Những điều quan trọng cần biết trước khi homeschool theo tinh thần giáo dục Steiner

Với mong muốn nuôi dưỡng những đứa trẻ hạnh phúc, trở thành những người lớn tự do – kỷ luật nội tại, biết rõ đam mê của mình và có ý chí để thực hiện chúng, nhiều ba mẹ muốn áp dụng phương pháp Steiner tại gia đình của mình. Nhất là trong bối cảnh con đường đến trường mầm non vẫn còn “xa vạn dặm”, việc homeschool cho con ở nhà càng trở nên thiết thực.

Tự nhiên trong giáo dục Steiner

Nhắc tới giáo dục Steiner, mọi người thường nghĩ đến 2 chữ tự do và tự nhiên như gần gũi với thiên nhiên, ăn đồ organic, những điều đó không sai nhưng chưa chạm tới cốt lõi của phương pháp Steiner. Hiểu đúng về tự nhiên & tự do là điều quan trọng trước khi bố mẹ nghiên cứu và áp dụng phương pháp giáo dục Waldorf tại nhà.

Như chúng ta đã biết, ngày xưa giáo dục chỉ chú trọng truyền đạt thông tin, rao giảng áp đặt một chiều, và tập trung nhiều vào đầu óc, tư duy của người học. Trong mấy chục năm gần đây, người ta bắt đầu quan tâm đến hạnh phúc, cảm xúc của người học, mong muốn học sinh hào hứng khi đến trường. Nhưng liệu giáo dục hiện nay – ở những nơi được coi là cấp tiến, hiện đại nhất – đã đi vào bản chất tự nhiên con người hay chưa?

Hãy nhìn vào thực chất của niềm vui mà trẻ em đang có được ở trường học! Vui đó là vui như thế nào? Bao nhiêu niềm vui là do bài học, hay do tương tác với bạn bè, đó là niềm vui có tính giải trí hay có tính nuôi dưỡng? Rất nhiều trẻ em chờ đợi đến giờ học nào đó để được thưởng sticker, hay chăm chỉ phát biểu ở trung tâm tiếng Anh để tích điểm đổi quà…Những niềm vui giải trí như được nhảy nhót theo bài hát chẳng hạn, cũng tốt thôi nhưng nếu chỉ dừng ở đó sẽ là thiếu hụt của giáo dục. Giáo dục Steiner không chỉ hướng tới đầu óc (head), còn phải chạm tới trái tim (heart) của học sinh, niềm vui khi đến trường phải là niềm vui mang tính nuôi dưỡng, xây đắp tâm hồn cho trẻ.

Ở giai đoạn mầm non và đầu tiểu học, trẻ em vẫn còn kết nối mạnh mẽ với thế giới tâm linh, vũ trụ. Giáo dục Steiner hướng tới gìn giữ phần trực giác và tâm linh sâu sắc trong con người cho mỗi đứa trẻ. Đây là lý do tại trường Steiner học sinh làm việc với chân tay, chính là để gìn giữ trực giác và kết nối sâu sắc với con người của mình, để sau này khi trở thành con người 30 tuổi chúng ta không mất đi trực giác quý giá đó. Và như vậy, tự nhiên trong giáo dục Steiner không chỉ là gần gũi thiên nhiên, sử dụng vật liệu tự nhiên, mà hiểu rằng con người không chỉ có đầu óc, trái tim mà còn có tâm linh nữa.

Ở mầm non và đầu tiểu học, trẻ em phải học bằng trải nghiệm thật, phải được chạm sờ, vận động bằng cả cơ thể, bằng cả head, heart, hand. Giáo dục Steiner tránh đưa đến cho trẻ những trải nghiệm không thật, giống như học chữ con voi bằng flash card, chỉ thuần túy là học về đầu óc, trẻ không sờ nhìn có cảm xúc gì với con voi. Từ khoảng lớp 2-3 – lớp 9 những trải nghiệm thật là những trải nghiệm gợi cảm xúc và kích thích trí tưởng tượng của trẻ. Từ lớp 10 đến đại học, những trải nghiệm thật là trải nghiệm kích thích tư duy của trẻ.

