“Gi gỉ gì gi cái gì cũng biết, từ bảo vệ đến hiệu trưởng!”“Không có gì là không làm, xây trường, cuốc đất, sơn tường, xây hố cát, thông cống, sửa điện…”“Nhiều tài vặt lắm tài lẻ, việc tay chân bẩn thỉu cũng không nề hà!”“Rất giỏi nhưng không kiêu ngạo, “ta đây”, mà rất gần gũi giản dị khiêm tốn.”“Nghe nói ngày xưa thầy làm công ty nước ngoài lương cao lắm, mà thầy bỏ luôn không nuối tiếc gì!”“Ồ tiến sĩ vật lý đầu ngành của nước mình đấy, mà lại đi dạy trẻ con!”“Các bạn học sinh thích thầy Điệp lắm, từ trên xuống dưới ai cũng quý thầy!”
𝑽𝒊̀ 𝒔𝒂𝒐 𝒕𝒊𝒆̂́𝒏 𝒔𝒊̃ 𝒗𝒂̣̂𝒕 𝒍𝒚́ đ𝒂̂̀𝒖 𝒏𝒈𝒂̀𝒏𝒉 𝒍𝒂̣𝒊 đ𝒊 𝒅𝒂̣𝒚 𝒎𝒂̂̀𝒎 𝒏𝒐𝒏, 𝒕𝒊𝒆̂̉𝒖 𝒉𝒐̣𝒄?
PV: Chào thầy Điệp, được biết thầy là tiến sĩ tiến sỹ Vật lý, đại học Ecole Polytechnique, Pháp. Theo một nguồn tin đáng tin cậy, thầy là tiến sĩ vật lý hàng đầu của Việt Nam, với với nhiều giải thưởng quốc tế và công trình nghiên cứu cấp quốc tế về Vật lý. Khi theo học nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Pháp, có khi nào thầy nghĩ rằng mình lại làm thầy giáo tiểu học dưới gốc cây Sồi như bây giờ không? (Thầy Điệp hiện là giáo viên lớp 4-5 tại trường Sồi)
Thầy: (cười) Mình thuộc thế hệ 7X, không như thế hệ 9X mở và năng động, thế hệ mình đâu đó cũng bị động nên đi theo con đường lối mòn, nghĩa là cứ đi chứ không định sẵn sẽ làm gì. Ngày xưa, mình là ngôi sao lớn ở thế hệ mình trên con đường học hành, đạt giải quốc gia năm lớp 9, lớp 11, 12 đã đạt giải quốc tế vật lý. Rồi cứ thế học giỏi thì học tiếp, may mắn khi học giỏi thì có học bổng đi nước ngoài. Sau khi học xong quyết định về Việt Nam, nước Pháp rất tuyệt vời nhưng mình cảm thấy lạc lõng, không muốn sống ở nước ngoài.
Sau khi về nước, mình làm việc ở công ty quốc tế về phần mềm, IT ở Sài Gòn, sau đó chuyển ra Hà Nội làm cho công ty của Pháp, đây là công ty con của tập đoàn viễn thông thế giới. Cũng là một trong 2 người quản lý lớn nhất của công ty, phụ trách về kỹ thuật, được trả lương rất cao. Rồi mình tách ra, mở công ty riêng về IT, công ty phát triển cũng ổn, nhưng ngành IT thực tế là rất nhiều áp lực, mặc dù thu nhập tốt. Trong lòng mình nhen nhóm ước mơ trở thành người giáo viên làm việc trong trường học nào đó trên đồi trên núi, có học trò bên cạnh. Đến bây giờ mình vẫn ao ước môi trường có thiên nhiên bao quanh, chứ không phải là phố thị.
PV: Và mong muốn này là cơ duyên khiến thầy Điệp trở thành hiệu trưởng của trường Koi?
Năm 2018, trường Koi chuyển về cơ sở ở Nguyễn Thị Định, cũng gặp nhiều khó khăn về thợ thuyền, mình về hỗ trợ cho trường. Đây cũng là lúc mình xác định chuyển về làm giáo dục mầm non một cách rõ ràng.
