Đối thoại Steiner – Einstein (P1)

Giữa mênh mông sâu thẳm vũ trụ, ở nơi không – thời gian khác với chúng ta, một Einstein trong chiếc áo rộng thùng thình, mái tóc rối bù, ánh mắt tinh nghịch, miệng ngậm tẩu thuốc, trên tay là cây vĩ cầm Lina yêu dấu và một Steiner trong bộ vest chỉn chu với đôi mắt điềm tĩnh và ánh nhìn sâu sắc, nghiêm nghị. Họ đang trò chuyện với nhau.

Einstein: Steiner, tôi muốn cùng anh thưởng thức âm thanh mê hoặc này? (️https://youtu.be/TWqhUANNFXw) Tiếng vọng của một vụ nổ từ hàng tỷ năm về trước. Nó đến từ một thiên hà xa xôi vượt khỏi những tưởng tượng kỳ vĩ của con người. Kì diệu làm sao khi chúng ta, trong kiếp sống ngắn ngủi như cát bụi, lại được nghe biết đến âm thanh kì diệu này. Một món quà vô song từ quá khứ mênh mông thăm thẳm của vũ trụ. Một âm trầm đơn độc sinh ra từ sự chuyển đổi sóng hấp dẫn thành sóng âm thanh. Nó giản dị như tiếng vọng của viên sỏi ném xuống mặt nước hồ. Chúng ta như những đứa trẻ, hồn nhiên ném những viên sỏi xuống mặt nước tĩnh lặng, sẽ không bao giờ nghĩ được hành động giản đơn ấy về cơ bản lại tạo ra hiệu ứng âm thanh gợn sóng giống như sự va chạm giữa các lỗ đen cách chúng ta hàng tỷ năm ánh sáng trong không – thời gian nhỉ? Sức mạnh của âm thanh. Đó là sức mạnh siêu việt của âm thanh được liên kết giống như những chuyển động, một tín hiệu của sự sống, sự năng động và sáng tạo.(1)

Steiner: Đó cũng chính niềm tin của tôi, không chỉ ở sức mạnh mà còn là sức mạnh nguyên thủy và thuần khiết vĩ đại của âm thanh. Tôi luôn biết rằng “có một thế giới nơi linh hồn con người cư ngụ trước khi mang thân thể vật lý trên trái đất này. Thế giới đó là Devachan. Hạ tầng của Devachan đó là ánh sáng và hình sắc. Còn thượng tầng thì tràn ngập những âm thanh vi diệu”.(2)

Einstein: Những âm thanh vi diệu. Phải rồi, những âm thanh vi diệu. Cả đời tôi, âm thanh vi diệu nhất là âm nhạc. Tôi sống những giấc mơ giữa ban ngày chính trong âm nhạc. Những niềm vui lớn lao nhất trong đời tôi đến từ âm nhạc. Tôi không thể rời khỏi nhà mà không mang theo cây vĩ cầm yêu dấu này. Những khi không thể thể hiện cảm xúc của mình bằng lời nói, tôi sẽ dùng và thường xuyên dùng âm nhạc. Giữa những bữa tiệc trang trọng hay cả trong những buổi nguyện cầu. “Một tối nọ khi một nhóm tín đồ Cơ Đốc giáo tập trung cầu nguyện cho những người Do Thái bị ngược đãi, tôi đã đến buổi cầu nguyện đó, mang theo cây đàn vĩ cầm, và chơi một bản solo.”(3) Đó cũng là lời cầu nguyện mà tôi và Lina, cây vĩ cầm yêu dấu của tôi, cùng nhau cất lên.

Steiner: Những cây vĩ cầm, và cả cello nữa, khiến chúng ta say mê vì khả năng tuyệt diệu giúp người nghệ sĩ cảm nhận một cách trọn vẹn nhất âm nhạc mà họ đang chơi, sự cảm nhận trên từng ngón tay và sâu bên trong con người mình.

Einstein: Sâu bên trong con người mình? Có thể nói như vậy. Hình ảnh và trực giác, những thứ từ sâu bên trong, chúng luôn đến một cách tự nhiên khi tôi chơi nhạc. Đó cũng là cách tôi tư duy về các lý thuyết của mình trước. Rồi sau đó tôi mới biến chúng thành logic, từ ngữ và toán học.

