Vấn đề của “tâm trí” khi nuôi dạy trẻ

Tôi đã được trực tiếp nghe rất nhiều câu hỏi từ các phụ huynh có con trong độ tuổi 0 tới 7. Sau một hồi hỏi-đáp trong nhiều buổi từ nhiều nhóm phụ huynh khác nhau, tôi nhận ra bản chất của đa số vấn đề của các cha mẹ. Nói đúng hơn, tôi thấy rõ hơn vấn đề phổ biến chung của con người – mà tất nhiên, tôi cũng không phải là ngoại lệ, tuy có hiểu nó rõ hơn một chút để rèn luyện nhằm không tự phức tạp hoá đời sống của mình.

Những chia sẻ và băn khoăn từ phụ huynh thường đi kèm với cảm xúc và suy nghĩ chủ quan của họ, phần nhiều đã bị cảm xúc và suy nghĩ tiêu cực khuếch đại lên khiến cho lăng kính trở nên khá méo mó.

Ví dụ: một bà mẹ có con trai trong độ tuổi đi học, chị chia sẻ lo lắng rằng con mãi không viết chữ được cẩn thận, cứ cẩu thả, mà mẹ dặn mãi không được; hay một mẹ khác cũng có chia sẻ tương tự, rằng con chị không cẩn thận sắp xếp cặp sách, mãi không sửa được thói này.

Một số phụ huynh khác phàn nàn về việc con nhỏ hay sợ hãi thái quá những tiếng động to, một số nói con mải chơi, một số phàn nàn con nói dối, số khác phàn nàn bố mẹ bảo đứng lên mà cứ như không,… Một số sử dụng từ “cá tính” để tránh nghe có vẻ chỉ trích con cái đối với thái độ mà họ đánh giá là ương bướng ở con.

Tới đây, tất nhiên, bạn có thể nghĩ: Đúng là thói xấu thì phải sửa chứ còn sao!
Nhưng ai nói đó là thói xấu?

Con người có tâm trí. Một trong những “biệt tài” của tâm trí là tạo nên các vấn đề. Nó tạo nên các vấn đề bằng cách luôn luôn tập trung vào những thứ mà nó cho rằng là xấu. Cho rằng là xấu là đánh giá chủ quan. Không có sự việc nào mang tính chất xấu hay tốt tuyệt đối 100% trong mọi hoàn cảnh cả. Tâm trí thích thêu dệt thêm các sự kiện xấu, bới ra những thứ mà nó muốn sửa, và khuếch đại các “vấn đề”. Nói cách khác, nó rất giỏi biến chuyện bé thành chuyện to.

Lấy ví dụ như với bà mẹ có con mà chị than phiền là cẩu thả do không cẩn thận với cặp sách. Chị mô tả con là cẩu thả, nhưng khi tôi hỏi “Vậy có khi nào khác con chị cẩn thận không?”, chị nói “Ôi, lúc nào viết thì tỉ mỉ, từng nét, trông mất hết cả kiên nhẫn!” (Mẹ lại than phiền về việc con kiên nhẫn?)

Lấy ví dụ như với bà mẹ than phiền về chuyện hai con cứ chí choé. Tôi hỏi: “Vậy có khi nào các con chị chơi vui và nhường nhịn nhau không?” Chị có ý phân bua và nói: “À, phần lớn thời gian là như thế!”

Tôi không nói rằng không có vấn đề quan trọng cần giải quyết, nhưng nếu cha mẹ không tỉnh táo, cha mẹ sẽ nhầm lẫn chuyện to thành chuyện bé, chuyện bé thành chuyện to. Phần lớn các vấn đề của nhiều cha mẹ là vấn đề của tâm trí. Tâm trí là nơi hình thành suy nghĩ. Cha mẹ có những suy nghĩ về những gì họ thấy ở trẻ, rất nhiều là suy nghĩ tiêu cực (vì cái tốt, cái ổn ở trẻ họ thường có thể bỏ qua). Khi những suy nghĩ này hình thành và thúc giục cha mẹ làm gì đó, ví dụ: “Nó đang cẩu thả kìa, không sửa ngay cho tử tế để ra nề nếp thì mai này sẽ…”, cha mẹ vội chạy theo các suy nghĩ tiêu cực và gắng hành động. Thường là càng gắng hành động, vấn đề càng nặng.

Sự thật là: CHÚNG TA KHÔNG NHẤT THIẾT PHẢI HÀNH ĐỘNG KHI SUY NGHĨ XUẤT HIỆN. Suy nghĩ chỉ là suy nghĩ thôi. Suy nghĩ có thể như con khỉ nhảy từ cành này sang cành khác, chỉ với sự việc A thôi mà suy ra tới tận việc Z. Suy nghĩ thường chưa chắc đã đúng. Khi bị suy nghĩ chi phối (nghĩ quá nhiều, nghĩ khi không cần thiết, chưa hiểu sự việc thì đã nghĩ để tìm cách giải quyết) thì con người bắt đầu trở nên lẫn lộn và cuộc sống trở nên rối loạn. Đây cũng là cách mà gia đình có thể trở nên rối loạn và mâu thuẫn.

MỘT SỐ ĐIỀU CẦN NHỚ:

1 – Sẽ có rất nhiều suy nghĩ xuất hiện trong đầu bạn. Sẽ có những suy nghĩ đúng đắn, sẽ có những suy nghĩ sai lệch, những suy nghĩ vô thưởng vô phạt, những suy nghĩ mà bạn không thể tưởng tượng được là mình có thể có.
2 – Bạn không phải là những suy nghĩ của bạn.
3 – Bạn không cần phải hành động theo các suy nghĩ để có thể có được sự tự do khỏi các suy nghĩ.
4 – Hãy học cách nhận diện suy nghĩ: khi thấy suy nghĩ xuất hiện, bạn chỉ cần nhận ra là bạn đang nghĩ mà thôi. Việc này nghe có vẻ đơn giản, nhưng chúng ta thường nghĩ rất nhiều mà không biết mình đang nghĩ. Nhận ra mình đang nghĩ sẽ giúp suy nghĩ đó tan biến. Thông thường, chúng ta để cho mình bị cuốn theo các suy nghĩ, hoặc ngược lại là chống lại các suy nghĩ vì cho rằng chúng xấu – cả hai cách này đều không hiệu quả.
5 – Hãy để suy nghĩ tan biến. Khi rèn luyện nhiều, thói quen suy tư sẽ yếu dần, khả năng quan sát và nhận biết tăng lên. Từ đó, ta nhận biết vấn đề và cách thức giải quyết một cách đơn giản và rõ ràng. Tránh gắng giải quyết vấn đề khi còn đang luẩn quẩn suy nghĩ.

Hãy thử tập để thấy rằng bạn có thể trì hoãn hành động để sửa và uốn nắn trẻ, và trong không ít trường hợp, sau khi cho bản thân thời gian, bạn sẽ thấy rằng bạn chẳng cần phải làm gì cả. Bạn thậm chí sẽ có thêm rất nhiều thời gian để vui đùa, hạnh phúc cùng gia đình (và đủ năng lượng để tập trung giải quyết vấn đề quan trọng)!

Cô Nguyễn Thu Hương, sáng lập Mầm non Koi và Trung tâm đào tạo Hanoi Steiner.