Học lịch sử và địa lí theo tinh thần giáo dục Steiner trong Trường Sồi

Buổi chia sẻ thứ 10 của chuỗi 12 buổi chia sẻ: Thảnh thơi dẫn con qua tiểu học với chủ đề “Học lịch sử và địa lí theo tinh thần giáo dục Steiner trong Trường Sồi” được dẫn dắt bởi cô Nguyễn Thu Hương và thầy Trần Anh Tuấn – giáo viên môn lịch sử-địa lý của Trường Sồi.

Mở đầu, cô Hương trình bày sơ lược bức tranh tổng thể về lịch sử loài người kể từ buổi hồng hoang của nhân loại đến xã hội văn minh, tóm tắt từ huyền sử đến sử hàn lâm (có chữ viết).

Huyền sử nhân loại như một kho tàng được giấu kín mà chúng ta, con người hiện đại ngày nay, chỉ mơ hồ chạm vào qua những chớp sáng, những câu chuyện thần thoại, cổ tích mà dân tộc nào cũng tràn trề, giàu có. Những thập niên gần đây, khi khoa học đã cởi mở hơn, rất nhiều nhóm nghiên cứu, các nhà sử học, khảo cổ học đã đưa ra những dấu tích từ những di chỉ, di tích khảo cổ, từ sự đối chiếu điểm tương đồng trong các câu chuyện cổ tích giữa các nền văn hóa xa lạ nhau…để cho chúng ta thêm một lóe sáng nữa và nhìn vào huyền sử thực như một chặng đường dài và xa vạn dặm của loài người. Quá trình phát triển của các nền văn minh cổ xưa, rực rỡ rồi lụi tàn, sự vận động biến đổi từ yếu tố thiên nhiên cùng với những cuộc di cư rộng lớn của loài người đã tạo ra, làm biến mất mà hầu như không để lại dấu vết vật chất nào của chúng, những nền văn minh cổ xưa. Điều đó, làm cho con người hiện đại khó thấy được dòng chảy lịch sử tự nhiên khi chúng ta chỉ tin và nghe theo lý trí, đòi “chứng cứ” vật chất thuần túy, khi thượng tôn lý trí chúng ta sẽ mơ hồ và không thấy mối kết nối sâu thẳm giữa nguồn gốc của ta và giai đoạn huyền sử. Nhưng trẻ con thì khác, trẻ con thấy mình gần gũi trong mọi câu chuyện cổ, trẻ con trực cảm được mối quan hệ sâu sắc với huyền sử, và điều này nên được cân nhắc và đặt cho nó một vị trí xứng đáng trong việc dạy sử cho con trẻ. Vì vậy, việc dạy sử tại Trường Sồi là hệ thống xuyên suốt bắt nguồn từ Huyền sử tới Sử hiện đại, sử khoa học. Huyền sử để bồi dưỡng tâm hồn, nuôi dưỡng những kêt nối sâu thẳm nhất của con người với vũ trụ, nuôi dưỡng trí tưởng tượng và sáng tạo; Sử hiện đại là thông tin văn hóa tri thức cần thiết có giá trị tương đương với bất kỳ bộ môn, chuyên ngành học khác.

Trên bình diện khoa học, lịch sử tồn tại khách quan, các hệ thống lý thuyết, quan điểm nghiên cứu sử trong giới sử học cũng đa chiều, nhiều thông tin. Trên tinh thần giáo dục của Steiner kết hợp với thành quả nghiên cứu của các nhà khoa học chuyên nghành, giáo viên dạy Lịch sử ở Trường Sồi có trách nhiệm cập nhật thường xuyên thông tin chuyên môn. Đối với học sinh, phải khơi gợi cảm xúc, kích thích sự tò mò của trẻ đối với tri thức lịch sử nhân loại nói chung và lịch sử văn hóa cội nguồn của trẻ, nhằm bồi dưỡng kiến thức cũng như nâng cao giá trị cá nhân trong cộng động quốc tế.

Thầy Tuấn nêu rõ: Đối với học sinh cấp tiểu học, để trẻ có cảm hứng với lịch sử thì trước hết phải gợi ý các con hiểu được giá trị của thời gian, giá trị bình dị của quan hệ đời trước đời sau, từ Ông, Bà, Cha, Mẹ…, tiếp đến là truyền cảm hứng thông qua những câu chuyện, những hình ảnh, chất liệu trong cuộc sống mà các em có thể cảm nhận được, khơi gợi cảm xúc chân thực từ bên trong, tuyệt đối không để trẻ bị ảnh hưởng hoặc mượn cảm xúc của người khác bởi việc dạy sử thụ động, áp đặt. Giáo viên sẽ cung cấp những thông tin, dữ kiện lịch sử phù hợp, những câu chuyện chân thực, sống động, trẻ có thể tự hình thành quan điểm về sự phát triển của loài người và lịch sử nói chung.

