Tự do có phải là muốn làm gì thì làm? Không cần quan tâm đến bất cứ điều gì khác xung quanh, bất kì ai bên cạnh? KHÔNG! Đó là sự vô kỷ luật.
Tự do chỉ có được khi bạn có kỷ luật và là người có trách nhiệm cao.
Tinh thần trách nhiệm cao nhất, mạnh nhất không đến từ bên ngoài, không đến từ những sự ép buộc, đe doạ hay vuốt ve khen thưởng quá mức, nó đến từ bên trong, từ chính sự mong muốn bên trong của mỗi người – đó chính là kỷ luật nội tại.
Tự có trách nhiệm với chính mình. Chỉ khi đó bạn mới có thể có trách nhiệm với mọi thứ xung quanh mình. Nếu không, bạn chỉ là đang CỐ để gồng ghánh, để tô đắp lên chiếc mặt nạ của mình. Đến ngày nó nặng quá, nó cũng phải rơi vỡ mà thôi.
Vậy làm thế nào để nuôi dưỡng điều đó ở một đứa trẻ? Càng sớm càng tốt, hãy để đứa trẻ được sống một đời sống có trách nhiệm bằng một cách thức hiệu quả nhất. Ở tuổi mầm non, trẻ học thông qua sự bắt chước. Không chỉ qua việc nghe, nhìn, mà giống như 1 miếng bọt biển thấm hút toàn bộ những thứ ở xung quanh, trẻ thấm hút bất cứ thứ gì từ bầu không khí mà trẻ sống trong đó. Vậy nên nếu chúng ta chỉ ra rả rao giảng đạo lý với trẻ trong khi chúng ta không làm được điều đó thì sao?
• Điều đầu tiên là có thể trẻ sẽ lặp lại những câu nói đó như 1 con vẹt. Bạn đã từng gặp 1 đứa trẻ trong giờ ăn miệng nhồm nhoàm, chân gác lên ghế, quay sang nói chuyện với bạn nhưng lại nhắc các bạn khác: “Giờ ăn mà cứ nói nhiều thế à?…ngồi ăn ngay ngắn đi!” ? vậy đấy, giáo điều sẽ chỉ dừng lại ở đó và trôi tuột mất.
• Và điều trẻ học được ở đây là gì? Là sự không nhất quán. Trẻ sẽ thấy rằng chỉ cần nói hay là có thể lên mặt dạy đời, còn làm thế nào không quan trọng. Bạn có muốn con mình lớn lên trở thành một con người như vậy?
Vậy chúng ta nên làm gì? Chỉ cần hành động. Hành động càng sớm càng tốt. Đầu tiên, hãy xây dựng một nhịp điệu (thời gian biểu) sinh hoạt hài hoà, cân đối. Để khi sống và lớn lên trong đó, trẻ sẽ tự xây dựng, hình thành đời sống nhịp điệu lành mạnh cho chính mình. Đó chính là kỷ luật ở mức sơ khai nhất mà lại in vào mỗi đứa trẻ một cách sâu đậm nhất – ăn sâu vào tới từng sợ cơ, thớ thịt của trẻ. Nếu như đứa trẻ (1-3 tuổi) sống trong một nhịp điệu: Sáng ngủ dậy, vệ sinh cá nhân, ăn sáng, thay quần áo, ra ngoài chơi. Nhịp điệu này được lặp đi lặp lại đều đặn trong nhiều ngày, thì nó trở thành “kỷ luật” trong trẻ. Nếu một hôm nào đó bạn quên không thay đồ cho trẻ trước khi ra ngoài chơi, chắc chắn nó sẽ thắc mắc và “yêu cầu” bạn chờ bạn ấy thay đồ rồi mới đi chơi.
