80 tuần mang thai

Nếu được quay lại quá khứ, mình sẽ học 0-3 trước vì theo trải nghiệm cá nhân của riêng mình, học 3-6 rồi làm việc với trẻ có nền tảng 0-3 lung lay quả là vô cùng khó khăn và dành nhiều thời gian sửa hơn là có thời gian hướng dẫn trẻ. Do đó, mình sẽ tập trung chia sẻ những bài học dành cho 0-3 trước để các gia đình có con trong độ tuổi này có thể thực hành luôn. Hôm nay mình sẽ chia sẻ với các bạn về THỜI GIAN MANG THAI NGOÀI: 40 TUẦN SAU SINH.

Quá trình phát triển của một em bé trong bụng mẹ, cũng như bất cứ sự sống nào trên trái đất, đều tuân thủ các quy luật phát triển tự nhiên có sẵn, không thể thay thế, không thể tác động để chậm lại hay nhanh hơn được. Mọi việc em bé làm trong tử cung người mẹ đều tuân theo một lịch trình lập sẵn của tạo hóa. Người mẹ mang thai tính theo lịch âm là 40 tuần, 10 tuần trăng, bào thai trong tử cung người mẹ có đủ 10 tháng để phát triển mười phân vẹn mười, một em bé hoàn hảo khi chào đời, ấy là khi mọi việc thuận lợi theo kế hoạch của tạo hóa dành cho con người. Tạo hóa đã lo xong phần phát triển thể chất.

Nếu chỉ lo được thể chất của trẻ, mang thai, sinh con, cho con bú, dạy con vài kỹ năng sinh tồn thì chúng ta sẽ giống hệt như mọi động vật có vú khác. Con người khác động vật ở chỗ con người có tinh thần và văn hóa. Thời gian mang thai ngoài phải chăng là thời gian để người mẹ giúp con mình phát triển về tinh thần và thích nghi với văn hóa nơi mình sinh ra?

Bác sỹ Silvana Montanaro đã viết trong phần Khái niệm mang thai ngoài của cuốn Bí mật ba năm đầu đời rằng “Chúng ta cần nhìn nhận chín tháng sau sinh của người mẹ là thời gian mang thai bên ngoài, sự tiếp nối và hoàn thiện cho quá trình mang thai bên trong tử cung. Trong giai đoạn này, người mẹ tiếp tục giúp con, giới thiệu con với thế giới bên ngoài và hỗ trợ con trong hành trình học các kỹ năng đặc biệt của loài người ”
Trong tự nhiên, mọi sự thay đổi luôn là một quá trình chuyển tiếp thông minh.

Thai nhi lớn lên trong tử cung giờ là em bé sơ sinh lớn lên trong vòng tay mẹ. Thai nhi lấy chất dinh dưỡng từ máu mẹ giờ là em bé sơ sinh lấy dinh dưỡng từ dòng sữa mẹ. Thai nhi kết nối với mẹ bằng dây rốn giờ thai nhi kết nối với môi trường bên ngoài qua sợi dây liên kết với mẹ. Mẹ rời con dần dần, con rời mẹ dần dần thay vì con ở trong mẹ, là một phần của mẹ, hoàn toàn phụ thuộc vào mẹ. Dần dần, từng ngày, từng ngày một, nền móng của một em bé độc lập về thể chất, suy nghĩ, tinh thần được thiết lập.

Cũng cần phải làm rõ là khi nói mang thai nghĩa là người mẹ thực sự cần nghĩ về thời gian 40 tuần sau sinh giống như thời gian mang thai em bé 40 tuần trong bụng mình để không thuê người khác làm hộ những việc mình cần làm cho con, ví dụ như thuê giúp việc chăm con, nhờ quá nhiều người xung quanh chăm con dù đó là mẹ đẻ, mẹ chồng đi chăng nữa. Nhưng cũng không phải lúc nào cũng ôm rịt lấy con mà cần dần dần buông dần theo từng ngày con lớn. Em bé cần mẹ vì cả nhu cầu thể chất: cần được ăn đủ, ngủ đủ, cần được giữ ấm, vệ sinh sạch sẽ và nhu cầu tinh thần: yêu thương, ôm ấp, vuốt ve, đùa vui, nựng nịu, vỗ về, an ủi, lắng nghe, nói chuyện, trao đổi, thông báo, chia sẻ, kết nối tình cảm…Người mẹ chính là sợi dây gắn kết em bé với môi trường để em bé có thể lấy từ đó tất cả những thứ mình cần.