PV: Có một giai thoại các cô giáo trường Koi kể là, nhiều người đến trường nhầm thầy là thợ nề và bảo vệ đúng không?
(Cười) Mình thích làm việc chân tay, nề mộc điện nước, cái gì cũng làm, thấy đồ hỏng hóc là lao vào sửa. Có nhiều việc mình nghĩ không làm được như xây một bức tường chẳng hạn, nhưng khi xắn tay vào làm sẽ thấy đơn giản lắm. Hay nhiều người đàn ông bảo thay bóng đèn cũng ngại và sợ, cho rằng mình không giỏi, nhưng cứ thử làm sẽ thấy dễ như vẩy tay thôi. Khi đã làm nhiều cũng sẽ biết thêm nhiều lĩnh vực khác. Với chuyên môn về IT, mình cũng làm hệ thống quản trị IT cho trường, là hệ thống vận hành về kế toán, quản trị, chuyên môn…
PV: Vậy là từ quản lý – chuyên gia IT của công ty đa quốc gia, thầy Điệp trở thành nhân viên IT trường mầm non, tiểu học, phải không? Trong quá trình làm việc ở Mầm non Koi, thầy cảm nhận như thế nào về giáo dục Steiner?
(Cười) Đối với giáo dục Steiner, mình có một cái nhìn mở, dần dần tìm hiểu cảm nhận thấy đúng với hiểu biết của trải nghiệm của mình. Thường dân khoa học khi nghe đến những khía cạnh tâm linh thì có thể cảm thấy băn khoăn, nhưng khi tìm hiểu giáo dục Steiner, một người có kiến thức và tư duy về khoa học như mình thấy đúng đắn, không phải là tâm linh u mê.
Khi tiếp cận với Anthroposophy thấy đây không phải như là khoa học duy vật nhưng vẫn đón nhận, không bám chấp vào một cái mình không phù hợp để đánh giá tổng thể. Thực tế Rudolf Steiner là một nhà khoa học, có tư duy rõ ràng, đây là lý do giáo dục Steiner rất rành mạch, logic và hệ thống. Ông lý giải rất rõ con người phát triển như thế nào, tại sao sự phát triển như thế, với từng độ tuổi trẻ em phát triển ra sao và học hỏi như thế nào, rất mạch lạc.
Nhìn chung, mình thấy giáo dục Steiner phù hợp với bản thân. Bản thân không bị cuốn theo đời sống vật chất. Với lại cũng bước sang tuổi U50 rồi. Giáo dục Steiner đưa mình tới một trạng thái bớt sân si vật chất, hướng tới cái khác tốt hơn và hài hòa. Con đường này phù hợp với mong muốn của mình thời điểm này, ngồi bên gốc cây làm những gì mình thích, làm bàn làm ghế, làm mộc và có trẻ con cùng làm bên cạnh.
𝑪𝒖̀𝒏𝒈 𝒕𝒓𝒆̉ 𝒕𝒊𝒆̂̀𝒏 𝒕𝒊𝒆̂̉𝒖 𝒉𝒐̣𝒄 𝒍𝒂̀𝒎 𝒐̂ 𝒕𝒐̂ 𝒍𝒂́𝒊 đ𝒖̛𝒐̛̣𝒄
PV: Được biết thầy Điệp có 1 năm đứng lớp, làm việc trực tiếp với học sinh tiền tiểu học, thầy có thể chia sẻ thêm về thời gian này không ạ?
Mình phụ trách toán và STEM lớp tiền học, học nhẹ nhàng thôi, quan trọng là cách thức chứ không phải kiến thức. Chẳng hạn như học về cộng trừ cho các bạn đi siêu thi vinmart, mỗi bạn có 20 000 tính toán làm sao mua không quá số tiền mình có. Hoặc 5 con có 50 nghìn cộng với nhau để mua đồ trong số tiền đó. Hoặc không đi siêu thị thì “đi chợ trên bảng” tiền nong thế này, mua rau cá thịt ra sao… Vui nhất và ấn tượng nhất có lẽ là dự án STEM tự do, theo mùa & lễ hội, cuối năm làm sản phẩm xe ô tô lái đi được!
