CHỦ NGHĨA CÁ NHÂN, CHỦ NGHĨA TẬP THỂ, CON ĐƯỜNG TRUNG DUNG – Hiều triết học để dạy toán lớp 1
Chủ nghĩa cộng sản xóa bỏ cái tôi cá nhân để hòa tan vào tập thể, chủ nghĩa vị kỷ đề cao cái tôi cá nhân, cái tôi anh hùng mà bỏ quên cộng đồng Người. Vậy con đường nào để có một cộng đồng Người của những Cái Tôi rực rỡ?
Cái hay của chủ nghĩa cộng sản là vẽ ra một xã hội utopia, một bản sao lỗi của xã hội các thần linh trên thiên đường. Những nhà cộng sản quên mất rằng ngay cả thần linh có khi cũng đã quá chán thiên đường nếu họ biết suy nghĩ, bởi xung quanh chỉ toàn điều hay, người tốt thì sao ta cảm nhận sâu sắc và biết ơn cái đẹp, sự tử tế. Ta sẽ thờ ơ và nhởn nhơ mà đợi cuộc chơi kết thúc, như một kẻ không tham gia vào cuộc chơi. Nếu không có nghịch cảnh làm sao ta lớn lên? Nếu cả đời dài thiên thu chỉ sống trong sự dễ chịu, làm sao ta trở thành anh hùng, xây dựng một cái tôi rực rỡ? Hoặc ngược lại, giả như sẵn sàng bỏ qua cái tôi để khao khát sống trong xã hội utopia; nhưng bản chất con người là hướng thiện, hướng thượng và đồng thời là tham lam, ngu dốt; vậy làm sao ta sống như thần linh để tạo nên xã hội cộng sản, và một xã hội người hỏi có mấy kẻ đủ trưởng thành để xóa bỏ được cái tôi?
Chủ nghĩa vị kỷ ngược lại, đả kích những tâm hồn yếu đuối trong chiếc áo choàng lộng lẫy của đức hy sinh mà thực ra là tự ve vuốt mình bằng những tính từ vĩ đại như từ bi, bác ái. Những nhà tư tưởng theo chủ nghĩa vị kỷ ca ngợi con người anh hùng, con người cá nhân rực rỡ luôn khao khát leo lên đỉnh núi, sẵn sàng đi qua sự dễ chịu của miền thảo nguyên êm đềm, sẵn sàng trầy da, tướp máu để vượt qua những sườn núi cheo leo lên đến đỉnh để đón nhận ánh mặt trời rực rỡ tỏa ra từ một cái tôi trưởng thành. Và lẽ thường, nơi đỉnh núi gió lớn, mây mù và hoang vắng nên những cá nhân rực rỡ luôn là những kẻ cô đơn. Hẳn mình họ biết họ trọn vẹn hạnh phúc trong sự cô đơn. Vậy còn những kẻ mãi ở lại nơi thung lũng êm đềm, họ không đáng được hưởng hạnh phúc? Những nhà vị kỷ cực đoan cho rằng không, hạnh phúc không dành cho những kẻ không dám sống, không dám vượt lên sự dễ chịu để lột xác, để hóa thân làm anh hùng chạm tới mặt trời. Con đường đẹp này chỉ dành cho một số rất ít các cá thể mình đồng da sắt, như vậy có thiếu nhân văn quá chăng? Tôi thì cho rằng vậy là bất nhân, việc leo lên đỉnh và “cay cú” cho rằng những kẻ ở lại miền thảo nguyên dễ chịu kia không đáng được hưởng hạnh phúc của việc làm người anh hùng tự do xem ra lại khiến thế giới này là tập hợp rời rạc của những cá nhân anh hùng. Nietzsche và Ayn Rand mà ngồi trà chiều với nhau chắc lại dễ rơi vào cuộc tranh luận bất phân thắng bại giữa việc ngọn núi mà Howard Roark đã trèo và ngọn núi mà Zarathustra đã từ đó mà xuống với Loài Người ngọn nào cao hơn, nguy hiểm hơn? Và rồi thì sao, nếu thế giới chỉ bao gồm hầu hết những tâm hồn không xứng đáng được hưởng hạnh phúc (nơi miền thảo nguyên) thì một vài cá nhân anh hùng sẽ tạo ra năng lượng gì cho thế giới này? Vậy nên, bổn phận cao nhất của việc làm người là sống hạnh phúc, và bản năng gốc của mỗi linh hồn là hướng thiện và hướng thượng nên khi nó hạnh phúc nó sẽ tự động mà đủ ý chí leo núi trong hạnh phúc, và thậm chí đủ sức đưa tay ra đỡ những người leo sau, không cay cú mà cho rằng mình ta phải lên núi trước tiên và cao nhất. Thế giới đại đồng không gì khác hơn là sự va đập của những cá thể người hạnh phúc.
