Ôm ấp

Người bạn mới sinh em bé thứ ba nhắn hỏi “Cái lớn nhất em đang phân vân là việc có nên bế ẵm hay để con tự lập?” và đây là sự hiểu biết nông cạn của mình.

Trong bài 80 TUẦN MANG THAI mình đã viết về 40 tuần sau khi em bé chào đời là 40 TUẦN MANG THAI NGOÀI của người mẹ (https://hanoisteiner.edu.vn/80-tuan-mang-thai/). Mình học được điều đó từ kiến thức y học và sau một thời gian quan sát, chiêm nghiệm mình nhận ra rằng chính ngôn ngữ mẹ đẻ – tiếng Việt của mình đã nói rất rõ về điều đó: ấp, lồng ấp, ôm ấp, ấp ủ.

Người mẹ mang thai 40 tuần, trong thời gian đó, thai nhi là một phần cơ thể mẹ, từ từ lớn lên mỗi ngày một chút để cơ thể mẹ dần thích nghi với tất cả sự thay đổi. Hãy tưởng tượng bạn từ từ leo lên đỉnh núi, sau khi bạn leo lên, bạn sẽ cần từ từ leo xuống đúng không? Người mẹ cũng vậy, sau sinh cần ôm ấp con và dần dần buông con sau 40 tuần, cũng như người vừa từ trên đỉnh núi chầm chậm trèo xuống từng bậc cho đến khi xuống đến chân núi. Tăng dần dần thì giảm dần dần là quá trình cân bằng cho người mẹ và em bé sơ sinh.

Người mẹ ôm ấp con sau sinh cơ thể sẽ sản xuất nhiều hormone hạnh phúc oxytocin hơn làm cho cả hai mẹ con cùng hạnh phúc. Sự gắn kết ruột thịt hữu hình lúc trước giờ chuyển thành sự gắn kết qua bú mẹ, được ôm ấp, yêu thương, nằm trong hơi ấm của mẹ ấp ủ.

Người mẹ ôm ấp con cũng là để giữ cho con được an toàn hơn. Con là máu thịt của mình, con đau là mình đau, con an toàn khỏe mạnh mau lớn là mình an tâm. Khi con cứng cáp hơn, tự quyết định buông mẹ dần dần biết bò, lò dò biết đi thám hiểm môi trường mình buông cũng không sợ con nguy hiểm, phải vậy không?

Tại sao em bé cần được mẹ ôm ấp? Em bé ra đời vì xương sọ đã to so với khung xương chậu chứ em bé chưa sẵn sàng để tham gia vào cuộc sống thực trong môi trường khi chào đời như bất cứ một con non nào khác trong thế giới động vật. Sau 40 tuần một em bé sơ sinh mới đạt được mốc một con non sinh ra làm được ngay: đứng dậy đi, ăn thức ăn đến từ môi trường và sử dụng ngôn ngữ loài của mình. Một em bé khoảng 10 tháng tuổi nếu được hỗ trợ đúng, lớn lên trong một môi trường thuận lợi mới có thể làm được những kỹ năng này ở bậc sơ đẳng nhất chứ chưa phải là thành thục. Điều này càng khiến chúng ta phải thực sự suy nghĩ về chính sách thai sản trên toàn thế giới và tự chuẩn bị để bảo vệ con mình.

Em bé cần được mẹ ôm ấp vì em bé chuyển đột ngột từ môi trường tử cung của người mẹ với nhiệt độ luôn ổn định và ấm áp. Bạn có biết nhiệt độ trong tử cung cao hơn thân nhiệt của người mẹ 0,5 -1 độ không? Có lẽ tỉ lệ vô sinh, tỉ lệ hiếm muộn cao một phần do phụ nữ mặc đồ crop top – áo hở rốn và low cut pants – quần cạp trễ dẫn phần bụng luôn hở và tử cung lạnh nên khó đậu thai theo đông y.

