Các bước sáng tác chuyện chữa lành (healing stories)

Làm gì khi trẻ không chịu dọn dẹp, nói dối, thường xuyên buồn chán càu nhàu hay đánh, cắn bạn? Làm sao để khích lệ những đứa trẻ nhút nhát trở nên can đảm hơn, điều hòa cảm xúc cho những bạn nhỏ lo lắng khi chuyển trường, chuyển nhà?

Với phụ huynh và giáo viên Steiner trên khắp thế giới, đây là lúc cần đến sức mạnh từ những câu chuyện chữa lành – Healing Stories. Chuyện chữa lành là những câu chuyện do bố mẹ hoặc thầy cô sáng tác ra cho một đứa trẻ cụ thể theo một mục đích nhất định, hướng tới việc điều hòa lại cảm xúc, sửa đổi những hành vi chưa phù hợp với môi trường xung quanh, xây dựng thói quen tốt nào đó cho trẻ.

KHI NÀO THÌ KỂ CHUYỆN CHỮA LÀNH?
Cô Lã Thị Kim Oanh, giáo viên Mầm non Koi Steiner cho biết, cô thường sử dụng những câu chuyện chữa lành trong các trường hợp trẻ có những hành vi không mong đợi như cãi nhau, cắn bạn hay chưa bỏ rác đúng chỗ… Khi giáo viên quan sát trong một thời gian tương đối dài và thấy hành động lặp đi lặp lại nhiều lần, ảnh hưởng không tốt đến bản thân trẻ hoặc những người xung quanh, đây là lúc cần đến những câu chuyện chữa lành. Trước khi sáng tác và kể chuyện chữa lành, giáo viên cần dành thời gian quan sát và tìm hiểu kỹ về hành vi của trẻ, điều gì khiến trẻ ứng xử như vậy, có thể trao đổi với gia đình để hiểu thêm về trẻ. Chẳng hạn có những trường hợp trẻ đánh bạn vì trẻ cũng bị đánh, hoặc chứng kiến hàng xóm hay người trong nhà đánh nhau.

Cùng với việc kết hợp chặt chẽ với gia đình để điều chỉnh môi trường, ứng xử phù hợp với trẻ, cô giáo sẽ sáng tác hoặc lựa chọn câu chuyện chữa lành phù hợp với hành vi đó. Chẳng hạn với trẻ đánh cắn bạn, cô Oanh kể cho cả lớp nghe câu chuyện Con cua, kể về một chú cua hay dùng càng của mình để kẹp và làm đau các bạn. Biết chuyện, cua mẹ làm cho cua con một đôi găng tay bằng rong biển, từ đó cua không còn dùng càng để làm đau các bạn nữa. (Nghe cô Oanh kể câu chuyện Con Cua tại https://bit.ly/2WUTNgd). Câu chuyện được kể trong 3-4 tuần liền và các con nghe rất say sưa, thích thú kể lại cho các bạn trong giờ chơi tự do. Cô Kim Oanh cho biết, những câu chuyện chữa lành thực sự có sức mạnh, có trường hợp trẻ em thay đổi hành vi sau vài lần kể chuyện, nhưng thông thường sau khoảng 1 tháng sẽ có sự chuyển biến rõ rệt.

Tương tự như vậy, cô giáo Bùi Thanh Dung, Mầm non Koi Steiner cũng kể chuyện chữa lành khi nhận thấy học sinh 3,4 tuổi của mình liên tục để giày lộn xộn mà không cất lên giá. Khi việc làm mẫu và hướng dẫn của cô không dẫn đến kết quả triệt để, cô giáo đã kể cho cả lớp nghe câu chuyện Đôi giày của Tembo (Susan Perrow) trước giờ ngủ trưa trong vòng 5,6 tuần. Đến tuần thứ 2, 3 sự thay đổi đã rõ rệt, trẻ cất và cởi dép ngay ngắn đúng ngăn của mình. Đến tuần thứ 4, cả lớp đã để giày đúng chỗ, có bạn còn kiểm tra xem chỗ nào chưa ngay ngắn thì xếp lại nữa. (Tham khảo câu chuyện tại https://bit.ly/3kSKzcm)

Cô Kim Oanh cho rằng những câu chuyện chữa lành không chỉ giúp điều chỉnh hành vi, cảm xúc của học sinh, mà chúng còn có lời kể, hình ảnh, nội dung rất đẹp đẽ. Các bạn nhỏ yêu thích những câu chuyện, nhiều bạn còn thuộc lòng và đòi cô kể lại nhiều lần, nhiều lần, kể cả khi hành vi không mong muốn đã mất đi.

Trong các trường học Steiner, những câu chuyện chữa lành được sáng tác cho những hành vi thách thức khác nhau, từ thiếu trung thực đến lười biếng, trêu chọc và bắt nạt; các tình huống hàng ngày như “không chịu dọn dẹp”, những trải nghiệm mới như chuyển nhà, chuyển trường, hoặc các vấn đề và khó khăn như “lo lắng khi chia ly”, sợ hãi và ác mộng và bệnh tật và đau buồn… Những câu chuyện mở ra con đường dài đi đến trái tim của trẻ, khiến trẻ nhận vấn đề và điều chỉnh bản thân trong khi không có cảm giác bị đe dọa như trò chuyện hay giải thích trực tiếp.