Tự do – hai chữ cốt lõi của giáo dục Steiner

Khá nhiều bố mẹ hiện đại nghĩ rằng tự do là muốn gì làm nấy. Đây là quan điểm sai lầm và dẫn đến hậu quả tai hại trong nuôi dạy con, sẽ tạo ra một con người trưởng thành hoàn toàn- thiếu- tự – do.

Vì hiểu đến cùng, tự do không có nghĩa muốn gì làm nấy, thậm chí là ngược lại. Steiner nhấn mạnh rằng để một người trở thành người tự do phải giáo dục kỷ luật nội tại, tính trách nhiệm. Tự do và trách nhiệm là hai mặt của một đồng xu, hai cái này cần đồng hành tồn tại cùng nhau để mai sau làm người lớn, trở thành cá thể tự do bao nhiêu, càng có trách nhiệm và kỷ luật nội tại bấy nhiêu.

Những người không tuân theo bất cứ luật lệ nào, chỉ muốn thoát khỏi nhiều thứ không phải là người tự do. Trường học Steiner không phải là nơi thích học thì học, không học thì đi chơi, đó không phải là tự do mà là vô kỷ luật.

Để có một người lớn tự do, ngay từ giai mầm non cần xây tinh thần trách nhiệm sâu nhất cho trẻ, càng thực hiện sớm sớm càng ăn sâu vào tiềm thức vô thức, vào máu thịt của trẻ. Để trẻ có tinh thần trách nhiệm thì phải có kỷ luật nội tại. Kỷ luật nội tại với giai đoạn mầm non và đầu tiểu học không phải là rao giảng kiểu “con ơi muốn nên thân người, phải nghe lấy những lời mẹ cha, cũng không phải là dụ dỗ trẻ bằng phần thưởng, hay đàn áp trẻ bằng hình phạt. Những gì từ bên ngoài áp vào sẽ không đi sâu và biến thành máu thịt của trẻ được, mà khiến trẻ khi lớn lên sẽ thành những người lớn chỉ làm mọi việc vì áp lực bên ngoài.

Muốn trẻ là người có kỷ luật nội tại thì ở giai đoạn mầm non, đầu tiểu học cần xây dựng nhịp điệu hài hòa. Hãy hình dung khi chúng ta tập chạy, gym hay yoga trong một thời gian đủ dài, chẳng hạn 5 tháng liên tục, đến một ngày bạn dừng việc đó lại sẽ thấy cuồng chân, bứt rứt khó chịu. Đó là chính là kỷ luật nội tại, vượt qua tầng đầu óc (mình phải cố lên, mình sẽ giảm 5 cân), cảm xúc (vui thì làm, chán thì thôi), chạm tới phần cơ thể. Đó là khi toàn bộ cơ thể có nhu cầu đó, thực hiện điều đó một cách tự động.

Kỷ luật nội tại như vậy có thể xây dựng một cách hiệu quả và nhẹ nhàng nhất ở mầm non và đầu tiểu học, sau đó sẽ mất thời gian và công sức hơn. Khi bố mẹ thầy cô thực hiện một hành động theo nhịp điệu, đúng cách thức, đúng thời gian trong vòng 3-4 tuần, chẳng hạn như đi rửa tay trước giờ ăn, thì sau 4 tuần, hành động đó đã đi vào máu thịt của trẻ rồi.

Để homeschool cho con tại nhà, trước tiên: cha mẹ cần kỷ luật

Điều quan trọng nhất khi homeschool cho con chính là kỷ luật của bố mẹ. Bố mẹ không có kỷ luật thì không có điều gì xảy ra cả. Chúng ta học chỗ này, dự hội thảo chỗ kia, share tài liệu nơi nọ, nhưng không có kỷ luật và hành động thì không có gì thay đổi.

Bố mẹ tự làm việc với bản thân tự cam kết với mình kỷ luật cao nhất. Trước tiên là kỷ luật về thời gian, phải có khung thời gian biểu rõ ràng, không thể hôm nay rảnh thì làm, mai bận thì thôi, tiện thì làm, không thì thôi.

Chúng ta cần cam kết dành thời cho con 30 mỗi ngày từ thứ 2 đến thứ 6, dù chỉ chơi với con nhưng đó là công việc nghiêm túc quan trọng và không hi sinh nó cho một việc gì khác. Điều này lại càng quan trọng trong mùa dịch khi tâm lý người lớn bất ổn, dễ bị chi phối và sao nhãng bởi hàng nghìn yếu tố khác bên ngoài. Chúng ta cần vững vàng, xác định với bản thân và gia đình đây là việc nghiêm túc.

