận vào được một cô giáo rất yểu điệu thục nữ, nàng nhỏ nhẹ từ lời ăn tiếng nói đến dáng đi dáng đứng, chuẩn mực vợ hiền, dâu đảm ai ai cũng thấy nàng vô cùng nữ tính. Trường tôi là trường mầm non, chúng tôi có hai giáo viên mỗi lớp và khi ghép cặp giáo viên chúng tôi sẽ cố gắng tìm một cô giáo “mềm” cặp với một cô giáo “cứng” để trẻ được hưởng lợi từ cả thế mạnh của hai cô. Mọi người đi tìm cho cô một cô giáo thật cứng, còn tôi đi tìm cho cô một cô giáo còn mềm hơn nữa, và tôi nói: cô rất nam tính, cô thực sự rất cứng chứ không mềm như vẻ bề ngoài, điều đó không có nghĩa là cô ấy giả dối, tôi nói với chính cô, rằng em cứ thoải mái bộc lộ phần nam tính của em đi, và chính cô ngơ ngác, sao lại có người nói mình nam tính nhỉ?
Cho đến ngày biến cố lớn xảy ra, cô ấy phá tung chiếc áo giáp nữ tính để “bung lụa” đi bar, đi phượt…và rạng rỡ kể với tôi, giờ em thấy hạnh phúc hơn, thấy mình thật là mình hơn.
Thường chúng ta dễ bị ảo giác về chính mình như vậy. Chúng ta là và có tất cả trong mình, nam và nữ, mềm và cứng, tốt và xấu…nhưng chúng ta có xu hướng chối bỏ một mặt này và chỉ chấp nhận một mặt kia. Việc chối bỏ mặt “xấu” này và chỉ thể hiện mặt “tốt” kia sẽ diễn ra cho đến khi nào chính chúng ta nổ tung và quay 180 độ sang thể hiện mặt “xấu” kia chối bỏ mặt “tốt” này. Khi vừa mới chối bỏ trạng thái cũ chúng ta có cảm giác được giải thoát, hạnh phúc được là chính mình hơn. Nhưng chỉ sau một thời gian ngắn thôi, hoặc một biến cố khác xảy đến thôi, rồi chúng ta lại chối bỏ chính cái sự chối bỏ của mình. Và cứ vậy, chúng ta loay hoay giữa các mặt ấy, tốt và xấu, mà Jung gọi là mặt nạ nhân cách và bóng âm.
Vậy nguyên lý hoạt động của bóng âm và mặt nạ nhân cách là như thế nào?
Mặt nạ nhân cách là cái chúng ta chọn thể hiện ra bên ngoài (một cách có ý thức hoặc vô thức do ảnh hưởng từ thuở ấu thơ) trong các mối quan hệ xã hội. Môi trường xung quanh cổ vũ tán dương điều gì thì thường một cá thể sẽ “chọn” trong vô thức những điều đó để thể hiện và “chọn” làm cá tính của mình. Ví dụ điển hình là: người nữ sẽ được tán dương khi mềm mại yểu điệu, người nam sẽ bị chê bai khi khóc lóc, khi thể hiện tình cảm, nên phần đông người nữ sẽ có một mặt nạ nhân cách liễu yếu đào tơ, người nam sẽ có một mặt nạ nhân cách rắn rỏi che dấu cảm xúc. Tất nhiên có những trường hợp hiếm, người nữ lớn lên trong môi trường được tán dương sự mạnh mẽ, hay có một người mẹ mạnh mẽ và vô thức xây nên một mô thức về mặt nạ mạnh mẽ, và tương tự với người nam.
Bóng âm ở đối cực của mặt nạ nhân cách, như âm 1 của 1, âm 2 của 2, mặt nạ nhân cách được duy trì là bởi trong bóng âm có lực đối trọng giữ cho nó còn đó. Như vậy, bạn càng cường điệu mặt nạ nhân cách của mình bao nhiêu thì lực dồn nén trong bóng âm càng lớn bấy nhiêu, lực nén càng lớn thì nguy cơ bùng nổ càng cao, nó sẽ bùng âm ỉ trong các mối quan hệ thân gần, nơi bạn vô thức không “phòng vệ” bằng mặt nạ nhân cách, và bùng dữ dội khi đến một giới hạn của độ nén. Khoảng cách của mặt nạ nhân cách và bóng âm càng xa thì lực nén và áp lực tâm lý của bạn càng lớn, nguy cơ bùng cháy càng nhiều, và khoảng cách này đo bằng độ “cường điệu” của bạn nhân đôi (nếu giả sử có một mô hình toán học đơn giản để tính toán). Vậy làm thế nào để khoảng cách này nhỏ lại? thả lỏng và quan sát mặt nạ nhân cách của mình để ý thức được phần bóng âm của mình gồm những gì. Nếu vô tình mình đang có mặt nạ nhân cách đơn tính, bất cứ lúc nào và trong mối quan hệ nào mình cũng như nước, mềm mại, chăm sóc, bao dung…thì nghĩa là phần bóng âm như lửa, cứng rắn, ích kỷ sẽ rất đậm và nén, nó sẽ bộc lộ trong các mối quan hệ thân gần như với vợ/chồng, con cái. Bạn càng khó chấp nhận “tính cách” nào thì bóng âm càng mang đậm đặc tính đó.
Một người tu là người trước tiên “cho phép” những lỗ hổng để mỗi đặc tính của bóng âm có cơ hội bộc lộ ra với chính họ trước tiên, sau khi “cho phép” rồi họ sẽ đón nhận và quan sát từng khoảng khắc bộc lộ của đặc tính đó, không phán xét không đau khổ. Quá trình tu này sẽ giúp cho bức tường vốn cao ngất giữa mặt nạ nhân cách và bóng âm dần mỏng và thấp lại, xung lực hay khoảng cách giữa bóng âm và mặt nạ nhân cách dần ngắn và yếu đi. Đến một mức độ nào đó, khi cá thể “dũng cảm” đón nhận mọi đặc tính người và “thả lỏng” tự nhiên trong mọi mối quan hệ, mặt nạ nhân cách và bóng âm được phép chạy qua chạy lại nhau và thể hiện như nhau trong mọi mối quan hệ, không có sự riêng rẽ và đối nghịch ở mối quan hệ thân, sơ như ban đầu nó vốn thế (và là nguyên lý chung, chứ không phải bởi ai là người thật hay giả hơn ai). Nghe qua như vậy thì có vẻ giống trạng thái vô tri, không phân biệt tốt xấu, phải trái đúng sai, nhưng hoàn toàn ngược lại, trong sự thả lỏng và đón nhận tâm hồn con người lại trong trẻo và trở về với nguồn dễ nhất, mà nguồn là gì? là bản năng hướng thiện và hướng thượng của tâm hồn và linh hồn. Thế nên, khi đón nhận và thả lỏng, dấu hiệu nhận biết rõ nhất là cá thể đó sẽ không hoặc rất ít sự “cắn dứt lương tâm” hay giằng xé nội tâm, họ sẽ duyên dáng và thoải mái trong cả lúc thể hiện phần mềm như nước hay rắn như lửa.
Khi đạt tới trạng thái này rồi, cá thể thoát khỏi vòng lặp và xoay chiều bất tận của mặt nạ nhân cách và bóng âm, họ sẽ tĩnh lặng và thanh trong đi qua mọi biến cố mà không có sự “đảo chiều” bóng âm lộn lại ra ngoài thành mặt nạ nhân cách, và ngược lại.