Đồng thời, lộ trình học tập của môn học này cũng đi theo hành trình tương ứng với sự phát triển tâm thức của trẻ: ở cấp tiểu học các em được hình dung lại về thời kì huyền sử, sơ sử; cấp trung học tìm hiểu về lịch sử cận đại, hiện đại; và ở cấp cao hơn khi có khả năng tư duy, phản biện, các em có thể tự mình nghiên cứu, phản biện các câu chuyện, dữ kiện lịch sử.

Học sử và dạy sử là quá trình truyền giảng, giới thiệu lịch sử khoa học, khách quan. Người dạy phải thoát ra khỏi cảm xúc cá nhân cũng như cảm xúc của người chép sử hay tư tưởng duy ý chí khách quan khác. Tuy nhiên, phải hiểu, khác biệt không phải là dị biệt; cũng không phải là đi ngược chiều.

Trong khi đó, địa lý là câu chuyện về cuộc định cư của loài người trên mặt đất: bắt đầu từ nhu cầu sinh tồn, xác định chỗ đứng và mối quan hệ của con người với Tự Nhiên (động vật, cây cối, thần linh). Lộ trình học địa lý, do đó, đi ngược lại với các môn học khác vốn đi từ cái Nhất thể, cái tổng thể, tới cái riêng, cái cụ thể; thì ở môn địa lý bắt đầu dạy từ lớp 3 giáo viên sẽ thiết kế chương trình đi từ cái cụ thể tới cái tổng thể, đi từ mình ra tới cộng đồng, từ xác định vị trí của cá nhân trên mặt đất tới mối quan hệ với xung quanh.

Trước khi vào “học” môn địa lý, học những kiến thức rất thực tế và mang nhiều thông tin từ lớp 3, trẻ ở mầm non và đầu tiểu học được dung dưỡng tình yêu với Tự nhiên qua các trải nghiệm với các yếu tố cơ bản của Tự nhiên: đất, nước, gió lửa. Sau giai đoạn kết nối bằng trải nghiệm này rồi, trẻ lớp 3 bắt đầu học tập các kiến thức cụ thể, các kỹ năng cụ thể và khởi thủy của việc định cư trên mặt đất, trẻ được học về Nhà, về làm nhà. Từ Nhà mà xác lập mối tương quan (khoảng cách địa lý, các mối quan hệ giao thương, các mối nối kết văn hóa, tinh thần…) với cộng đồng gần tới xa: trường học, khu xóm, thành phố, vùng miền, đất nước, thế giới.

Tinh thần học địa lý của Trường Sồi và theo tinh thần giáo dục Steiner: Học địa lý là học “kí ức” được ghi lại trên mỗi mảnh đất qua sự biến đổi địa hình, qua văn hóa, kinh tế, chính trị…trên mảnh đất đó qua từng thời kì.

Kết quả của việc học lịch sử – địa lí theo cách tiếp cận này là, học sinh được nuôi dưỡng với kết nối từ bên trong, có cảm xúc thật và sâu, phát triển tư duy logic mạch lạc, và có quan điểm của riêng mình. Thầy Tuấn khẳng định rằng, các em có thể bước ra biển lớn, hòa nhập vào thế giới với định vị rõ ràng về bản thân mình và yêu cuộc sống, thiên nhiên bằng tâm hồn trong trẻo, cởi mở nhất.

Ở cuối buổi chia sẻ là những câu chuyện văn hóa, lịch sử được kể qua những chuyến đi, những bức ảnh điền dã thực tế của thầy Tuấn và các đồng nghiệp. Đồng thời, phụ huynh và giáo viên cùng được trải nghiệm ngôi chùa Một Cột khác với những gì lâu nay chúng ta vẫn biết qua một video clip – thành quả nghiên cứu nghiêm túc trong mười năm của PGS. TS Trần Trọng Dương và cộng sự.

 

 

Buổi chia sẻ thứ 11 với chủ đề “Tiếng Việt và cội nguồn dân tộc” do cô Trần Hà – giáo viên Trường Sồi dẫn dắt, sẽ diễn ra vào lúc 5h30 sáng Thứ Tư ngày 16/6/2021, xin hẹn gặp Thầy Cô và Bố Mẹ!