Montessori & Steiner: sự giống và khác nhau trong phương thức thực hành

thuyen

 

  1. Đồ chơi: mở & đóng
  2. Chơi trong thế giới thực và chơi tưởng tượng
  3. Các câu chuyện thần tiên & các bài học khoa học
  4. Xây dựng kỹ năng xã hội: cá thể trong một tập thể & cái một trong cái toàn thể
  5. Tính trật tự & tính nhịp điệu
  6. Trí thông minh logic & trí tưởng tượng.

——————

  1. Đồ chơi: mở & đóng

Montessori nhấn mạnh vào tính Thực, bà cho rằng trẻ cần phân biệt được thế giới thực và không thực. Đặc biệt ở giai đoạn mầm non, dựa trên những tổn thương não của nhóm trẻ đầu tiên bà tiếp xúc khi mở trường Casa dei Bambini bà quan niệm rằng trẻ không hoặc ít có khả năng phân biệt thế giới thực (là thế giới vật chất, như người lớn nhìn và sờ thấy) và thế giới trong trí tưởng tượng của trẻ (thế giới ảo). Nhiệm vụ của giáo viên là cung cấp môi trường, học liệu gắn liền với Thực Tại để giúp trẻ “tiếp đất” một cách chắc chắn nhất, khoa học nhất. Những gì thuộc về trí tưởng tượng cần tạm hoãn cho giai đoạn sau đó, khi trẻ đã hoàn toàn trở nên logic, thực tế và nhận biết thế giới thực như cách người lớn chúng ta nhìn thấy. Do đó, bà thiết kế mỗi món học liệu gắn với  một chức năng cụ thể, một cách chơi duy nhất đúng, với mục đích giảng dạy một kiến thức khoa học thực dụng, hay một kỹ năng.

Đồ chơi trong lớp học Steiner, ngược lại, không món đồ nào có duy nhất một cách chơi, cũng không có sự “cài đặt” mục đích sử dụng cho món đồ chơi. Trẻ có thể sử dụng một khúc cây tưởng tượng làm thuyền, làm em bé, làm sách…có thể sử dụng một con búp bê tối giản chi tiết hôm nay trong vai em bé, ngày mai trong vai mẹ, bà, cô tiên, phù thủy, sử dụng một miếng vải làm váy áo, làm nhà, làm sông…Tại sao  lớp học Steinre với đồ chơi hoàn toàn mở, tối giản chi tiết và màu sắc? Bởi Steiener quan niệm trẻ em trong độ tuổi mầm non có nhu cầu bức thiết phải được “diễn đạt” những hình ảnh trong trí tưởng tượng vô cùng phong phú của trẻ thông qua các trò chơi tưởng tượng, nhu cầu “tiêu hóa” lại những trải nghiệm, quan sát mà trẻ có được trong cuộc sống thực, cũng qua cách chơi đóng vai, giả tưởng. Ông cho rằng việc chơi với đồ chơi mở là việc tập thể dục cho trí tưởng tượng, trẻ sẽ luôn phải tưởng tượng, tìm tòi và sáng tạo ra những mục đích khác nhau của một món đồ chơi, cách chơi.

  1. Chơi trong thế giới thực và chơi tưởng tượng.

Vì quan niệm trẻ không cần sự giải trí thuần túy, trẻ luôn bận rộn và có khả năng để tự mình trở nên bận rộn, không có thời gian nhàn rỗi, nhàm chán để rơi vào trạng thái cần giải trí như người lớn, Montessori cho rằng trẻ cần được làm các công việc THẬT, các công việc như người lớn đang làm: làm việc nhà, làm thủ công,…nên Montessori tạo ra bước đột phá trong việc nuôi dạy trẻ mầm non khi thiết kế các vật dụng  bàn ghế, tủ, bếp,…là những vật dụng trong gia đình được thu nhỏ lại, kích thước phù hợp để trẻ được thoải mái sử dụng, được thỏa sức LÀM những việc thực, được phát triển tối đa các kỹ năng mà không bị giới hạn bởi sự bất tiện do đồ đạc. Do đó, trong lớp học Montessori sẽ có những dao sắc, kéo, cưa, bát sứ, bếp nấu…tất cả những gì mà người lớn sử dụng, trẻ đều khao khát được LÀM theo, và lớp học cung cấp học liệu này cho trẻ làm.

