Nhịp tim là dấu hiệu sống đầu tiên của con người; bản năng của đứa trẻ khi vừa chào đời chẳng cần ai chỉ dạy là hít vào thở ra để duy trì sự sống. Người nông dân gieo trồng dựa vào quy luật của bốn mùa. Bài hát thời xưa tôi thường hay nghe vào những khi trời mưa “Nhịp mưa rơi” có câu. “Hãy lắng nghe nhịp điệu của từng hạt mưa tí tách..”. Nhịp điệu của tự nhiên cứ thế diễn ra mà không ai biết nó có từ bao giờ. Chu kỳ ngày đêm và bốn mùa, chu kỳ lên xuống của thủy triều, chu kỳ sinh – lão – bệnh – tử. Con người không nằm ngoài nhịp điệu của tự nhiên.
Trong trường mầm non, nhịp điệu là sự lặp đi lặp lại các hoạt động theo một quy luật mà không hoàn toàn ngẫu nhiên. Đó là những thói quen có ý thức và sự chú tâm nhưng nhẹ nhàng, hoạt động này nối tiếp hoạt động kia một cách uyển chuyển báo hiệu bằng những câu hát hay thơ. Cả một chuỗi dài như thế tạo nên tính nhạc và sự hài hòa khi thực hiện. Nhịp điệu duy trì sự ổn định và nhất quán nên mang lại cho trẻ cảm giác an toàn, thoải mái vì trẻ biết trước được các việc cần làm. Các chu kỳ càng ổn định và đủ lâu thì trẻ càng chủ động hơn, nắm vững không chỉ kỹ năng mà ý nghĩa của nhịp điệu và của hoạt động sẽ thấm vào tầng tâm thức cao hơn. Từng hoạt động trong một chu kỳ có liên quan đến nhau. Không phải tự nhiên mà các hoạt động được sắp xếp theo trình tự và thời gian, có hoạt động trước, có hoạt động sau, có hoạt động buổi sáng, có hoạt động buổi chiều, có hoạt động diễn ra vào thứ ba chứ không phải thứ tư. Duy trì nhịp điệu hình thành phản xạ có điều kiện – loại phản xạ có thể thay đổi để thích nghi với hoàn cảnh. Nhịp điệu giúp trẻ phát triển hài hòa. Vì con người là một phần của tự nhiên nên việc tổ chức hoạt động cho trẻ trong trường mầm non cần tương đồng với các nhịp điệu của tự nhiên ấy. Khi thiết lập nhịp điệu cuộc sống dựa trên nguyên tắc tôn trọng quy luật chung của tổng thể, mọi thứ sẽ trở nên dễ dàng hơn.
Trẻ ở độ tuổi từ 0 đến 7 tuổi cần phát triển một cơ thể vật chất lành mạnh song song với việc phát triển về ý thức và ý chí, làm tiền đề cho các giai đoạn tiếp theo. Nhịp điệu không chỉ tác động lên bản thân trẻ mà còn ảnh hưởng đến hoàn cảnh và con người xung quanh. Khi thiết lập nhịp điệu bên ngoài thông qua các hoạt động có tính chu kỳ thì đồng thời nhịp điệu bên trong cũng được hình thành, nói cách khác là làm nâng cao các nhịp điệu tự nhiên ở bên trong. Với một người mới quan sát thì chỉ thấy các hoạt động dường như đơn lẻ, nhưng nếu xâu chuỗi các hoạt động này theo tuần, tháng, năm thì ta sẽ thấy sự hiện hữu của nhịp điệu. Tại sao nhịp điệu lại tạo dựng ý chí cho trẻ. Bởi vì việc đưa ra một thời gian biểu và duy trì trong một thời gian đủ dài chính là quá trình chúng ta vượt qua chính bản thân chúng ta.
