Theo Montessori, năng lượng tinh thần phải được nhập thể thông qua vận động, nhờ đó thống nhất nhân cách của chủ nhân, hiểu chữ nhập thể ở đây là hình thành và phát triển bên trong đứa trẻ khi chúng được sinh ra và lớn lên. Bà đả kích những câu chuyện tưởng tượng, những trò chơi đóng kịch của trẻ: “trí tuệ đáng lẽ phải tự hình thành qua các kinh nghiệm về vận động lại chạy trốn vào trong hoang tưởng”. Những lệch lạc tâm thần của đứa trẻ, theo Montessori bao gồm:
- Nguyên nhân duy nhất: sự thiếu vắng hoạt động gắn với thực tại. Những huyễn tưởng: trí tưởng tượng của trẻ gây trở ngại cho việc phát triển trí tuệ thực tại của trẻ.
- Các “rào cản” cho việc hình thành năng lượng tinh thần (hay trí khôn)
- Trẻ xây dựng các rào cản tâm lý, tự mình ngăn cản việc tiếp nhận các hiểu biết về thực tại.
- Đứa trẻ bị lệ thuộc (người lớn thao túng)
- Tính chiếm hữu
- Ham quyền lực
- Mặc cảm tự ti
- Nói dối
- Các khiếm khuyết thể chất
Đứa trẻ phải được nhập thể qua vận động, nhờ đó thống nhất với nhân cách của cá nhân. Khi người lớn tự mình thay thế đứa trẻ (thao túng, chiếm hữu), trẻ sẽ trở nên thiếu động lực vận động, thiếu cơ hội vận động; do đó năng lực tinh thần & vận động bị chia cắt, sự “nhập thể” không trọn vẹn. Năng lực chệch hướng trước hết bởi chúng mất đối tượng và hoạt động trong chân không, mơ hồ và hỗn độn. Trí tuệ đáng lẽ phải được hình thành qua các kinh nghiệm về vận động bị chạy trốn vào trong hoang tưởng.
Sự khác nhau duy nhất và quan trọng nhất giữa Steiner và Montessori là ở quan điểm về ảo ảnh, huyễn tưởng, trí tưởng tượng.
Montessori nhắc đến năng lượng sáng tạo và động lực nội tại thôi thúc những giai đoạn mẫn cảm của trẻ là những “năng lực tinh thần”, các năng lượng tự nhiên của tạo hóa ban cho phôi thai tinh thần của trẻ. Nhưng ngược lại, bà phản đối quá trình thúc đẩy hay nuôi dưỡng các huyễn tưởng của trẻ. Mục đích của bà là thúc đẩy quá trình “nhập thể” một cách trọn vẹn, đứa trẻ phải xâm nhập vào chính nó trong thực tại thế giới vật chất, cái phôi thai tâm linh phải được nảy nở một cách toàn vẹn thông qua trải nghiệm các hoạt động của thực tại vật chất, không được phép để nó trốn trong các ảo ảnh, huyễn tưởng, sư gây trở ngại cho sự phát triển vận động & trí tuệ.
Steiner, ngược lại, ông có cái nhìn xuyên suốt về quá trình “nhập thể” này. Quá trình “nhập thể” được cho là toàn vẹn nếu đứa trẻ luôn kết nối được với chính mình, kết nối được với nơi từ đó nó sinh ra, kết nối linh hồn vũ trụ của nó. Một đứa trẻ bị bệnh tự kỷ chẳng hạn, theo ông, là bởi trẻ không thể kết nối với linh hồn vũ trụ của mình. Nhiệm vụ của người lớn là phải duy trì và gắn kết sâu sắc sự kết nối này, mà một cách tự nhiên nó (sự kết nối với suối nguồn khởi nguyên sự sống này) sẽ biến mất khi đứa trẻ bắt đầu có trí nhớ.
Nhiều nhà thơ ví trạng thái khi yêu là trạng thái được kết nối sâu sắc với linh hồn, có lẽ đây chính là trạng thái được quay trở về làm đứa trẻ, trạng thái Là Một với vũ trụ, không có nhị nguyên, không có phân chia, là trạng thái hưng phấn mà mọi nghệ sĩ cần có để sáng tạo, trạng thái bẩm sinh của trẻ thơ. Logic giúp ta chứng minh, trực giác giúp ta sáng tạo. Sự kết nối với chính mình, được là mình, trở về với đứa trẻ trong mình sẽ đem đến cho người nghệ sĩ, nhà khoa học những trực giác sáng tạo. Hoặc ta cũng có thể nói những trực giác đó là tưởng tượng, mà theo Albert Einstein, là nguồn gốc của sáng tạo.
Vậy thì, hoặc là bạn chọn cách lôi kéo đứa trẻ “nhập thể” ngay và luôn vào thế giới vật chất này, nắm bắt thế giới vật chất như con mắt nhìn của người lớn, hoặc là bạn chọn cho trẻ con được gìn giữ sự kết nối với chính linh hồn, với vũ trụ tâm thức nơi từ đó trẻ sinh ra, đủ lâu để trẻ được phát triển Thuận Tự Nhiên và hài hòa nhất, được là trẻ thơ trọn vẹn trong giai đoạn vương giả đầy ân sủng trước khi hòa vào thế giới vật chất đứt đoạn, phân chia. Trạng thái “phật” của trẻ em là một món quà quý giá của loài người, trẻ sống chỉ với hiện tại, sống với thế giới mơ mộng của riêng trẻ mà người lớn không thể khám phá hết được, đừng nên đánh mất trạng thái này sớm hơn tự nhiên đã quy định mất chỉ vì một vài ảo ảnh về trí khôn logic cần phát triển sớm, đừng hy sinh nó cho một vài kiến thức mà có thể đọc trong vài phút khi trẻ biết đọc.
Cũng có lẽ đến lúc chúng ta cần cởi mở tiếp nhận một cách nhìn khác về giai đoạn bào thai và giai đoạn ấu thơ, là giai đoạn bí ẩn nhất của con người. Học thuyết tiến hóa của Darwin bị lật đổ, con người tiến hóa lên từ vượn là một mệnh đề có thể bị lật đổ bất cứ lúc nào, quy luật của sự sống là cạnh tranh để phát triển lại càng sai, bởi Thiên Nhiên tồn tại và phát triển như một tổng thể hỗ trợ và cân bằng chứ không phải dựa trên quy luật cạnh tranh để tồn tại. Và Con người cũng không nên nằm ngoài quy luật của Thiên Nhiên phải không nhỉ?