“Một lần có bạn đến chơi nhà khi em đang kể chuyện cổ tích cho con nghe. Bạn ấy nói sao kể cho con truyện bạo lực như thế, toàn chó sói suốt bà, Tấm dội nước sôi Cám, không có gì tốt cho trẻ. Từ đó em không dám kể chuyện cổ tích nữa, mà phải tái chế đi, thay vì đi vào rừng gặp sói thì đi vào rừng… hái hoa quả! (chia sẻ của Ngọc Hà trong kỳ 2, khóa học 9 tháng 10 ngày).
𝗖𝗵𝘂𝘆𝗲̣̂𝗻 𝗰𝗼̂̉ 𝘁𝗶́𝗰𝗵 𝗰𝗼́ 𝗻𝗵𝗶𝗲̂̀𝘂 𝗰𝗵𝗶 𝘁𝗶𝗲̂́𝘁 đ𝗼̣̂𝗰 𝗮́𝗰, 𝗯𝗮̣𝗼 𝗹𝘂̛̣𝗰, 𝘅𝗮̂𝘆 𝗱𝘂̛̣𝗻𝗴 𝗵𝗶̀𝗻𝗵 𝗺𝗮̂̃𝘂 𝗽𝗵𝘂̣ 𝗻𝘂̛̃ 𝘁𝗵𝘂̣ đ𝗼̣̂𝗻𝗴 & 𝘆𝗲̂́𝘂 đ𝘂𝗼̂́𝗶??
Trong những năm gần đây, có nhiều tranh cãi xung quanh chuyện cổ tích cho trẻ em. Nhiều phụ huynh – những người đã từng lớn lên với những câu chuyện quen thuộc như Cô bé quàng khăn đỏ, Nàng bạch Tuyết và 7 chú lùn… nay “bỗng” nhận ra chuyện cổ tích có nhiều chi tiết dã man, bạo lực.
Chẳng hạn trong chuyện Bạch Tuyết và bảy chú lùn, bác thợ săn được hoàng hậu sai đi giết Bạch Tuyết, nhưng vì thương Bạch Tuyết, bác đâm chết một con hoẵng lấy gan phổi về nộp cho hoàng hậu, hoàng hậu sai nhà bếp xào lên ăn. Rồi khi phát hiện ra Bạch Tuyết vẫn còn sống, hoàng hậu tẩm thuốc độc vào táo, đóng giả bà nông dân cho Bạch Tuyết ăn… Nhiều bố mẹ lo lắng con bị ám ảnh, sợ hãi, hoặc học bạo lực từ các chi tiết đó, do vậy tẩy chay truyện cổ tích, hoặc đọc cho con nghe nhưng bỏ qua các chi tiết mà họ cho là có yếu tố bạo lực.
Một luồng ý kiến khác cho rằng truyện cổ tích đem đến hình mẫu về mẫu người phụ nữ yếu đuối, thụ động. Công chúa nào cần phải có hoàng tử mới được hạnh phúc, cô nào cũng ngồi yên chẳng làm gì, chỉ đợi hoàng tử đến cứu. Người ta đặt ra câu hỏi, tại sao không xây dựng hình tượng những nàng công chúa can đảm, mạnh mẽ, những cô gái đi giết quái vật và cứu hoàng tử chẳng hạn? Có cần phải viết lại và làm mới truyện cổ tích để mang đến những hình mẫu mới lành mạnh hơn? Đây không chỉ là băn khoăn của các bậc cha mẹ, mà thậm chí là vấn đề mà một số tổ chức nữ quyền cũng đặt ra.
Chưa hết, câu chuyện nổi tiếng Nàng công chúa ngủ trong rừng cũng bị “cáo buộc” là có thể gây nên những hiểu nhầm cho trẻ em về việc hôn người khác mà không xin phép, và như thế không còn phù hợp trong xã hội phức tạp ngày nay. Có thông tin rằng, những nhà đấu tranh nữ quyền yêu cầu Disney không đưa cảnh hoàng tử hôn công chúa vào phim Bạch Tuyết mới, họ cho rằng đó là hành vi quấy rối & tấn công tình dục.
Đứng trước những tranh cãi xung quanh chuyện cổ tích, và những tình huống bạo lực có vẻ “rõ ràng như ánh sáng ban ngày”, nhiều phụ huynh đã lựa chọn quay lưng với truyện cổ tích mà chính bản thân họ đã lớn lên cùng hồi nhỏ. Các bậc cha mẹ lo sợ rằng trước khi con trở nên thông minh hơn nhờ truyện cổ tích như lời khuyên của thiên tài Albert Einstein, con họ có thể bị ám sợ, bạo lực hay trở nên thụ động như các nhân vật và tình tiết trong chuyện.
