Nhà giáo Steiner Nguyễn Thu Hương: “Ở tuổi mầm non, cần nuôi dưỡng ở trẻ ý chí bền bỉ, lớn lên con sẽ tự giác học, thích học.”
Giáo dục Steiner cho rằng một trong những điều quan trọng nhất trong giai đoạn 0-7 tuổi là nuôi dưỡng ở trẻ một ý chí bền bỉ tinh thần kỷ luật từ bên trong, giúp trẻ sau này tự giác học và vượt qua được khó khăn thử thách.
Đâu là những điều cốt lõi, cần chú trọng nhất đối với giáo dục trẻ ở giai đoạn mầm non? Cha mẹ bận rộn ở thành phố có thể dành thời gian cho con như thế nào để nuôi con đơn giản nhẹ nhàng mà giúp con phát triển tốt? Đây chính là những câu hỏi được đặt ra cho các nhà giáo, chuyên gia giáo dục đến từ các phương pháp giáo dục Montessori, Steiner, Reggio Emilia & Phần Lan trong series bài viết Tối giản hóa trong nuôi dạy con.
Dưới đây là chia sẻ của Ths Nguyễn Thu Hương, nhà giáo Steiner, Giám đốc Trung tâm đào tạo Hanoi Steiner, sáng lập trường trường Mầm non Koi Steiner từ năm 2015.
Giai đoạn mầm non là giai đoạn có mức ảnh hưởng lớn nhất và sâu nhất đến cốt cách của một con người. Bởi thế, công việc giáo dục ở bậc mầm non cần đạt được các yếu tố nền tảng: vun bồi được một ý chí bền bỉ tinh thần kỷ luật từ bên trong, một tâm hồn rộng mở, tươi vui tràn đầy niềm tin vào thế giới tốt đẹp, một cơ thể khỏe mạnh cân đối và hoàn thiện các kỹ năng tự phục vụ.
Trong tinh thần giáo dục Steiner, những điều to lớn này không phải đạt được bằng những bài giao giảng hay những hoạt động học tập cam go mà ngược lại, chỉ đạt được một cách viên mãn khi đứa trẻ được sống trong một đời sống giản dị, tràn đầy tình yêu thương, được gìn giữ một tuổi thơ êm ả, một thế giới cổ tích.
Nuôi dưỡng ý chí của trẻ qua nhịp điệu giản dị của cuộc sống hàng ngày
Khác với các nền giáo dục ngày nay tập trung vào việc truyền đạt kiến thức, nền giáo dục Steiner nhấn mạnh và đặt tầm quan trọng vào ba yếu tố cơ bản của con người: Suy nghĩ, cảm xúc, và ý chí. Ở giai đoạn 0-7 tuổi, là thời kỳ phát triển Willing – ý chí cho trẻ em, trong khi giai đoạn 7-14 tuổi chú trọng Feeling (cảm xúc) và 14-21 tuổi là giai đoạn phát triển Thinking (tư duy).
Để nuôi dưỡng ý chí của trẻ bố mẹ chỉ cần thực hiện một đời sống giản dị, duy trì cho con một lịch sinh hoạt điều độ, êm đềm và cố định mà không cần (thậm chí là không nên) có bất cứ lời rao giảng hay hoạt động nào để tôi rèn ý chí sắt đá. Như người luyện tập maraton hàng ngày, hay như Lý Tiểu Long “tập một cú đấm trong 1000 lần”, ý chí được nuôi dưỡng bằng các hoạt động sinh hoạt lặp lại theo nhịp điệu hài hòa sẽ “ăn sâu vào cơ thể” trẻ, được ghi nhớ trong cơ chế hoạt động của cơ bắp và từng tế bào chứ không chỉ còn ở bộ não với quyết tâm sắt đá. Ý chí ở tầng sâu này sẽ đi cùng trẻ qua năm tháng, sức sống của kỷ luật từ bên trong sâu nhất này sẽ giúp trẻ khi trưởng thành có thể đi qua các biến cố, thử thách, hay nói theo ngôn ngữ hiện đại, học được từ và vượt qua thất bại để đi tiếp mà không gục ngã. Hay trong tương lai gần hơn, vào lớp một trẻ biết tự học, háo hức học mà không cần bố mẹ hay thầy cô ngồi cạnh.
