Tại sao Rudolf Steiner nói về 12 giác quan trong sự phát triển của con người thay vì 5, 6 giác quan như khoa học tự nhiên thông thường là thị giác, thính giác, khứu giác, vị giác, xúc giác và có chăng “giác quan thứ 6” hay còn gọi là trực giác/sự nhận cảm (khả năng nhận thức của cơ thể, giúp não bộ hiểu được vị trí của cơ thể ở trong không gian), dù cho giác quan thứ 6 vẫn là một ẩn số đang được nghiên cứu sâu hơn với các nhà khoa học tự nhiên?
Những giác quan mà khoa học thường thức đưa ra thực tế để thể hiện 1 phần về mối liên quan giữa con người và thế giới vật chất bên ngoài, có sự so sánh, thể hiện sự khác biệt với động vật. Thí dụ, theo các nhà khoa học Mỹ, mũi của con người có thể tối đa ngửi được 1.000 tỷ mùi so với loài voi châu Phi, được coi là loài động vật có khứu giác nhạy bén nhất với gần 2000 thụ quan để phát hiện mùi.
5 giác quan kể trên thuộc hệ giác quan hay còn gọi là hệ thần kinh cảm giác của con người, giữ chức năng hoạt động chính cho 5 bộ phận trên cơ thể người là: tai, mắt, mũi, miệng, tứ chi.
Tuy nhiên, có một sự khác biệt lớn ở đây rằng, qua nhiều năm nghiên cứu, Steiner đưa ra những nhận định về các giác quan bên trong con người, là 4 giác quan nền tảng, thể hiện mối tương quan giữa con người với chính bản thể của mình, bao gồm: sense of touch, sense of life, sense of balance và sense of movement, tạm dịch theo thứ tự là: giác quan sờ chạm, giác quan đời sống, giác quan cân bằng và giác quan vận động. 4 giác quan ở giữa là: thị giác, vị giác, khứu giác và giác quan sức ấm (sense of warmth). Các giác quan cao hơn, là những giác quan được phát triển lên từ các giác quan nền tảng, thể hiện mối tương quan giữa người với người, bao gồm: sense of ego, sense of thoughts, sense of hearing, và sense of language, tạm dịch theo thứ tự là giác quan cái tôi, giác quan suy nghĩ, thính giác, giác quan ngôn ngữ.
Khi Steiner nói về 12 giác quan để hiểu về sự phát triển của con người, ông quay về bản chất 3 thể của loài người: body, soul và spirit, tạm dịch là cơ thể, tâm hồn và tinh thần (linh hồn), cũng là nền tảng trong khoa học tâm linh – anthroposophy mà ông phát triển dựa trên nghiên cứu và trải nghiệm tâm linh của mình. Trong mỗi thể này chứa đựng và phát triển 4 giác quan, hay nói theo chiều ngược lại là 4 giác quan trong mỗi thể này là nền tảng để phát triển và hoàn thiện từng thể, theo nghĩa của sự phát triển lành mạnh, thông thường của một con người.
Những giác quan bên trong hay còn gọi là các giác quan nền tảng thuộc về thể vật lý, giúp tập trung phát triển ý chí của một con người, đặc biệt phát triển mạnh trong giai đoạn từ 0 – 7 tuổi: giác quan sờ chạm, giác quan đời sống, giác quan cân bằng và giác quan vận động.
Những giác quan ở giữa bao gồm vị giác, khứu giác, thị giác, giác quan sức ấm, thuộc về phần tâm hồn, giúp phát triển đời sống tình cảm của con người, đặc biệt phát triển mạnh trong giai đoạn từ 7 – 14 tuổi.
Những giác quan cao hơn hay còn gọi là giác quan bên ngoài bao gồm giác quan cái tôi, giác quan suy nghĩ, thính giác, giác quan ngôn ngữ, thuộc về phần tinh thần trong 3 thể con người, phát triển mạnh về mặt tư duy trong giai đoạn 14 – 21 tuổi.