NHỮNG ĐIỀU RẤT ÍT NGƯỜI BIẾT VỀ CHUYỆN CỔ TÍCH
“𝑪𝒉𝒖́𝒏𝒈 𝒕𝒂 𝒉𝒂̂̀𝒖 𝒏𝒉𝒖̛ 𝒌𝒉𝒐̂𝒏𝒈 𝒉𝒊𝒆̂̉𝒖 𝒄𝒉𝒖𝒚𝒆̣̂𝒏 𝒄𝒐̂̉ 𝒕𝒊́𝒄𝒉 𝒄𝒐́ 𝒏𝒈𝒉𝒊̃𝒂 𝒈𝒊̀” – nhà giáo Nguyễn Thu Hương mở đầu buổi chia sẻ về chuyện cổ tích và tâm thức của trẻ theo góc nhìn giáo dục Steiner. “Những tranh cãi nói trên bắt nguồn từ việc người lớn không nhìn nhận chuyện cổ tích từ góc độ trẻ con. Chúng ta cần phải hiểu truyện cổ tích như trẻ con hiểu, các con không hiểu bằng cái đầu như người lớn. Nếu như chúng ta nhớ lại khi mình là trẻ con, hoặc nhìn vào con mình bây giờ khi nghe chuyện cổ tích, chúng ta có thể nhìn thấy câu trả lời.”
Theo giáo dục Steiner – nền giáo dục dựa trên triết lý về con người ra đời cách đây 100 năm – bản chất chuyện cổ tích là thông điệp vũ trụ được truyền tải và lưu truyền trong quá trình phát triển của trái đất. Ở giai đoạn mầm non, trẻ em trực nhận những thông điệp từ chuyện cổ tích, không bằng lí trí, tư duy logic như người lớn, mà bằng toàn bộ con người trẻ. Những hình ảnh như hoàng tử, công chúa, lâu đài, quái vật, chó sói… không nên được hiểu một cách trần trụi, mà là những hình ảnh biểu trưng cho thông điệp nào đó, còn được gọi là “nguyên mẫu”
𝗖𝗵𝘂𝘆𝗲̣̂𝗻 𝗰𝗼̂̉ 𝘁𝗶́𝗰𝗵 – 𝗻𝗼̛𝗶 𝗹𝘂̛𝘂 𝗴𝗶𝘂̛̃ 𝘁𝗵𝗼̂𝗻𝗴 đ𝗶𝗲̣̂𝗽 𝗰𝘂̉𝗮 𝘃𝘂̃ 𝘁𝗿𝘂̣
Chuyện cổ tích sinh ra từ đâu và từ bao giờ? Nếu nhìn theo góc độ của các nhà nghiên cứu văn hóa, các câu chuyện cổ tích bắt đầu xuất hiện khi con người hiện đại bắt đầu bước vào thời kì đầu của văn minh nhân loại, trước khi chữ viết xuất hiện các câu chuyện dân gian đã được lưu truyền từ đời này sang đời khác. Nhưng với góc nhìn về con người, sự xuất hiện của loài người theo Anthroposophy, các câu chuyện cổ tích xuất hiện trước đó rất lâu, nó là thông điệp vũ trụ được truyền tải và lưu giữ qua mọi giai đoạn tiến hóa và phát triển của loài người, của trái đất. Thông điệp mỗi thời kì tiến hóa mà vũ trụ gửi gắm cho con người được lưu vào các “nguyên mẫu”, các “ý niệm”. Cho đến thời kì tiến hóa thứ tư, thời kì Trái đất ngày nay, các thông điệp này được cô đọng lại thành các câu chuyện cổ tích.
Như vậy, chuyện cổ tích không phải là các câu chuyện do ai đó hay một nền văn minh nào đó sáng tác ra, mà là các thông điệp con người nhận được để lưu giữ các nguyên mẫu, các ý niệm phổ quát của vũ trụ, của loài người. Trước khi con người có chữ viết, các câu chuyện được lưu truyền trong dân gian và là công cụ truyền tải các thông điệp mà loài người thu nhận được.
Khi con người bước vào giai đoạn phát triển tư duy logic, chữ viết ra đời, sự mất kết nối với các thông điệp vũ trụ khiến con người cần phải lưu giữ các câu chuyện cổ tích, chuyện dân gian bằng chữ viết. Việc lưu trữ này làm hao hụt cả chất lượng và số lượng các câu chuyện cổ tích, bởi khi đã lưu trữ bằng chữ viết, dựng phim hoạt hình… là đã mang tính cá nhân của người soạn lại, tạo ra những dị bản về chuyện cổ tích.