Steiner chia sẻ cùng quan điểm này trong cách giáo dục trẻ. Lớp học Steiner có đầy đủ các học cụ cho trẻ thỏa sức làm các công việc như bố mẹ vẫn làm hàng ngày: nấu ăn, rửa bát, đan len, đóng bàn, đóng ghế,…Thậm chí, Steiner nhấn mạnh hơn nữa vào vai trò của giáo viên, người giáo viên cần LÀM thật những việc này tại lớp, để trẻ được gợi hứng thú, có hình mẫu để bắt chước. Giáo viên Steiner sẽ làm các công việc như một người mẹ, người bố, trong khi trẻ chơi, ngoài việc quan sát trẻ cô sẽ chăm chú làm các công việc của mình: sửa một món đồ, khâu vá búp bê, đẽo một chiếc ô tô đồ chơi,…để làm mẫu THẬT cho trẻ, tuyệt đối không giảng dạy qua các mẫu không thật, là các bài giảng sử dụng hình ảnh, video, thuyết giảng.

Tuy nhiên, Steiner và Montessori có sự khác nhau khá rõ ràng trong quan niệm về việc chơi của trẻ. Trong khi Montessori nhấn mạnh và chỉ tập trung vào Thực Tại, là tất cả những gì gắn liền và liên quan trực tiếp đến đời sống thực, thì Steiner nhấn mạnh vào tính THẬT và các trò chơi Tưởng Tượng.

Việc chơi của trẻ trong lớp Montessori là việc tự mình hoàn thành một công việc gắn với một bài học “ẩn dấu” trong món học liệu mà trẻ chọn (bài học này được cài đặt trong ý đồ thiết kế đồ chơi của Montessori). Do cách thiết kế học liệu có duy nhất một cách chơi đúng, trẻ sẽ tự mình học được bài học ẩn trong đó bằng cách thử – sai – thử – sai…cho đến khi tự mình tìm được đáp án đúng. Lúc này, vai trò của giáo viên là người quan sát, tôn trọng không làm gián đoạn thời gian chơi –học của trẻ, để đảm bảo cho trẻ có đủ thời gian hoàn thành bài học mà không cần bất cứ sự giảng dạy nào từ phía giáo viên. Montessori nhấn mạnh việc chơi của trẻ cần gắn với cuộc sống thật, nhằm tích lũy các kiến thức khoa học thực dụng, các kỹ năng vận động; bà không cổ vũ thậm chí dùng cách thiết kế môi trường lớp học để ngăn cản các trò chơi giả tưởng, đóng kịch, đóng vai…là những gì thuộc về trí tưởng tượng, thuộc về thế giới không thực.

Steiner, ngược lại, tạo mọi điều kiện cho trẻ được phát huy tối đa trí tưởng tượng phong phú vốn sẵn có trong giai đoạn ấu thơ. Ông không cho rằng người lớn cần nỗ lực cho trẻ nhận biết về thế giới thực đúng như cách người lớn nhìn và sờ thấy. Bằng cách nào đó, ông biết trẻ con nhìn thế giới theo cách của trẻ con và ông hoàn toàn tôn trọng cách nhìn đó, không thấy nó là nguy hại hay cần chỉnh sửa, thậm chí ông yêu cầu giáo viên phải học được cách nhìn như trẻ, để giúp trẻ phát duy tối đa trí tưởng tượng phong phú và sự nhạy cảm tuyệt vời ở giai đoạn ấu thơ này. Đồ chơi với vải, gỗ, bông, sáp ong, bàn ghế, búp bê tối giản chi tiết,…là những nguyên liệu thô cho phép trẻ thỏa sức sáng tạo, tưởng tượng, phân vai,…Một lớp học Steiner thành công là khi trẻ chăm chú chơi cùng nhau hoặc một mình các trò chơi đóng vai, giả tưởng, là khi trẻ biết chơi và ham chơi, có khả năng kết nối với nhau và kết nối các đồ chơi, cách chơi tạo thành một sân khấu, một vở diễn sinh động, rực rỡ.