Steiner: “Tất cả các vật thể, kể cả cây vĩ cầm của ông, đều có một giai điệu tâm linh từ nền tảng của bản thể chúng, và trong bản chất sâu xa nhất của mình, bản thân con người, ông và tôi, cũng là những giai điệu tâm linh”. (4)

Einstein: Có lẽ vậy. Chúng ta là những giai điệu nên mới có thể kết nối và cảm nhận một cách sâu sắc về những giai điệu tuyệt diệu trong thế giới này. Và trong đời mình, tôi chưa từng thấy giai điệu nào đẹp hơn những bản nhạc của Mozart. Cấu trúc kiến trúc trong âm nhạc của ông ấy giản đơn mà kỳ vĩ, như thể cất lên ngẫu hứng từ vũ trụ hơn là được cố ý soạn ra. Beethoven tạo ra âm nhạc của ông ấy, nhưng âm nhạc của Mozart thì thuần khiết đến mức, tôi tưởng như nó đã tồn tại trước trong vũ trụ. Và Mozart chỉ đơn giản là khám phá ra nó thôi.
Steiner: Tôi có thể chia sẻ cảm nhận này với ông. “Cái bóng trên tường thì không phải là ta. Những giai điệu, hòa âm từ sáng tác của các nhạc sĩ vĩ đại thực sự là những bản sao trung thực của thế giới Devachan. Nguyên mẫu, khuôn mẫu của âm nhạc tồn tại ở Devachan và âm nhạc vật lý chỉ là sự phản ánh thực tại tâm linh…Một cách vô thức người nhạc sĩ đã nhận được nguyên mẫu âm nhạc từ thế giới tâm linh, sau đó chuyển thành những âm thanh vật lý.”(4)

Einstein: Quả đúng như vậy, Steiner. Và tương tự, tôi cảm thấy có một thực tại hài hòa làm nền tảng cho các quy luật của vũ trụ, và mục đích của khoa học chỉ là khám phá ra nó. Bởi thế mà “chúng ta khó có thể tìm được một đầu óc khoa học sâu lắng nào mà không có Đạo riêng. Đạo của anh ta là nỗi kinh ngạc ngất ngây trước sự hài hòa của tính quy luật tự nhiên, nơi tỏa rạng một lý tính ưu việt, đến nỗi đối diện với ánh hào quang ấy, tất cả những gì đáng kể trong tư tưởng và sự sắp đặt của con người chỉ là một ánh hồi quang hoàn toàn hư ảo mà thôi”(3).

Steiner: Ánh hồi quang hoàn toàn hư ảo ấy cũng có giá trị riêng của nó. “Nó cung cấp những phương tiện mà nhờ đó con người có thể đạt được một loại giải cứu khỏi sự thôi thúc mù quáng của ý chí. Và con người cảm nhận được điều này, dù với cường độ rất khác nhau. Trong khi người man dã chỉ lờ mờ cảm thấy sự bất mãn của ý chí thì một con người văn minh có thể trải nghiệm nỗi đau của sự tồn tại một cách sắc bén hơn nhiều.”(4)

Einstein: Từ những trải nghiệm của đời sống cá nhân, tôi phải đồng ý với ông về nhận định này, Steiner ạ. Con người văn minh như chúng ta bị dính mắc vào “cuộc sống hằng ngày vốn tàn bạo đến đau đớn và ảm đạm một cách vô vọng. Bởi thế mà mong muốn thoát khỏi vực thẳm ấy trở thành một trong những động lực dẫn dắt con người đến với nghệ thuật và khoa học. Những người này lấy vũ trụ và cấu tạo của nó làm trung tâm cho đời sống tâm cảm của mình, để được tìm thấy sự thanh thản và lòng tự tin mà họ không thể tìm thấy trong cái xoáy nước hạn hẹp của những trải nghiệm riêng tư”. (3)

