Học ngoại ngữ và tâm thế công dân toàn cầu

Mở đầu buổi chia sẻ, cô Hương đưa ra liên hệ giữa tính nhạc được nhắc đến ở buổi trước với việc học ngoại ngữ. Steiner có nói rằng chúng ta cần lợi dụng khả năng bắt chước và khả năng thẩm thấu tính nhạc rất tinh tế từ khi còn nhỏ của trẻ để cho trẻ học ngoại ngữ:

  • Học từ mầm non, sau khi thành thạo ngôn ngữ mẹ đẻ để không bị nhầm lẫn giữa các ngôn ngữ. Không chỉ Steiner mà nhiều nhà tâm lí, nhà giáo dục hay các nghiên cứu khoa học về sau đều khẳng định điều này.
  • Học thông qua âm nhạc: bài hát, thơ, kể chuyện, đóng kịch…
  • Học trong môi trường thật: bản thân ngôn ngữ là một thứ rất sống động nên thầy cô cần thuộc và hát/đọc thơ trực tiếp, tốt hơn nếu là giáo viên bản ngữ với linh hồn của ngôn ngữ toát lên từ con người.
  • Học trong môi trường đẹp từ hình ảnh đến ngôn từ. Như nhiều cuốn sách đã xuất bản từ hàng chục hàng trăm năm trước mà tính nghệ thuật sống động trong từng nét vẽ, màu sắc, còn bây giờ sách học ngoại ngữ rất nhiều nhưng riêng về hình thức không còn tinh tế như xưa.

Tính nhạc – tính thật – tính đẹp gắn chặt với ngôn ngữ nên trẻ em cần được nuôi dưỡng trong những giá trị sống động này của ngôn ngữ đặc biệt ở bậc mầm non và đầu tiểu học, nếu bỏ qua hay tước mất cơ hội này của trẻ thì rất khó có thể thẩm thấu về sau.

 

Học nhiều ngoại ngữ có tầm quan trọng như thế nào với trẻ?

Steiner dùng chữ “neighborhood human being” với ý nghĩa về tình hàng xóm, sự đồng đẳng giữa người với người, còn vượt trên cả tinh thần công dân toàn cầu. Và với tâm thế này trẻ học một hay nhiều ngoại ngữ để trở thành con người thực sự làm bạn với con người, dân tộc ngang hàng với dân tộc.

Quay lại nhìn về nhu cầu của bố mẹ khi cho con học ngoại ngữ, đó có thể là để giỏi tiếng Anh như người bản ngữ, để không thua kém bạn bè thế giới, hòa nhập với môi trường quốc tế. Và khi bố mẹ sẵn sàng hi sinh tất cả thời gian, tiền bạc, công sức để đạt được điều này, dừng lại một chút để tự hỏi đây là nhu cầu hay là nỗi sợ?

Một em bé có thể học tiếng Anh từ nhỏ, suốt nhiều năm liên tục lớn lên nói tiếng Anh giỏi, còn đọc viết thì sao, có thể thành thục và cảm nhận sâu sắc ngôn ngữ, văn hóa Anh qua những tác phẩm văn học không? Hay một người có thể nói tiếng Anh như người bản ngữ, nhưng khi đến gần quan sát kĩ: Liệu họ có chút gì đó thấy mình thua kém một người phương Tây, thậm chí tự cho phép người nước ngoài có vị thế cao hơn người Việt Nam, đáng ngưỡng mộ hơn mà chính họ cũng không nhận ra được ở tầng sâu vô thức? Nếu như vậy thì rất khó có thể hòa nhập.

Để giải quyết tận gốc rễ các vấn đề này thì có những giải pháp đơn giản, nhẹ nhàng nhưng tất nhiên cần bền bỉ, lâu dài như:

  • Học ngoại ngữ từ mầm non
  • Học 2 ngoại ngữ từ lớp 1
  • Học thường xuyên với giáo viên bản địa
  • Đặc biệt, cần học chậm.

Ở Trường Sồi, các em học chậm rãi qua âm nhạc, bài thơ, câu chuyện để từ tốn thẩm thấu sâu tính sống động của ngôn ngữ. Khi tinh thần đã ngấm sâu thì trẻ đương nhiên có một tâm thế vững vàng của một công dân toàn cầu, đồng thời có khả năng, cơ hội để đi đến tầng sâu nhất của ngôn ngữ.