Trong quá trình mang thai ngoài này, sự gắn kết của tình mẫu tử – mối quan hệ song phương trong suốt 40 tuần đầu tiên giúp em bé dần dần cán những mốc phát triển quan trọng đầu tiên trong cuộc đời: 3 THÁNG BIẾT LẪY, 6 THÁNG BIẾT BÒ, 9 THÁNG LÒ DÒ BIẾT ĐI. Ở đây, chúng ta cần chú ý là cán các mốc phát triển như trên yêu cầu các điều kiện cần. Việt Nam là nước có khí hậu thuận lợi, nhiều nắng, trẻ nhỏ mặc ít đồ, hay được tắm nắng, sống ngoài thiên nhiên nên em bé có đủ vitamin D, hấp thụ đủ canxi từ thức ăn. Chế độ ăn người Việt khoa học, không béo phì, trẻ nhỏ không bị nặng cân, hệ xương không phải gánh một trọng lượng lớn. Những em bé sinh mùa xuân, hè, thu đều được hưởng khí hậu thuận lợi hơn em bé sinh mùa đông. Vì đủ canxi, mặc đồ mỏng, nhẹ nên dễ vận động, do đó các em bé Việt Nam lò dò biết đi lúc 9 tháng tuổi. Mốc thời gian này nhanh hơn rất nhiều so với trẻ em ở những nước có khí hậu lạnh.

MỐC PHÁT TRIỂN LÀ GỢI Ý chứ không phải chuẩn mực buộc phải theo vì mỗi em bé có một lộ trình cá nhân riêng, kể cả là hai em bé sinh đôi cùng trứng cũng sẽ phát triển hoàn toàn khác nhau vì đó là kết quả của sự chăm sóc của gia đình khoa học hay không, môi trường sống, tính cá nhân của mỗi con người. Tuy nhiên, nếu thấy con mình quá muộn so với các mốc gợi ý đó, cha mẹ cần đưa con đi khám để chắc chắn môi trường sống và cách chăm sóc con của mình không phải là rào cản của sự phát triển bình thường của con.

Các em bé cũng thường mọc răng quanh mốc 6 tháng, khi bắt đầu ăn dặm, ăn thức ăn đến từ môi trường, bắt đầu độc lập dần khỏi nguồn sữa mẹ. Mốc biết đi lúc 9 tháng của trẻ ghi dấu sự hoàn thành của quá trình mang thai bên ngoài 40 tuần của một con người. Ở đây chúng ta thấy sự thống nhất giữa kiến thức y học và kinh nghiệm cha ông truyền lại trong việc nuôi dạy con.

Lớn lên trong lòng mẹ 40 tuần, tức là 280 ngày, tức là 6.720 giờ, giúp em bé học làm người, học thích nghi với môi trường bên ngoài bao gồm cả môi trường văn hóa, xã hội. Cùng với thời gian nằm trong bụng mẹ, thời gian nằm trong lòng mẹ giúp em bé học ngôn ngữ mẹ đẻ và có được nền tảng cho ngôn ngữ vững chắc quyết định giọng nói, vốn từ vựng, ngữ điệu vùng miền của ngôn ngữ.

Sau 40 tuần em bé trở nên độc lập và có hầu hết những đặc tính của riêng loài người: biết đi hai chân, biết ăn thức ăn ngoài, có ngôn ngữ, có đời sống tinh thần. Từ lúc này, không có mẹ em bé sẽ vẫn sống được. Vậy mới thấy, việc một người mẹ mang thai trong tử cung 40 tuần và mang thai trong lòng 40 tuần là điều vô cùng quan trọng cho sự phát triển của một con người để phát triển toàn diện thể chất và tinh thần.

Nếu một em bé sinh vào tuần 24 – 6 tháng thì khả năng sống sót là rất thấp. Nếu một em bé sinh vào tuần thứ 28 – 7 tháng được gọi là sinh non. Các bà mẹ nghỉ sáu tháng theo chế độ thai sản, nếu người mẹ đã nghỉ một tháng trước khi sinh thì chỉ còn năm tháng. Em bé năm tháng tuổi và người mẹ đã quay lại đi làm, quá trình mang thai ngoài bị cắt đi một nửa, chỉ còn 20 tuần, nếu xét theo góc độ y học, bà mẹ đã sảy thai, em bé không có cơ hội sống sót.

Khi một người mẹ dừng quá trình mang thai ngoài quá sớm, cả người mẹ và em bé đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng cả đời về thể chất và tinh thần và đó là lý do cho mọi khó khăn, vất vả, thiếu hụt, chậm phát triển cả thể chất và tinh thần. Tinh thần không giống như thể chất, nhưng sinh non về tinh thần còn khổ hơn vì sức khỏe tinh thần là điều không nhìn thấy được, hay được hiểu rõ ràng, và chưa được coi trọng ở Việt Nam tại thời điểm hiện tại. Nếu con sốt 39 độ, cả gia đình sẽ đưa con đi cấp cứu ngay, nhưng nếu con mất niềm tin vào mình thì làm sao bố mẹ biết mà đưa con đi khám, chữa bệnh. Nhất là khi con còn chưa biết nói hay có đủ vốn từ diễn đạt được điều trái tim mình đang cảm nhận.