Vừa chào đời, em bé chuyển từ môi trường ổn định sang môi trường biến nhiệt liên tục: nhiệt độ các phòng trong một căn nhà khác nhau, nhiệt độ các buổi trong một ngày khác nhau, nhiệt độ các ngày khác nhau, nhiệt độ các mùa khác nhau. Điều này là một sự thay đổi và là một thử thách rất lớn đối với trẻ sơ sinh, nhất là em bé sinh vào mùa đông. Trong thế giới tự nhiên, các con non sinh mùa xuân, ấm áp, nhiệt độ thuận lợi cho sự phát triển của con non hơn bất cứ mùa nào khác trong năm. Loài người sinh con không tính đến yếu tố mùa và thời tiết nhưng sự thật là những em bé sinh mùa đông chậm các kỹ năng hơn em bé sinh mùa xuân hè do mặc quần áo nhiều lớp cản trở vận động thân thể và do lạnh quá nên ở trong nhà nhiều hơn là ở ngoài trời.

Một em bé dù sinh ra ở đâu trên trái đất này cũng có thân nhiệt khoảng 37 độ. Tuy nhiên, nhiệt độ một người cảm thấy thoải mái là khác nhau tùy theo từng vùng địa lý do nhiệt độ trên thế giới giao động từ -70 độ đến 56 độ và tùy theo sức khỏe của mỗi cá nhân. Bạn có thể thấy em bé Việt Nam sinh ở vùng núi chịu lạnh tốt hơn, em bé sinh ra ở miền Trung chịu nóng tốt hơn chứ không có một nhiệt độ tốt nhất cho tất cả mọi người. Cùng nhiệt độ, người miền Nam ra miền Bắc mặc áo rét còn người miền Bắc cho là mát. Do đó việc áp dụng một nhiệt độ và cho là tốt nhất cho toàn thế giới là không đúng. Chúng ta mang kiến thức phương Tây về mà không bản địa hóa cho phù hợp với con người và khí hậu từng vùng của Việt nam là phản tác dụng và không thuận theo tự nhiên. Em bé sinh ra ở vùng nào sẽ cần học thích nghi với khí hậu vùng đó để có thể sống thoải mái được nơi đó.

Em bé sơ sinh cần mẹ ôm ấp vì dù đã chào đời, khả năng điều nhiệt là một kỹ năng não bộ em bé cần học và hành theo thời gian mới thành một kỹ năng thành thục. Nếu nhiệt độ luôn thay đổi và em bé tốn rất nhiều năng lượng – có được nhờ bú mẹ – dành cho việc điều nhiệt cơ thể thì không còn nhiều năng lượng dành cho phát triển thể chất. Nếu một em bé được mẹ ôm ấp giúp điều nhiệt (làm mát và làm ấm) thì em bé dành nhiều năng lượng cho việc phát triển cơ thể mình để sinh tồn và thích nghi tốt hơn với môi trường.

Trẻ sơ sinh và trẻ trong vòng 40 tuần sau sinh rất dễ bị hạ nhiệt hoặc bị tăng nhiệt rồi viêm đường hô hấp. Khi viêm đường hô hấp thì mệt, tắc mũi, thở miệng, trương lực cơ giảm và không có sức để bú mẹ dẫn đến không nạp đủ năng lượng để giữ cơ thể mình ấm và duy trì thân nhiệt quanh 37 độ nên bị hạ nhiệt, hạ nhiệt thì cơ thể lại càng dễ bị bệnh tật tấn công. Cứ thế cái vòng luẩn quẩn diễn ra làm trẻ tốn toàn bộ sức lực vào việc chiến đấu duy trì thân nhiệt ổn định mà không được. Với trẻ sơ sinh và trẻ trong 40 tuần sau sinh điều này diễn ra rất nhanh. Do đó việc được ôm ấp và mẹ giúp điều nhiệt giảm tối thiểu nguy cơ ốm của trẻ. Những em bé bị ốm trong 40 tuần sau sinh để lại hậu quả cả thể chất và tinh thần. Nhất là sự ám ảnh về môi trường nơi mình sinh ra không phải là môi trường thuận lợi cho sự sống của mình. Làm cha mẹ nuôi con ốm đau nằm viện hoặc chứng kiến những em bé nằm viện bạn sẽ thấu hiểu điều này rất rõ.