CÁC BƯỚC SÁNG TÁC CHUYỆN CHỮA LÀNH
Ba mẹ và thầy cô có thể sáng tác chuyện chữa lành để điều chỉnh hành vi, cân bằng cảm xúc cho trẻ, tuy nhiên trước hết phải làm việc bản thân mình, buông bỏ sự phán xét, kỳ vọng đối với trẻ, để có một tâm thế trong trẻo, hướng tới lợi ích của trẻ.

Trong khóa học 9 tháng 10 ngày dành cho giáo viên mầm non và phụ huynh quan tâm đến phương pháp Steiner, cô Nguyễn Thu Hương chia sẻ 4 bước sáng tác chuyện chữa lành.

▶️ 𝗕𝘂̛𝗼̛́𝗰 𝟭: 𝗟𝗮̀𝗺 𝘃𝗶𝗲̣̂𝗰 𝘃𝗼̛́𝗶 𝗯𝗮̉𝗻 𝘁𝗵𝗮̂𝗻, 𝘁𝗵𝗮𝗻𝗵 𝗹𝗼̣𝗰 𝘁𝗮̂𝗺 𝗵𝗼̂̀𝗻 đ𝗲̂̉ 𝗰𝗼́ 𝘁𝗿𝗮̣𝗻𝗴 𝘁𝗵𝗮́𝗶 𝘁𝗿𝗼𝗻𝗴 𝘁𝗿𝗲̉𝗼, 𝗸𝗵𝗼̂𝗻𝗴 𝗽𝗵𝗮́𝗻 𝘅𝗲́𝘁 đ𝗮́𝗻𝗵 𝗴𝗶𝗮́ 𝘁𝗿𝗲̉

Trước khi sáng tác chuyện chữa lành, giáo viên và ba mẹ cần làm việc với bản thân mình, thanh lọc tâm hồn để thực sự tỉnh thức và trong trẻo. Nếu chúng ta vẫn còn ở trạng thái phán xét trẻ, cho rằng trẻ hư, bất ổn, chúng ta có quyền chỉnh sửa trẻ thì khoan vội sáng tác chuyện chữa lành. Phụ huynh và thầy cô cũng cần tiếp tục làm việc với bản thân nếu thấy tội nghiệp thương hại cho trẻ, hoặc có thái độ tiêu cực với hành vi, thói quen, trạng thái của trẻ. Hay nếu vẫn còn khúc mắc với gia đình, bố mẹ, người giúp việc hay thầy cô cũ trẻ trẻ, giáo viên cũng chưa nên sáng tác chuyện chữa lành.

Khi nào thì sáng tác chuyện chữa lành, đó là khi người lớn ở trạng thái trong suốt, không phán xét, chỉ ghi nhận hành vi, cảm xúc của trẻ chưa phù hợp với văn hóa, nề nếp, thói quen của cộng đồng. Chúng ta cần cảm nhận sâu sắc rằng việc sáng tác câu chuyện nhằm giúp chính trẻ tự mình thay đổi hành vi và chuyển hóa cảm xúc, giúp trẻ sống dễ dàng hơn với mọi người và môi trường xung quanh.

▶️ 𝗕𝘂̛𝗼̛́𝗰 𝟮: 𝗤𝘂𝗮𝘆 𝗹𝗮̣𝗶 𝗻𝗵𝗶̀𝗻 𝗯𝗲̂𝗻 𝘁𝗿𝗼𝗻𝗴 𝗺𝗶̀𝗻𝗵 đ𝗲̂̉ 𝘅𝗲𝗺 𝗺𝗶̀𝗻𝗵 𝘁𝗵𝘂̛̣𝗰 𝘀𝘂̛̣ 𝗹𝗮̀𝗺 đ𝗶𝗲̂̀𝘂 𝗻𝗮̀𝘆 𝘃𝗶̀ 𝘁𝗿𝗲̉ 𝗵𝗮𝘆 𝘃𝗶̀ 𝗺𝗶̀𝗻𝗵?

Đây là điều rất tinh tế và dễ nhầm lẫn. Người lớn thường nghĩ mình muốn giúp trẻ tốt hơn, nhưng thực sự khi nhìn sâu bản thân, bạn có thể nhận ra không phải như vậy. Ba mẹ có thể muốn con dừng ăn vạ ở siêu thị vì quá xấu hổ với những người xung quanh. Hay muốn con sửa thói quen ăn uống nhồm nhoàm vì “nhìn ngứa mắt”, sĩ diện khi nhà có khách… Khi giáo viên và ba mẹ nhìn rõ vào bên trong mình, nếu làm vì mình thì chưa vội viết chuyện chữa lành mà nên làm việc với bản thân, kết nối với trẻ sâu hơn để có tình yêu thương vô điều kiện với trẻ.

