1. NHỊP ĐIỆU LÀ GÌ?
Để tổ chức, sắp xếp các hoạt động trong cuộc sống một cách có trật tự và hiệu quả, đặc biệt là để hiệu quả biểu hiện một cách bền vững và lâu dài, nhịp điệu của các hoạt động là một yếu tố rất đáng quan tâm.
Ta có thể liên hệ khái niệm “nhịp điệu” trong đời sống tới khái niệm tương ứng trong âm nhạc. “Nhịp điệu” gồm có “nhịp” (measure/meter) là quy định về thời gian để các thành phần của “điệu” được diễn ra và cách mà các thành phần ấy sẽ được phân bố; “điệu” (rhythm) là sự lặp đi lặp lại một cách nhịp nhàng, hài hòa trong tương quan với “nhịp” (trong âm nhạc, đó là những nốt nhạc và những dấu lặng; trong đời sống, đó là các hoạt động, sự nghỉ ngơi và chuyển tiếp giữa chúng). Nói cách khác, “nhịp” là một loại khuôn khổ, giới hạn, quy ước về cách vận hành, còn “điệu” là sự vận hành, chuyển động trong khuôn khổ, giới hạn và quy ước đã xác định. Nhịp điệu trong cuộc sống cũng có ý nghĩa tương tự: đó là sự lặp lại của các hoạt động một cách có quy tắc.
Tuy nhiên, thiết lập nhịp điệu không có nghĩa là tạo ra một thời gian biểu và chấp hành một cách cứng nhắc. Nhịp điệu diễn ra như một thói quen nhưng chúng ta thực hiện các hoạt động một cách ý thức, chú tâm, để không chỉ đảm bảo tính lặp lại, cũng như không chỉ bám chặt vào khuôn khổ, nguyên tắc cứng nhắc, mà còn để cho các hoạt động diễn ra một cách uyển chuyển, mềm mại cả trong chính mỗi hoạt động lẫn trong từng bước chuyển giao từ hoạt động này sang hoạt động khác.
2. BIỂU HIỆN CỦA NHỊP ĐIỆU TRONG ĐỜI SỐNG
Nhịp điệu luôn có trong sự vận hành của thiên nhiên. Trong vũ trụ, các hành tinh, các ngôi sao có nhịp điệu riêng. Trên Trái Đất nơi chúng ta đang sống, mỗi lãnh thổ đều có nhịp điệu riêng (chu kì các mùa, chu kì ngày-đêm…), mỗi sinh vật sống cũng có nhịp điệu của mình (chu kì tuần hoàn, hô hấp…), từng cơ quan bên trong cơ thể cũng nhịp điệu của chúng (trao đổi chất, chuyển hóa, hoạt động/ nghỉ ngơi…). Các nhịp điệu ở từng cấp độ ấy cũng tương tác, ảnh hưởng đến nhau theo những quy luật chung của vũ trụ.
Nhịp điệu vì thế vốn là điều không xa lạ đối với chúng ta. Một cách tự nhiên, cơ thể của chúng ta cũng sẵn có các nhịp điệu và chúng ít nhiều đã được “lập trình” theo nhịp điệu của môi trường tự nhiên nơi ta sinh sống (đồng thời vẫn chịu ảnh hưởng từ nhịp điệu ở các cấp độ vĩ mô hơn).
Do đó, một mặt thì các hoạt động sống cơ bản của chúng ta (đến giờ đói thì ăn uống, mệt thì ngủ nghỉ, vui chơi khi có cảm hứng…) phát sinh trực tiếp dựa trên nhịp điệu tự nhiên đó.
Mặt khác, trong quá trình trưởng thành và tham gia vào các hoạt động mới trong cuộc sống (vui chơi, học tập, lao động, rèn luyện thể chất, tinh thần…), các nhịp điệu quen thuộc của chúng ta dần chịu ảnh hưởng và bị thay đổi, để tạo không gian (hay thời gian) cho các hoạt động khác. Các hoạt động mới này hầu hết không còn bộc phát trực tiếp và nhất thời từ các nhu cầu cơ bản nữa, mà là những hoạt động được tạo ra nhờ tư duy có chủ đích và phục vụ một cách gián tiếp cho các nhu cầu cơ bản (ví dụ: học tập để phát triển đời sống tinh thần, để tích lũy kiến thức, kinh nghiệm làm việc; làm việc để mưu sinh; rèn luyện thể chất để củng cố sức khỏe…).
