Lâu nay chúng ta đã quá quen với cách thức giảng dạy đạo đức cho trẻ con bằng những bài luân lý, những tràng giang đại hải phải trái đúng sai, mà không mấy ai tự đặt lại câu hỏi: liệu những “lời vàng ngọc” của người lớn được trẻ con (ta tạm giới hạn lại dưới 7 tuổi) hiểu và làm như thế nào.
Tôi còn nhớ mãi một trải nghiệm của chính mình, mỗi khi nhớ lại lại hiểu thêm về trẻ con mà tự răn mình dạy gì và dạy như thế nào cho trẻ. Ngày ấy, tôi vào lớp 6 (tức là nhiều hơn 7 tuổi rất nhiều), vốn là một đứa trẻ sáng sủa và lễ phép, đại loại là con ngoan trò giỏi của nhà của nước, ấy thế mà suốt một năm trời cứ hễ trò chuyện với cô giáo chủ nhiệm mà tôi vô cùng yêu quí và cô cũng yêu tôi là tôi nhận được lời nhắc nhở “con không được phép nói bậy”. Đứa trẻ ấy chưa bao giờ có ý tưởng về nói bậy, chưa bao giờ có ý tưởng gì về vô phép, chống đối. Và mỗi lần như thế nó chỉ im lặng chịu nhiếc móc mà không hiểu tại sao. Cho đến một ngày, không nhớ cơ sự gì, nó được biết ra rằng câu nó vẫn trả lời cô “con đếch biết” nghĩa là nói bậy theo cô giáo, vậy là nó dừng ngay lập tức dù cũng không thực sự biết là tại sao và như thế nào.
Một câu chuyện rất nhỏ về một đứa trẻ để như một dẫn chứng nhỏ rằng nếu chúng ta cứ áp đặt cách hiểu, cách nhìn thế giới dẫn đến cách dạy, cách dưỡng một đứa trẻ như với người lớn là một sự áp đặt duy ý chí và tất yếu là sẽ không thể có kết quả bền vững. Đặc biệt, đối với việc nuôi dưỡng nhân cách, bồi đắp ý chí của trẻ. Sẽ tuyệt đối vô nghĩa những bài giao giảng đạo đức, thậm chí là rao giảng ngắn gọn súc tích qua các lời nhắn cuối các cuốn sách của các nhà xuất bản chuyên bán sách mẹ kể con nghe, rằng thì là mà nhường cơm cho bạn là ngoan, rằng thì bền chí thì nên,…Và không gì xấu xí và phá vỡ vẻ đẹp của ngôn ngữ, của truyện kể hơn việc đang đọc truyện, kể truyện cho con trẻ mà người lớn dừng lại với những câu hỏi: con có hiểu làm việc xấu như vậy sẽ bị sao không? Ấy thế nhưng nó cứ hiện ra và ở đây mãi như một chân lý giáo dục, trong hầu như mọi cuốn sách cho trẻ em, mọi bài thao giảng của các cô giáo mầm non.
Quay lại với việc bồi đắp ý chí, tương tự như việc giáo dưỡng nhân cách đang lạm dụng (nếu không nói là duy nhất một cách sử dụng) phương tiện giao giảng luân lý, việc bồi đắp ý chí cho trẻ cũng vậy, khi trẻ bắt đầu nghe hiểu và đối thoại được là xung quanh bắt đầu có không ít các lời rao giảng để hầu mong trẻ lớn lên có ý chí, kiên trì theo đuổi mục tiêu, đam mê.
Và với trải nghiệm, kiến thức của tôi về trẻ em mầm non, tôi biết cách thức đó vô nghĩa, thậm chí đôi khi là xấu xí và mang tính phá hủy.
Vậy thì làm sao để bồi đắp được ý chí cho trẻ em? hay chỉ đợi đến khi lớn lên rồi mới giáo dục được điều này? Để trả lời câu hỏi làm sao có lẽ nên đi lướt qua tại sao cần bồi đắp ý chí, sức sống cho trẻ? Tôi phải thêm vào chữ sức sống bên cạnh chữ ý chí, bởi ở trẻ em chưa xuất hiện cái ý chí theo cách hiểu thông thường của từ này, tức là sự quyết tâm dồn sức lực, trí tuệ đạt cho bằng được mục đích đề ra. Sức sống – những nguồn lực thôi thúc sâu nhất, sâu hơn những nguồn lực duy trì bản năng ăn ngủ thở tại giai đoạn ấu thơ là suối nguồn của ý chí theo định nghĩa trên, là quả ngọt của giai đoạn trưởng thành.
Vốn dĩ mỗi đứa trẻ sinh ra đều dồi dào sức sống, dù chúng được sinh ra khỏe mạnh hay phải vật lộn với sức khỏe thể chất. Tạo hóa ban cho trẻ em một nguồn lực sống mãnh liệt khi chúng đến với thế giới này, để chúng luôn háo hức, tò mò với thế giới, để chúng đủ sức lực mà học mọi thứ xung quanh chúng trong niềm hân hoan, từ học trườn, học bò, học đi, học nói đến học theo lối suy nghĩ, tình cảm của con người nơi chúng đến.