𝗛𝗼𝗮̀𝗻𝗴 𝘁𝘂̛̉ 𝗰𝘂̛𝗼̛́𝗶 𝗰𝗼̂𝗻𝗴 𝗰𝗵𝘂́𝗮 𝗰𝗼́ 𝗻𝗴𝗵𝗶̃𝗮 𝗹𝗮̀ 𝗴𝗶̀, 𝗵𝗮𝘆 𝘆́ 𝗻𝗴𝗵𝗶̃𝗮 𝗺𝗼̣̂𝘁 𝘀𝗼̂́ “𝗻𝗴𝘂𝘆𝗲̂𝗻 𝗺𝗮̂̃𝘂” 𝘁𝗿𝗼𝗻𝗴 𝗰𝗵𝘂𝘆𝗲̣̂𝗻 𝗰𝗼̂̉ 𝘁𝗶́𝗰𝗵
Quay trở lại với những tranh cãi xung quanh chuyện cổ tích, hình ảnh công chúa, hoàng tử, phù thủy, người khổng lồ gian ác, chó sói… không hề có ý nghĩa như góc nhìn của người lớn. Đây là những nguyên mẫu – những hình ảnh biểu trưng thể hiện một thông điệp nào đó.
“Bản ngã” và “chân ngã” là một trong những nguyên mẫu phổ biến trong chuyện cổ tích. Theo giáo dục Steiner, tiến trình phát triển của con người là xây “bản ngã” của mình trong thế giới (lower self – biết mình là ai, khẳng định bản thân mình trong cuộc sống, không sợ hãi), sau đó bước sang hành trình tâm thức để bước vào “chân ngã” (higher self – cái tôi thiêng liêng, gần với thượng đế).
Các câu chuyện cổ tích thể hiện rất rõ hành trình phát triển tâm thức của con người và nhân loại. Chẳng hạn như cuộc gặp gỡ giữa hoàng tử với công chúa là sự gặp nhau giữa lower self và higher self, sự gặp gỡ của phần tư duy lí trí sắc bén, ý chí vững mạnh với mạch nguồn cảm xúc, trực giác vốn ẩn sâu và trong trẻo nơi mỗi con người. Đó là cuộc gặp gỡ giữa anima and animus, giữa phần vật chất và phần linh thiêng, để hòa mình vào tinh thần vũ trụ, tan hòa trong vũ trụ. Đây là một trạng thái tuyệt vời, đúng như các kết thúc có hậu trong truyện cổ tích “hạnh phúc đến đầu bạc răng long.”. Khi chúng ta chạm vào “chân ngã” thì chúng ta sẽ biết hạnh phúc đích thực là gì. “Và từ đó họ sống hạnh phúc mãi mãi ” có nghĩa là như vậy, chứ không phải hai vợ chồng không bao giờ bỏ nhau.
Trong các câu chuyện cổ tích của Việt Nam cũng thể hiện motif tương tự như vậy, như Thạch Sach đánh chằn tinh để cưới được công chúa, hay anh con nhà nghèo vượt thử thách cưới được con gái phú ông, cũng thể hiện hành trình tâm thức của con người.
Hay một nguyên mẫu phổ biến khác trong chuyện cổ tích là ông vua, không thể hiểu một cách lí trí là ông vua ngồi trên ngai vàng cai trị một đất nước, mà ông vua chính là cái tôi, là “bản ngã” của con người. Tương tự, hình ảnh con sói không phải là con sói độc ác trong rừng mà mọi người thường hình dung, mà tượng trưng cho những thử thách, vật lộn, khó khăn mà chúng ta phải chiến đấu cho dù trong giai đoạn phát triển nào.
Để hiểu được các “nguyên mẫu” trong chuyện cổ tích, người lớn cần mở rộng tâm hồn để cởi mở đón nhận các nguyên mẫu. Đồng thời chúng ta có thể tích lũy kiến thức bằng cách nghiên cứu và so sánh sự giống nhau giữa các câu chuyện cổ của các nền văn hóa khác nhau để từ đó tìm ra các nguyên mẫu chung của con người.
𝗖𝗵𝗮 𝗺𝗲̣ & 𝗴𝗶𝗮́𝗼 𝘃𝗶𝗲̂𝗻 𝗰𝗮̂̀𝗻 𝗽𝗵𝗮̉𝗶 𝗹𝗮̀𝗺 𝗴𝗶̀?
