Làm sao để em bé nhà bạn không bị bạo hành ở trường?

Hôm qua một người mẹ có đề xuất mình chia sẻ về dấu hiệu bị bạo hành ở trường với các em bé chưa biết nói. Thực ra quan điểm của mình là: Nếu các em bị bạo hành CHẮC CHẮN BỐ MẸ SẼ BIẾT ĐẦU TIÊN – nếu như bố mẹ thực sự quan sát và lắng nghe con.

Trên mang có vô số bài viết chỉ dẫn về dấu hiệu bạo hành mà mình nghĩ rằng các bố mẹ đều có thể tiếp cận và nắm rõ. Nhưng niềm tin của mình là bố mẹ đều có thể nhận ra dấu hiệu con mình bị bạo hành ở trường mà không cần checklist dấu hiệu trên báo. Chỉ cần con có những thay đổi nhỏ là ta đã nhận ra, mọi thứ nhỏ bé ở con trẻ đều có lý do huống hồ một vấn đề lớn, tổn thương lớn như bạo hành. Một khía cạnh khác là khi chúng ta phát hiện ra các dấu hiệu bạo hành, thì thực ra CON ĐÃ BỊ BẠO HÀNH rồi.

Nên bài viết này mình không chia sẻ về dấu hiệu, mà về việc LÀM SAO KHÔNG GỬI CON VÀO MỘT NƠI CÓ THỂ BẠO HÀNH TRẺ, và (một chút về) làm sao để lắng nghe các dấu hiệu của con hàng ngày.

CHỌN TRƯỜNG CHO CON MỌI NGƯỜI CHỌN ĐIỀU GÌ?

Mình cũng là một bà mẹ mong con có được nhiều thứ ở trường, một người làm giáo dục muốn trẻ con có môi trường tốt nhất để phát triển: Được trải nghiệm các hoạt động đa dạng trong các lĩnh vực khác nhau, được vận động tự do thật nhiều ngoài thiên nhiên, được khám phá khoa học âm nhạc nghệ thuật, được rèn luyện kỹ năng sống, được làm quen với tiếng Anh từ nhỏ… Nhưng hơn 10 năm làm các vị trí và công việc khác nhau đều liên quan đến giáo dục, 3 năm từng làm việc như một quản lý mầm non, mình nhận ra quan trọng nhất các con cần ở giai đoạn mầm non không phải là chữ – số – Tiếng Anh…, mà là một môi trường thân thiện, yêu thương, tôn trọng, cho các con tự do được là bản thân mình, được thể hiện con người mình, được khám phá điều mà mình hứng thú. Trong một môi trường như thế, các con sẽ tự mình phát triển, tự mình khám phá với các tố chất, hứng thú và khả năng sẵn có để là nền tảng cho việc học tập sau này. Điều quan trọng nhất ở độ tuổi mầm non với mình không phải là kiến thức kỹ năng mà là tính cách, giá trị, thế giới tình cảm và tinh thần – điều này sẽ theo con suốt cuộc đời và là điều quyết định việc con có tử tế, hạnh phúc, yêu bản thân và sống tốt với người khác hay không? Nếu không nuôi dưỡng những điều này từ giai đoạn mầm non và tiếp tục cả thời gian tiểu học, đến giai đoạn dậy thì và vị thành niên, bạn không thể sửa hay ảnh hưởng được nữa. Đến độ tuổi này, đầy những đứa trẻ giỏi giang, tiếng Anh tanh tưởi, dường như có đủ mọi thứ để thành công lại là đứa trẻ chỉ biết đến bản thân, không bao giờ hài lòng, không biết mình yêu thích điều gì, căm ghét và xa rời bố mẹ… Lúc đó thì đã quá muộn.

Khi xác định được điều quan trọng nhất, sống còn nhất phải có khi con đến trường thì bố mẹ sẽ có lựa chọn và quyết định trong bối cảnh trường học vẫn còn nhiều vấn đề và không hoàn hảo.