Cũng bởi được tạo ra từ tư duy con người, các hoạt động sống này không nhất thiết tuân theo nhịp điệu tự nhiên. Hiểu được tầm quan trọng của việc sống thuận theo nhịp điệu tự nhiên (để phát triển lành mạnh và bền vững), con người chúng ta nỗ lực học hỏi và tổ chức các hoạt động sống của mình như thế nào để có thể gần gũi hơn với nhịp điệu tự nhiên. Con người từ đó cũng có thể chủ động thiết lập nhịp điệu cho các hoạt động sống của mình. Từ đây, ta có thể tạm đưa ra hai khái niệm để phân biệt: nhịp điệu sẵn có của vũ trụ, ta gọi là “nhịp điệu tự nhiên”; nhịp điệu do con người chế tác ra, ta có thể gọi là “nhịp điệu chế định”.
Ở những phần tiếp theo, khi bàn về lí do cần thiết lập nhịp điệu trong đời sống và cách xây dựng nhịp điệu, ta đều sẽ nói về “nhịp điệu chế định”.
3. TẠI SAO CẦN CÓ NHỊP ĐIỆU? NHỊP ĐIỆU CÓ Ý NGHĨA, VAI TRÒ, ẢNH HƯỞNG VÀ TÁC DỤNG GÌ LÊN ĐỜI SỐNG CỦA CHÚNG TA?
* Khi một người ra đời, đã có những nhịp điệu tự nhiên và cả các nhịp điệu chế định được tạo ra trước đó (như các ngày làm, ngày nghỉ, ngày lễ, các giờ làm, giờ nghỉ, giờ ăn, giờ học, giờ chơi…). Việc thích nghi với các nhịp điệu sẵn có và/hoặc thiết lập nhịp điệu sinh hoạt mới của mình có thể mang lại cho chúng ta những lợi ích sau:
– Tham gia các hoạt động sống một cách ổn định, nhịp nhàng, thuận lợi, do được biết trước kế hoạch diễn ra các sự kiện, hoạt động. Nhờ sự chủ động này, quá trình tham gia các hoạt động của chúng ta sẽ an toàn hơn (giảm bớt các sự cố bất ngờ), yên ổn hơn (ít bị xáo trộn do thiếu trật tự), trọn vẹn và thư thái hơn (nhờ có tầm nhìn tổng quát về thời gian hoạt động có thể diễn ra, có thể chuẩn bị tinh thần trước và trong mỗi hoạt động);
– Có khả năng tham gia các hoạt động sống một cách thuận tự nhiên hơn: hiểu biết về các quy luật, chu kì vận hành của tự nhiên, nhịp sinh học của bản thân… và ứng dụng vào nhịp điệu sinh hoạt sẽ giúp chúng ta vừa có sức khỏe thể chất và tinh thần dồi dào hơn, vừa sắp xếp và thực thi hiệu quả hơn các hoạt động trong đời sống;
– Nhờ ý thức, chú tâm và kiên định duy trì các hoạt động theo nhịp điệu, chúng ta rèn luyện cho mình tư duy rành mạch, sáng tỏ và ý chí mạnh mẽ hơn; ý chí càng phát triển mạnh, chúng ta càng có thêm động lực và khả năng để thực hiện trọn vẹn những gì mình hướng tới trong cuộc sống;
– Từ sự thực hiện nhịp điệu ở các hoạt động bên ngoài, lâu dần các nhịp điệu bên trong chúng ta trở nên rõ ràng và ổn định hơn; nếu như nhịp điệu bên ngoài (hay kỉ luật ngoại tại) đã giúp chúng ta củng cố ý chí, thì nhịp điệu bên trong (kỉ luật nội tại) càng góp phần nâng cao ý chí và sự tự lập, tự chủ của chúng ta.
* Nếu đời sống của chúng ta không có những nhịp điệu rõ ràng và bền vững thì các hoạt động sống có thể diễn ra theo cách thức thiếu trật tự, làm ảnh hưởng đến chất lượng của nhau và ảnh hưởng lên chất lượng sống của chúng ta. Cũng thế, khi một nhịp điệu nào đó bị đứt quãng một cách không chủ đích, ta có thể rơi vào tình trạng “lạc nhịp”, gây hoang mang, xáo trộn trong cuộc sống (ví dụ: đang trong thời gian đi làm, bỗng có sự cố khiến ta phải nghỉ làm đột xuất và tinh thần ta chưa sẵn sàng cho điều đó, thì ngày nghỉ đột xuất đó của ta có thể diễn ra trong tâm thái mông lung, thậm chí hoang mang, và có thể làm rối loạn nhịp sinh học, khiến cơ thể mệt mỏi).
