Bạn càng nói nhiều, bạn càng ít lắng nghe

Con gái muốn chia sẻ với tôi về một điều mà cô bé quan sát được. Tôi không cần phải lấy đi khoảnh khắc đó và ‘uốn nắn’ nó theo suy nghĩ của tôi. Tôi không cần phải bổ sung thêm vào những gì cô bé đã quan sát, “đóng gói” lại với rất nhiều thông tin, lời khen ngợi hoặc dạy dỗ, và trao lại cho cô bé, với dấu tên tôi được đóng trên đó. Là cha của cô bé, tôi không cần biến mỗi khoảnh khắc thành ‘khoảnh khắc của dạy bảo’, hay thậm chí ‘một khoảnh khắc đặc biệt’. Thường thì tôi có thể chỉ cần chú tâm.

Khi cha mẹ nói quá nhiều thì không gian cho những suy nghĩ của trẻ, cho những điều chúng phải nói ra – trở nên ít đi. Thật khó để trẻ tạo ra những ảnh hưởng sâu sắc khi có người truyền hình trực tiếp mọi hành động của chúng. Chúng ta thường sa vào vào những bài độc thoại, giải thích quá mức và ‘tiêu hóa trước’ những trải nghiệm trước khi ‘bón’ chúng lại cho trẻ. Thông tin đã qua chế biến đó cũng giống như thực phẩm đã qua chế biến: nhanh chóng và dễ dàng.

Khi chúng ta tham gia quá mức, dạy dỗ quá mức, chúng ta thường nói quá nhiều, hầu như không có khoảng trống của sự im lặng. Ý định của cha mẹ có thể là ghi nhận con, nhưng chúng ta cũng thường mô tả, khen ngợi, hướng dẫn và “trang trí” thêm. Giống như một vũ công quá ham dẫn bạn nhảy, chúng ta lỡ cơ hội để xem người khác sẽ di chuyển như thế nào. Sau một thời gian, đơn giản là các con sẽ để chúng ta ‘dẫn’ suốt đời, đôi chân của chúng sẽ không bao giờ chạm mặt sàn nữa.

Hãy tưởng tượng rằng đứa con mới lên 5 chạy lại để cho bạn xem bức vẽ mà cậu ấy vừa vẽ về bạn. Liệu bạn có thể ghi nhận nó, mà không nói gì? Liệu bạn có thể nhận bức vẽ – thực sự nhìn vào nó – và trả lại? Hoặc nếu bạn phải nói một điều gì đó, liệu bạn có thể quan sát, mà không phán xét hay khen ngợi không? ‘Hmmm, xem nào, con đã sử dụng rất nhiều màu đỏ.’ Hay bạn có thể hỏi một câu hỏi đơn giản không? ‘Con vẽ bàn chân của bố bằng cách nào vậy?’ Và chúng sẽ bắt đầu, kể cho bạn về màu đỏ, hoặc về bàn chân, hoặc về cái đầu được vẽ giống trái dưa hấu hoặc cách chúng muốn thử một lần nữa, lần này vẽ bằng tay trái. Các con đang ở trong quá trình sáng tạo với tất cả sự tập trung, và những gì chúng cần từ bạn thường chỉ là một sự kết nối nhanh chóng, thay vì một lời phê bình hay khen ngợi.

Khi chúng ta bận rộn, làm cùng lúc nhiều thứ thì đây có thể là một trong những thử thách khó khăn nhất: sự chú tâm, lặng lẽ chứng kiến. Cha mẹ thường phải phân tán sự chú ý trong mọi tình huống, và chúng ta thường nối những mảnh chú ý đó bằng lời nói. Do đó, ta sẽ thấy tác động mạnh mẽ khi chúng ta có thể ghi nhận một cách lặng lẽ, để không lấp đầy khoảng trống bằng lời nói; để không uốn nắn, bổ sung hay trang trí. Để từ chối những email, điện thoại, hoặc điều kế tiếp trong danh sách ‘cần làm’, và để cung cấp sự chú ý trọn vẹn và thầm lặng của chúng ta, thậm chí chỉ trong thời gian ngắn đi nữa!

Chúng ta có nên làm điều này mọi lúc? Điều đó sẽ không thực tế và không cần thiết. Tôi không đề nghị cha mẹ ngừng nói chuyện với con cái họ. Tôi gợi ý rằng cha mẹ nói ít lại. Trong một thế giới ồn ã, sự chú tâm thầm lặng có ý nghĩa và ảnh hưởng lớn hơn lời nói, và nó mang lại cho trẻ nhiều không gian hơn để phát triển những suy nghĩ và cảm xúc. Đơn giản là hãy nói ít lại!

𝘛𝘶̛̀ 𝘤𝘶𝘰̂́𝘯 𝘴𝘢́𝘤𝘩 “𝘚𝘪𝘮𝘱𝘭𝘪𝘤𝘪𝘵𝘺 𝘗𝘢𝘳𝘦𝘯𝘵𝘪𝘯𝘨”, 𝘵𝘢́𝘤 𝘨𝘪𝘢̉ 𝘒𝘪𝘮 𝘑𝘰𝘩𝘯 𝘗𝘢𝘺𝘯𝘦, 𝘮𝘰̣̂𝘵 𝘯𝘩𝘢̀ 𝘯𝘨𝘩𝘪𝘦̂𝘯 𝘤𝘶̛́𝘶 𝘨𝘪𝘢́𝘰 𝘥𝘶̣𝘤 𝘵𝘩𝘦𝘰 𝘵𝘪𝘯𝘩 𝘵𝘩𝘢̂̀𝘯 𝘨𝘪𝘢́𝘰 𝘥𝘶̣𝘤 𝘞𝘢𝘭𝘥𝘰𝘳𝘧 𝘚𝘵𝘦𝘪𝘯𝘦𝘳.