Đừng rèn con bằng nghịch cảnh, hãy để trẻ được bầu không khí của yêu thương, những điều tốt và đẹp
Chúng ta hay lo lắng thái quá rằng việc nâng niu con trẻ sẽ khiến con trở nên mềm yếu, không có sức chống đỡ khi ra đời, nên nhiều ông bố muốn rèn con bằng nghịch cảnh càng sớm càng tốt, cho con sớm biết “mùi đời”. Nhưng có lẽ đây là cách nhìn một đứa trẻ như một người lớn thu nhỏ, đứa trẻ không bao giờ là người lớn thu nhỏ, chúng là trẻ con, là những hạt mầm chứ chưa phải những cái cây đủ lá đủ cành. Hiểu trẻ như vậy, ta sẽ hiểu trẻ cần được sống trong yêu thương, cần được nâng niu trong bầu không khí của những điều tốt và đẹp. Được sống trong không khí của yêu thương, chân thật, từng tế bào của trẻ sẽ in lại “cách thức hoạt động” của yêu thương, chân thật, nhờ đó tâm hồn con trẻ và là người lớn sau này, sẽ tự khắc tươi vui rộng mở. Niềm tin vào sự tốt đẹp của thế giới được tự động ghi nhớ vào cơ thể, tâm hồn trẻ, và với niềm tin ấy đứa trẻ và người lớn sau này sẽ biết cách tạo ra những điều tốt và đẹp cho mình, cho thế giới.
Để tạo ra một bầu không khí của sự thực và yêu thương, bố mẹ đâu cần đến bất cứ kỹ thuật gì? Chỉ cần dành thời gian bên nhau, bên con, thả lỏng, bỏ màn hình điên thoại hay dừng đăng tút lại để “thấy” đứa trẻ, thấy người chồng, người vợ bên cạnh mình. Một bữa tối nấu ăn cùng nhau, một bữa cơm đầy đủ các thành viên trong gia đình, không tiếng tivi, không ai phải đứng lên nghe hay trả lời tin nhắn điện thoại, như vậy đã chan hòa yêu thương, đem lại bầu không khí tốt đẹp cho trẻ.
“Thay vì chú trọng lượng thức ăn, hãy quan tâm đến việc trẻ ăn trong vui vẻ hạnh phúc như thế nào”
Cơ thể trẻ là ngôi đền của ý chí, của tâm hồn rộng mở, cần được nuôi dưỡng tráng kiện. Trẻ con ngày nay có vẻ bị cho ăn quá nhiều mà vẫn đói ăn, béo phì và thiếu sức sống là căn bệnh khá phổ biến. Trẻ con nên được tôn trọng ăn theo nhu cầu và đặc biệt cần chú ý đến sự lành mạnh của thức ăn, đến cả sự lành mạnh của môi trường xung quanh trẻ bởi trẻ sẽ “ăn” toàn bộ môi trường này. Đứa trẻ mới sinh sống trong sự căng thẳng của bố mẹ, gia đình sẽ “ăn” luôn cái căng thẳng này qua sữa, qua việc thấm hút môi trường và tiêu hóa cái căng thẳng đó rồi chuyển hóa vào cơ chế hoạt động của tim, của hệ tuần hoàn,…
Như vậy, bố mẹ đừng quá chú tâm vào lượng thức ăn trong bát cơm của trẻ mà hãy quan tâm hơn tới việc trẻ ăn trong sự vui vẻ hạnh phúc như thế nào, tạo cơ hội cho trẻ được tự ăn và chấp nhận dọn dẹp thay quần áo cho con sau bữa ăn thay vì đút cơm đút cháo, hay thậm chí bật màn hình để cố ép thêm cho trẻ một vài miếng cơm cháo thì thật sự là lợi bất cập hại.
Rèn luyện kỹ năng tự phục vụ
Kỹ năng tự phục vụ cần được rèn từ nếp ăn, nếp chơi. May mắn là mọi đứa trẻ đều khao khát được tự làm, thế nên việc của bố mẹ là chỉ cần cho con thời gian và không gian để con được làm, đừng vì sợ vỡ một chiếc cốc hay sợ con chảy máu mà tước mất cơ hội trẻ được tự uống nước bằng chiếc cốc thủy tinh mỏng, đừng vì sợ con ngã đau mà tước mất thú vui nhất đời của mọi đứa trẻ, leo cầu thang bộ.
Như vậy, quay về lối sống tối giản, bố mẹ sẽ đạt được cho mình, cho con những điều nền tảng và lớn lao cho giai đoạn mầm non. Bỏ bớt chứ đừng thêm vào, đứa trẻ chỉ cần đúng các hoạt động đời sống gia đình hàng ngày: đi dạo, nấu cơm, ăn cơm, tắm, ngủ,… được làm cùng bố mẹ, trong yêu thương, trong trọn vẹn sự chú tâm dành cho nhau, và trong tin cậy để trẻ được tự làm. Nếu có thể, bố mẹ hãy làm mọi hoạt động sinh hoạt hàng ngày một cách đẹp đẽ và tươi vui, như vậy là hoàn hảo cho những năm tháng đầu đời của con.
Hằng Nguyễn ghi.