Steiner hiểu sâu sắc rằng chúng ta cũng không khác hơn những con rối của chính phần vô thức trong mình, mà cái hiểu này được khoa học hiện đại chứng minh rằng hơn 90% các quyết định và hành động trong đời chịu sự chi phối của vô thức và tiềm thức. Hay nói cách khác, chúng ta bị chi phối bởi cảm xúc và bản năng nhiều hơn là bởi lý tính (cái mà ta tưởng là ông chủ cao nhất). Bởi thế, giáo dục đứa trẻ trong giai đoạn đầu đời là để trong tiềm thức và vô thức của đứa trẻ hình ảnh về một thế giới hoàn hảo được tô đậm thêm lần nữa (lần đầu có sẵn đó trong trạng thái niết bàn của đứa trẻ). Rồi sau này khi nó đã hiện thực hóa được cái Tôi rực rỡ, nó sẽ không cô đơn nơi đỉnh núi mù sương, và hành trình mà nó leo núi nó sẽ luôn giữ được cho mình những cảm xúc thanh bình sâu thẳm thay vì sự trầy da tướp máu. Sự thanh bình của một kẻ ung dung leo núi bền vững hơn cái thanh bình của những người rong chơi nơi thảo nguyên đầy hoa và nắng.
Những điều này thì liên quan gì đến việc dạy Toán lớp 1? Thật quái lạ!
Trong khóa training tiểu học, tới block toán, cô giáo hỏi chúng tôi: số nào là số lớn nhất? Hây, tôi ngẩn ngơ một hồi không biết phải trả lời sao. Một câu hỏi mẹo chăng? Ai đó đoán bừa: số 1 (chắc vì đang học về curiculumm lớp 1 nên bạn đoán vậy). Tại sao? – cô hỏi lại. Cả lớp im lặng. Tôi, một đứa học chuyên toán từ lớp 4 đến hơn cả cấp 4 nín lặng tự hỏi: chuyện gì thế này, dạy toán cho học sinh thế này á? Dạy chúng nó 1 là số lớn nhất á? Ờ, hôm qua cô con gái 8 tuổi chẳng đố tôi tại sao 8:2=0 đó thôi. Nhưng mẹo gì để ra 1 là số lớn nhất? 5 phút suy nghĩ đám học viên không ai trả lời được.
Cô bắt đầu dùng một cái cành khô: đây là mấy? là 1. Rồi cô bẻ đôi: 2 sinh ra từ mấy? từ 1 cành. Bẻ tiếp: 4 sinh ra từ mấy? từ 1,…Vậy 1 là “the whole” là cái toàn thể. Nó lại là cái đơn nhất, là đơn nhất tròn đầy trong chính nó. Mọi thứ quy về Một và từ Một sinh ra mọi thứ. Một là cái duy nhất độc đáo, Một cũng là cái Toàn Bộ chứa đựng mọi cái duy nhất độc đáo kia.
Hây, để học sinh lớp 1 BIẾT được những điều này thì tôi phải dạy thế nào? Mà tại sao lại dạy điều này trong môn Toán? Tôi thắc mắc với cô, được cô trả lời: language art là một môn học có phần cứng nhắc và “chết” hơn so với môn toán là môn học uyển chuyển, đầy sức sống (mà cô dùng cặp từ: die- alive). Lại nữa, học ngôn ngữ mà khô cứng so với học toán mới thực sự là đầy sức sống? Trẻ con học toán là để cảm nhận vẻ đẹp trong trẻo của cái tuyệt đối trong toán trước khi phải học tính cho các nhu cầu cuộc sống. Học toán để thấu hiểu ý nghĩa sự sống, của thế giới tư duy và có được sự uyển chuyển của tư duy.
Đồng ý, vậy dạy thế nào? Vác cả đống triết học về dạy lớp 1 chăng? Đây, với trẻ con đừng giải thích gì nhiều nó (những sự giải thích) “chết” và sẽ trôi đi ngay. Lớp 1 cũng chỉ vừa qua mầm non thôi, chúng nó phải cảm, phải mê tơi rồi mới lên não và ghi nhớ được, khác với những đứa già chúng ta kiến thức phải từ não nhào đi nhào lại, đọc ngốn đọc ngấu để cho thật thấm mới được truyền đến vài miligram cảm xúc.
– Số 1 là Tôi (cá thể Người).
Tranh đẹp thế, những hình ảnh liên tưởng “giản dị” gần gũi thế, đương nhiên sẽ chạm đến trái tim của chúng nó. Cứ thế mà làm thôi. Rồi để chúng nó “vẽ” tiếp số 1 bằng toàn bộ cơ thể, bằng từng phần cơ thể, dùng tay, dùng chân, dùng lưỡi, dùng da,…rồi chúng nó nhảy, nó hát, nó đọc thơ với nhịp điệu của 1.
Số 1 với ý nghĩa là cái toàn bộ đặc biệt quan trọng đối với lớp 1. Việc tạo ra một cộng đồng, một cái Toàn Bộ chứa đựng trong nó từng Cá Thể là điều quan trọng nhất. Trẻ phải tìm được vị trí của mình trong cái cộng đồng lớp học, mỗi Cá Thể luôn có chỗ đứng trong cái Toàn Bộ, với tất cả sự đa dạng và khác biệt giữa các Cá Thể. Vậy nên mọi hoạt động học tập ở lớp 1 lại cần đặc biệt chú ý để tạo ra được cái Toàn Bộ, cái cộng đồng nhỏ xíu mà đủ đầy cho chúng nó.
Chưa hết, điều kiện để giáo viên có thể tiến hành dạy bất cứ hoạt động học tập nào là anh ta phải hiểu, hiểu sâu sắc đến mức có thể cảm được rồi mới đem truyền sang cho học sinh; qua cái cảm của thầy trò sẽ cảm được. Rồi qua Cảm mới Hiểu (hoặc Biết), qua Hiểu (Biết) rồi thì sau 3 ngày với 2 giấc đêm đầy đủ nó sẽ tự động đi vào trí nhớ dài hạn.