Trong khi ở mầm non và đầu tiểu học học chủ yếu NGHE & NÓI thì vào khoảng lớp 3 trở lên, các em bắt đầu học những thứ thuộc về kĩ thuật như: từ vựng, ngữ pháp một cách chắc chắn để tiến đến kĩ năng ĐỌC & VIẾT thông qua các tác phẩm văn học kinh điển, văn học dân gian, kịch nghệ.

 

Học ngoại ngữ và tư duy đa chiều

Tại sao học chậm mà còn tham đến hai ngoại ngữ? Không chỉ Steiner mà nhiều nghiên cứu khóa học đã khẳng định: Ngôn ngữ định hình tư duy. Khi chúng ta suy nghĩ bằng ngôn ngữ khác thì chúng ta trở thành con người khác được đặt trong mảnh đất văn hóa khác, khi mà suy nghĩ đã bằng ngôn ngữ khác, tư duy khác. Một người biết nhiều ngoại ngữ chắc chắn có góc nhìn cởi mở, đa chiều và linh hoạt.

Việc học đa ngôn ngữ còn giúp trẻ thấu hiểu được linh hồn, có thể suy nghĩ như dân tộc khác. Cùng với tiếng mẹ đẻ, hai ngoại ngữ nữa tạo nên một thế kiềng ba chân vững chắc giúp trẻ có được tâm thế bên trong “đồng đẳng” cũng như vị thế bên ngoài của một công dân toàn cầu.

Hai ngoại ngữ được lựa chọn ở trường Steiner thường là một ngôn ngữ quốc tế như tiếng Anh, tiếng Pháp, và một ngôn ngữ rất khác biệt như tiếng Trung, tiếng Nhật – đối lập giữa Á và Âu, tượng hình và tượng thanh.

 

Trong phần HỎI – ĐÁP, cô Hương giải đáp một số thắc mắc của bố mẹ được trích ra dưới đây:

1. Học tiếng Anh có cần năng khiếu không?

Có những bạn có tố chất hơn, nhưng nếu như các em được “học” theo cách này thì chắc chắn là các em sẽ thẩm thấu và sớm thành thạo được ngôn ngữ này, như khi đã cảm được phần hồn tinh tế thì tự động các kĩ năng sẽ đâm chồi.

  1. Về độ tuổi, có nhiều câu hỏi đa dạng như: Ở trường mầm non cần học ngoại ngữ, nếu không là muộn? Học nhiều ngoại ngữ từ lúc nhỏ có tốt hay không? Đến lớp 3 mới bắt đầu học có muộn không?

Cô Hưong giải đáp rằng: không có tiêu chuẩn bắt buộc hay thế nào là quá muộn, quá sớm, mà mình biết rằng con nên học vào độ tuổi nào, theo cách thức nào phù hợp với lứa tuổi (để con chậm rãi thẩm thấu tinh thần sống động của ngôn ngữ), từ đó bố mẹ hay thầy cô hỗ trợ con học tốt nhất.

  1. Ở nhà mẹ nói tiếng Anh với con xong có dịch sang tiếng Việt không? Nếu bé hỏi tiếng Việt thì mẹ nói sao?

Bởi điều quan trọng là trẻ cần được tiếp xúc với tinh thần của ngôn ngữ đó nên khi mẹ nói chuyện với con bằng tiếng Anh thì mẹ hóa thân như một người Anh, ca hát, đọc thơ, kể chuyện để con được thẩm thấu linh hồn của ngôn ngữ đó. Và khi con hỏi tiếng Việt thì mẹ cứ cười và tiếp tục.

  1. Nếu bé học 3 ngoại ngữ là tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Trung thì sao ạ? Giáo dục Steiner hay ở Trường Sồi chỉ khuyến khích học từ 2 ngoại ngữ chứ không có giới hạn tối đa, miễn là theo cách thức phù hợp.

 

Buổi chia sẻ thứ 9 với chủ đề “Nhịp điệu và kỉ luật tự thân ở bậc tiểu học” sẽ đón tiếp khách mời là cô Phạm Tuyết Mai đến từ cộng đồng Bước chân An đồng hành cùng với cô Dương Thu – giáo viên lớp 2 Trường Sồi, bắt đầu lúc 6h00 Thứ Bảy ngày 12/6/2021. Thông tin về toàn bộ chuỗi chia sẻ xin tham khảo tại đây: https://hanoisteiner.edu.vn/thanh-thoi-dan-con-qua-tieu-hoc/ 

 

Thầy cô Trường Sồi sẵn sàng tiếp nhận các câu hỏi và trao đổi về việc giáo dục tiểu học qua email: [email protected]. Chân thành cảm ơn!