Khóc là một trong những hình thức giao tiếp đầu đời của trẻ. Trẻ chào đời bằng tiếng khóc, và từ đó dùng tiếng khóc để thể hiện nội tâm của mình với thế giới xung quanh. Mỗi trẻ đều có rất nhiều tiếng khóc khác nhau ứng với từng nhu cầu riêng của mình: Khóc buồn ngủ, khóc khi tè ị, khóc khi đau hay khó chịu, khóc đòi đi chơi hay muốn lấy một cái gì đó, khóc khi đói sữa…
Khi bố mẹ tới Koi tìm hiểu về trường, các cô giáo rất hay được hỏi, rằng khi trẻ khóc, thì cô sẽ làm gì?
Câu trả lời là, trước tiên, cô sẽ lắng nghe trẻ khóc, và lắng nghe bằng cả trái tim, sự nhạy cảm của một người chăm sóc trẻ chứ không chỉ bằng đôi tai của mình.
Dù trẻ khóc vì bất kỳ lý do gì, thì nhu cầu đầu tiên của trẻ là muốn báo cho người lớn biết, rằng con đang có một vấn đề nào đó cần giúp đỡ. Vì vậy, trẻ cần được biết rằng cô biết trẻ đang khóc. Cô có thể báo cho trẻ biết điều đó bằng việc nâng trẻ dậy nếu trẻ bị ngã, bế trẻ lên, ôm trẻ vào lòng, hay chỉ đơn giản là đến bên vỗ về trẻ nhẹ nhàng… Những động chạm mềm mại, nhẹ nhàng về mặt vật lý sẽ giúp trấn an trẻ hiệu quả, bởi lúc này trẻ sẽ thấy mình được lắng nghe, được đồng cảm, được an ủi và cảm thấy dễ chịu. Đôi khi, tất cả những gì trẻ cần, chỉ đơn giản là được người lớn đồng cảm, chứ không phải là đánh chừa mặt đất hay đuổi ông ba bị đi.
Sự thực là, hầu hết trẻ sẽ khóc nhè trong tuần đầu tới trường, và khóc to nhất vào lúc chia tay bố mẹ vào buổi sáng, lúc mới ngủ trưa dậy hay lúc gặp lại bố mẹ vào buổi chiều. Đó là điều hết sức bình thường, bởi trẻ nào cũng sẽ nhớ nhung khi phải xa bố mẹ cả ngày. Nhưng bằng những chiếc ôm và sự hiện diện trọn vẹn của cô giáo, trẻ sẽ nhanh chóng kết nối với cô và cảm thấy an tâm hơn trong vòng tay của cô. Và khi cô đưa cho trẻ những món đồ chơi mềm mại, tự nhiên, an lành và cùng chơi với con trong say sưa, con sẽ nhanh chóng hoà mình vào trò chơi và không còn cảm thấy trống vắng khi xa bố mẹ nữa.
Bên cạnh việc nhớ bố mẹ, có rất nhiều lý do khiến trẻ khóc, việc lắng nghe bằng cả trái tim sẽ giúp giáo viên nhanh chóng tìm ra nguyên nhân, để sau khi trấn an trẻ, cô sẽ dễ dàng xoa dịu và giải quyết vấn đề một cách mềm mại, thấu đáo.
Nếu trẻ khóc vì nhớ bố mẹ, ông bà ở nhà, thì cô sẽ là người thay thế, kết nối với trẻ, vỗ về trẻ, tạo cho trẻ cảm giác tin tưởng, an toàn, để trẻ có thể dựa vào.
Nếu trẻ khóc vì chưa quen với môi trường mới, chưa quen các bạn mới, thì cô sẽ là cầu nối giúp trẻ từng bước làm quen. Trẻ không cần phải quen với mọi thức ngay lập tức, mà từng chút một, từng ngày một, cô sẽ giúp trẻ kết nối với từng em búp bê, từng giỏ đồ chơi, từng bạn cùng lớp để trẻ dần dần, tự mình bước ra khỏi vùng an toàn và thoải mái khám phá môi trường xung quanh.
Nếu trẻ khóc vì có mâu thuẫn với bạn mà chưa tự mình giải quyết được, với trẻ nhỏ, đôi khi đó chỉ là giành nhau một cuộn len màu, thì cô sẽ chỉ cần xoa dịu con bằng việc ngồi bên cạnh con, nhẹ nhàng giải thích để con biết cách chia sẻ đồ chơi (ngay cả khi con chưa biết nói, con vẫn sẽ hiểu được), và giúp con chọn một món đồ chơi khác. Với trẻ lớn hơn và đã có nhận thức xã hội rõ ràng hơn, thầy cô sẽ là người đứng giữa để trẻ tự nhìn lại mâu thuẫn với nhau, tự nghĩ cách hoà giải và tự làm hoà với nhau, chứ không phải đóng vai trò quan tòa đưa ra các phán quyết đúng sai cho mỗi bạn. Bởi trong thế giới của trẻ nhỏ, không có gì là hoàn toàn đúng và sai, mà sẽ chỉ có những cách thức khác nhau để có thể hoà hợp với nhau hơn, để không bạn nào phải khóc nhè mà thôi.
