Người lớn khi được hỏi về kí ức đẹp của tuổi thơ phần đông sẽ nhớ lại một buổi chơi tha thẩn với đám bạn bè trong không gian bát ngát ruộng đồng hay xó xỉnh nào đó của phố phường, nơi không có sự hiện diện hay can thiệp của người lớn – không gian của tuổi thơ.
Thực trạng ở thành phố hiện nay (hay thậm chí là nông thôn), trẻ em rất ít không gian và thời gian dành cho việc chơi tự do. Không chỉ các em tiểu học với lịch học kín đặc cả ngày đêm; mà ngay cả trẻ con trong độ tuổi mầm non, các em phải tuân thủ một lịch học – ăn – ngủ khá dày đặc với sự dẫn dắt của giáo viên trong từng hoạt động. Thường thì thời khóa biểu cuối giờ ở các trường tư thục có khung giờ chơi tự do một cách tự phát do giáo viên hết hoạt động và bố mẹ chưa kịp đón, cũng còn là chút may mắn, dù chưa thể chạm đến chất lượng của một giờ chơi tự do.
-
Tự do để sáng tạo chính mình
Trẻ con học bằng toàn bộ con người, tức bằng sự tham gia của tất cả các giác quan, khác hoàn toàn với người lớn, học bằng tư duy logic và trừu tượng. Bởi thế, chơi là công việc nghiêm túc của trẻ; thông qua chơi toàn bộ các giác quan của trẻ đều tham gia vào từng hoạt động: xúc giác, khứu giác, thính giác…thậm chí ngay cả trực giác về sự thăng bằng, sự an toàn, ấm áp, yên ổn đều được rèn rũa. Tùy vào tự do hay không tự do mà các giác quan sẽ có sự tham gia sâu hay nông. Khi toàn bộ các giác quan hoạt động sâu (một cách tập trung, mê mải), ví dụ dễ nhìn thấy nhất là các hoạt động chân tay, không chỉ chính đôi tay, đôi chân được tôi luyện cho khéo léo, mà não bộ cũng phát triển theo cách tốt nhất.
Có lẽ đã hơn một lần bạn nhìn thấy trẻ bắt chước các hoạt động của người lớn dưới hình thức chơi rất sáng tạo. Khi bé thấy mẹ nấu ăn, một lúc nào đó dù không cần rau thịt, bé cũng THỰC SỰ nấu ăn say sưa. Lúc này, mẩu gỗ hay miếng nhựa với bé không phải món đồ chơi nữa, mà đã mang hình hài một món ăn, một cái bếp (trong một dịp khác tôi sẽ nói cụ thể hơn tại sao trẻ dùng một miếng gỗ làm bếp lại tốt hơn việc trẻ có trong tay một cái bếp đồ chơi với đầy đủ các chi tiết như bếp thật). Mỗi trò chơi của trẻ không đơn thuần là sự ngẫu nhiên hay tùy hứng; ẩn sâu trong nó là sự tái hiện các kinh nghiệm trẻ đã thẩm thấu được từ môi trường, là sự trải nghiệm lại để “tiêu hóa” các kinh nghiệm bên ngoài và biến nó thành trải nghiệm của mình. Một đứa trẻ không được chơi, không thể có trải nghiệm phong phú được dù môi trường của chúng có phong phú đến đâu chăng nữa, kết quả tất yếu sẽ là một người lớn thiếu hài hòa, thiếu sáng tạo. Nhu cầu chơi của trẻ, vì thế cấp thiết như nhu cầu ăn ngủ. Mỗi một kinh nghiệm trẻ thấm thấu từ môi trường, chúng đều cần “diễn đạt” ra dưới dạng một trò chơi nào đó, nhu cầu này là bản năng sống, bản năng học hỏi của trẻ. Trẻ được TỰ DO diễn tả chính mình để SÁNG TẠO ra con người cá nhân của mình.
Tôi đã từng chứng kiến một trẻ chừng 4,5 tuổi chơi tranh cát, vốn trò chơi đã không mấy tự do, vậy mà vẫn có sự can thiệp quá THÔ BẠO của người bố, từ việc ban đầu chọn màu túi cát cho con rồi dần dần thấy con đổ cát nhem nhuốc, ông thay con đổ cát cho đẹp! Đây là ví dụ khá điển hình trong việc giảng dạy ở cấp mầm non, các cô giáo sẵn sàng tận tình làm mẫu cho trẻ chơi một trò chơi mà trẻ còn bỡ ngỡ, ví dụ như xây công viên từ những con thú, mảnh cỏ (cô nghĩ với trẻ khó quá, phải làm mẫu trước). Thậm chí, trong những giờ vẽ, đáng lẽ những đầu óc non nớt của một đứa trẻ 3 tuổi phải được tự do chơi với màu và tự diễn đạt mình (dù bằng những đường “loằng ngoằng” mà người lớn không thể hiểu) trước khi nhập vào bất cứ hình mẫu nào thì ngay lập tức các cô đóng khung lại bằng cách vẽ mẫu, tô theo mẫu. Và thế là, đứa trẻ mầm non nào cũng chỉ biết vẽ ông mặt trời dạng ¼ hình tròn ở góc bên trên tờ giấy! Bạn sẽ mất bao lâu để xóa cái ấn tượng khuôn mẫu này? Tôi đã mất gần 3 năm nay chơi màu với con mà chỉ rất gần đây mới thấy con mạnh dạn vẽ ông mặt trời đang từ từ lặn xuống biển. Dám chắc rằng sự việc không chỉ dừng lại ở những khuôn mẫu chúng ta có thể nhìn thấy dễ dàng như thế, có những sự đóng khung nguy hiểm cho trẻ con hơn nhiều khi trẻ không được TỰ DO chơi. Hãy để trẻ sáng tạo nên chính những trải nghiệm của chúng, để hình thành nhân cách của một con người tự do.