Thân nhiệt của em bé rất dễ thay đổi theo môi trường do đó trong giai đoạn cuối thai kỳ, trước khi chuẩn bị chào đời, thai nhi tăng cân rất nhanh, tích một lớp mỡ dưới da, điều này nhằm giúp chuẩn bị cho việc giữ ấm cơ thể sau khi ra đời và sống ở môi trường với nhiệt độ biến động bên ngoài. Không phải tự nhiên mà một em bé thường bụ sữa mũm mĩm. Không phải tự nhiên mà một em bé sơ sinh thường bú nhiều cữ. Không phải tự nhiên mà sữa mẹ có tỉ lệ chất béo là 40g/lít, nhiều hơn cả tỉ lệ chất béo của sữa bò mẹ nuôi bê con mấy chục cân.

Những em bé sinh non, những em bé nhẹ cân sẽ cần được ôm ấp liên tục để trợ giúp giữ ấm cơ thể vì lớp mỡ dưới ra mỏng hoặc rất ít làm bé luôn lạnh. Những em bé sinh non dưới 7 tháng nằm trong “lồng ấp”. Y học ngày nay cũng hướng dẫn các mẹ sinh con thiếu tháng, nhẹ cân địu con trước ngực. Địu con là điều mà phụ nữ các dân tộc làm hàng ngàn năm nay. Bạn có thấy từ “ấp” được sử dụng không? Vì không được ấp sẽ dẫn đến nguy hiểm tính mạng của trẻ sơ sinh. Một quả trứng không được ấp, con gà non không hình thành. Nhiệt quan trọng với sự sống vậy đó.

Có bao giờ bạn tự hỏi:
Tại sao thân nhiệt con người lại duy trì quanh 37 độ?
Tại sao nhiệt ở các vùng khác nhau trên cơ thể lại khác nhau?

Tại sao khi ốm, việc đầu tiên chúng ta làm là cặp nhiệt độ?

Khi một em bé sơ sinh được mẹ ôm ấp, thân nhiệt của mẹ giúp sưởi ấm em bé mùa đông, làm mát em bé mùa hè theo cơ chế tự nhiên. Chăn ủ ấm cho ngày lạnh hay điều hòa làm mát đều không thể so sánh với cái “máy điều nhiệt mẹ” được. Cái chăn nào giúp bé giữ cơ thể ở 37 độ? Cái điều hòa nào giúp bé giữ cơ thể ở 37 độ? Phòng bệnh hơn chữa bệnh nên tốt hơn là mẹ luôn ôm ấp con thay vì để mặc con dẫn đến em bé hoặc nóng quá, hoặc lạnh quá mà mình không biết. Bạn biết đấy lạnh quá cũng viêm đường hô hấp mà nóng quá mồ hôi ướt lưng cũng viêm đường hô hấp chỉ sau một đêm. Nhất là em bé chưa biết lẫy, đặt nằm là chỉ một tư thế nằm ngửa cả đêm. Nóng toát mồ hôi, tè ướt ngấm ngược lên áo mà mẹ ngủ cả đêm không kiểm tra cho con là con ốm luôn. Bởi vậy mới thấy việc em bé bú mẹ 2 -3 tiếng gọi mẹ, mẹ bế lên là biết con có an toàn không. Em bé ăn sữa bò nhiều đạm, tiêu hóa lâu hơn, em bé bị quấn chặt để ngủ cả đêm mẹ sẽ không đến kiểm tra con thực ra là làm con nguy hiểm hơn.