  1. Các câu chuyện thần tiên & các bài học khoa học

Trong lớp học Montessori bài học “gửi gắm” trong từng món đồ chơi, lẫn những bài học giáo viên trực tiếp thiết kế giảng dạy đều gắn với kiến thức khoa học thực tế, hay những kỹ năng vận động cần thiết. Chẳng hạn: một bộ hộp chữ cái, một kim tự tháp sắp xếp bằng hạt, một bộ lắp ghép bản đồ,…Có thể nói tất cả các học cụ trong lớp Montessori đều nhằm cho trẻ tự khám phá ra các quy luật, các kiến thức toán học, chữ, số, kiến thức khoa học,…Và đặc biệt, nghiên cứu và tìm ra các giai đoạn trẻ đặc biệt tò mò với số, nhạy cảm với chữ, Montessori thiết kế nhiều bộ học chữ, học số thông qua xúc giác. Điều này khiến trẻ em Montessori có những lợi thế rõ ràng khi tham gia chương trình tiểu học, bởi trước đó ngay ở giai đoạn mầm non trẻ đã được phát huy tối đa tư duy logic, tích lũy kiến thức khoa học khá phong phú. Tinh thần khoa học biểu thị rất rõ trong cách thiết kế lớp học, trong tương tác giữa giáo viên và học sinh.

Điều này lại rất hiếm khi tìm thấy được trong lớp học mầm non Steiner, tuyệt đối không có chữ, số, không có các kiến thức khoa học được giảng dạy hay ít nhất là giải thích một cách chính xác, khoa học. Thậm chí, một cô giáo Steiner được đánh giá là tốt phải biết trả lời các câu hỏi của trẻ: có ai sinh sống trên mặt trăng, hay mặt trăng sinh ra như thế nào? bằng một câu chuyện cổ tích về chị Hằng chú Cuội hay thậm chí giỏi hơn nữa là cô giáo sẽ ngay lập tức sáng tác một câu chuyện thần tiên, một bài thơ về các cô tiên, chú lùn sống trên mặt trăng hàng ngày vẫn ngóng trông và  theo  ánh trăng xanh xuống trái đất chơi cùng các em bé.  Hàng ngày, trong lớp học Steiner ngoài giờ kể chuyện, cô và trò cùng nhau sáng tác, ứng biến không biết bao nhiêu những câu chuyện tưởng tượng khác. Trẻ không ăn, cô kể một câu chuyện thần thoại về bạn thỏ biếng ăn sẽ ra sao. Trẻ đánh bạn, ngoài việc xử lý tức thời, cô thậm chí cũng sẽ dùng những câu chuyện được kể lặp lại vào giờ kể chuyện để trẻ sống cùng câu chuyện, sống trong tình yêu thương, chia sẻ giữa bạn chim sẻ và đại bàng rồi một lúc nào đó, trẻ sẽ tự nhiên thay đổi hành vi….Steiner cho rằng những câu chuyện thần tiên là nguồn thức ăn lành mạnh và bổ dưỡng cho tâm hồn trẻ, cho trí tưởng tượng được bay bổng, được nuôi dưỡng tối đa. Người giáo viên Steiner giỏi chắc chắn là người biết sáng tác chuyện và kể chuyện hay. Bầu không khí lớp học Steiner là một bầu không khí cổ tích, đẹp thơ mộng và bay bổng, hài hòa với thiên nhiên.

  1. Xây dựng kỹ năng xã hội: cá thể trong một tập thể & cái một trong cái toàn thể

Montessori viết “thầy cô giáo phải là những người đã được chuẩn bị từ bên trong – đã tự mình tôi rèn bản thân để trở nên những con người từ bi, bác ái, từ chối sự độc tài, kiêu ngạo”. Nhân cách của người thầy đặc biệt hay thậm chí là tuyệt đối quan trọng đối với giai đoạn học thẩm thấu của tuổi ấu thơ, quan trọng hơn tất cả mọi học liệu và phương pháp. Điều này càng đặc biệt quan trọng xét theo góc nhìn để giúp trẻ xây dựng kỹ năng xã hội, xây dựng những thói quen, hành vi ứng xử với những người xung quanh mình, là kết quả được nhìn thấy ngay lúc này của việc hình thành nhân cách trong tương lai. Bà cho rằng trẻ lên 3 cần được ở cùng những người không phải người thân của mình, không phải những người sẵn sàng chấp nhận trẻ với tất cả những hành vi, thói quen xấu, để trẻ học được các kỹ năng xã hội cần thiết. Môi trường mầm non là môi trường phù hợp nhất giúp trẻ xây dựng nên những kỹ năng xã hội.

