Khi giáo viên quan sát trẻ nhỏ, thông thường phải luôn ghi nhớ mục đích của việc thấu hiểu nhu cầu riêng biệt của từng trẻ hoặc động lực của một nhóm trẻ. Vào mùa thu năm 2007, tôi có dịp thực tập tại hai chương trình RIE (Resource for Infant Educarers – Nguồn Lực Giáo Dưỡng Trẻ Sơ Sinh), nơi cho tôi cơ hội để tiếp cận việc quan sát theo một cách khác.
Tại trường Cao Đẳng Pacific Oak ở Pasadena, CA, từ tháng 9 đến tháng 12 năm 2007, tôi đã quan sát một lớp dành cho trẻ sơ sinh và một lớp dành cho trẻ tập đi. Trong suốt 3 tiếng vào mỗi thứ 7 hàng tuần, tôi chỉ đơn giản quan sát bọn trẻ mà không có bất kì mục tiêu nào trong đầu. Tôi đã khám phá một điều đáng kinh ngạc đó là: có một cách khác để quan sát bọn trẻ, vừa giúp hé mở tâm hồn trẻ, vừa thúc đẩy trực cảm của chính bản thân tôi. Tôi gọi đó là “Quan sát sâu sắc”.
Sự quan sát một cách sâu sắc giúp trái tim chúng ta đồng điệu cùng đứa trẻ. Có điều gì đó dần mở ra bên trong tâm hồn mình. Lối quan sát này không khởi nguồn từ sự tò mò tri thức, cũng không phải là lối quan sát với một câu hỏi trong đầu. Sự quan sát này thay chỗ cho mọi phán xét, so sánh và đánh giá.
Kinh nghiệm của tôi về sự quan sát sâu sắc được phát triển dần thông qua khoá tập huấn của RIE. Chương trình RIE khuyến khích sự quan sát nhạy của người lớn trong quá trình trẻ chơi đùa – Đây cũng là một trong bảy “Nguyên Tắc RIE”. Trong thời gian thực tập, tôi đã phát triển được kĩ năng ngồi lặng yên khiêm tốn, để hơi thở sâu và đều hơn. Khi đầu óc trở nên thư giãn, tôi buông hết những mục đích hay nỗ lực. Có điều gì đó mới mẻ sâu sắc giờ bắt đầu dần rõ nét: là một trạng thái hiện diện nhẹ nhàng, một sự lắng nghe sâu sắc. Một cách nhận thức mới dần đơm hoa trong tôi.
Sự quan sát sâu sắc có thể đánh thức mối quan hệ đầy năng động, toàn diện và hoà hợp cùng đứa trẻ mà ta chăm sóc. Chúng ta quan sát một cách thiêng liêng, đó là cách giúp chúng ta đón nhận đứa trẻ như bản chất của chúng lúc ấy vốn dĩ như thế. Đôi khi ta cảm nhận được “toàn bộ đứa trẻ”, đó là trải nghiệm về cấu trúc bản chất cốt lõi của trẻ. Đôi khi ta được dẫn dắt đến những khía cạnh chuyển động nhất định hoặc của cơ thể trẻ – như cách trẻ dùng ngón chân để dò đồ xung quanh, hoặc nhấc người lên, cách trẻ nhặt bóng hoặc thò đầu lên để đeo khăn ăn. Khi chúng ta ở trong trạng thái quan sát sâu sắc này, ta sẽ không còn tìm kiếm kết quả hay giải pháp nữa – mặc dù có thể xuất hiện ngay lúc đó những góc nhìn thấu đáo với sự rõ ràng và thông tuệ. Cũng có thể có những tài năng ẩn dấu trong quá trình quan sát vẫn chưa hé lộ rõ ràng. Có lẽ sự quan sát sâu sắc này là cách gieo hạt và chờ hái quả ngọt sau này. Một sự kết nối mạnh mẽ với trực cảm sẽ cho kết quả mĩ mãn.
Tiến sĩ Gerald Karnow, diễn giả chủ đạo tại hội nghị Liên Đoàn Giáo Dục Mầm Non Waldorf ở Bắc Mỹ vào tháng 2 năm 2008, đã chỉ ra rằng: trong quá trình quan sát trẻ nhỏ, chúng ta phải “xoá hết” bên trong mình những định kiến, mục tiêu hay ý kiến. Rút ra từ những góc nhìn sâu sắc của Rudorf Steiner, ông Karnow cho rằng người quan sát cần phát triển một thái độ sáng tạo mà-như-không-biết, bao gồm sự đón nhận một cách thuần khiết và cởi mở. Khi chúng ta sẵn lòng “làm rỗng” mình, tĩnh tại và hoàn toàn nồng ấm với đứa trẻ mà mình quan sát, ta sẽ có cảm hứng để làm việc cần làm – đó là nguồn cảm hứng có được thông qua sự nhận biết đầy sáng tạo khi ở bên một người khác. “Tôi phải nói rằng là tôi không biết”, vị tiến sĩ nói, “Với sự quan sát thuần khiết, chúng ta sẽ hãm lại sự bất tiện khi chưa có câu trả lời đích đáng.”
Sau cùng thì, hoạt động trong cuộc sống cũng sẽ mang chúng ta ra khỏi sự quan sát – đó là giao tiếp và tương tác. Ta sẽ lại đổi mới theo thời gian, nhưng chúng ta không giống hệt nhau. Có lẽ hiểu biết sẽ tăng dần lên khi chúng ta không mải miết đuổi theo nó, và làm sao để áp dụng cách nhìn mới mẻ này. Sự phản ứng tức thời có lẽ không phải là cách phản hồi đúng đắn. Đôi khi tính nhẫn nại và cẩn trọng chờ đợi là điều ta cần. Chúng ta có thể tin tưởng vào điều đó, vào đúng thời điểm, ta sẽ nhận ra một cách sâu sắc và điềm tĩnh, điều gì cần làm và không cần làm.
Sự quan sát sâu sắc có thể coi là món quà cho đứa trẻ mà ta chăm sóc, cho cha mẹ, cho lớp học và cho cả
bản thân chúng ta. Vậy ta phải thực hiện như thế nào? Hãy hít thở, tĩnh tại và đơn giản chỉ là quan sát đứa trẻ mà không mang theo bất kì định kiến nào trong đầu. Cái nhìn sâu sắc có thể là phần thưởng dù không phải lúc nào cũng như vậy. Khi chúng ta gỡ bỏ những kì vọng trong nghệ thuật quan sát, thì ta có thể đạt đến cảm nhận sâu sắc rất tuyệt vời, đầy phấn chấn như khi chúng ta đang ngắm nhìn đứa trẻ ngay trước mắt mình.
Tác giả: Theresa Catlin
Samantha Phương Nguyễn dịch
Chú thích: Theresa Catlin là mẹ của hai cô con gái đã lớn và là giáo viên Waldorf được 8 năm. Cô tốt nghiệp khoá đào tạo của LifeWays and Sophia’s Hearth chuyên về chăm sóc trẻ nhỏ, và đang là hội viên của tổ chức RIE. Cô còn dẫn dắt các lớp cha mẹ & trẻ nhỏ và các lớp dạy làm cha mẹ tại trường Highland Hall Waldorf School ở Northridge, CA, cũng như ở lớp học tư gia của cô.