1. Mục đích của truyện chữa lành
Trong giáo dục Steiner không có bài học đạo đức, việc nắn chỉnh hành vi nào được đưa vào cho trẻ một cách áp đặt, cứng nhắc dưới dạng mệnh lệnh hay thuần túy chỉ có các lời giáo huấn, đặc biệt là với giai đoạn mầm non khi mà trẻ còn chưa phát triển mạnh tư duy logic để phán xét đúng sai hay chưa đủ các trải nghiệm đời sống để thu nhận hay phản biện một cách tự do (theo những trải nghiệm và phân tích của mình) và có chủ kiến. Như vậy không có nghĩa là tinh thần giáo dục Steiner không giảng dạy đạo đức cho trẻ, mà ngược lại với mục đích để trẻ thấm nhuần các giá trị đạo đức đến tầng sâu nhất, tầng của lương tri và đồng thời với toàn bộ linh hồn, cảm xúc và cơ thể, các thầy cô giáo trong trường Steiner truyền trao các giá trị đạo đức bằng chính con người mình, bằng các bài học, các câu chuyện sinh động.
Để giúp trẻ có một đời sống hài hòa trong bản thân mình, một đời sống hòa hợp với cộng đồng, với lớp, với bạn, với xã hội, người giáo viên cần quan sát trẻ khách quan, sâu sắc và đồng hành với trẻ trong một quãng thời gian đủ dài. Với quan sát của mình, khi giáo viên nhận ra trẻ hoặc thiếu hài hòa bên trong mình, hoặc có một vài hành vi lặp đi lặp lại chưa phù hợp với giá trị của cộng đồng, với lớp, với trường, với gia đình, người giáo viên sẽ sáng tác các câu chuyện cho riêng trẻ nhằm mục đích giúp trẻ từ tốn thay đổi gốc rễ hành vi, điều hòa trạng thái cảm xúc. Những câu chuyện này được gọi là chuyện chữa lành.
Như vậy, chuyện chữa lành giúp trẻ có một đời sống hài hòa, cân bằng bên trong bản thân mình và một đời sống hòa điệu với tập thể mà không có bất cứ phán xét nào đối với cảm xúc, hành vi hay bản thân trẻ.
2. Sáng tác truyện chữa lành
Truyện chữa lành cho mỗi độ tuổi nên dựa theo mô típ chuyện dân gian tương thích với tâm thức của trẻ, với trẻ mầm non là các câu chuyện cổ tích. Chuyện chữa lành đặc biệt phù hợp cho trẻ mầm non, khi mà trẻ có khả năng thẩm thấu các tầng ý nghĩa sâu sắc qua chuyện kể, qua hình ảnh hơn là qua các bài học đạo đức khô cứng. Như vậy, sáng tác truyện chữa lành cho độ tuổi mầm non (và đầu tiểu học) nên “bắt chước” các câu chuyện cổ tích về mô típ, kết cấu truyện.
Kết cấu truyện
Câu chuyện cổ tích điển hình thường là quá trình một nhân vật chính vượt qua thử thách và gặt hái thành tựu, với sự giúp đỡ từ các lực của thiên nhiên, của vũ trụ. Để bắt chước truyện cổ tích, ta sẽ xây dựng kết cấu truyện chữa lành tương tự như vậy:
– Có nhân vật chính và nhân vật “phản diện”, tức nhân vật đưa ra thử thách, khó khăn.
– Có hành trình của nhân vật chính: hành trình đi qua các thử thách (thường là 3).
– Và kết thúc có hậu, nhân vật chính gặt hái thành quả tốt đẹp sau khi đi qua các thử thách.
Nội dung – Nhân vật
Nhân vật trong các câu chuyện chữa lành nên là các loại động vật, cây cối gần gũi với đứa trẻ mà giáo viên sáng tác cho, gần gũi với văn hóa dân tộc trẻ. Và đặc biệt, con vật/cây cối được chọn làm nhân vật chính nên mang đặc tính cốt tủy của trẻ, hay hành vi, trạng thái cảm xúc mà câu chuyện đang hướng tới để làm hài hòa. Ví dụ như: đại bàng là tự do bay xa bay con, bông hồng trắng là thanh thoát mỏng manh, con gấu là vững chãi, điềm đạm…giáo viên cần kết nối với ngôn ngữ tự nhiên của các loài cây/loài vật để chọn nhân vật phù hợp với trẻ, với hành vi, trạng thái cảm xúc mà câu chuyện đề cập tới.
Nội dung câu chuyện, như đã phân tích, bắt chước chuyện cổ tích để xây dựng hành trình của nhân vật chính. Tùy độ tuổi của trẻ, hành trình của nhân vật chính cần xây dựng đơn giản, hay lôi cuốn hơn với nhiều chi tiết.
~ Trích bài giảng của cô Thu Hương trong sổ tay kì III khoá Đào tạo giáo viên mầm non Steiner 9 tháng 10 ngày.