Kỷ luật nội tại sâu nhất, mạnh nhất nằm ở chính cơ thể vật lý, chứ không phải nằm ở tư duy, cái đầu. Chắc sẽ có nhiều người trong số chúng ta sẽ cảm thấy khó chịu khi không thực hiện 1 thói quen nào đó như đánh răng trước khi đi ngủ, hoặc không uống chút nước ấm sau khi thức dậy, hay chạy mỗi sáng. Ban đầu, khi chúng ta mong muốn sẽ hình thành những hoạt động này, cái đầu sẽ làm việc rất nhiều. Rằng: Ôi, mình chẳng muốn đun nước ấm để uống đâu, uống nước lạnh cũng được mà, ôi, nhưng mà uống nước ấm thì sẽ có lợi, bác sĩ bảo vậy, uống nước ấm mình sẽ có thể kéo dài tuổi thọ, nhưng mà mình mệt, nhưng mà một hôm uống nước lạnh không sao,….cho đến khi, bạn làm hoạt động đó đủ lâu, để nó ngấm vào từng thớ thịt của mình. Đến 1 ngày bạn tỉnh dậy và không còn suy nghĩ gì nữa, cơ thể cứ đi ra bếp mà đun ấm nước nóng để thưởng thức 1 cốc nước mật ong ấm ngọt đầu ngày. Không còn suy nghĩ gì về việc sống lâu hay chết sớm nữa ^^. Nếu hôm nào đó, bạn phải ngủ trên xe ô tô chẳng hạn, sáng dậy không có nước ấm uống bạn sẽ thấy cơ thể mình lên tiếng ngay.
Thời điểm để hình thành và nuôi dưỡng Kỷ luật tự thân sâu nhất, mạnh nhất bằng một cách nhẹ nhàng nhất là khi nào ? Chính là ngay từ khi trẻ đến với chúng ta, trên trái đất này.
Để nuôi dưỡng kỷ luật nội tại ở con, cần bắt đầu với chính mình. Hãy trở thành 1 người có kỷ luật, bắt đầu từ những cách thức đơn giản nhất. Thiết lập một thời gian biểu và cam kết với nó bằng sự quyết tâm. Mùa dịch này, vốn môi trường, xã hội, mọi thứ đang rất bất ổn, chúng ta lại càng cần xác định thật rõ ràng những thứ quan trọng, cần được ưu tiên.
Dưới đây là một số gợi ý các bạn có thể thiết kế lịch sinh hoạt/ nhịp điệu của gia đình:
• Dành thời gian “LÀM VIỆC” với con: tuỳ vào độ tuổi, có thể cùng con hát, chơi trò chơi, làm một số dự án thủ công đơn giản, cùng con làm việc nhà, chăm sóc không gian trong nhà, ban công,…. QUAN TRỌNG lúc này, bạn hãy đặt mọi công việc khác xuống, tránh xa laptop, điện thoại, và CÓ MẶT (DÀNH TÂM TRÍ) trọn vẹn cho chính mình và con.
• Giống như hơi thở, muốn hít vào thì cần thở ra và ngược lại. Trái Đất cung vậy, muốn có ngày thì phải trải qua màn đêm. Các hoạt động trong ngày nên có sự chuyển tiếp nhịp nhàng. Nếu buổi sáng đã có hoạt động tập trung: đọc truyện, làm thủ công, học hành (với trẻ lớn) thì buổi chiều nên có hoạt động thư giãn: hát, chơi trò chơi, tưới cây,….để được cân bằng cả tâm trí, cơ thể và cảm xúc.
• Cuối tuần: đổi vai BỐ – MẸ. Nếu trong tuần là mẹ chơi với con là chính thì cuối tuần nên để mẹ nghỉ ngơi và bố chơi với con là chính. Điều này vừa giúp cho bố mẹ có không gian để thở cho chính mình, vừa giúp cả bố và mẹ kết nối tốt con, giúp con có thể cảm nhận sâu sắc được tình yêu thương, chăm sóc của cả bố và mẹ.
Và cuối cùng: HÃY HÀNH ĐỘNG ĐI!