Steiner: Đó cũng là lý do mà, “dù tôi có thể cảm thấy bất hạnh về bản thân đến thế nào, tôi vẫn luôn có khả năng tìm thấy điều gì đó trong vũ trụ chống lại sự bất hạnh của tôi…một sức mạnh để tìm thấy niềm an ủi từ một góc nhìn phổ quát…và lòng biết ơn vì chúng ta đang sống dưới hình dạng con người”.(5) Quay lại câu chuyện âm nhạc. Khác với khoa học, và cũng khác với các loại hình nghệ thuật khác, âm nhạc là một dạng thức đặc biệt nhất. “Những cái kia phải đi qua hình ảnh tinh thần, và do đó chúng tạo ra hình ảnh ý chí. Chỉ có âm nhạc là biểu hiện trực tiếp của chính ý chí, không có sự suy diễn của hình ảnh tinh thần. Khi con người tham gia vào nghệ thuật với âm điệu, anh ta đặt tai mình vào trái tim của thiên nhiên, anh ta nhận thức được ý chí của thiên nhiên và tái tạo nó bằng hàng loạt âm sắc. Bằng cách này, theo Schopenhauer, con người đứng trong mối quan hệ với Bản thân cái Có và thâm nhập vào bản chất sâu xa nhất của sự vật. Và bởi con người cảm thấy mình gần với bản chất này trong âm nhạc, anh ta cảm thấy một sự mãn nguyện sâu sắc trong âm nhạc.”(6)

Einstein: Tôi là nhân chứng cho sự mãn nguyện sâu sắc trong âm nhạc mà ông nói tới. Cây vĩ cầm luôn là nguồn an ủi, niềm vui, người bạn đồng hành suốt cả cuộc đời tôi. Và “nó càng thật sự hữu ích trong những năm tháng tôi sống một mình ở Berlin, vật lộn với Thuyết Tương đối rộng. Tôi thường chơi vĩ cầm trong bếp lúc khuya, ngẫu hứng sáng tác giai điệu khi suy ngẫm những vấn đề phức tạp.”(3) Thế rồi, đột nhiên, khi đang chơi giữa chừng, dường như câu trả lời hiện ra cùng với những giai điệu đang bay lượn giữa không trung. Nói theo một cách nào đó thì Lina, cây vĩ cầm này đã chạm đến Thuyết tương đối, trước cả tôi.

Steiner: Liên tưởng của ông phản ánh điều mà Schopenhauer đã nhận thấy từ kiến thức bản năng, rằng âm nhạc đóng vai trò trực tiếp khắc họa bản chất của vũ trụ.

Einstein: Đúng thế. Những giai điệu về Thuyết tương đối đã được cất lên trước khi tôi có thể biến chúng thành lý thuyết với những phương trình có vẻ đẹp vô song. Nhận định của Schopenhauer cũng đúng với Mozart. Tác phẩm của Mozart trong sáng và đẹp đến nỗi, tôi thấy nó phản ánh vẻ đẹp nội tại của chính vũ trụ.

Steiner: Cùng với việc phản ánh vẻ đẹp của vũ trụ, âm nhạc cũng có những nguyên mẫu thực sự của nó ở thế giới Devachan. Chính vì thế mà âm nhạc có thể ảnh hưởng đến con người ngay từ thời thơ ấu sớm nhất.
Einstein: Tôi cũng lại làm chứng cho ông về nhận định này, Steiner ạ. Dù đó là một ví dụ tiêu cực. Ngày nọ, khi tôi mới 5 tuổi, buổi học violin đầu tiên trong đời. Tôi không nhớ người ta đã nói gì với tôi và trao cho tôi thứ âm nhạc như thế nào, chỉ biết là tôi đã điên tiết đến mức quăng cái ghế vào gia sư của mình. Ông ấy tháo chạy ra cửa, còn tôi tháo chạy lên phòng. Và vị gia sư ấy không bao giờ trở lại nhà tôi nữa.