Và suối nguồn này cứ róc rách tuôn chảy suốt chặng đường đời của một con người, sẽ có những lúc nào đó nó nghẽn mạch, nó vẩn đục, nhưng rồi như bản chất của nước vốn vậy, sẽ lại được khơi thông, sẽ lại được lắng lại mà trở nên trong. Trẻ con may mắn bởi giai đoạn ấu thơ hầu như chẳng bao giờ có sự cố nào khiến đầu nguồn con suối này tắc nghẽn, đó là nếu như môi trường sống và đời sống của đứa trẻ diễn ra một cách tự nhiên, hay cụ thể là một đời sống có nhịp điệu, còn nếu không cái may mắn kia cũng dần mất đi, đứa trẻ cũng phải sớm đối mặt với các vấn đề cạn kiệt sức sống như với người trưởng thành.
Nhịp điệu có lẽ là quy luật khởi thủy của sự hình thành sự sống. Không có tồn tại nào không theo trật tự, những vụ nổ lớn, những chaos kéo dài nhiều triệu năm cũng để đi đến một trật tự hài hòa, và trong chính hỗn loạn cũng là những nhịp điệu tuyệt đẹp nếu đi đến tận cùng. Không có sự sống nào được duy trì nếu nhịp thở ngưng lại, nhịp điệu bị phá vỡ.
Con người, dẫu có phát triển văn minh và hiện đại đến đâu vẫn là một phần hữu cơ của vũ trụ, và thực sự là một phản chiếu của vũ trụ. Thế thì tính nhịp điệu trong đời sống con người ắt là tự nhiên.
Nhịp điệu là hài hòa, là thu vào mở ra, là nhanh rồi chậm lại, là âm dương luân chuyển. Nhịp điệu là sự lặp lại bất tận, sự lặp lại không cần nỗ lực cố gắng của trí năng, như tự nhiên vốn thế. Có lẽ chính bởi khi quan sát vũ trụ với quy luật tiết nhịp trong từng phần vi mô hay tổng thể vĩ mô của nó mà Rudolf Steiner thấy ra hàng trình phát triển tự nhiên của con người, xét trong vũ trụ không là gì khác chính là phản ảnh và phản chiếu mọi quy luật của vũ trụ.
Ý chí nếu hiểu theo ngôn ngữ thường dùng là sự quyết tâm làm đến cùng để đạt được mục tiêu thì thuộc quyền năng của lý trí. Nhưng sâu hơn thế, cái gì là suối nguồn của ý chí? của cái quyết tâm mãnh liệt đó? Như đã phân tích ở trên, đó là sức sống róc rách êm đềm chảy trong suốt một đời sống người.
Nếu chỉ chạm đến ý chí bằng quyền năng của cái trí, chẳng bao lâu ta sẽ mệt đến kiệt sức, đến cạn kiệt sức sống, mà thậm chí có thể phá hủy chính sự sống của mình. Nhưng nếu bằng cách nào đó ta chạm được vào suối nguồn của sức sống thì, ý chí trong từng việc nhỏ, từng khoảng khắc sống sẽ êm nhẹ trong trẻo như nước, không còn thấy sự gồng mình vượt qua mà lại qua được tất thảy.Và giai đoạn ấu thơ là giai đoạn vàng để dung dưỡng suối nguồn ý chí này bằng chính nhịp điệu trong đời sống hàng ngày của đưa trẻ khi mà tạo hóa tự nhiên ban cho ta một dòng chảy mãnh liệt nơi đầu nguồn.
Một đời sống hài hòa, cân bằng, êm nhẹ, sự lặp lại các hoạt động sinh hoạt nhỏ nhặt theo một trật tự thời gian, không gian lại chính là cách khiến cho suối nguồn ý chí này chảy mãi, khơi thông mãi, khiến cho đời sống khi trưởng thành của đứa trẻ trở nên dồi dào sức sống, tràn đầy ý chí mà thanh nhẹ, êm đềm, không phải bằng những bài rèn luyện đau đớn hay những rao giảng luân lý dẫu kín hay mở.
Như Lý Tiểu Long đã chiêm nghiệm “tôi không sợ người tập 1000 cú đá một lần, tôi sợ người tập một cú đá 1000 lần.” Có lẽ bởi chính ông, bằng thực hành và trải nghiệm đã chạm được vào bí mật nơi đầu nguồn, đã lại được tắm mát trong suối nguồn ý chí trẻ thơ, và thấy ra sức mạnh mát lành như nước của nhịp điệu, của hài hòa và lặp lại.
~ Cô Nguyễn Thu Hương, sáng lập Mầm non Koi và Trung tâm đào tạo Hanoi Steiner.