Đừng ngụy biện là mình chưa biết gì. Đừng đợi thích hay mọi thứ sẵn sàng mới làm. Đừng đợi cảm hứng hay thành thục rồi mới khởi động. Hãy cứ bắt đầu, có cuốc dùng cuốc có xẻng dùng xẻng, và cam kết với bản thân để tiếp tục đều đặn mỗi ngày.

Cách thiết kế nội dung bài học cho con ở nhà

Bố mẹ cần cam kết dành ra khung thời gian cố định trong ngày từ thứ 2- thứ 6 để làm việc cùng con, mỗi ngày 30 phút đến 1 tiếng. Với các con mầm non, buổi sáng là hoạt động chủ đích với bố mẹ, buổi chiều có thể chơi tự do như độ tuổi con đang cần. Với các bạn tiểu học online thiếu vận động chân tay và nghệ thuật thì có thể làm các dự án thủ công nghệ thuật, bố mẹ theo sát con chứ không cần ngồi cạnh.

Vào cuối tuần, nếu như không phải giãn cách vì dịch covid sẽ ưu tiên cho các hoạt động ngoài trời. Trong trường hợp phải ở nhà mùa dịch, chúng ta cho con tham gia vào các hoạt động gia đình như nấu ăn, dọn dẹp, chăm sóc nhà cửa.

Một lưu ý nhỏ là cuối tuần nên đổi “giáo viên”, ai đã dạy con ngày thường thì người còn lại sẽ hoạt động nhiều hơn với con vào cuối tuần, vừa tránh quá tải cho bố mẹ, vừa cân bằng cho con.

Về thiết kế nội dung bài học, ban đầu bố mẹ chưa có kinh nghiệm có thể sử dụng các bài thơ, câu chuyện… có sẵn, chẳng hạn sử dụng các trò chơi bàn tay, bài hát được các thầy cô giới thiệu trên kênh youtube Hanoi Steiner Education. Khi đã có kinh nghiệm rồi bố mẹ có thể tự xây dựng nội dung cho con. Homeschool cho trẻ dưới 9 tuổi cần chú ý tính nhạc, tính thơ, tính nghệ thuật cho bài học, và trẻ em cần trải nghiệm bằng toàn bộ cơ thể (head heart hand). Chẳng hạn như với một bài thơ hay câu chuyện về chiếc lá mùa thu, bố mẹ có thể đọc có nhịp điệu, hoặc phổ nhạc thành bài hát, cùng vẽ chiếc lá hay bức tranh mùa thu, đưa yếu tố thiên nhiên vào bài học để có kết nối với thiên nhiên…

Nhiều bố mẹ hỏi, phải làm gì khi bố mẹ dạy mà con không hứng thú? Trong trường hợp này, người lớn không nên ép trẻ mà cần nhìn lại bản thân mình. Mình đã yêu thích hoạt động đó chưa, hoạt động đã đủ nghệ thuật và hấp dẫn chưa, mình có tập trung hoàn toàn và hiện diện với con không? Bố mẹ nhìn lại mình ở các khía cạnh trên và phát triển bản thân, chọn hoạt động và nội dung mà bản thân mình yêu thích để hướng dẫn cho trẻ.

MỘT SỐ TÀI LIỆU THAM KHẢO

Dưới đây là một số nguồn tham khảo để bố mẹ xây dựng nội dung bài học cho các con ở nhà:

– Các trò chơi, chuyện kể, hoạt động thủ công, nghệ thuật cho trẻ trong lớp học mầm non Koi Steiner:

https://www.youtube.com/channel/UCRDJkyCufbhRdu29watoq3w/videos

– Truyện cổ tiếng Anh cho trẻ em do Ha Noi Steiner chọn lọc (bằng tiếng Anh):
– Khác:
~ Bài ghi lại từ chuỗi chia sẻ cộng đồng “Homeschooling theo tinh thần giáo dục Steiner” do Hanoi Steiner và Mầm non Koi tổ chức trong thời gian trẻ nghỉ học do dịch covid tại Việt Nam, 2021-2022.