Nghề giáo viên mầm non và “làm mẹ toàn thời gian”

Chúng ta thường nghĩ đến sự vất vả nghĩa là vất vả về chân tay. Một giáo viên mầm non (gvmn) bận bịu từ sớm tinh mơ đến tối mịt mờ, cùng với một đôi chục đứa trẻ ở bên cạnh thì không có lúc nào rảnh được. Cứ tưởng nghề gvmn vất vả nhất là vì vậy. Nhưng kì thực, vất vả lớn nhất không phải là công việc chân tay, ẩn sâu đằng sau là nỗi vất vả về tinh thần. Khi người gvmn được khơi thông về tinh thần, có sự thảnh thơi trong đầu óc, được nâng đỡ, hỗ trợ, thấu hiểu về tinh thần, thì người giáo viên đó sẽ làm việc rất cống hiến, khi đó công việc tay chân hàng ngày sẽ trở nên thật nhẹ nhàng.

Những người mẹ ở nhà toàn thời gian, tương tác 1-1 với con mình, thậm chí, còn vất vả hơn cả thầy cô giáo mầm non. Trong không gian một căn nhà khép kín, một mẹ một con chăm nhau có sự vất vả riêng, mà trong đó áp lực về tinh thần mới là áp lực chính. Nếu người vợ, người mẹ ấy được người chồng và người thân thấu hiểu cho sự vất vả này thì hầu như các vấn đề ở nhà chăm con đều tự tan biến.

Trước khi chờ mong người khác thấu hiểu, nâng đỡ ta về mặt tinh thần, chúng ta – những người gvmn hay những người mẹ đang ở nhà chăm con, hãy tự “cứu mình” trước tiên bằng cách: tự mình hiểu rõ mình, hay nói cách khác là hiểu rõ lựa chọn của mình.

Vì sao ta lựa chọn công việc này?

Với người gvmn, tại sao ta chọn nghề này? Có phải cứ yêu trẻ con là làm được gvmn? Không phải vậy. Nếu chỉ yêu trẻ thôi thì có thể chơi được với trẻ ngày 1 ngày 2; trong khi làm việc với trẻ năm này qua năm khác đòi hỏi ở người giáo viên sự nỗ lực, ý chí rất cao, sự tĩnh tâm mạnh mẽ, cùng sự thấu hiểu sâu sắc ý nghĩa thiêng liêng của việc ở bên cạnh trẻ. Khá nhiều thầy cô giáo trẻ bước vào nghề gvmn chưa hiểu được tầm quan trọng, sự thiêng liêng, sự cam kết và ý chí cần thiết để làm nghề nghiệp này. Thường thì gvmn bước vào nghề với một tình yêu thuần khiết là “thấy trẻ con xinh xinh thì yêu”, thật ra như vậy cũng là tốt rồi. Nhưng sau đó, để quyết định đi với nghề, ta cần phải hỏi mình những câu hỏi.

Nếu ta chỉ chọn như chọn một công việc được trả lương thì bạn nên chọn công việc khác. Bởi một thực tế rằng một người gvmn giỏi có mức lương tốt thì cũng đủ kỹ năng và trình độ để làm rất nhiều nghề nghiệp khác với mức lương cao hơn, điều kiện làm việc tốt hơn. Bạn hãy chọn nghề này vì bạn hiểu tầm quan trọng của việc: trẻ con cần có một người lớn thấu hiểu trẻ, tôn trọng trẻ, tràn đầy tình yêu cũng như sự tỉnh thức trong tâm trí khi ở bên cạnh trẻ. Bạn hãy chọn nghề này khi bạn lựa chọn mình sẽ trở thành một người lớn như vậy – không phải ngay lập tức, mà là chọn lựa đi trên con đường chuyển hoá như vậy.

Đối với người mẹ lựa chọn ở nhà với con mà không đi làm, không có sự nghiệp, thậm chí không có bạn bè… Bạn đừng lựa chọn ở nhà khi vẫn còn tự gắn cho mình các mỹ từ “hi sinh”: mẹ hi sinh cho con, vợ hi sinh cho chồng, hi sinh sự nghiệp cho gia đình… bởi điều đó chỉ mang lại đau khổ, áp lực cho chính mình và cho cả những người thân nữa. Hãy chỉ lựa chọn ở nhà vì ta hiểu tầm quan trọng của việc “con cần có mẹ những năm tháng đầu đời”. Ít nhất là 1 năm trọn vẹn, dài hơn thì 3 năm đầu đời càng trọn vẹn càng tốt.

Khi ta đã đủ tỉnh thức để chủ động lựa chọn, hiểu chính mình, hiểu tầm quan trọng và lý do ta lựa chọn làm việc với trẻ thì sẽ không còn vất vả, hi sinh, phiền muộn, chỉ còn lại hạnh phúc và niềm vui được đi trên con đường dành cho mình.

Chia sẻ của cô Nguyễn Thu Hương, sáng lập Mầm non Koi, giảng viên Khoá đào tạo “9 tháng 10 ngày”.