Cùng một cái gốc yêu thương và cá nhân hóa trong giáo dục, cùng một mục tiêu đào tạo con người nhân văn, tự do và sáng tạo nhưng hai nhà giáo dục Maria Montessori & Rudolf Steiner đi hai con đường có thể nói là đối xứng ngược nhau, như âm và dương, như mặt trăng và mặt trời.
Montessori trước tiên đào tạo đứa trẻ với đầy đủ các kiến thức, kỹ năng để xây dựng thế giới (vật chất), rồi từ đó tự đi tìm bình an cho tâm hồn mình. Steiner thì ngược lại, tạo mọi cơ hội, môi trường để đứa trẻ xây một cái móng thật chắc: một tâm hồn hài hòa ngay từ thuở lên ba, là cái gốc vững để trở thành con người trưởng thành bình an sau này, sau đó mới là cung cấp các kiến thức, kỹ năng cần thiết về thế giới thực, cuộc sống thực. Bà đi xây & làm giàu cho thế giới để đạt được bình an, ông tự vun vén bình an nội tâm để rồi xây dựng thế giới trong tình yêu thương.
Điều này cũng liên quan tới chính cuộc đời của Montessori & Steiner.
Ban đầu theo học ngành Toán & Công nghệ, Steiner chuyển sang học triết học và nhận bằng tiến sỹ triết học (Đại học Rostock, Đức) năm 1891, Steiner tiếp cận các vấn đề triết học, tâm linh khi còn khá trẻ, tham gia hội Theosophical Society và trở thành người đứng đầu Theosophical tại Đức năm 1902. Rời bỏ hội này, Steiner tự lập nên trường phái triết học của riêng mình: Anthroposophy, chịu sự ảnh hưởng trường phái triết học của Johann Wolfgang Geothe. Sau sự ra đời của Anthroposhopy, Steiner viết sách, giảng dạy và ứng dụng Anthroposhopy vào trong các môn nghệ thuật, kiến trúc. Đặc biệt, sau chiến tranh thế giới lần thứ I, nhiều lần bị Hittle ám sát không thành, Steiner thấy cần thiết phải có một nền giáo dục hoàn toàn mới để xây dựng một thế giới mới, trường học đầu tiên ra đời do chính ông làm giáo viên và đào tạo giáo viên, trường Waldorf dành cho con em công nhân (của nhà máy thuốc lá do ông chủ Emil Molt sở hữu) và tầng lớp quý tộc cùng theo học, trường lấy theo tên địa danh Waldorf, Đức. Liên quan mật thiết với giáo dục, Steiner tiếp tục giảng dạy cách ứng dụng Anthroposhopy trong các lĩnh vực y tế, nông nghiệp sinh thái bền vững.
Sinh ra, lớn lên, ngành theo học, làm việc…đều trong những môi trường đầy tình nam, duy vật chủ nghĩa, và sống trong giai đoạn chiến tranh thế giới thứ I, có lẽ chăng vì thế Steiner hiểu và cảm rõ nguyên nhân tạo nên những rạn nứt trong thế giới con người, những phá hủy xét theo góc độ con người cá nhân lẫn sự phá hủy tiến trình đi lên của loài người? Và có lẽ chăng, vì thế ông ra sức xây dựng những gì mang tính bền vững, an hòa, phúc lạc, để trở về với cái NGUYÊN KHỞI của con người, của thiên nhiên, nguyên khởi mà không phải nguyên thủy, mông muội, là cái thuộc về những kẻ anh hùng, siêu nhân của Nietzsche hơn là thuộc về người nguyên thủy muốn quay về rừng mà sống như Rousseau. Ông ra sức giảng dạy các kiến thức ứng dụng vào hầu hết các lĩnh vực của đời sống, từ nền nông nghiệp sinh thái năng động và bền vững, đến nền giáo dục mang nhiều tính nữ, đến kiến trúc, y tế…đều gần gũi và trở về với thiên nhiên, trở về với bản chất nguyên khởi của loài người.