Một số điều cần tránh làm khi trẻ khóc là:
Đổ lỗi cho ai đó, hoặc thứ gì đó xung quanh, như là cái bàn, mặt đất, ông ba bị: Trẻ cần biết rằng, khi trẻ bị đau, hay trẻ có một nhu cầu nào đó, thì trẻ chỉ cần khóc (nếu chưa biết nói hay chưa biết thông báo bằng cách khác) để báo cho người lớn biết rằng con đang cần giúp đỡ, chứ không phải để được đổ lỗi vấn đề của mình cho ai/cái gì khác.
Lờ trẻ đi hoặc đáp ứng ngay lập tức mọi mong muốn của trẻ: Khi trẻ mè nheo và khóc đòi một thứ gì đó như đồ chơi, đồ ăn… mà người lớn cho rằng như vậy là không hợp lý, hãy chỉ ra cho trẻ thấy điều đó, và nếu trẻ vẫn khóc, thì chỉ cần kiên nhẫn vỗ về trẻ thôi. Trẻ sẽ biết rằng, trẻ được vỗ về vì trẻ đang buồn, nhưng dù vậy, mong muốn không phù hợp của trẻ vẫn sẽ không được đáp ứng. Dù trẻ khóc vì lý do nào, thì việc bị lờ đi sẽ luôn khiến trẻ tổn thương và làm trầm trọng vấn đề hơn, cho dù bề ngoài trẻ có nín khóc. Còn nếu đáp ứng mọi mong muốn của trẻ khi trẻ khóc, trẻ sẽ học được rằng, chỉ cần khóc là sẽ đạt được mọi điều mong muốn, dù mong muốn đó có phù hợp hay không.
Chỉ vỗ về trẻ mà không giải quyết vấn đề: Vỗ về trẻ luôn luôn cần thiết và cần làm đầu tiên, nhưng nếu chỉ xoa dịu trẻ mà không giải quyết vấn đề thì lần sau trẻ sẽ lại khóc mà không biết làm gì khác, hoặc sẽ khóc tiếp ngay sau đó. Bởi vậy, giáo viên cần quan sát, cảm nhận để hiểu rõ vấn đề, nhu cầu của trẻ, giúp trẻ tự mình vượt qua vấn đề và hết khóc, chứ không phải chỉ giúp trẻ nín khóc về mặt vật lý.
Tại Koi, để các con ít khóc và biết cách biểu thị mong muốn của mình một cách rõ ràng, điều đầu tiên các cô cần làm là thiết lập kết nối sâu sắc với trẻ. Trò chơi bàn tay và các bài hát được lặp lại mỗi ngày, trong các hoạt động quen thuộc sẽ giúp trẻ cảm thấy thân thuộc, an toàn. Sự gần gũi vật lý, cùng với sự chú tâm của giáo viên sẽ giúp phát triển kết nối bên trong giữa trẻ và cô một cách nhanh chóng. Các cô sẽ để ý tới tất cả các bạn, và dành thời gian riêng để kết nối với từng bạn, để cả lớp đều cảm thấy mình có kết nối với cô và không bị tủi thân khi thấy cô chăm sóc bạn khác.
Việc trẻ được đến lớp trước khi đi học (có thể là vào giờ đi công viên chơi, hoặc giờ chơi tự do cuối các buổi chiều) để làm quen với các bạn, với cô giáo và làm quen với không gian xung quanh lớp học và quanh trường cũng sẽ khiến cho trẻ nhanh chóng bắt kịp với lớp học và ít khóc hơn khi đến trường.
Đôi khi, khóc cũng là cần thiết, nhất là với các trẻ còn nhỏ, chưa thể nói rõ ràng hay biểu đạt mong muốn một cách rõ ràng, thì việc khóc giúp con giải tỏa cảm xúc và cảm thấy nhẹ nhàng hơn khi khóc xong. Do đó, nếu trẻ khóc, không nên bắt trẻ phải nín khóc ngay lập tức. Thay vào đó, trẻ cần được xoa dịu từ từ, để có thể khóc hết cơn, không bị mệt, và ngừng khóc một cách tự nhiên.
Có rất nhiều điều đằng sau tiếng khóc của trẻ. Mỗi lần trẻ khóc, lại có một nguyên nhân khác nhau, không lần nào giống lần nào cả. Chỉ cần quan sát, lắng nghe và cảm nhận bằng trái tim, các cô sẽ tự biết cần làm gì với từng trẻ, tại từng thời điểm và trong từng trường hợp khác nhau.
~ Một cô giáo Mầm non Koi.