Mình cho rằng, việc người mẹ bỏ dở quá trình mang thai bên ngoài có sự liên kết chặt chẽ đến tổn thương tâm lý hằn sâu trong tiềm thức của cả người mẹ và em bé. Có thể bạn mới nghe ai đó nói về tổn thương của đứa trẻ bên trong và việc cần chữa lành cho những tổn thương đó. Mọi ký ức đều lưu trong từng tế bào. Nếu bạn cảm thấy bất an, không tự tin, thiếu thốn tình cảm, sợ bị bỏ rơi, sợ ở một mình, không bao giờ thấy đủ, không bao giờ thấy hạnh phúc, luôn sống trong những nỗi sợ mơ hồ, không gắn kết hay chia sẻ được mọi chuyện với mẹ… hãy hỏi lại mẹ mình về thời kỳ sau sinh mẹ đã chăm sóc mình ra sao. Những thiếu hụt về tinh thần đó, có người dành cả đời để bù đắp mà vẫn thấy thiếu hụt.

Trong cuộc đời làm nghề giáo, mình đã gặp rất nhiều bà mẹ không thể chia tay con, cũng như những em bé không thể chia tay mẹ. Giá mà mình biết về khái niệm mang thai ngoài một cách kỹ lưỡng thì đã có thể gợi ý vài điều giúp cả hai mẹ con có thể bù đắp lại phần nào mất mát đã xảy ra. Vẫn biết không thể xóa đi ký ức, nhưng người mẹ có thể chủ động lên kế hoạch dành thời gian chất lượng bên con mỗi ngày để hàn gắn. Để dừng nỗi bất an người mẹ sẽ luôn thông báo cho con rõ ràng, mình đi đâu, với ai, mấy giờ về và giữ lời hứa. Người mẹ sẽ gắn kết thể chất với con nhiều hơn: ôm con, nắm tay con, bế con trong lòng kể chuyện, đọc truyện, hát cho con nghe… Người mẹ sẽ chơi thật vui với con để mối quan hệ giữa hai mẹ con thật nhiều kỷ niệm đẹp và thật nhiều tiếng cười. Luôn khẳng định với con “Mẹ ở đây, con đừng lo, mẹ ở đây.” mỗi khi em bé gọi mẹ hay đi tìm mẹ. Nếu như con cần đi học, người mẹ cần dành nhiều thời gian hơn cho quá trình thích nghi của con và không quá lo lắng khi thấy con khóc. Người mẹ cũng cần nói với giáo viên của con về tổn thương tâm lý này để cô giáo có những cách khác nhau giúp em bé bình tâm trở lại. Hai mẹ con cần thật nhiều thời gian chất lượng bên nhau, tận hưởng niềm vui có nhau trong cuộc đời.

Các nhà giáo có lẽ từ đây sẽ có cái nhìn rất khác khi biết được những em bé bị tổn thương đau khổ ra sao khi phải rời xa mẹ để có những cách khác nhau hỗ trợ những em bé khác nhau sau khi trao đổi và có được thông tin cá nhân của từng trẻ. Nhưng trên hết vẫn là sự thấu hiểu về nỗi đau bị dứt khỏi mẹ quá sớm trong thời gian đầu đời. Nỗi đau này sẽ ảnh hưởng rất nhiều lên các mối quan hệ của trẻ với mọi người xung quanh. Nhưng đừng bao giờ quên, các nhà giáo không phải là mẹ, mẹ là người đã mang nặng, đẻ đau, mang em bé đến thế giới này. Hãy giúp hai mẹ con chữa lành, gắn kết và tìm lại nhau nếu có thể chứ không được thay thế vai trò của người mẹ. Các nhà giáo đến rồi đi trong cuộc đời mỗi em bé, người đi cùng em bé cả cuộc đời là cha mẹ. Em bé cần có sự gắn kết đặc biệt với mẹ của mình.

Nếu có quyền lực trong tay, mình sẽ ký quyết định thay đổi chế độ thai sản lên ít nhất là 40 tuần sau sinh cho tất cả các bà mẹ trên thế giới này. Thật tiếc, mình không có quyền lực đó, nên mình sẽ viết và nói về điều này cho đến khi mọi bà mẹ có được quyền hoàn thành thiên chức mang thai và làm mẹ để các em bé có một khởi đầu tốt đẹp 40 TUẦN TRONG BỤNG MẸ, 40 TUẦN TRONG LÒNG MẸ.

Mình hy vọng bài viết này sẽ đến được với thật nhiều người và mình mong nhận được thật nhiều tin vui từ các bạn.
____
~ Bài: Nhà giáo Lê Mai Hương, hiện đang sống và làm việc tại Hà Lan.