Dựa trên góc nhìn của giáo dục Steiner về chuyện cổ tích, nhà giáo Nguyễn Thu Hương cho rằng cha mẹ và giáo viên nên tự mình quan sát trên con trẻ và học sinh của mình, quan sát cách trẻ em đón nhận truyện cổ tích. Chúng ta cần để trái tim và quan điểm của mình mở ra để tìm hiểu thêm về ý nghĩa ẩn sau những “nguyên mẫu” truyện cổ tích. Trước khi kể chuyện cổ tích cho trẻ em, chúng ta cần dành thời gian để đọc, chạm đến thông điệp ở tầng sau của truyện cổ tích.
Một lưu ý quan trọng khi kể chuyện cổ tích cho trẻ em đó là tuyệt đối không diễn tả thông điệp, đưa ra các bài học và giáo huấn, chẳng hạn như “vì cô bé quàng khăn đỏ mải mê hái hoa nên mới bị chó sói ăn thịt, em phải nghe lời mẹ không được đi đâu mà không có người lớn.”
Ngọc Hà, học viên của khóa đào tạo giáo viên Steiner, người đưa ra câu chuyện ở đầu bài, chia sẻ rằng đúng là khi còn nhỏ đọc truyện cổ tích, không hề có vấn đề gì với các chi tiết bạo lực. “Bây giờ khi đã hiểu hơn về truyện cổ tích, mình tự tin hơn để kể chuyện cổ tích cho bạn nhỏ thứ hai. Bạn đầu do mẹ hiểu nhầm nên đã không được kể chuyện nhiều.”
Bạn Lê Anh – một học viên khác – cho biết rất ngỡ ngàng và ấn tượng khi được biết chuyện cổ tích phản ánh hành trình phát triển tâm thức của nhân loại. “Bên trong em yêu những câu chuyện cổ tích hơn và mong muốn kể cho các con nghe nhiều truyện cổ tích hơn. Trước đây em cũng đọc cho con nghe nhưng chưa hiểu. Bây giờ em càng muốn khai thác để hiểu hơn những nguyên mẫu cho con cũng như cho mình.”
Thiên Di – một bà mẹ và cô giáo mầm non từ Đà Lạt cũng chia sẻ: “Trước đây em cũng hiểu sai, không hiểu nhiều, en cũng ít kể chuyện cho con nghe buổi tối. Sau khi học xong về chuyện cổ tích, lần đầu tiên em kể chuyện nhiều cho Bắp và con rất thích.”
Giai đoạn mầm non là giai đoạn của chuyện cổ tích. Không có đứa trẻ nào không say sưa với các câu chuyện cổ tích trong giai đoạn này, đó là thức ăn cho tâm hồn, tâm thức trẻ. Đã đến lúc cha mẹ và người lớn cần phải minh oan cho truyện cổ tích, để trẻ em ngay này được hưởng niềm hạnh phúc nghe kể chuyện như bất cứ thế hệ trẻ em nào trong lịch sử nhân loại.
GIỚI THIỆU CHO CHA MẸ VÀ THẦY CÔ
MỘT SỐ CÂU CHUYỆN CỔ TÍCH VIỆT NAM VÀ THẾ GIỚI
* Độ tuổi 3-5 tuổi
Ba chú lợn con
Nồi cháo đường
Nhổ củ cải (chuyện cổ tích Nga
Dòng sông Gulalang Gulalang (chuyện cổ tích Na-Uy)
* Độ tuổi 5-7 tuổi
Thạch sanh (chuyện cổ tích Việt Nam)
Cây tre trăm đốt (chuyện cổ tích Việt Nam)
Chó sói và bảy chú dê con (truyện cổ Grimm)
Cô bé Masha và con gấu (truyện cổ Nga)
Ba chú heo con (truyện cổ Anh)
Hoàng anh và gấu (truyện cổ Grimm)
Ba người lính (truyện cổ Grimm)
Con ngỗng vàng (truyện cổ Grimm) –
Bảy con quạ (truyện cổ Grimm)
Bạch Tuyết và Hồng Hoa (truyện cổ Grimm)
Vua Quạ (truyện cổ Grimm)
Ba sợi tóc vàng của con quỷ (truyện cổ Grimm)
Cô bé quàng khăn đỏ (truyện cổ Grimm)
Một đòn chết bảy (truyện cổ Grimm)
Cô bé Lọ Lem (truyện cổ Grimm)
Anh chàng đánh trống (truyện cổ Grimm
– – – – – – – – – – – – – –
* Chú thích:
1. Anima, animus: Các nguyên mẫu phổ quát về tính nữ trong người nam, và tính nam của người nữ (theo Carl Jung)
2. Anthroposophy: nền tảng triết học của Rudolf Steiner
Hằng Nguyễn, bài viết dựa trên bài giảng của cô giáo Nguyễn Thu Hương và sổ tay khóa đào tạo giáo viên Steiner 9 tháng 10 ngày, do Hanoisteiner tổ chức.