Tùy mức độ nhạy cảm và linh hoạt ở mỗi người mà sự “lạc nhịp” có thể ảnh hưởng ít hay nhiều đến đời sống của chúng ta.
4. LÀM THẾ NÀO ĐỂ THIẾT LẬP VÀ THỰC HIỆN NHỊP ĐIỆU TRONG CÁC HOẠT ĐỘNG SỐNG?
– Mỗi cá nhân hay tập thể đều có những đặc điểm, nhu cầu, khả năng, mục đích riêng trong cuộc sống. Ta cần quan sát để hiểu về đặc thù của đối tượng quan tâm, để xây dựng nhịp điệu cho phù hợp với đối tượng ấy.
– Nhịp điệu nên được thiết lập dựa trên nhu cầu thực tế và nhắm tới lợi ích thực tế, chứ không phải là kế hoạch ta đưa ra để áp đặt bất chấp sự vô ích, thậm chí tai hại của nó cho đối tượng mà ta muốn đưa vào nhịp điệu. Vì thế ta cần hiểu ý nghĩa và lí do lập nên kế hoạch theo nhịp điệu đó.
– Trong khi lập kế hoạch, ta hình dung trước không chỉ về thời điểm, thời lượng, địa điểm, mà còn về cách thức mà các hoạt động sẽ diễn ra. Điều này giúp ta càng nhớ rõ ý nghĩa, lí do ta lập kế hoạch, và cũng dự kiến được những khó khăn, rủi ro gây trở ngại cho việc duy trì nhịp điệu, để có thể sáng tạo giải pháp và ứng phó linh hoạt hơn khi có biến cố ngoài dự kiến.
– Với kế hoạch đã lập ra, ta cũng cần chuẩn bị tinh thần để thực hiện đi theo nhịp điệu một cách kiên định và nhất quán. Mặc dù cuộc sống luôn có thể diễn ra khác với kế hoạch của ta, nhưng với sự kiên định và nhất quán, ta có thể khéo léo trở lại với nhịp điệu để không bị ảnh hưởng quá nhiều bởi những tác nhân gây xáo trộn từ bên ngoài.
– Nếu nhịp điệu ta thiết kế không chỉ được áp dụng cho chính mình mà còn cho cá nhân hay tập thể khác, ta nên tự mình thử nghiệm trước các hoạt động đã thiết kế theo nhịp điệu, để sự chuẩn bị càng hoàn thiện hơn, ta có thể kịp thời khắc phục những hạn chế vốn chưa được nhận ra khi kế hoạch mới chỉ nằm trong ý tưởng.
– Một khi chính thức thực hiện các hoạt động theo nhịp điệu, ta cần kiên định theo sát kế hoạch để đảm bảo lợi ích mà ta đã xác định khi xây dựng nhịp điệu.
– Trong tập thể, do đặc thù của mỗi cá nhân khác nhau, việc thực hiện các hoạt động theo nhịp điệu cũng có thể được nhìn nhận khác nhau, nên ta cần linh hoạt để tôn trọng phong cách của người khác (cộng sự, đồng nghiệp của mình), dù không quên tầm quan trọng của việc duy trì nhịp điệu.
– Để nhịp điệu diễn ra thuận lợi và hiệu quả, các hoạt động trong đó cần được thực hiện trọn vẹn, có ý thức, có sức sống, sự chuyển tiếp sang hoạt động khác cũng cần diễn ra một cách mềm mại mà nhịp nhàng, rõ ràng nhưng không thô bạo.
5. ĐƯA NHỊP ĐIỆU VÀO LỚP HỌC MẦM NON
Cũng với các nguyên tắc để thiết lập và thực hiện nhịp điệu trong cuộc sống, chúng ta có thể ứng dụng để đưa nhịp điệu vào lớp học và duy trì nhịp điệu ấy một cách bền bỉ:
– Quan sát để hiểu đặc thù của trẻ trong từng giai đoạn;
– Xác định mục đích giáo dục để hiểu lí do và ý nghĩa của việc thiết lập nhịp điệu trong lớp;
– Hình dung về các hoạt động ta muốn dẫn dắt trẻ đi theo nhịp điệu;
– Chuẩn bị tinh thần để kiên định và nhất quán khi dẫn dắt trẻ, để có thể ứng phó hiệu quả khi gặp trở ngại (ví dụ khi thiếu sự hợp tác từ gia đình trẻ…);
– Thực hiện theo kế hoạch để đảm bảo nhịp điệu với sự hiểu biết, ý thức, sức sống và ý chí trong quá trình đồng hành với trẻ.
~ Ghi chép của giáo viên từ các buổi đào tạo nội bộ tại Mầm non Koi.