Một ngày của giáo viên mầm non và thời khoá biểu lớp mầm non

Lựa chọn làm cô giáo mầm non thảnh thơi

 

Giáo viên mầm non (gvmn) không chỉ là một nghề theo nghĩa sinh kế mà có lẽ nó là một lối sống, là “cái là” của ta hơn là hệ thống các việc ta làm. Bởi thế, khi xét tới thời khoá biểu mầm non, ta không thể chỉ xét tới các công việc cần làm hàng ngày hay hệ thống cơ học cách sắp xếp thời khoá biểu sao cho trôi chảy, mà cần đi sâu vào trạng thái tâm hồn, thể chất, tâm thức của mình trong từng việc hàng ngày. Việc sắp xếp các việc trôi chảy là một công cụ hỗ trợ cho trạng thái bên trong ta.

Steiner nhấn mạnh: con người giáo viên mới là giáo án hiệu quả nhất và thực chất nhất với trẻ chứ không phải danh sách các bài học mà cô đem tới cho trẻ. Nói vậy không phải để hiểu là giáo viên chỉ cần lo chăm chút phát triển con người bên trong mình và rồi cùng trẻ ngồi “bất động” để trẻ tự thẩm thấu “giáo án” là nội tâm mát lành của mình; mà ngược lại, sống với trẻ, chăm sóc trẻ là có thể nuôi dưỡng một trạng thái mát lành trong sự sống động, sự hoạt động liên tục của trẻ với một thời khoá êm đềm mà sinh động, giàu hoạt động mà không vội vã.

Tại sao cần chia ra quãng thời gian là một ngày? Chúng ta thường hay có xu hướng đánh mất ngày hôm nay cho ngày mai, dán nhãn mình là thế này thế kia bởi trạng thái của ngày hôm qua mà quên mất việc đón nhận ngày hôm nay. Mọi trạng thái cảm xúc đều không ở lại quá lâu, mọi buồn vui đau khổ hạnh phúc cũng vậy, đều sẽ qua đi nếu ta biết chia ra đơn vị ít nhất là theo ngày. Mỗi ngày thức dậy, ta biết đó nhận ngày hôm nay, ta của ngày hôm nay và bỏ lại đằng sau mọi trải nghiệm của ngày hôm qua, không lo lắng tới bất cứ điều gì sẽ đến vào ngày mai, như thế là ta có thể bắt đầu ngày ở vị trí một gvmn, người sống bên và cùng những đứa trẻ.

Thế nên, mỗi ngày của giáo viên là một trang giáo án tươi mới, dẫu hoạt động của ngày trong tuần được lặp đi lặp lại hàng tuần, hàng tháng, hàng năm. Mỗi trang giáo án này đều được trẻ thẩm thấu trọn vẹn, ta phải thực sự cảm nhận được điều này, sống với sự thực này mới có thể chạm vào “tính thiêng” của nghề, mới có thể bắt đầu một ngày mới với lòng tôn kính sự sống, tôn kính chính bản thể mình, với lòng hân hoan bắt đầu một trang giáo án quan trọng mà không nặng nề, nghiêm ngắn mà không nghiêm trọng, tôn kính mà không giáo điều, tươi vui nhẹ nhõm mà không giải đãi.

Bắt đầu một ngày mới với một nghi lễ mà mình cảm thấy kết nối được với chính mình, với con người bên trong mình, với phần tĩnh lặng sâu và thanh nhẹ của mình, cũng tức là kết nối được với tinh thần vũ trụ. Nghi lễ không chỉ có nghĩa là ta hiện diện trọn vẹn từng giây phút ở nghi lễ đó và làm nó với toàn bộ phần linh thiêng nhất bên trong mình, không phải với sự sợ hãi hay bắt chước, nên mỗi người có thể tự tạo ra nghi lễ riêng cho mình. Có thể là ngồi tĩnh lặng trong một không gian riêng của mình nơi ban công, hiên lớp với một cốc trà, có thể là thắp nến lên và đọc to một bài verse mà mình thấy kết nối sâu sắc… Một vài phút tĩnh lại để bắt đầu ngày mới một mình, một vài phút tham gia nghi lễ chung của giáo viên toàn trường là một công cụ hiệu quả cho ta bắt đầu một trạng giáo án mới, bắt đầu hiện diện trọn vẹn và sống ngày hôm đó, bên các con.