Montessori rèn luyện cho trẻ thích nghi với xã hội như một cá thể độc lập cùng tồn tại trong một tập thể. Trẻ học cách chờ đợi, cách không làm phiền người khác, tôn trọng các nhu cầu của người khác. Trong giờ chơi trẻ được chơi trên một tấm thảm riêng biệt, được học cách chờ đợi nếu bạn đã đang chơi món đồ mình muốn. Trẻ học cách chơi chăm chú, tập trung trong tĩnh lặng, không gây ồn ào ảnh hưởng tới các bạn khác. Kỹ năng xã hội mà Montessori mong muốn xây dựng cho trẻ là kỹ năng của một cá nhân mạnh mẽ, biết đẩy lùi cái tôi cá nhân để tôn trọng các quy tắc ứng xử trong các môi trường công cộng, trong các mối quan hệ để ưu tiên cho sự hài hòa của mối quan hệ, của môi trường.

Steiner có cùng quan điểm với Montessori về người thầy của trẻ. Trong cách ông đào tạo giáo viên thậm chí ông cung cấp những phương thức thực hành rất cụ thể để mỗi ngày người giáo viên, người thầy đều có thể làm mạnh mình hơn lên, mỗi ngày trở nên từ bi, bác ái hơn, và hoàn toàn không có sự độc tài, kiêu ngạo. Giáo viên Steiner nhìn đứa trẻ là một thực thể cao quý, như cách Montessori gọi đứa trẻ “là cha của con người”.

Steiner mong muốn xây dựng môi trường có tính gắn kết cộng đồng cao. Trẻ cùng tham gia với nhau, cùng nhau, cùng giáo viên trong một tập thể thống nhất, việc này được thực hiện trong rất nhiều các hoạt động khác nhau trong suốt một ngày trẻ ở trường. Giờ sinh hoạt vòng tròn là sự kết nối của những cá thể vào một tập thể, sử dụng công cụ là nghệ thuật, là âm nhạc. Giờ hát trước khi ăn, ngoài việc rèn rũa lòng biết ơn cho trẻ thì mỗi lần nắm tay bạn, cùng bạn và cô kết nối thành một vòng tròn là một lần trẻ được tham gia bằng toàn bộ con người mình vào cộng đồng. Giờ chơi tự định hướng, trẻ hoàn toàn có thể tự chơi một mình, tuy nhiên hầu hết, một cách tự nhiên, trẻ sẽ rủ bạn chơi cùng, xây dựng cho mình một đội nhóm cùng chơi rồi tự mình học cách giải quyết các vấn đề nảy sinh.

  1. Tính trật tự & tính nhịp điệu

Montessori khẳng định thầy cô là người thiết kế, tạo môi trường giáo dục đầy ắp tính văn hóa để trẻ em có thể say mê, tập trung vào hoạt động chơi của chúng trong một khoảng thời gian đủ dài không bị người lớn ngắt quãng (theo bà, khoảng thời gian lý tưởng nhất là 3 giờ đối với trẻ từ 2 tuổi rưỡi đến 6 tuổi). Chính sự tập trung và say mê này làm nên yếu tố kỷ luật và trật tự cho môi trường giáo dục chứ không phải các hình thức thưởng phạt hay thậm chí quát nạt, dọa dẫm. Sự tập trung vào một hoạt động và không bị ngắt quãng này càng tuyệt đối không phải để phục vụ lợi ích của người lớn là rảnh tay với con trẻ, như cách các ông bố bà mẹ trẻ cho con một chiếc iphone, ipad hay một cái điều khiển tivi và chúng ngồi đó bất động hàng giờ liền. Tôn trọng sự lựa chọn hoạt động chơi (hay chính là học) của trẻ là để chính trẻ làm bừng nở con – người – tương – lai của mình, khả năng và phẩm chất của mình. Việc dành một khoảng thời gian đủ dài để trẻ vui vẻ tập trung vào công việc của mình là bước quan trọng để trẻ phát triển năng lực tư duy, năng lực khám phá. Và quan trọng nhất là niềm SAY MÊ và VUI THÍCH lao động (là trạng thái bẩm sinh nơi mỗi đứa trẻ) không bị làm hỏng đi, để khi lớn lên chúng lại hoang mang vì không tìm ra niềm say mê trong cuộc đời mình.