PV: Nghe cô Oanh kể rằng các bạn trong trường rất mê chiếc xe đó, đến trường là tranh nhau đi, cô Oanh phải đến trường rất sớm, khi chưa có bạn nào tới thì mới thử xe được!
Chiếc xe là sản phẩm mình cùng học sinh làm trong vòng 1 -2 tháng, trước khi các em tốt nghiệp. Các bạn cùng vẽ mô hình xe và tham gia vào quá trình làm, tùy vào hứng thú và mạnh về kỹ năng nào. Điều quan trọng không phải là học sinh làm được nhiều hay không, điều quan trọng nhất mình muốn truyền tải là trẻ đi theo quá trình từ ban đầu đến kết thúc, từ mô hình mà chúng vẽ ra đến ô tô có thể lái được. Ngày nào cũng cùng làm, nhiều thời điểm bọn trẻ rất hào hứng. Vui nhất là sơn xe, các bạn tự quyết định mua sơn gì, chọn màu sơn, sung sướng đeo găng tay tự sơn cho ô tô của mình.
Ngoài nhóm tiền tiểu học Koi, có một nhóm lớn hơn, đến trường sau giờ học và cùng nhau làm xe điều khiển từ xa, thuyền điều khiển từ xa, mỗi món làm cả tháng hoặc hai tháng. Cách tiếp cận là các con tham gia từ số 0 cho đến khi làm ra sản phẩm, xác định mục tiêu về sản phẩm, sau đó tiến hành các khâu thiết kế, vẽ thuyền, muốn hình dáng, sắp xếp như nào, làm mô hình bằng giấy làm sao để đủ đẹp và chắc chắn. Các con cũng làm sản phẩm bằng gỗ, lắp thiết bị thật, motor, lắp điều khiển từ xa vào.
PV: Cảm nhận thầy khi làm việc với trẻ em như thế nào?
Mình luôn thích trẻ, chắc nhiều người cũng nhận ra mình “hút” các bạn ấy. Đến đâu thấy có trẻ con mình cũng thích chơi với trẻ con, chưa bao giờ chán với trẻ con, nên hai bên đến với một cách tự nhiên.
PV: Có người nói rằng thật lãng phí khi tiến sĩ đầu ngành lại đứng lớp mầm non, tiểu học, thầy nghĩ sao về ý kiến này ạ?
Mình thấy bình thường thôi, họ nói vui vậy thôi chứ không có ác ý đâu. Có thể bây giờ mình không cống hiến toàn bộ cho lĩnh vực chuyên ngành được đào tạo, nhưng vẫn có sự đóng góp nào đó. Bản thân mình vẫn có mối liên hệ trường khoa học tự nhiên, trong mấy năm vừa rồi cũng có tham gia hướng dẫn, tư vấn và hỗ trợ cho sinh viên.
PV: Nhiều phụ huynh nghĩ rằng các trường Steiner hạn chế việc học sinh tiếp xúc với công nghệ, thậm chí là anti công nghệ. Với vai trò là một nhà khoa học, một giáo viên khoa học ở Sồi, thầy nghĩ sao về quan điểm trên?
Nếu như mọi người nhìn vào bề nổi có thể có nhận định như vậy, nhưng nếu xem xét sâu hơn sẽ thấy giáo dục Steiner không phải là anti công nghệ. Ở lứa tuổi 0-7 sử dụng công nghệ thường phần nhiều chỉ để giải trí, không giúp ích cho sự phát triển của trẻ. Trong giai đoạn này các con cần vận động chân tay, cần sờ chạm, trải nghiệm thật bằng tất cả các giác quan của mình…
Ở lứa tuổi lớn hơn, công nghệ phục vụ cho cuộc sống và giáo dục Steiner không loại trừ công nghệ. Khi lên cấp 2, cấp 3 các con ở trường Steiner cũng làm sản phẩm công nghệ như lập trình, điều khiển robot, thậm chí còn tiếp cận nhiều hơn vì làm nhiều dự án thực tế với cuộc sống hơn.
