Một trong những biểu hiện của một đứa trẻ thông minh, đó là sự di chuyển của mắt và các thao tác vận động tinh (cầm, nắm, nhặt, xúc,…) nhanh nhạy, linh hoạt.
Chính vì vậy đồ chơi đối với trẻ ấu nhi và trẻ mẫu giáo có ý nghĩa rất quan trọng trong việc trẻ tiếp cận với thế giới người lớn, và ngày một “trưởng thành” hơn.
Khi tham gia vào trò chơi, trẻ tích cực và chủ động bộc lộ hết mình, cố làm lấy mọi việc (tự chọn trò chơi, đồ chơi, bạn chơi…), cố gắng suy nghĩ để khắc phục trở ngại xuất hiện trong quá trình chơi. Chính quá trình này giúp hình thành nên một số kỹ năng, tính cách cho trẻ.
Bởi vậy, đồ chơi mang một ý nghĩa lớn không chỉ về mặt tiếp xúc tri giác, mà còn là một trong các yếu tố quan trọng góp phần xây dựng thế giới quan của trẻ.
Steiner nhận thấy rằng, những đồ chơi cố định màu sắc, hình dạng, như búp bê “Tây” mắt to miệng luôn cười, như xe ô tô, như rất nhiều các loại đồ chơi mà chúng ta thường thấy khác… sẽ ngăn cản trí tưởng tượng của trẻ hay giới hạn cách chơi của các con.
Trong nhà trường Steiner, đồ chơi hoàn toàn từ thiên nhiên, chất liệu chính là gỗ, là vải, là len,… Việc trẻ được sờ, chạm, cầm, nắm những đồ vật từ thiên nhiên giúp cho trẻ có những cảm nhận rất thật về thế giới.
Những “bạn” búp bê thường sẽ không có mặt, và được làm tay, bằng chính tâm huyết của các cô giáo làm nên. Đối với những đồ chơi này, các con sẽ được tự do tưởng tượng, hôm nay bạn này có thể là bố, mai có thể là em bé ngoan, hôm nay bạn ấy có thể khóc, mai có thể cười. Tùy thuộc vào tâm lý, nhu cầu, mong muốn của các con khi chơi.
Ở trường, trẻ sẽ không sử dụng những khối hình lego vuông vức để xây nhà, mà sẽ dùng những mảnh gỗ, khúc gỗ với đủ hình thù chẳng gọi tên được để làm xe, dựng nhà,… cũng theo những mẫu rất khác nhau, rất ngộ nghĩnh, đặc biệt.
Sẽ có phụ huynh đặt câu hỏi, vậy chỉ có “vài” những thứ đơn điệu như vậy, trẻ có chán không?
Câu trả lời hoàn toàn là không. Ví dụ, cũng với một cái chậu nhỏ, người lớn dùng để đựng, chứa thứ gì đó. Thế nhưng trẻ con sẽ tưởng tượng đó là cái nồi để nấu ăn, hay một con rùa, một cái bánh xe, bất kì thứ gì mà trẻ tưởng tượng ra, phục vụ cho hoạt động chơi của mình.
Do đó, một em búp bê mi cong, luôn miệng cười sẽ phần nào giới hạn đến việc trẻ sáng tạo nó thành những thứ khác, hay cảm xúc, được phóng chiếu tâm lý của trẻ trong hành động chơi.
Chúng tôi tin rằng, trong một môi trường vui chơi và thỏa sức, tự do “vẫy vùng” như thế, trẻ được làm, được chơi, được là chính mình, theo những gì chính trẻ mong muốn, chứ không phải theo bất kể những gì mà người lớn mong muốn, người lớn xếp sẵn.
Thực tế thì, tháp nghiêng Pisa hay những tác phẩm nghệ thuật của Pablo Picasso đâu có tuân theo những khuôn phép hay chuẩn mực của số đông đâu?
Hanoi Steiner.