Là cha mẹ, chúng ta dễ áp lực hơn, nghĩ rằng con mình phải tốt phải giỏi phải lịch sự , phải abc thì mới được. Có những trường hợp chúng ta áp đặt kỳ vọng vào con để thõa mãn sĩ diện hay ước mơ chưa được thực hiện của mình, đó thực ra là vì chính mình chứ không phải vì con trẻ. Trước khi viết chuyện chữa lành, ba mẹ và người lớn thực sự phải nhìn sâu vào bản thân và tuyệt đối trung thực với chính mình.

▶️𝗕𝘂̛𝗼̛́𝗰 𝟯: 𝗦𝗮́𝗻𝗴 𝘁𝗮́𝗰 𝗰𝗵𝘂𝘆𝗲̣̂𝗻 𝗰𝗵𝘂̛̃𝗮 𝗹𝗮̀𝗻𝗵

Khi đã xác định được hành vi, cảm xúc hay thói quen mà ba mẹ, giáo viên hướng tới điều chỉnh ở trẻ, với trạng thái trong trẻo, không đánh giá, phán xét, người lớn bắt đầu sáng tác chuyện chữa lành.

Về mặt cấu trúc, chúng ta có thể sử dụng motif quen thuộc của chuyện cổ tích: có 2 tuyến nhân vật phản diện – chính diện, thiện – ác; có hành trình đi qua nhiều khó khăn thử thách và cuối cùng là kết thúc có hậu.
Người sáng tác cần chú ý để câu chuyện của mình giàu tính nghệ thuật, giàu tính nhạc, hình ảnh và ngôn từ đẹp đẽ, giàu sức sống. Ngoài tính nhạc thể hiện qua nhịp điệu, lời kể, mỗi câu chuyện nên có bài hát nhẹ nhàng bay bổng.

Nhân vật trong chuyện không nên là con người mà là cây cối, con vật, cũng tương tự như chuyện ngụ ngôn. Với những ai đã tìm hiểu về giáo dục Steiner đều biết rằng mỗi loài cây hay con vật đều mang trong mình “nguyên mẫu” – ý nghĩa biểu trưng nào đó. Chẳng hạn như con cua liên tưởng đến sự ngang bướng, đến hành vi cắn bạn.

Có hai cách để chọn nhân vật cho câu chuyện chữa lành. Cách thứ nhất là dựa trên đặc tính, khí chất của đứa trẻ, mình có thể chọn loài cây hay con vật nào đó, ví dụ như có trẻ khiến chúng ta liên tưởng đến một bông hoa hướng dương hay bông hồng trắng. Cách thứ 2 là, cân nhắc hành vi và trạng thái mà chúng ta hướng tới điều chỉnh gần với đặc tính con vật hay cây cối nào, chẳng hạn ăn nhồm nhoàm khiến ta nghĩ đến chú lợn con.
Một câu chuyện sáng tác thành công là khi kể ra, trẻ không nhận ra câu chuyện đó chỉ đích danh mình, hay không có bạn nào nhận ra cô đang nói bạn này bạn kia. Nếu trẻ nhận ra nhân vật trong câu chuyện nghĩa là thất bại, nên dừng kể câu chuyện đó và sáng tác câu chuyện khác.

Một lưu ý quan trọng là khi sáng tác chuyện chữa lành, ba mẹ và thầy cô không quá đặt nặng áp lực phải thay đổi, phải hiệu quả, mà nên giữ tâm thế nhẹ nhàng.

▶️ 𝗕𝘂̛𝗼̛́𝗰 𝟰: 𝗟𝗮̀𝗺 𝗴𝘂̛𝗼̛𝗻𝗴 𝗰𝗵𝗼 𝘁𝗿𝗲̉

Cùng với việc kể câu chuyện chữa lành trong một thời gian dài, thường là 3-4 tuần, bản thân giáo viên, người lớn phải làm gương cho trẻ. Chúng ta muốn trẻ hướng đến hành vi, trạng thái cảm xúc nào thì phải làm mẫu về chính hành vi đó. Không thể đòi hỏi trẻ ăn uống lịch lãm trong khi người lớn ăn uống nhồm nhoàm vội vả, hay muốn trẻ không cãi nhau đánh nhau với bạn nhưng ta lại gây hấn với đồng nghiệp.

Có người đặt câu hỏi rằng, trẻ con hay bắt chước, vậy làm gương là đủ rồi, cần gì chuyện chữa lành nữa? Đó là do trong cuộc sống có rất nhiều yếu tố, con người, môi trường khác nhau ảnh hưởng đến trẻ. Cùng với việc người lớn làm hình mẫu tốt, những câu chuyện chữa lành sẽ giúp trẻ điều hòa cân bằng cảm xúc, điều chỉnh hành vi và hình thành những thói quen tốt.

~ Bài viết dựa trên bài giảng của cô giáo Nguyễn Thu Hương và sổ tay khóa đào tạo giáo viên Steiner 9 tháng 10 ngày, do Hanoisteiner tổ chức.