Montessori là một bác sỹ thần kinh. Bà bắt đầu ngôi trường đầu tiên của mình, Casa dei Bambini nằm trong dự án phục hồi tổn thương cho những trẻ có khiếm khuyết về thần kinh, trẻ mắc các bệnh: tự kỷ, tăng động, trầm cảm,…là những đứa trẻ không thể hoặc rất khó khăn để kết nối với thế giới thực. Do đó, bà nhấn mạnh vào THỰC TẠI, là thế giới vật chất như người lớn nhìn và sờ thấy. Giáo viên cần cung cấp cho trẻ ngay khi trẻ có dấu hiện nhận thức được các kiến thức cụ thể, kiến thức khoa học về thế giới vật chất, các kỹ năng sống cần thiết, lợi dụng những thời kì nhạy cảm với chữ, với số của trẻ để thúc đẩy việc học các kiến thức khác nhau một cách thuận lợi và nhanh chóng nhất. Sau đó, khi đứa trẻ đã phát triển đủ để biết “cô tiên là không có thực”, trẻ mới nên được tiếp xúc với các câu chuyện thần tiên, các câu chuyện tưởng tượng. Như vậy, Montessori trước tiên muốn cho trẻ thấy tính THỰC của thế giới vật chất, và chỉ sau khi trẻ đủ nhận thức để phân biệt tính THỰC và KHÔNG THỰC (hiểu theo nghĩa của khoa học duy vật, những gì nhìn và sờ thấy được sẽ được coi là thực), chỉ khi đó trẻ mới được tiếp xúc với những gì thuộc về trí tưởng tượng.
Trong chiến tranh thế giới thứ hai, Montessori tới Ấn Độ và do không thể quay lại Italia, bà ở lại đây 6 năm làm bác sỹ nội trú, cuộc sống chậm và môi trường thấm đẫm tâm linh ở Ấn Độ đã khiến bà được khơi nguồn cảm hứng và những cuốn sách hay nhất của bà được viết ra trong giai đoạn này, đã bắt đầu có xu hướng đề cập đến sự phát triển tinh thần, tâm linh (spiritual). Tuy nhiên tại thời điểm này, hệ thống giáo dục mang tinh thần triết lý của đã định hình khá vững chắc. Vậy nên, sẽ có những trường phái Montessori khác nhau như chính sự phát triển cá nhân của Montessori, từ một nhà khoa học duy vật thuần túy bà bắt đầu chuyển sang quan tâm và viết sách về giáo dục liên quan đến sự phát triển tâm linh, sự phát triển con người bên trong của mỗi đứa trẻ. Những cuốn sách bà viết trong giai đoạn ở Ấn Độ sau đó đều được xuất bản bởi nhà xuất bản Adyar Press, the international Theosophical Publishing House. Một sự liên hê không ngạc nhiên giữu Steiner và Montessori với hội Thesophical. Steiner đã đứng đầu và rời bỏ khi khá trẻ, Montessori khi cuối đời lại có những cuốn sách xuất bản bởi nhà xuất bản của Hội này.
Montessori sinh ra và lớn lên ở Italia, một đất nước có thể nói là nữ tính, bà khởi xướng một phương pháp, triết lý giáo dục mang tính dương, của thần Apollo. Những đứa trẻ được thúc đẩy để trở nên thông minh, mạnh mẽ, để xây dựng thế giới THỰC, theo nghĩa đen: góp phần đem lại của cải vật chất cho thế giới chúng ta đang sống; rồi từ mục đích cuộc sống đó chúng – những con người trưởng thành sẽ tìm được bình an nội tâm cho mình. Steiner mang trong mình tính dương mạnh mẽ, đi xậy dựng một hệ thống cho nữ thần Aphrodite, đẹp và hài hòa từ bên ngoài tới bên trong, hệ thống đó không giới hạn ở giáo dục mà bao quát nhiều lĩnh vực của đời sống. Từ cái đẹp và hài hòa này, ông tin, chúng – những đứa con của Aphrodite sẽ trưởng thành với tràn trề lý lưởng và năng lực, sức sống để xây dựng thế giới trong yêu thương và bằng yêu thương.