Áp lực thi cử và động lực tự thân

Hơn mười năm trước khi tôi còn dạy các cô cậu lớp 10 của một trường chuyên, trong giờ kiểm tra cả lớp đang chăm chú làm bài bỗng nghe như có tiếng nấc đang cố kìm lại, tôi quay tìm xem tiếng nấc đó từ đâu, cô bé học trò xinh ngoan nề nếp thuộc hàng nhất nhì lớp đang nấc nghẹn và gục đầu xuống tờ giấy kiểm tra. Tôi bước lại, ôm đầu em vào lòng và trấn an: cô đây, có chuyện gì nói cô nghe, con. Vậy là, như dòng nước nghẹn được khơi thông, cô bé con nức nở trong lòng tôi, sau những tiếng được tiếng mất, tôi hiểu rằng: con không làm được hết bài kiểm tra và con sợ bố mẹ sẽ buồn, sẽ thất vọng về con.

Cả bố và mẹ em vốn là những người thành đạt, giàu có và hiểu biết, dành tất cả tình yêu, niềm tin và sự tự hào cho em. Nhưng tôi cũng được biết, sau những chuyện trò với em, rằng em không trò chuyện với bố mẹ bao giờ, em yêu bố mẹ đúng bằng em sợ bố mẹ, bởi thế làm bố mẹ thất vọng là một điều bất khả trong sự cho phép của em với chính mình.

Bài kiểm tra không đạt điểm 10 ấy, thật may, lại là một cây cầu nối để tôi gửi đến bố mẹ em những điều mà một cô bé lớp 10 thực sự cần từ bố mẹ mình, không chỉ là sự chăm sóc vật chất, niềm tự hào hay hãnh diện về một cô con gái hoàn hảo. Và may sao, bởi bố mẹ em vốn hiểu biết, giỏi giang, chỉ qua một việc ấy thôi, em và bố mẹ đã thường xuyên trò chuyện và gần gũi nhau, từ đó.

Nhưng cuộc sống vốn không có nhiều may mắn đến thế cho tất cả mọi người!

Trong các cuộc trò chuyện, tư vấn của tôi với phụ huynh, học viên trong độ tuổi 30-40, những người lớn rất bình thường (tức không có bệnh tật hay trầm cảm gì) khi chúng tôi nói đến thời niên thiếu, thời học cấp 2 cấp 3, tỉ lệ nghĩ đến việc tự tử do áp lực học hành, do mâu thuẫn xa cách với bố mẹ, thật đau lòng, là xấp xỉ 100%, và chúng tôi cùng cười vang với nhau tại thời điểm của cuộc trò chuyện, khi mà mỗi người đều đã hóa giải được những nỗi đau của quá khứ, cười vì thật lạ, sao mà đứa trẻ nào trong chúng ta cũng đã từng nghĩ đến cái chết như thế!

Nhưng điều đó có gì buồn cười? Có thể coi là hiển nhiên chăng sự kiện rằng hầu như tất cả những đứa trẻ ngày xưa ấy đều đã từng có ý định hay ít nhất nghĩ đến việc quên sinh do áp lực học hành hay do quan hệ với bố mẹ?

Nếu mục đích cao nhất của việc học là để thi thì tất yếu khi thi trượt (hay không đạt kết quả như kì vọng của bố mẹ, của bản thân) sẽ dẫn đến cú sốc tâm lý, hành động bạo lực mà xa nhất là trầm cảm, tự tử.

Xưa nay chúng ta coi các kì thi là tiêu chuẩn vàng và duy nhất để đo chất lượng của việc học và dạy trong Nhà trường. Nhưng hãy nhìn lại chính từ ngữ “Giáo dục & Đào tạo”, từ mầm non đến hết phổ thông là giáo dục, đâu đã liên quan đến đào tạo. Giáo dục không nên đánh giá duy nhất bằng định lượng, thi cử, chỉ đào tạo mới cần cân đo xem sản phẩm nào đạt chuẩn ISO để mà xuất xưởng, con người không thể xuất xưởng như thế được. Giáo dục trong nhà trường là một quá trình dài bồi đắp, dung dưỡng cốt cách, ý chí, nghị lực sống của một con người từ ngày đứa trẻ bi bô tập nói ở bậc mầm non đến 18 tuổi tốt nghiệp lớp 12, đươc xem là đã đủ tuổi trưởng thành để học lấy một nghề, một sinh kế mà vào đời, lúc đó mới tham gia vào thị trường đào tạo.

Vậy, một quá trình dài như thế với mục tiêu là cốt cách, ý chí và nghị lực sống của một con người thì kiến thức phải được xem như phương tiện chứ không thể là thước đo duy nhất. Trên thế giới và trong nhiều thế kỷ nay, không phải không có các nền giáo dục hoàn toàn bỏ qua điểm số hay thi cử. Tinh thần giáo dục Waldorf – Steiner, với ngôi trường đầu tiên do Rudolf Steiner mở ra từ hơn 100 năm trước tại Waldorf (Đức), nơi đầu tiên mà con em công nhân cùng học với con em qúy tộc, và đến nay với hàng nghìn trường học trên khắp thế giới là một minh chứng. Nhiều nghiên cứu trong nhiều năm và với nhóm lớn các học sinh tốt nghiệp các trường Steiner đã chỉ ra, học sinh tốt nghiệp những hệ thống giáo dục không điểm số không thi cử ấy được đánh giá cao bởi hầu hết các trường đại học, các trung tâm dạy nghề, hay thậm chí các tổ chức kinh tế. Bởi chúng tự chủ và sáng tạo, thích nghi và hòa nhập tốt với mọi môi trường, thành thục nhiều kỹ năng tinh xảo từ kỹ thuật tới nghệ thuật, với vốn kiến thức sâu sắc và thật, và đặc biệt bởi quan điểm sống và hệ giá trị nhân văn mà chúng theo đuổi.