Mình quan trọng nhất những điều:
1. Cô giáo có yêu trẻ không, cô có yêu thích công việc của mình không?
2. Cô giáo có sẵn sàng học hỏi và thay đổi để tôn trọng và hỗ trợ trẻ phát triển không?
3. Nhà trường có tạo ra một nơi thư giãn vui vẻ hạnh phúc cho các cô giáo không? (hoặc có ý thức và nỗ lực cho điều này)

Khi đến thăm một trường mầm non, chúng ta cần tiếp xúc và nói chuyện nhiều người quản lý của trường và giáo viên trực tiếp dạy trẻ. Chúng ta có cảm nhận rằng họ yêu thương con trẻ, tôn trọng giáo viên, tạo điều kiện tốt nhất cho giáo viên làm việc không? Chúng ta có cảm giác (trực giác), sự tin tưởng rằng những điều họ chia sẻ là chân thật, đáng tin cậy không? Nếu chúng ta có sự lo âu, lăn tăn trong lòng khi gửi con ở trường, chúng ta nên tìm hiểu nguyên nhân, vì mọi thứ đều có lý do. Khi bạn gửi con ở trường và có cảm giác yên tâm, có nghĩa là mọi thứ đi đúng hướng.

Mình đã từng gửi con ở trường công, khi đi qua hành lang lớp học thấy cô thực tập mắng trẻ xối xả. Thấy cô giáo lớp con mình nhúi đầu từng bạn mạnh ơi là mạnh khi xếp hàng để ra sân chơi (và khi thấy mình ngước mắt nhìn lên, cô quát mình: Không về đi đứng đó làm gì!) Lúc đầu mình có thể giận dữ nhưng sau đó mình thông cảm: Đó không phải là lỗi của các cô, mà là của hệ thống giáo dục khi một lớp học có tận 60 học sinh mà chỉ có 1 hoặc 2 giáo viên (mà các cô chỉ là những người bình thường, đâu phải là Maria Montessori xuất chúng có thể đứng lớp 50 học sinh với một trợ lý mà mọi thứ vẫn tốt đẹp).

Khi giáo viên thường xuyên bị căng thẳng vì đủ mọi lý do, từ quá tải số lượng học sinh, từ môi trường làm việc, từ đồng lương ít ỏi, từ cư xử thiếu tình người của quản lý hay đồng nghiệp, họ không thể nào an nhiên tự tại vui vẻ hạnh phúc trong lớp học với các con của chúng ta.

Nên cho tận đến lứa tuổi tiểu học, mình vẫn thích nhất là các cô giáo yêu trẻ, yêu công việc, tìm thấy niềm vui trong công việc của mình, thư giãn thoải mái, tâm lý… Trẻ em ngay lập tức có thể cảm nhận được cảm xúc thái độ của người lớn, và người lớn có cảm xúc tiêu cực, cẳng thẳng, không có mặt ở hiện tại sẽ ảnh hưởng ngay lập tức đến trẻ em, chưa – cần – phải- bạo- hành!

Khi chọn trường bố mẹ chọn điều gì?

ĐIỀU GÌ KHIẾN MỘT NGÔI TRƯỜNG KHÔNG CÓ BẠO HÀNH

Có nhiều điều tạo nên một môi trường không có bạo hành mà cốt lõi là ở giáo viên (và việc tuyển dụng giáo viên) và người đứng đầu. Đương nhiên nó phải xuất phát từ cái tâm và tình yêu của quả lý và GV, nó còn phải là quy tắc quan trọng trong trường học mà tất cả mọi người đều nắm rõ: Không bạo hành trẻ dưới bất kỳ hình thức nào, không đánh, không quát mắng và đe dọa về tinh thần.

Khi các video bạo hành được đăng lên, mình nhận thấy một điều: chắc chắn người quản lý phải biết việc đó, bởi sự bạo hành quá lộ liễu, ngang nhiên, nó chắc chắn là điều lặp đi lặp lại nhiều lần thành một thói quen, các giáo viên khác biết và quản lý cũng biết. Người ta cho phép nhau làm điều đó cho đến lúc nó thành một điều bình thường trong môi trường đó (hãy nhớ lại ví dụ cô sinh viên thực tập có thể ngang nhiên mắng học sinh – bởi vì ở trường đó điều này là bình thường, hay cô giáo ngang nhiên vừa nhúi đầu học sinh vừa quát phụ huynh không được nhìn)

Tôi biết rằng ở nhiều trường công và trường tư, luật ngầm với giáo viên và quản lý là “Không được đánh trẻ” nhưng điều kiện là “mà để phụ huynh nhìn thấy hay phát hiện ra”, “không được đánh trẻ trước camera”.