Sự thay đổi của nhịp sinh hoạt sẽ tác động lên trẻ ít hay nhiều phụ thuộc vào từng kiểu tính cách. Cần phân biệt tính nhịp điệu một cách cốt lõi và sự cứng nhắc. Nếu trẻ sinh hoạt theo thời gian biểu ở lớp từ thứ hai đến thứ sáu và hai ngày cuối tuần trẻ sinh hoạt theo lịch khác tại gia đình. Nếu lấy đơn vị thời gian là tuần sẽ có người lầm tưởng lịch sinh hoạt hai ngày cuối tuần không có nhịp điệu nhưng nếu lấy thời gian là tháng, là năm, chúng ta sẽ hiểu rõ hơn, nó giống như đoạn giang tấu trong bản nhạc. Cần giữ nhịp điệu một cách linh hoạt. Có một lưu ý quan trọng là nên thực hiện trọn vẹn một hoạt động trong chuỗi đủ thời gian cần thiết để trẻ không cảm thấy vội vàng, khi trẻ chơi đủ lâu đủ sâu từ hoạt động động (di chuyển, tìm kiếm đồ chơi) chuyển sang hoạt động tĩnh (quan sát và sáng tạo các cách chơi đồ chơi) như thế không chỉ giúp thỏa mãn nhu cầu giải tỏa năng lượng mà còn phát huy tính sáng tạo. Việc xây dựng nhịp điệu cũng phụ thuộc vào phong cách của giáo viên. Một khuôn mẫu quá an toàn sẽ làm thui chột khả năng sáng tạo. Nhưng sự tự do thái quá sẽ làm mất đi những ranh giới. Luôn quan sát, đánh giá tình hình và biết mình đang làm gì.
Một câu hỏi được đặt ra tại sao không giữ nguyên một lịch trình hoạt động ít xê dịch cả nội dung lẫn thời gian. Lúc này nhịp điệu thiên về tính dập khuôn máy móc. Dù là vấn đề gì thì cũng cần trải qua 4 giai đoạn: lên kế hoạch, thực hiện, kiểm tra và cải tiến. Tùy vào những người tham gia vào lịch trình cũng như môi trường bên ngoài, sau khi kiên trì thực hiện và chưa thấy phù hợp thì việc điều chỉnh là cần thiết. Khi nhịp điệu mang lại kết quả tích cực thì sự duy trì sự ổn định của nhịp điệu là cần thiết, tránh sự xáo trộn không đáng có. Cần cân nhắc và lên phương án chi tiết, thực tập trước trong trường hợp muốn thay đổi.
Muốn xây dựng nhịp điệu cho trẻ, cách tốt nhất là tạo nếp sống có nhịp điệu ở bản thân mỗi người, đó là những trải nghiệm thực tế sẽ giúp ích cho việc xây dựng, thực hiện, quan sát và đánh giá khi tổ chức một nếp sinh hoạt theo nhịp điệu với trẻ. Tiếp theo là cần trang bị hiểu biết cơ bản về từng độ tuổi của trẻ cũng như quan sát những trẻ cụ thể cần lên kế hoạch sinh hoạt. Nếu trẻ từ 0 đến 1,5 tuổi nhu cầu ăn, ngủ nhiều hơn thì giai đoạn từ 3 đến 6 tuổi trẻ cần tham gia tất cả các hoạt động. Cần lập thời gian biểu một cách chi tiết và chuẩn bị tinh thần. Quan trọng là quyết tâm thực hiện theo những gì đã đề ra. Trong quá trình thực hiện vẫn liên tục quan sát để xây dựng một nhịp sinh hoạt hợp lý. Khi giáo viên hiểu rõ về ý nghĩa của nhịp điệu và tổ chức các hoạt động theo nhịp điệu, thực hiện với sự hiểu biết rõ ràng ấy, sẽ mang lại sự ảnh hưởng tích cực. Trẻ hợp tác và nhận được những lợi ích trong quá trình phát triển.
Nhịp điệu của vũ trụ còn ảnh hưởng đến các cơ quan nội tạng trong cơ thể. Các hành tinh ở cách xa chúng ta nhưng tương tác lên mỗi con người. Trong lịch sinh hoạt thì hoạt động có chủ đích được sắp xếp dựa trên nguyên lý này. Ví dụ thứ hai chịu tác động bởi Mặt Trăng. Trong tự nhiên chu kỳ Mặt Trăng ảnh hưởng đến chu kỳ ngày đêm, chu kỳ của thủy triều nên những giáo viên có kinh nghiệm thường cho trẻ vẽ màu nước vào thứ hai. Hay thứ năm chịu ảnh hưởng của Sao Mộc, mang ý nghĩa của sự thông thái nên giờ học nặn bánh mì rèn luyện cả đôi tay cùng các giác quan sẽ được thực hiện vào ngày này. Lịch sinh hoạt của trẻ đan xen giữa hoạt động động và tĩnh như sự nhịp nhàng của hơi thở: hít vào, thở ra; và trong động có tĩnh, trong tĩnh có động. Nhịp điệu tạo nên sức sống và sự trôi chảy chứ không còn là một thời gian biểu đơn thuần.
Nguồn: Trung tâm đào tạo Hanoi Steiner.