Chúng ta có thể học gì từ những tinh thần giáo dục ấy?

Đừng để mọi việc làm bao gồm việc học của trẻ phải lấy động lực từ bên ngoài (khen thưởng, và đồng thời trừng phạt, thi cử), nếu người giáo viên bền bỉ, nhẫn nại và thương yêu trẻ hết lòng thì mỗi ngày bên trẻ sẽ hun đúc được cho chúng động lực tự thân, để mọi việc làm việc học của trẻ là do chúng tự tạo, tự quyết.

Điều này càng làm được sớm chừng nào thì nguồn nội động lực sống và làm của trẻ càng dồi dào chừng đó. Bằng trải nghiệm trong vai trò người làm giáo dục từ cấp mầm non, tôi nhận thấy rõ nguồn nội động lực này cần và được tạo ra ngay từ cấp học mầm non. Việc chúng ta nhồi nhét, chạy đua bắt một đứa trẻ 3, 5 tuổi học hết cái này đến cái kia vô tình khiến trẻ hao mòn động lực sống, không còn niềm say sưa trong làm, thiếu sự chủ động và càng ít niềm vui chơi và học. Chậm lại và giản đơn đi việc học của trẻ mầm non, tạo không gian và thời gian cho trẻ được trọn vẹn, say sưa trong trò chơi mà chúng tự biên tự diễn với vài món đồ chơi đơn giản (và tất yếu không phải với màn hình), thế thôi là đã đang dung dưỡng nội động lực của trẻ, để mai này là nguồn cho nội động lực học biển kiến thức.

Lên cấp tiểu học, có đứa trẻ lành mạnh nào không khát khao khám phá chân trời tri thức? Con trai tôi, dẫu là một cậu bé nhanh nhẹn tự lập, ngày vào lớp 1 cũng đã nhiều tối ngồi học bài vừa viết vừa khóc vì mỏi tay. Nếu mỗi ngày ta bắt trẻ phải chịu một và nhiều áp lực như thế, bao lâu thì trẻ sẽ chỉ học vì bố mẹ bắt học, thầy cô bắt thi? Giờ đây, khi cậu ấy học lớp 4, niềm ao ước về một ngôi trường vẫn vậy: trường mà con được làm nhiều, chứ không chỉ ngồi viết hay làm toán. Bậc tiểu học kiến thức có là bao, vậy mà cô với trò hàng ngày bởi học trong áp lực, học trong ép buộc, kéo nó thêm lê thê, cắn luôn hết phần thời gian chơi hay làm bất cứ gì khác của trẻ. Một người giáo viên yêu trẻ, thạo nghề ắt sẽ biết cách biến hóa mớ kiến thức trừu tượng, khô cứng trong sách giáo khoa thành những hoạt động đầy hình ảnh, sinh động và thật đẹp đến mức chạm vào cảm xúc của trẻ, để trẻ được háo hức làm và kiến tạo nên kiến thức, trải nghiệm của riêng mình. “Vâng lời” là một nhu cầu của tâm hồn con người, đặc biệt là nhu cầu mạnh mẽ của trẻ con tuổi tiểu học, một thầy cô giáo có động lực tự thân trong việc giảng dạy sẽ khiến trẻ tự động vâng theo và khơi mở động lực tự thân học và làm của chúng.

Tuổi cấp 2, cấp 3 khi giáo viên làm được việc trở thành bạn của trẻ, là người mà trẻ tin cậy, nể phục thì môn học của giáo viên đó bỗng trở nên hấp dẫn, trẻ say sưa và học giỏi môn của thầy chúng yêu là điều hết sức tự nhiên. Tố chất là yếu tố ảnh hưởng nhưng không mang tính quyết định, với đa số học trò tuổi cấp 2, yêu thầy cô nào sẽ tự nhiên mà học giỏi và say học môn đó. Tuổi cấp 3, thầy cô nào khiến trò nể, trò mê, cái nể cái mê khi nhìn thầy cô sống trọn vẹn say sưa trong nghề, trong việc thầy cô làm, thì hầu như mọi khó khăn của bộ môn ấy cũng trở nên dễ dàng, bởi động lực học đã được trò tự xây dựng từ hình tượng người giáo viên chúng nể chúng mê. Vậy hóa ra bí quyết tạo động lực tự thân cho trẻ học tập lại nằm ở việc giáo viên là ai trong mắt trẻ.

Chúng ta nói nhiều đến đổi mới giáo dục, cải biên sách giáo khoa, nhưng có lẽ đó là con đường vòng để né tránh vấn đề khó và cốt lõi nhất: Nhà giáo!

Và càng đi vòng nhiều ta sẽ càng tạo ra nút thắt, đến một lúc sẽ không còn biết gỡ từ đâu nút thắt nhiều mối ấy nữa. Không có cách nào khác để làm cho nền giáo dục tốt lên và đồng đều là đầu tư vào con người, những người chọn nghề giáo là việc sống, chứ không còn chỉ là sinh kế.

Làm cha mẹ, cũng vậy, không có con đường nào khác là đầu tư vào chính mình là ai, bởi người thầy đầu tiên của trẻ, không ai khác là bố mẹ chúng.

~ Bài của cô Nguyễn Thu Hương, sáng lập Mầm non Koi và Trung tâm đào tạo Hanoi Steiner.