Không, không có một điều kiện nào hết. Không được đánh với bất kỳ nguyên nhân hay lý do nào, cho dù có ai nhìn thấy hay không, cho dù có bị ai phát hiện hay không. Nếu cô giáo đánh hay quát mắng trẻ (trừ trường hợp hi hữu cô đang chịu áp lực căng thẳng to lớn và một lần không kiềm chế được bản thân) thì cô sẽ phải dừng công việc. Quy tắc này đi kèm với một trường nâng đỡ hỗ trợ giáo viên là lá chắn chân thực cho bạo hành.

Khi bạn đưa con đến trường, cần tìm hiểu xem nhà trường làm gì để trẻ chắc chắn không bị bạo hành, cần quan sát xem các giáo viên ở trường có bị căng thẳng mệt mỏi hay không. Nếu phát hiện ra bất kỳ cô giáo nào đánh trẻ hay đứa trẻ nào bị đánh, cho dù không phải là con mình, cần lên tiếng với nhà trường và xem việc xử lý triệt để đến đâu. Vì khi một cô giáo nào đó trong trường đánh trẻ mà không ai trong trường phản ứng, điều đó có nghĩa là con bạn cũng có thể bị đánh.

Việc tạo ra môi trường thoải mái thư giãn cho giáo viên cũng liên quan rất nhiều đến vai trò của phụ huynh, nhưng cái này lại là một chủ đề dài.

MỌI THỨ Ở TRẺ EM ĐỀU CÓ NGUYÊN DO

Đây là một câu thần chú. Khi bạn thấy con thay đổi, bạn thấy con hành xử theo cách bạn không thể hiểu nổi, khi con “bỗng dưng” khóc lóc dữ dội, khi con khiến bạn phát điên lên, khi con làm điều gì vô lý hết sức… hãy tự nhủ rằng MỌI THỨ ĐỀU CÓ LÝ DO. CON LÀM NHƯ VẬY LÀ CÓ LÝ DO. Khi bạn nói câu thần chú này, bạn sẽ hít thở sâu, chậm lại, lắng hết những suy nghĩ đánh giá khó chịu trong bạn xuống, thực sự nhìn vào con và lắng nghe xem điều gì đang diễn ra.

Hẳn là các bố mẹ ở đây đều có những câu chuyện bất tận về những hành xử, phản ứng “không thể hiểu nổi” của con đều hóa ra là có lý do nào đó. Bạn có biết rằng từ chừng 8 tháng, em bé đã có khả năng phán đoán và đánh giá? Bạn biết rằng có món này em thích ăn, món kia em ngậm chặt miệng, người này em theo, người kia em không cho chạm vào người…

Chỉ cần bố mẹ có được sự chú tâm, tĩnh lặng để lắng nghe và quan sát con, bố mẹ có thể nhận biết điều gì diễn ra với con khi con đi học, cho dù con bé xíu và chưa biết nói.

EM BÉ SẼ THÍCH NGHI NHANH VÀ AN TÂM VUI VẺ TRONG MỘT MÔI TRƯỜNG YÊU THƯƠNG

Thực ra trong mấy năm làm mầm non của mình, tiếp đón và chăm sóc chừng 250 em bé, mình không có trải nghiệm về việc em bé bị bạo hành. Hầu hết các em bé đều gặp khó khăn khi thời gian đầu đi học, đa phần cần 1-2 tuần, số ít cần 1 tháng để làm quen, sau đó sẽ vui vẻ và thích đi học, trừ 1-2 trường hợp vô cùng đặc biệt (vẫn khóc buổi sáng đến trường dù cả ngày ở trường rất vui). Trong một trường an toàn, cô giáo yêu thương và quan tâm, sớm muộn các bạn sẽ thích nghi và vui vẻ.

Do vậy nếu con bạn vẫn khóc, vẫn không theo cô, vẫn không thích đến trường sau khi đã thích nghi hơn 1 tháng thì cần tìm hiểu kỹ, trao đổi kỹ với cô giáo và nhà trường xem điều gì khiến con chưa cảm thấy an tâm.

Chủ đề này thực ra còn nhiều điều nhưng dài quá rồi, mình tạm dừng ở đây. Mọi người muốn biết thêm điều gì có thể cùng chia sẻ nhé.

𝘛𝘢́𝘤 𝘨𝘪𝘢̉: 𝘏𝘢̆̀𝘯𝘨 𝘕𝘨𝘶𝘺𝘦̂̃𝘯
𝘈̉𝘯𝘩: 𝘗𝘭𝘶𝘮 𝘝𝘪𝘭𝘭𝘢𝘨𝘦.