12 giác quan trong 3 thể này tương ứng với 12 cung hoàng đạo, mà nếu đặt trong bối cảnh văn hóa phương đông thì là 12 con giáp. 12 cung hoàng đạo ứng với 12 tháng trong năm, nằm trong đường đi của Mặt Trời trên thiên cầu kéo dài suốt chu kì 1 năm, mà được ví như điệu nhảy uyển chuyển của vũ trụ. Trong văn hóa phương Đông, mỗi một con vật thuộc 12 con giáp tương ứng với quy luật quay vòng 12 năm.
Trong 12 cung hoàng đạo cũng có 12 linh vật, nói lên tính cách đặc trưng đại diện cho 12 chòm sao. Có khác biệt là 12 con giáp của ta tính theo lịch âm, còn 12 cung hoàng đạo nằm trong lịch dương. Đây lại là 1 khía cạnh khác để bàn. Trong bản thể con người chúng ta có những đặc trưng tính cách này của 12 con giáp, 12 linh vật, cũng như trong chính ta nếu nhìn sâu sẽ thấy điệu nhảy vũ trụ thu nhỏ của Mặt Trời, của 12 cung hoàng đạo này. Mỗi giác quan tương ứng với mỗi cung hoàng đạo, là nền tảng để phát triển từng đức hạnh trong mỗi con người chúng ta, thể hiện qua hành động, lời nói, thái độ giữa ta và người, giữa ta và thế giới xung quanh và cao cả hơn là sự kết nối với thế giới tâm linh, nơi con người vốn dĩ thuộc về.
Bây giờ đang giữa tháng 3, hãy nói về cung Song Ngư (19/2 – 20/3) nhé. Giác quan đại diện của Song Ngư theo Laura Bottagiso – một nhà chiêm tinh học, là Thị Giác (nguồn: http://www.laurabottagisio.com/en/dodici-sensi-lo-zodiaco/).
Song Ngư là cung cuối cùng của 12 chòm sao (tính khởi đầu từ thời điểm Xuân Phân), là sự thúc và chuẩn bị cho một khởi đầu. Vì vậy mà cung Song Ngư thể hiện đặc trưng hướng về sự tiếp nối, sự vô tận. Vẻ đẹp và sự diệu kì của vũ trụ nằm trong chính sự vô tận này. Ví như vòng đời của 1 con người, có sinh và có diệt. Khi ta chạm vào cõi chết, dường như ta mất đi khả năng Nhìn thấy sự tiếp nối, nhìn thấy ánh sáng của sự chuyển hóa ở phía trước. Song Ngư cho ta sức mạnh để thấu thị cuộc đời, nhìn thấy ánh sáng trong bóng tối, chuẩn bị cho hành trang về phía không thể nhìn thấy rõ qua mắt thường.
Trong nghiên cứu của Steiner, có sự khác biệt về các giác quan đại diện cho các chòm sao. Những luồng thông tin còn đang trên đà tranh luận và nghiên cứu, mọi người có thể tham khảo thêm ở đây:
Đọc đi đọc lại vẫn thấy những vần thơ của thi sĩ Willian Blake thật thâm thúy và thông thái:
Để thấy vũ trụ trong một hạt cát
Và bầu trời trong một đóa hoa rừng
Hãy giữ Vô cùng trong lòng tay bạn
Và Thiên thu trong một khắc đồng hồ.
