Lời ngỏ về “9 tháng 10 ngày”

Chúng ta có thực sự hiểu mình? Con người có khác nhau nhiều đến thế, nhu cầu hạnh phúc và trạng thái hạnh phúc của cá thể này có hoàn toàn khác với cá thể kia? Không, tất cả những sự khác nhau mà chúng ta tự tô vẽ do vô thức ảnh hưởng từ truyền thông chỉ là cái áo mặc, nay thay mai đổi, nếu chúng ta đã thực sự chạm tới bản thể trong trẻo, bản thể tuyệt đối và chân thực của mình, chạm tới linh hồn mình, ta đã hiểu ta, ta sẽ hiểu người khác cũng giống y như ta vậy thôi.

Rất nhiều khi, hay đúng hơn là luôn luôn, chúng ta bị dẫn dắt bởi truyền thông, tức một vài cá nhân tạo nội dung, tạo xu hướng vì lợi ích của chính họ (thương mại, quyền lực, danh tiếng), ấy thế mà chúng ta nếu không hoặc chưa tỉnh thức, chưa kết nối được với bản thể trong trẻo tuyệt đối của mình, khi đó chúng ta là người đi theo, là người bị chi phối, là những tâm hồn đóng và không có sáng tạo gì với cuộc đời của chính mình, không phát triển gì trên con đường tăng trưởng tâm thức, và điều này hoàn toàn độc lập với kiến thức, của cải, danh tiếng bạn đã tích luỹ được, thậm chí có khi là đối nghịch, như Chúa đã phán “phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó, vì Nước Thiên Chúa là của anh em”.

Chúng ta có thực sự phải trở thành giàu có vô độ, phải làm ông to bà lớn để hạnh phúc? Nhu cầu thành danh, thành công có thực sự là nhu cầu của linh hồn ta hay bởi anh hàng xóm, tụi bạn cùng lớp đã thành công đến thế và chúng ta tủi hổ khi mình kém bạn, thua hàng xóm? Bạn tưởng tượng một ngày bạn được nhấc đến một hòn đảo xa xôi nơi không có bạn bè cũ, không có anh hàng xóm bên cạnh, cái gì làm bạn hạnh phúc, những lúc nào tâm hồn bạn reo ca? Chúng ta cần hiểu cái sự thực tuyệt đối của linh hồn mình để sống ung dung tự tại trong các sự thực tương đối giữa thế gian, để không mãi mãi bị lôi xệch đi và, để không bị tha hoá, để tiến dần lên trên con đường phát triển tâm thức, để một đời sống, một cuộc đời ta làm nên tác phẩm cuộc đời ta.

Steiner sau nhiều chục năm nghiên cứu về Goethe, về các tri thức cổ, và đặc biệt thực hành quan sát nội tâm, quan sát chính mình như một khách thể, đã hệ thống lại con đường phát triển tâm thức của con người, cũng là của chính ông, và của mọi cá thể khác. Chúng ta có thể tìm hiểu hệ thống này theo gợi ý từ Steiner và đối chiếu với bất cứ nguồn tri thức cổ hay các phương pháp, nền tảng tâm lý học hiện đại nào để có cái nhìn đa chiều. Và không thể thiếu, ta cần quan sát chính bản thân ta, quan sát từng giai đoạn chuyển hoá, từng đau khổ, hạnh phúc, sự tỉnh thức loé sáng của ta để thực chứng những nguyên lý nền tảng này.

Hành trình phát triển tâm thức là khoa học nghiên cứu về linh hồn, về sự thực tuyệt đối. Tâm lý học là cái cố biện giải, chứng minh các hành vi của con người, là cái bề mặt và rất có thể là nguỵ biện, là nơi ẩn náu của một cái tôi cá nhân với đặc quánh dục vọng. Linh hồn thì khác, nó rỗng, nó nhẹ và thanh. Hiểu về hành trình tâm thức và có kiến thức về tâm lý học để hiểu sâu xa bản chất cũng như biểu hiện của ta, của người, của bố mẹ và con cái.