Nghi lễ giúp ta làm việc với thể tâm thức của ta, kết nối với tinh thần vũ trụ. Và tất yếu, cái đầu, trái tim và thân thể cũng cần được làm mới làm sáng và ấm cho một ngày. Mỗi đầu ngày, giáo viên cần có một lịch trình hoạt động rõ ràng, “vẽ” lên được toàn bộ các hoạt động của trẻ trong ngày, sắp xếp hệ thống cơ học các hoạt động giúp ta dễ dàng hình dung tiến trình của một ngày với trẻ. Giáo viên mầm non Steiner thường bị hiểu lầm là người mơ màng, không chạm đất, hay nói cách khác là đầu óc không cần mạch lạc, hay quá logic; điều hiểm lầm này thực sự không tốt cho trẻ, không giúp người giáo viên phát triển bản thân. Để gìn giữ được không khí êm đềm cổ tích cho trẻ, giáo viên tuyệt đối cần phải là người có tư duy mạch lạc, cái “bay” của gvmn là cái thanh nhẹ của một người tỉnh thức, rong chơi giữa cuộc đời chứ không thể hiểu là cái mơ mơ màng màng trong đầu óc không tỉnh táo.

Về mặt tâm hồn, trạng thái cảm xúc, việc luyện tập các bài tập quan sát sự bộc lộ cảm xúc thường xuyên và lâu dài giúp ta dần ở trong trạng thái cảm xúc hài hoà, biết để lại các cảm xúc đã đến để đón nhận một ngày mới với một tâm thế rỗng lặng, tươi mới, bỏ lại ngoài cửa lớp mọi trạng thái cảm xúc đã đến của ngày hôm qua, bắt đầu đón đợi những trải nghiệm mới, tạo không gian cho những cảm xúc tươi mới hân hoan của một ngày bên trẻ. Những giờ khắc đầu ngày rất quan trọng trong việc định hình xu hướng cảm xúc và hành động của ngày, vậy nên cần tạo cho mình một không gian, một quãng thời gian dù ngắn nhưng giúp ta ở trong trạng thái tĩnh lặng, bình an.

Ta cần chăm sóc cơ thể vật lý của mình trước tiên, bởi sức sống của giáo viên sẽ ảnh hưởng ngay lập tức đến sức sống và hoạt động của trẻ. Không nhất thiết cần phải là một vận động viên chuyên nghiệp, hay một yogist, ta chỉ cần duy trì hàng ngày một vài động tác thể dục, một vài sự chăm sóc và luyện tập với cơ thể vật lý cũng giúp ta lấy lại sức sống tươi mới cho ngày. Việc duy trì hàng ngày quan trọng hơn việc bỏ đói hàng tuần hàng tháng rồi lại khổ luyện.

Tóm lại, chăm sóc và để tâm đến ba thể con người của chính mình mỗi ngày cũng là trách nhiệm của nghề, như một công việc nghiêm túc và cần làm hàng ngày, “soạn giáo án” trước khi lên lớp. Giáo viên mầm non Steiner là một nghề hạnh phúc bởi không cần và không có sự phân biệt giữa không gian và cách ta sống và cách ta làm nghề.

– 𝘛𝘳𝘪́𝘤𝘩 𝘚𝘰̂̉ 𝘵𝘢𝘺 𝘩𝘰̣𝘤 𝘷𝘪𝘦̂𝘯, 𝘒𝘩𝘰𝘢́ đ𝘢̀𝘰 𝘵𝘢̣𝘰 𝘎𝘪𝘢́𝘰 𝘷𝘪𝘦̂𝘯 𝘚𝘵𝘦𝘪𝘯𝘦𝘳 ‘9 𝘵𝘩𝘢́𝘯𝘨 10 𝘯𝘨𝘢̀𝘺’.