-
Tự do để hòa hợp
Chơi tự do có thể diễn ra một mình hoặc trong một nhóm mà không có sự can thiệp của người lớn (tất nhiên với trẻ nhỏ cần có sự giám sát của người lớn, chỉ can thiệp và giúp đỡ khi có dấu hiệu nguy hiểm). Trong nhóm chơi tự do, trẻ sẽ có CƠ HỘI giải quyết các vấn đề để phát triển cái tôi hòa hợp với cộng đồng. Tôi thích gọi đúng tên của nó hơn là dùng từ “kỹ năng xã hội” như cách chúng ta quen thuộc, vì kỹ năng chỉ là bề nổi có thể học được trong một thời gian ngắn, cái tôi hòa hợp là từ sâu bên trong, hòa hợp để cống hiến.
Một ví dụ khó nhìn thấy hơn, khi một đám trẻ đang chơi say sưa với nhau, chúng chỉ vừa bắt đầu có xung đột; ngay lập tức hai bà mẹ hoặc ông bố nhảy vào xử lý và dạy bảo từng đứa một. Nếu chúng ta nhìn sâu vào ví dụ này, ta sẽ thấy chính những ông bố bà mẹ rất mực hòa nhã này đang lấy mất cơ hội tự giải quyết mâu thuẫn của trẻ. Tôi đã quan sát rất nhiều (từ môi trường trong và ngoài lớp học) và trải nghiệm với chính hai đứa con của mình, để nhận thấy rằng việc người lớn tham gia xử lý các vấn đề mâu thuẫn của trẻ con khi chưa thực sự cần thiết (giới hạn cần thiết của mỗi gia đình sẽ là khác nhau, cũng khác nhau trong từng môi trường, hoàn cảnh; bạn phải tinh tế để lập ra giới hạn cho mình và con) không mấy khi đem lại kết quả tích cực. Và đáng lo ngại hơn, trẻ không có thói quen tự giải quyết mẫu thuẫn, thay vào đó lại hình thành thói quen “mách” ba mẹ, như cậy nhờ một người có thẩm quyền tối cao để xử lý mọi vấn đề của mình. Đương nhiên, trong vai trò làm cha làm mẹ, chúng ta phải có trách nhiệm và quyền dạy dỗ con cái để chúng có được những cư xử hòa nhã nhất với bạn bè, nhưng hãy để cho chúng một khoảng trống để chúng tự xoay sở với nhau trước đã. Và khi can thiệp, cũng đừng thô bạo cưỡng bức con xin lỗi bạn hay dừng chơi ngay lập tức chỉ để thỏa mãn cái sĩ diện của mình. Hãy cố gắng nhìn vấn đề của trẻ con theo cách nhìn của trẻ con, đừng mang các tiêu chuẩn đạo đức của người lớn ra phán xét con trẻ. Chúng ta tin cậy và cho trẻ một khoảng trống là đã cho chúng tự trải nghiệm để tìm ra cách sống hòa hợp trong cộng đồng.
-
Tự do để phát triển lành mạnh
Có lẽ cũng không quá võ đoán khi nói rằng phần lớn các vấn đề phát sinh ở trẻ (trừ lí do sức khỏe) đều do hoặc trẻ không được yêu thương hoặc trẻ không được giải phóng năng lượng. Chơi tự do của trẻ là sự giải phóng năng lượng và hấp thụ năng lượng, như việc chúng ta thở ra đồng thời ngay lập tức hít vào. Và thở thì đương nhiên trong môi trường càng trong lành càng tốt. Môi trường tốt nhất cho hoạt động chơi tự do của trẻ là trong thiên nhiên và với thiên nhiên, nơi năng lượng của trẻ được giải phóng tốt nhất, được hấp thu tích cực nhất. Không ai không mỉm cười ngay khi nhìn một nhóm trẻ con tung tăng chạy nhảy trên đồng lúa vừa gặt, hay bận rộn cùng nhau xây một cái nhà từ rơm rạ? Bạn biết tại sao bạn mỉm cười không? Vì chưa cần đến sự phân tích của lý trí, trực giác mách với bạn rằng đó là hoạt động lành mạnh nhất, tích cực nhất cho sự phát triển của con bạn.