Tương tự như vậy, có phụ huynh ngạc nhiên khi thấy trường Steiner cũng học STEM, STEAM. Đó cũng là do mọi người hiểu chưa đúng về các khái niệm này. STEM, STEAM bản chất là kết hợp các môn học, khi kết hợp như vậy thì tạo hứng thú tốt hơn cho trẻ, lĩnh hội kiến thức tự nhiên hơn, và hiểu được bản chất của vấn đề, hiểu quá trình hơn là các đầu mối rời rạc… Hiểu như thế sẽ thấy việc trẻ làm bánh với mẹ cũng có thể biến thành giờ học STEM chứ không phải cứ coding với robot thì mới là STEM.
PV: Từ trải nghiệm và góc nhìn của thầy, có điều gì khác biệt trong việc dạy học ở trường Steiner so với chương trình bình thường?
Lấy học toán làm ví dụ, thì chương trình bình thường dạy theo kiểu học của máy, theo quy trình hết bước này đến bước kia, nhưng không đi vào bản chất của toán.
Lớp học Steiner thì đưa trực quan vào, cho trẻ tham gia vào hoạt động. Chẳng hạn như lớp 1 học phép trừ thì các con đứng cùng nhau, rồi di chuyển 5 bạn đi chỗ khác, đếm xem còn bao nhiêu bạn. Và lẽ tất nhiên hoạt động này sẽ gắn liền với một câu chuyện, chẳng hạn đàn chim cử 5 con đi lấy nước. Cứ như thế, phép trừ “ngấm” vào trẻ một cách trực quan, tự nhiên và đến một lúc, trẻ sẽ nhận ra việc mình đang học (hay đang “chơi”) với phép trừ. Những hoạt động trực quan như vậy là điều tự nhiên, thường xuyên trong lớp học chứ không phải là đổi gió, hay phải đợi có giáo viên tâm huyết mới nghĩ ra. Càng nhỏ thì các con càng cần học qua hình ảnh, hoạt động, với các lớp lớn hơn như 5-6 sẽ có cách tiếp cận khác hơn, tư duy logic của “người lớn” hơn…
PV: Được biết trường Sồi có phòng khoa học đang được hoàn thiện để đi vào hoạt động trong thời gian tới, thầy có thể chia sẻ thêm về phòng này không ạ?
Dự kiến phòng sẽ là xưởng khoa học, các bạn có thể qua xưởng để làm các hoạt động mộc, điện, thủ công … bên cạnh làm ngay tại lớp. Đây cũng là không gian để giáo viên chuẩn bị các công cụ. Các bạn lớp 4-5 có thể dành nhiều thời gian hơn ở xưởng để có thêm nhiều kiến thức và kỹ năng về các loại công cụ.
PV: Là một tiến sĩ vật lý và đồng thời là giáo viên tiểu học, theo thầy điều gì là quan trọng để nuôi dưỡng tình yêu khoa học ở trẻ em?
Để nuôi dưỡng tình yêu khoa học, cần trẻ được trải nghiệm bằng chính đôi tay, suy nghĩ của mình. Việc *hoàn thành* trọn vẹn một dự án, hay một sản phẩm là yếu tố rất quan trọng. Và không phải bạn nào cũng yêu khoa học mà có bạn lại yêu nghệ thuật như vẽ, nhạc, nên không nên cưỡng ép.
PV: Qua công việc của một giáo viên, thầy muốn mang đến điều gì cho học sinh của mình?
Chắc là kiến thức và niềm say mê với việc mình làm!
Cảm ơn thầy Điệp và chúc thầy một năm học mới đầy niềm vui với học sinh của mình!
Bài viết: Hằng Nguyễn, 2021.