STEAM ở Trường Sồi và giáo dục Steiner

Buổi chia sẻ về “Toán và Khoa học trong giáo dục Steiner bậc tiểu học” bắt đầu bằng trò chơi nhỏ bắt chước học sinh lớp tiền tiểu học Chồi, và chính những bài thơ, câu hát, chuyển động nhịp nhàng là những hoạt động trong giờ học toán của học sinh Steiner.

  • Toán học là triết học viết bằng công thức hay không công thức?
  • Học Toán cần trực giác sắc bén hay logic sắc bén?
  • Tư duy toán học là một chiều hay đa chiều?
  • Học toán chỉ cần cái đầu?

Cô Hương mở đầu phần một bằng những câu hỏi và cũng chính là lời khẳng định từ một người theo chuyên Toán từ cấp phổ thông đến Thạc sĩ vào chương trình Tiến sĩ.

Vở học sinh – lớp 1 Trường Sồi

Vở học sinh – chụp tại hội thảo về giáo dục Steiner ở Nhật Bản

Từng trang vở của học sinh lớp 1 Trường Sồi và học sinh lớp 6 trường Steiner bên Nhật Bản, lớp 1 hồn nhiên  khác với lớp 6 thành thục, nhưng đều toát lên vẻ đẹp và cảm nhận tinh tế bằng trực giác của trẻ, qua đó các em tìm ra quy luật toán học, quy luật cuộc sống.

Một ví dụ “70 = 30 + 40” viết ngược so với phép tính truyền thống để minh họa cho hai đặc điểm quan trọng trong giáo dục Steiner nói chung và toán học nói riêng:

  • Vượt trên việc giáo dục kĩ năng và tâm lí, giáo dục Steiner dựa trên sự hiểu biết về phát triển tâm thức của trẻ. Ở lớp 1 các em thấy thế giới là một (so với lớp 3, 4 thì tính cá nhân bắt đầu phát triển, các em sẽ có nhiều câu hỏi phản biện, nêu ý kiến), bởi tính cộng đồng rất mạnh nên trong mọi môn học mà cụ thể là môn Toán thì luôn đi từ cái toàn bộ ra cái bộ phận, khai triển từ 70 ra thay vì ngược lại.
  • Thay vì tư duy một chiều 1+1 phải bằng 2, 30+40 chỉ có một câu trả lời thì các em được tư duy đa chiều, phép tính “70 bằng” có nhiều hơn một đáp án.

Người ta thường nói “tính toán”, “làm tính”, “làm toán” nhưng Toán học thực sự không bắt đầu bằng việc “tính” hay không thể chỉ nằm ở việc “tính”. Vẻ đẹp nhất của Toán học là ở tư duy đa chiều, ở cảm nhận trực giác, và tìm ra vẻ đẹp của con số, quy luật toán học.

 

Ở phần hai nói về Toán và quy luật sự sống, cô Hương khẳng định Toán là môn học có trách nhiệm nhiều nhất và là phương tiện hiệu quả nhất phản ảnh quy luật sự sống. Như một em lớp 6 học về đồng dạng sẽ phát hiện ra những hình xoắn ốc trong tự nhiên. Một người học Toán giỏi sẽ phát hiện được quy luật và phát hiện được vấn đề (hiện tượng nhiễu của quy luật).

Trong khi cặp khái niệm IQ – chỉ số thông minh và EQ – chỉ số cảm xúc thường được so sánh đối nghịch thì cô Hương lại cho rằng: Dùng Toán để đo IQ là thì thiếu sót, mà học Toán giỏi như một học sinh Steiner thì tất yếu có cả IQ và EQ tốt, có sự nhạy cảm và sắc bén với sự sống, với quy luật vũ trụ.

Rudolf Steiner đã chỉ ra mối liên hệ giữa “sense of thinking” (giác quan hay khả năng tư duy) và “sense of life” (tạm gọi là giác quan về sự sống). Ở điểm này cô Hương hoàn toàn đồng tình, rằng nếu một trẻ em có tuổi thơ được phát triển giác quan về sức sống mạnh mẽ, thì dù có hay không theo học chuyên Toán, thì học sinh giỏi Toán, bạn ấy vẫn có tư duy toán học hay khả năng phát hiện và giải quyết vấn đề.

Sự sống có những đặc tính của sự kết nối, sự chuyển động, tính nhịp điệu hài hòa – chính là quy luật. Và bất cứ thứ gì có sức sống với ba đặc tính trên, tất yếu có vẻ đẹp – như ta thấy tự nhiên luôn đẹp.

 

Vậy làm sao để dung dưỡng “sense of life” ở bậc tiểu học cho trẻ?

Ở Trường Sồi các em luôn được học Toán – và tất cả các môn học khác – bằng toàn bộ cơ thể, toàn bộ giác quan. Những giờ sinh hoạt vòng tròn, những chuyển động có tính nhịp điệu, và những bài học thông qua câu chuyện, hoạt động nghệ thuật, thủ công… được sắp xếp một cách hài hòa như nhịp “thở vào thở ra” theo từng ngày, từng tuần, từng kì học và qua các mùa trong một năm.

Ngay tại nhà hay với các em học trong môi trường truyền thống, cha mẹ và thầy cô hãy cho trẻ ra ngoài thiên nhiên, một cách tự nhiên các em sẽ có khả năng quan sát và phát hiện toán và khoa học trong tự nhiên, đồng thời đưa vào một số hoạt động nghệ thuật, chuyển động, hát, trò chơi. Thầy cô Trường Sồi và Mầm non Koi đã bắt đầu giới thiệu qua những clip nhỏ trên kênh youtube Hanoi Steiner Education để bố mẹ tham khảo.

Nếu như STEM là từ khóa mới nổi ở Việt Nam trong vài năm qua hay lâu hơn trên thế giới, thì từ 100 năm trước giáo dục Steiner là nền giáo dục “rất STEM” hay đầy đủ hơn là STEAM với một chữ Art – nghệ thuật được nhúng trong từng môn và tích hợp liên môn các khoa học. Học sinh trường Steiner học STEM thường xuyên qua thực hành, theo các dự án, tư duy sáng tạo để tạo ra những sản phẩm hữu dụng xuất phát từ nhu cầu cuộc sống trong hiện tại và cho tương lai.

Chủ đề STEM sẽ tiếp tục được trao đổi trong buổi thứ hai của chuỗi “12 buổi chia sẻ: Thảnh thơi dẫn con qua tiểu học” vào 5h30 sáng Thứ Tư ngày 26/5/2021. Thầy Cô và Bố Mẹ có thể đăng kí để tham gia tiếp tại đây: https://hanoisteiner.edu.vn/thanh-thoi-dan-con-qua-tieu-hoc/ 

Thầy cô Trường Sồi sẵn sàng tiếp nhận các câu hỏi và trao đổi về việc giáo dục tiểu học qua email: [email protected]. Chân thành cảm ơn!