Cả Montessori và Steiner đều nhấn mạnh vào sự cần thiết của trật tự đối với trẻ. Tuy nhiên, ông và bà triển khai các cách thực hành khác nhau để đạt tới tính trật tự này.

Trong lớp học Montessori đồ chơi được theo một trật tự cố định để trẻ luôn biết cái gì ở đâu, bà quan sát và thấu hiểu trật tự không gian sẽ đem đến cho trẻ cảm giác an toàn. Steiner không dừng lại ở trật tự về không gian, ông mở rộng trật tự về thời gian, là tính nhịp điệu của môi trường giáo dục Steiner. Bên cạnh trật tự về không gian là điều kiện tất yếu của lớp học Steiner, tính nhịp điệu trong các hoạt động hàng ngày lại là đặc tính cơ bản của “giáo trình” mầm non Steiner. Nhịp điệu này ổn định theo ngày, theo tuần, theo mùa, theo năm. Bên cạnh sự yên ổn của trật tự không gian, nhịp điệu đem đến cho trẻ không chỉ cảm giác an toàn, thân quen mà hơn thế, nó tôi rèn Ý Chí cho trẻ. Đây cũng là một điểm độc đáo của phương pháp giáo dục Steiner, nhấn mạnh vào sự hình thành và phát triền Ý Chí như hạt mầm, như ngọn lửa nhen nhóm đầu tiên bên trong đứa trẻ để chuẩn bị cho mọi sự nảy mầm, cho mọi sự bùng cháy, đam mê.

  1. Trí thông minh logic & trí tưởng tượng

Eistein đã nói, muốn con bạn thông minh hãy đọc cho chúng nghe những câu chuyện cổ tích, muốn con bạn thông minh hơn nữa hãy đọc nhiều hơn nữa cho chúng nghe những câu chuyện cổ tích. Điều này, các trường mầm non Steiner đã làm rất tốt, nâng lên một nấc cao hơn, từ đọc chuyện sang kể chuyện. Đọc tức là bạn còn phải cần đến sách, là bạn còn chưa sống với câu chuyện để truyền tải cho trẻ sự sống động, kể là bạn đã biết sống trong câu chuyện. Gờ kể chuyện của trường mầm non Steiner là giờ mà trí tưởng tượng của trẻ tha hồ bay bổng. Không gian lớp học ấm cúng, ánh sáng được làm dịu đi, nến được thắp lên bên cạnh “sân khấu” nhỏ của các nhân vật rối, được các cô sắp đặt và tạo bối cảnh với lụa, với bông, với hoa, với lá. Cô khe khẽ cầm cây đàn lyre chơi vài nốt ngân nga, trẻ lập tức im ắng, chăm chú đón đợi và bắt đầu tưởng tượng theo từng động tác cô diễn rối nhịp nhàng, từng câu kể cô buông rất khoan thai. Những giờ kể chuyện quý giá này sẽ gieo mầm, chăm bón cho trí tưởng tượng của trẻ lớn lên từng ngày. Những mầm này sẽ theo trẻ vào từng giờ chơi. Giờ chơi, tiếp tục là một môi trường kích thích tối đa sự phát triển của trí tưởng tượng. Điều khác biệt với các mô hình giáo dục khác là lớp mầm non Steiner có giờ chơi tự do mỗi ngày, theo nghĩa trẻ là người tổ chức trò chơi, giải quyết các vấn đề nảy sinh khi chơi với bạn, giáo viên chỉ đóng vai trò như người thiết lập môi trường, đảm bảo an toàn và hạn chế tối đa sự can thiệp.  Chơi tự do, hay còn gọi là chơi theo định hướng lựa chọn của trẻ, là một nhu cầu thiết yếu của trẻ để “trải nghiệm lại”, “diễn lại” những gì trẻ đã thẩm thấu, để tưởng tượng và sáng tạo ra vô vàn câu chuyện. Nhu cầu được chơi, và chơi tự do của trẻ cũng thiếu yếu như nhu cầu ăn, ngủ; và để so sánh với người lớn, ta có thể so với nhu cầu được làm việc để kết nối và để thấy mình là một cá thể trong cộng đồng. Có nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, trẻ khi nhỏ biết chơi lớn lên là những người lớn hoạt bát, khả năng giải quyết vấn đề cao hơn hẳn những trẻ không được và do dó không “biết” chơi.

