Trẻ em Việt học tiếng Việt để bám rễ cho chắc

Nhiều bố mẹ tranh thủ giai đoạn vàng phát triển ngôn ngữ của trẻ nhỏ để tiếp xúc với ngoại ngữ, với mong muốn trẻ phát âm như người bản ngữ. Đây là một cách hiểu sai và còn đánh mất điều cốt lõi quan trọng của một con người. Mời bố mẹ đọc thêm sẻ dưới đây của cô Nguyễn Thu Hương, nằm trong chuỗi chia sẻ “Hỏi gì – đáp nấy”, buổi số 2 chủ đề “Học nói tiếng Việt sao cho hay, cho đẹp” do Mầm non Koi tổ chức, 2/2023.

Trước khi nói đến việc học tiếng Việt bằng cách nào (how) cho hay, cho đẹp thì cần biết khi nào (when) là hay, là đẹp ?

Cô Hương cho rằng một em bé có bố mẹ là người Việt Nam, gia đình không có yếu tố nước ngoài thì thời điểm tốt nhất cho trẻ làm quen/học ngôn ngữ thứ hai là sau khi trẻ đã thành thạo tiếng Việt. (Còn trường hợp em bé có bố, mẹ hoặc người chăm sóc trực tiếp nói tiếng Mẹ đẻ là tiếng Anh thì em bé đó là song ngữ tự nhiên – ta sẽ nói đến sau).

Đa số trẻ học song ngữ không tự nhiên này có thời lượng tiếp cận với TA còn nhiều hơn TV, do tâm lý bố mẹ Việt ưa chuộng ngoại ngữ. Khi đó, trẻ thường rơi vào tình trạng loạn ngôn ngữ do cả TA và TV đều chưa sõi, nhiều trẻ sử dụng TA nhiều hơn TV, hoặc 3-4 tuổi vẫn chưa nói sõi TV. Nhiều bố mẹ tặc lưỡi nghĩ rằng hiện tượng này là bình thường, không sao cả. “Trước sau gì con cũng nói được TV, bây giờ còn nhỏ đang giai đoạn vàng nên ưu tiên TA trước”.

Cô Hương chia sẻ, đúng là sớm hay muộn trẻ cũng sẽ học được NHƯNG rất nguy hại ở chỗ : Ngôn ngữ vốn là linh hồn của một dân tộc. Với người xa xứ thì mất ngôn ngữ là mất gốc. Trong lịch sử các nước đi xâm chiếm nước khác thì đô hộ văn hoá là xoá bỏ chữ quốc ngữ (đốt sách, dạy ngoại ngữ trong trường học…). Chỉ có giai đoạn học nói là thời điểm vàng mà trẻ gắn kết trọn vẹn được với TV, tiếng Mẹ đẻ, mà ta lại bỏ qua và khiến cho trẻ không phân biệt được đâu là tiếng Mẹ đẻ thì vô tình là ta chặt đi một cái “rễ cái” nối sâu với “mạch nguồn” của một con người. Đứa trẻ ấy lớn lên, đến tuổi trưởng thành, nhìn bề ngoài có vẻ bình thường nhưng bên trong sẽ có cảm giác mất gốc, tâm lý yếu – như một cái cây thuỷ sinh, không bám rễ vào đâu – sẽ chật vật và khó vượt qua những khó khăn trong cuộc sống (có các nghiên cứu đã chỉ ra).

Cũng nhiều bố mẹ nghĩ rằng trẻ tiếp xúc với ngoại ngữ từ bé sẽ học được giọng bản ngữ/ “accent” của người bản ngữ – đó cũng là một cách hiểu sai. Bất cứ ngôn ngữ nào trên thế giới cũng có nhiều “accent”/giọng đặc trưng của các vùng miền khác nhau, như người Việt có giọng Bắc, Trung, Nam… mà vẫn hiểu được nhau. Không có “accent” nào gọi là chuẩn cả. Một người có giọng nói hay, ngữ điệu hay là khi người đó làm chủ được mình, tự tin và hào sảng từ bên trong mình, chứ không phụ thuộc vào việc học ngoại ngữ sớm hay muộn.

Trẻ Việt dù học ngoại ngữ từ nhỏ thì cũng chỉ thuần tuý là học kỹ năng (nghe-nói-đọc-viết) chứ rất hiếm khi có thể chạm vào được cái hay, cái đẹp, tầng sâu của ngoại ngữ đó như người bản ngữ. Vậy bố mẹ hãy cân nhắc liệu ta có đánh đổi cái gốc người Việt để lấy kỹ năng ngoại ngữ hay không?

Cô Hương tin rằng người có thể cảm nhận được cái hay, cái đẹp của tiếng Việt, giỏi tiếng Việt thì cũng có thể giỏi bất cứ ngôn ngữ nào khác. Khi trẻ đã thành thạo tiếng Việt rồi, nếu học ngoại ngữ đúng cách, kiên trì thì chỉ 1-2 năm là có kết quả.

Vậy thời điểm nào một trẻ được gọi là thành thạo tiếng Việt ?

Mỗi trẻ sẽ có một khả năng riêng và mốc phát triển riêng. Mốc trung bình của một trẻ khoẻ mạnh là khoảng 3 tuổi, trẻ sẽ thành thạo tiếng Việt. Nghĩa là trẻ nghe và nói được, hiểu được 90% giao tiếp thông thường với trẻ, và nói được các nhu cầu bên trong của mình cho người khác hiểu.

Cách học ngoại ngữ hiệu quả với trẻ nhỏ

Trẻ nhỏ nên được học ngoại ngữ theo cách mà trẻ học tiếng Mẹ đẻ, tức là học nghe – nói trước, sau khi nghe đủ rồi thì trẻ sẽ bật ra những tiếng đầu tiên sau 1-2 năm. Một cách lý tưởng thì trẻ nên được tiếp xúc với người nói tiếng bản địa (như là một thầy giáo người Anh nói tiếng Anh). Nếu không có thì bố mẹ hãy đồng hành, là người thầy của trẻ. Bố mẹ hãy học tiếng Anh và tạo ra những giờ học ngoại ngữ cho con, tạo ra và duy trì một nhịp điệu đều đặn hàng ngày hoặc hàng tuần, trong nhiều năm sẽ được hái trái ngọt.

Tóm lại, cô Hương mong mỏi rằng mọi trẻ em Việt Nam sẽ được kết nối sâu với tiếng Việt, độ tuổi 0-3 được nhúng mình trong cái hay, cái đẹp của ngôn ngữ Mẹ đẻ, được học cách nói lễ phép, có dạ thưa, thứ bậc theo truyền thống của người Việt. Người lớn xung quanh trẻ hãy chú ý sử dụng lời hay, ý đẹp nói với nhau, nói với con, sử dụng sách, truyện, thơ, ca… làm công cụ, để trẻ em được nuôi dưỡng trong cái hay, cái đẹp của tiếng Việt hàng ngày.