Hãy nói về giác quan sờ chạm/sense of touch. Con người được bao bọc qua chính lớp da của mình, tạo ranh giới giữa con người và thế giới xung quanh, cũng như lớp da là một phương tiện để giúp người kết nối với người qua những xúc chạm. Giác quan sờ chạm giúp ta quay trở vào bên trong để hiểu được cơ thể mình, có những cảm nhận nhất định. Khi chạm vào một hòn đá ta sẽ cảm nhận sự khác biệt với việc chạm vào một khúc gỗ, chạm vào nước hay khi chơi với cát. Đặc biệt, có sự chạm xuyên biên giới khi ta được chạm với tình yêu thuần khiết, thể hiện qua nụ cười, ánh mắt, cái ôm, sự thấu hiểu. Cái chạm này thể hiện sự ôm ấp, bao bọc, ấm áp và hơn cả là sự bao dung. Chẳng ngẫu nhiên khi mà ta nói từ ÔM (hành động đại diện cho giác quan sờ chạm này), miệng ta phồng lên có hơi bên trong tạo thành âm ấm và trầm, cũng giống như chính cử chỉ của ÔM, khi ôm 1 ai đó, ta vòng tay lại tạo thành một vòng tròn khép kín, ấm áp và bao bọc. Trong Eurythmy, bộ môn nghệ thuật đặc trưng trong các trường Steiner, cử chỉ của âm O cùng tương tự như 1 cử chỉ của cái ôm: Ôm nhỏ, ôm lớn, ôm bao la. Chẳng có đứa trẻ nào từ chối cái ôm ấm của mẹ, của cha mình. Cái ôm kết nối trái tim với trái tim. Cái ôm của sự chân thật, của tình yêu bao la. Trong tiếng Phạn, từ OM có nghĩa là năng lượng vũ trụ vô tận. Dù là tụng mantra OM hay ÔM hay được ÔM thì ta cũng đều được tiếp thêm nguồn năng lượng mát lành. Những đức hạnh này sẽ thiếu sót khi ta trưởng thành nếu như giác quan sờ chạm không được “chạm”, không được nuôi dưỡng khi ta còn nhỏ, dẫn đến việc giác quan Ego của ta bị “cùn” – không đủ sắc bén và nhanh nhạy để tinh tế quan sát cái tôi cá tính của những người xung quanh. Hay nói 1 cách khác, nếu cái “Chạm” hồi nhỏ của ta bị tổn thương, có nghĩa là ta đã bị tước đi cơ hội được chạm vào mình, được hiểu mình, và khi lớn lên làm sao ta có thể hiểu thấu người? Và nếu để ý, một đứa trẻ được “chạm” đúng từ khi còn nhỏ, lớn lên sẽ trở thành con người tinh tế, biết quan tâm, đồng cảm với những người xung quanh, có lòng trắc ẩn với nhân loại, với động vật và ý thức cao về việc sống hòa hợp với mẹ thiên nhiên.
Để mà nói về 12 giác quan có thể nói hàng giờ, hàng ngày. Là những người làm việc với trẻ em, làm việc với con người, việc hiểu biết về 12 giác quan thực quan trọng và việc cho phép mình có cơ hội để chiêm nghiệm sâu về 12 giác quan, biến những cảm nhận này thành chất liệu của riêng mình càng thiết yếu hơn. Vốn dĩ nó có sẵn ở trong ta. Trong suốt hành trình cuộc đời cho đến thời điểm hiện tại, có thể ta không ý thức được sự hiện hữu của nó, có thể ta lờ mờ cảm nhận được và tự nhận mình là người nhạy cảm, nhạy bén, cũng có thể ta có sự ý thức rõ ràng và mạnh mẽ về cơ thể mình, về mối quan hệ của mình với những người xung quanh và môi trường sống, một câu hỏi được đặt ra, liệu với sự hiểu biết và tìm tòi về 12 giác quan, ta có thể quay ngược lại thời gian và sửa sai không? Liệu bây giờ tôi có thể bù đắp những cái ôm thiếu hụt mà hồi nhỏ tôi không có? Nếu tôi được trẻ lại, tôi có cho mình được chạy nhảy khắp nơi trên cánh đồng cỏ gần nhà, cảm nhận cuộc sống, ngắm nhìn thiên nhiên, hít hà hương thơm của hoa lá, lắng tai nghe tiếng chim chóc líu lo? Tôi không chắc mình có thể bù đắp được đến như thế nào nhưng khi nhìn một đứa trẻ, tôi có sự thấu cảm hơn với em và tôi tạo điều kiện để em có thể được làm những điều mà tôi hồi nhỏ bị tước đi mất, vốn dĩ là những điều sơ đẳng và bình dị nhất. Và nếu tôi có đầy đủ khi hồi nhỏ, chưa chắc tôi đã nói ra được những lời này. Có gì là ngẫu nhiên?
OM – Mong Hà Nội bình an
OM – Mong Việt Nam bình an
OM – Mong thế giới bình an
OM – Mong các em bé bình an
ÔM (từ xa) mọi người
~ Bài chia sẻ được viết bởi giáo viên sau buổi đào tạo nội bộ tại Mầm non Koi Steiner.