Steiner: Eistein, tôi rất tiếc về trải nghiệm đáng buồn này. Năm tuổi…Mỗi em bé từ 0-9 tuổi, bản thân đã là một nhạc cụ và có thể cảm nhận từ bên trong một loại hạnh phúc tuôn chảy trong mỗi thanh âm. Hãy tưởng tượng điều gì sẽ xảy ra nếu cây vĩ cầm Lina yêu dấu của anh có thể cảm nhận được những gì đang diễn ra bên trong nó. “Chúng ta chỉ lắng nghe cây vĩ cầm, nó ở bên ngoài chúng ta, chúng ta không biết gì về toàn bộ nguồn gốc của âm thanh và chỉ nghe thấy hình ảnh bên ngoài của âm thanh đó. Nhưng nếu cây vĩ cầm có thể cảm thấy mỗi dây rung lên kết nối như thế nào với những âm thanh kế tiếp, điều đó sẽ mang lại những trải nghiệm về hạnh phúc trọn vẹn, tràn đầy… Chúng ta phải mang đến cho trẻ trải nghiệm nho nhỏ về cực lạc này.”(6)

Vì thế âm nhạc mà các em cần là những bản nhạc ngũ cung và âm điệu quãng năm không có chủ âm, thứ âm nhạc có thể bao bọc các em trong bầu không khí của sự tĩnh lặng êm đềm. Đó là cánh cửa để bước vào thế giới âm nhạc của các em, một thế giới bình yên hòa hợp với dòng chảy của tự nhiên. Và âm nhạc quãng năm có thể tuôn chảy trong vương quốc tuổi thơ, một vương quốc vẫn còn giữa được sự kết nối trực giác với vũ trụ và thiên nhiên.

Einstein: Tôi có một ký ức mạnh mẽ về cách mà vương quốc thơ ấu, như ông nói, kết nối trực giác với vũ trụ và thiên nhiên. Cũng vào tuổi lên năm, một hôm, tôi bị ốm, phải nằm liệt giường. Ba mua cho tôi một chiếc la bàn. “Việc chứng kiến chiếc kim nam châm chuyển động cứ như bị một trường lực ẩn nào đó tác động, thay vì thông qua phương pháp cơ học quen thuộc như chạm vào hay tiếp xúc, đã gây ra cảm giác kinh ngạc sững sờ. Khi đó tôi nhớ mình đã phấn khích đến run rẩy và lạnh hết cả người. Trải nghiệm này đã tạo nên một ấn tượng sâu sắc và lâu dài trong tôi. Phải có cái gì đó ẩn rất sâu đằng sau mọi việc. Một tinh thần hiển minh trong các quy luật của vũ trụ – một tinh thần cao vượt so với tinh thần của con người”. (3) Và từ đó, thiên nhiên không ngừng cuốn hút tôi. “Điều gì sẽ xảy ra nếu ta có thể lướt đi trên một chùm sáng. Con bọ hung có biết nó bò trên một bề mặt cong?” Đó, đến tuổi thiếu niên thì tôi đã thật sự bị câu hỏi ấy cuốn đi và tôi đã trở thành một nhà khoa học theo cách tự nhiên như thế.

À ông vừa nói đến nhạc ngũ cung và âm nhạc quãng năm. Đáng tiếc là tôi đã đi qua thời thơ ấu mà gần như không biết chút gì về sự kỳ diệu của âm nhac. Tuy nhiên, năm 13 tuổi, tôi đã tìm thấy Mozart. Lần đầu tiên trong đời, “Mozart với tất cả sự thuần khiết của mình xuất hiện trước tôi, tắm mình trong vẻ đẹp Hy Lạp với những đường nét thuần khiêt, vui tươi một cách ngạo nghễ, hùng mạnh đến siêu phàm”. Mozart đã làm thay đổi cuộc đời tôi.

Steiner: Và cả số phận của nhân loại nữa. Đó một trải nghiệm thiêng liêng tuyệt vời phải không? Âm nhạc khuấy động những sợi dây sâu sắc nhất trong linh hồn chúng ta, khiến chúng vang vọng.