Giờ chơi tự do này của lớp học Steiner và Montessori có những sự giống nhau và khác nhau. Sự giống nhau là bởi trẻ được chơi tự định hướng, được dành một khoảng thời gian đủ dài để có thể tập trung vào trò chơi. Sự khác nhau nằm ở môi trường mà giáo viên đã tạo ra cho trẻ thông qua đồ chơi và bầu không khí. Trong khi một lớp học Steiner mang màu sắc cổ tích, thì một lớp học Montessori có bầu không khí rất khoa học, hiện đại. Các đồ chơi, học liệu của lớp Montessori tập trung vào việc kích thích tư duy logic của trẻ, đem đến cho trẻ các kiến thức cụ thể nào đó của Thực Tại.

Montessori cho rằng một đứa trẻ phải hoàn tất và chỉ hoàn tất được quá trình “nhập thể”, quá trình “phôi thai tinh thần” đi ra và hòa nhập với Thực Tại của thế giới vật chất, khi nó được hoạt động và là những hoạt động gắn với Thực Tại. Người lớn quanh trẻ không được phép cho trẻ chạy trốn  trong hỗn độn các biểu tượng, các ảo ảnh, huyễn tưởng của trí tưởng tượng, của việc đóng kịch; mà theo bà là do sự nghèo nàn của môi trường, sự thiếu vắng các hoạt động của Thực Tại khiến trẻ trở nên ngày càng trốn sâu hơn trong cái vỏ ốc của huyễn tưởng, tưởng tượng. Thậm chí bà gọi đây là một dạng “ẩn ức tâm lý”, phân tích theo phân tâm học, là một sự chạy trốn các thực tại khó chịu, làm lệch lạc đi một số năng lực tự nhiên nào đó. Steiner lại có quan điểm hoàn toàn trái ngược, ông bảo vệ quá trình “nhập thể” này một cách trọn vẹn, quá trình này phải được diễn ra một cách từ tốn, theo giai đoạn phát triển tự nhiên của trẻ. Ông cho rằng việc tưởng tượng hay đóng kịch với trẻ lại thực hơn chính thế giới Thực Tại bên ngoài, việc tạo môi trường để trẻ được tiếp tục đóng kịch, được tưởng tượng, được sống trong thế giới mơ mộng do trẻ tưởng tượng ra chính là nhằm “bảo tồn” những năng lực quý giá trong giai đoạn “nhập thể” này. Montessori gọi những năng lực tự nhiên quý giá này của trẻ là “phôi thai tinh thần”, Steiner gọi nó là sự kết nối giữa cái bản Tôi thấp của thế giới vật chất và cái Siêu Tôi thuần tinh thần, tâm linh. Điểm khác biệt lớn nhất giữa hai nhà giáo dục này có lẽ nằm ở đây, sự nhận định về quá trình “nhập thể” của trẻ, dẫn tới cách thiết kế lớp học, thiết kề đồ chơi theo hai hướng khác biệt nhau.

Cùng một gốc triết lý giáo dục dựa trên trên tình yêu thương, Steiner và Montessori đều khẳng định yếu tố quan trọng nhất rằng thầy cô giáo phải là những người đã được chuẩn bị từ bên trong – đã tự mình tôi rèn bản thân để trở nên những con người từ bi, bác ái, từ chối sự độc tài, kiêu ngạo, để trẻ được thẩm thấu những nhân cách đẹp nhất, thiện nhất trong một môi trường tự nhiên đầy ắp tính văn hóa được người thầy chuẩn bị cho trẻ tự trải nghiệm, tự làm bừng nở con – người – tương – lai của mình. Hai nhà giáo dục lớn, cũng như nhiều nhà phâm tâm học và tâm lý học khác, đều khẳng định giai đoạn 0-7 trẻ học qua sự thẩm thấu, bắt chước, bắt chước không chỉ hành động mà ngay cả cảm xúc, suy nghĩ bên trong của người lớn xung quanh mình. Sự khác nhau của hai nhà giáo dục lớn này có lẽ nằm ở quan niệm về sự “nhập thể” của những sinh linh, những phôi thai tinh thần, những năng lực tự nhiên mà con người vốn có thể thu nhận được ngay từ khi sinh ra. Steiner và Montessoi khác nhau trong việc chọn con đường để những năng lực tự nhiên này “nhập thể” một cách trọn vẹn nhất, để đứa trẻ phát huy tối đa năng lực trong Thực Tại.