Một điều rất thú vị nữa mà các mẹ đã nuôi con đều biết đó là khi trẻ ốm, bé chỉ ngừng khóc khi được mẹ bế vào lòng, đặt xuống là lại khóc. Cơ thể với thân nhiệt ổn định của người mẹ có thể nói là cách hạ sốt tốt nhất cho bé khi ốm. Đó là cách tốt nhất để cơ thể em bé không tốn năng lượng vào việc điều nhiệt mà tập trung vào bảo vệ và chữa lành cơ thể non nớt của mình khi ốm. Do đó khi con ốm sốt cha mẹ hãy ôm con da kề da để giúp con hạ nhiệt.

Nếu chúng ta nhìn vào cách chăm trẻ sơ sinh của các dân tộc, các bộ lạc trên thế giới chúng ta sẽ thấy trẻ con được bế bởi cộng đồng, được địu, được ôm nhiều hơn so với khoảng 50 năm trở lại đây khi cũi, xe nôi, xe đẩy xâm chiếm tất cả các châu lục. Not everything from the west is the best – không phải cứ cái gì đến từ phương Tây là tốt nhất. Những người mẹ u Mỹ giờ đây lại học các bà mẹ ngày xưa địu con, bế con, ôm ấp con như con gà mẹ ấp trứng, dang cánh cho con núp khi mưa to gió lớn, chiều cuối ngày lại lục cục gọi con về chuồng rúc vào cánh mẹ ngủ cả đêm.

Nếu chúng ta quay trở lại nhìn vào văn hóa Việt ngày xưa, phụ nữ mặc áo yếm, mặc áo cánh, em bé được da kề da với mẹ như một lẽ tự nhiên, trẻ con thường quấn tã vải, mặc áo cộc tay vải bông, thời gian da kề da giúp con điều nhiệt nhiều hơn so với cách nuôi con hiện đại, quần áo hiện đại.

Do vậy, bạn hãy ôm ấp con trong giai đoạn mang thai ngoài, 40 tuần sau sinh để giúp con có một khởi đầu tốt đẹp về thể chất và tình cảm. Khi người mẹ không khỏe, người cha ôm ấp con, các thành viên của gia đình lớn ông bà cô dì chú bác ôm ấp con để duy trì sức khỏe cho con.

Sau ngưỡng 40 tuần, một em bé được ôm ấp đủ thường sẽ có sức khỏe tốt và sẵn sàng rời mẹ tự tin chập chững bước đi thám hiểm môi trường xung quanh. Một con người chỉ có thể độc lập khi tự mình làm được.

Vậy chỉ nên ôm ấp con trong vòng 40 tuần sau sinh hay sao?

Không, sau 40 tuần vẫn nên ôm ấp. Ấp ủ con là việc cha mẹ làm cả đời mình. Con lớn thì ôm ấp dưới hình thức khác đi mà thôi.

Người lớn cũng cần được ôm. Những người đàn ông sau một ngày làm việc về đến nhà cần vợ của mình ôm. Những người phụ nữ gánh đủ mọi gánh trong nhà, ngoài xã hội họ cần chồng của mình ôm. Phụ nữ cần sạc năng lượng dương khi nằm ngủ cả đêm trong vòng tay hoặc cạnh chồng mình. Điều này rất quan trọng cho tính nữ và sự cân bằng năng lượng.

Khi thế giới đang trong khủng hoảng và đầy biến động những thành viên trong gia đình càng cần gần nhau hơn, cần nhiều cái ôm hơn để tăng sự gắn kết, yêu thương, sức mạnh tinh thần để vượt qua được giai đoạn khó khăn trong lịch sử nhân loại này.

Hãy chắc chắn là tổ của bạn ấm.

___

~ Bài: Nhà giáo Lê Mai Hương, hiện đang sống và làm việc tại Hà Lan.
~ Tranh minh họa Bà mẹ vẽ bởi họa sỹ Pháp Victor Tardieu.