Einstein: Tác phẩm của Mozart, giống như tất cả vẻ đẹp tuyệt diệu khác, đạt đến sự đơn giản thuần khiết. Vũ trụ yêu thích cái đẹp và sự giản đơn, Trực giác này không chỉ bao trùm lên niềm tin triết học của tôi, nó còn ảnh hưởng đến toàn bộ cách tôi sống, làm việc và sáng tạo. Để tôi kể ông nghe một câu chuyện hài hước. Năm 1931, tôi cùng vợ mình, Elsa, đến thăm đài thiên văn hiện đại bậc nhất thế giới lúc đó, nằm trên đỉnh núi Wilson. Khi người ta nói với vợ tôi rằng, tấm gương phản xạ khổng lồ được sử dụng để xác định hình dạng của vũ trụ, vợ tôi, bà ấy vốn hồn nhiên, đã buột miệng nói rằng: “Chà, chồng tôi thì làm việc đó trên mặt sau của một chiếc phong bì cũ”. Thật ra thì tôi cũng cần nhiều hơn thế một chút. Nghĩa là ngoài giấy và bút chì, tôi còn cần một cái sọt rác thật to để ném vào đó vô số bản lỗi nữa.

Steiner (mỉm cười): Chúng ta cùng chia sẻ con đường đi từ sự giản đơn đến việc nắm bắt những Sự thật của Vũ trụ. Đặc biệt đối với trẻ thơ, khi trực giác với vũ trụ và thiên nhiên còn sống động, Bởi vậy tôi muốn nhấn mạnh đến giá trị của những thứ đơn giản thuần khiết mà ta đặt vào bàn tay trẻ. Đó là những con búp bê giản dị không mắt mũi, những khúc gỗ thô mộc, những trò chơi chỉ với bàn tay bàn chân, những bản nhạc ngũ cung và âm điệu quãng năm không có chủ âm. Những thứ đơn giản đó nuôi dưỡng trực giác và kết nối trẻ với phần tâm linh thẳm sâu của vũ trụ. Trí tưởng tượng khởi phát từ đó. Cùng với đó, khi chúng tôi hát hay chơi nhạc, chúng tôi luôn luôn ý thức rằng mình chỉ phương tiện chuyên chở, để cho âm nhạc vũ trụ chảy vào mình và từ đó rót sang trái tim những đứa trẻ.

Einstein: Đó cũng là cách mà những bí ẩn thẳm sâu của vũ trụ, chảy qua tôi, mà đến với mọi người qua Thuyết tương đối. “Niềm tin vào vào một điều lớn lao hơn bản thân trở thành một cảm thức bền vững trong chúng ta. Nó tạo ra một hợp cảm tự tin và khiêm nhường, và hợp cảm này càng mạnh lên trước tính giản minh tuyệt vời của Tự nhiên.”(3) Tôi chắc rằng Mozart cũng trải nghiệm quá trình sáng tạo theo cách này. Ông ấy biến mình thành một phương tiện chuyên chở, để cho âm nhạc vũ trụ chảy vào mình và từ đó rót vào trái tim nhân loại.
Steiner này, nếu không trở thành một nhà khoa học, tôi chắc hẳn đã là một nhạc sĩ. Và anh biết không, nếu trở thành một nhạc sĩ, có lẽ tôi sẽ đến và chơi nhạc trong trường mầm non của anh. Ai mà biết được trên trái đất kia, sẽ còn có bao nhiêu cậu bé năm tuổi bị chọc giận đến nỗi muốn quăng ghế vào âm nhạc và niềm vui khám phá vũ trụ của chính mình.

Chú thích của tác giả:
(2) Sổ tay học viên 9 tháng 10 ngày, Koi Steiner
(3) Walter Isaacson, Einstein: Cuộc đời và vũ trụ, Vũ Minh Tân dịch, Nguyễn Hữu Nhã hiệu đính, NXB Thế giới, 2020
(4) Rudolf Steiner, The Inner Nature of Music and the Experience of Tone,
(5) Rudolf Steiner: Nền tảng tâm linh của giáo dục, Nguyễn Hồng dịch, NXB Tri thức, 2019.
(6) Rudolf Steiner, The Kingdom of childhood, Foundations of Waldorf Education

Tham khảo
Albert Einstein, Thế giới như tôi thấy, Dịch giả: Đinh Bá Anh, Nguyễn Vũ Hảo, Trần Tiễn Cao Đăng; Hiệu đính: Bùi Văn Nam Sơn, NXB Tri thức