10 câu hỏi – đáp về giáo dục Steiner

CÂU HỎI 1: Khi đọc hay nghe về những lý tưởng của nền giáo dục, người ta có thể rất đồng ý, nhưng sự thật là chúng nghe rất chung chung. Liệu có sự khác biệt cơ bản nào giữa phương pháp sư phạm Rudolf Steiner với các nền giáo dục khác không?
Trả lời: Dĩ nhiên là có. Sự khác biệt nằm ở cách con người nhìn thế giới. Giáo dục phụ thuộc vào cách chúng ta hiểu về đời sống và con người. Nếu chúng ta xem đời sống chỉ là phần thời gian gói gọn giữa hai thời điểm sinh và tử, và nếu ta xem sự giàu có về của cải vật chất và vị thế trong xã hội là tôn chỉ thì phương pháp giáo dục của chúng ta sẽ đi theo một hướng nhất định. Nhưng nếu xem con người là một thực thể tinh thần với những phẩm chất vĩnh hằng, chúng ta sẽ giáo dục theo cách khác. Nền giáo dục Rudolf Steiner dựa trên quan điểm sau, và vì vậy, phương pháp tiếp cận sẽ khác: cách lựa chọn các môn học, lựa chọn môn nào học ở độ tuổi, và có sự khác biệt lớn trong cấu trúc và tổ chức tổng thể của nhà trường.

CÂU HỎI 2: Chúng tôi có thể biết thêm về tổ chức tổng thể vừa đề cập không?
Trả lời: Có một số đặc điểm riêng biệt. Trẻ không vào lớp một cho đến khi được sáu hoặc bảy tuổi. Bậc tiểu học theo đổi tuỳ theo từng nước. Tại Việt Nam, các bậc học trong trường Steiner được chia tuỳ theo cách tổ chức của từng trường. (Đối với trường Tre Xanh đi theo cấu trúc của Bộ (tiểu học: lớp 1-5, trung học cơ sở: 6-9, trung học phổ thông: 10-12). Giáo viên Chủ nhiệm theo học sinh từ lớp 1 đến ít nhất đến hết năm lớp 7, đảm nhiệm hầu hết tất cả các môn học từ lớp 1 đến lớp 5, sau đó vẫn là những môn sở trường ở lớp 6, 7… Từ lớp 8 trở lên, những giáo viên bộ môn phải là những chuyên gia thực sự.
Các môn học được thiết kế theo từng lốc (block), gồm những môn như Toán, tiếng Việt, Lịch sử, Địa lý, Thực vật, Động vật, Khoáng vật, Vật lý, Hoá học, Sinh học…; mỗi lốc được học trong từ 3-4 tuần trong giờ Bài học chính. Cách dạy theo lốc như vậy áp dụng cho cả bậc tiểu học và trung học. Sau giờ Bài học chính sẽ là những môn như Ngoại ngữ, Thủ công, Vẽ màu nước, Vận động…

Lịch học điển hình trong một ngày thường sẽ là: hai tiếng Bài học chính, Nghỉ giải lao, và bốn Tiết học khác, mỗi Tiết kéo dài khoảng 30-45 phút. Thông thường, hoạt động đầu óc được dành cho buổi sáng, còn hoạt động nghệ thuật, thủ công và vận động sẽ diễn ra sau đó, cùng giờ mỗi ngày để có thể thiết lập nhịp điệu chắc chắn cho trẻ).

Một điều đặc biệt và vô cùng quan trọng trong trường Steiner là giáo viên hầu như không chịu áp lực từ phía bên ngoài. Khung chương trình chung được quyết định bởi Hội đồng Giáo viên, và giáo viên tự do sáng tạo với giáo án cũng như bài giảng của mình. Hội đồng Giáo viên (HĐGV) là linh hồn của một ngôi trường, chịu trách nhiệm về cho mọi hoạt động chuyên môn trong trường, cho cả tinh thần và vật chất của ngôi trường. Để thuận lợi cho công việc, một thành viên của HĐGV sẽ được chỉ định đại diện cho nhóm, được gọi là Chủ tịch HĐGV và vị trí này có nhiệm kỳ từ 1 đến 2 năm. Một cách lý tưởng, các giáo viên nên sở hữu và điều hành trường. Ở một số trường Steiner, nhóm chủ sở hữu bao gồm một số giáo viên nhiều kinh nghiệm và một vài thành viên khác thuộc lĩnh vực kinh doanh có cùng đồng cảm với nền giáo dục này.

CÂU HỎI 3: Số học sinh một lớp bao nhiêu là tốt nhất? Có phải học sinh nữ và nam học chung với nhau là tốt nhất?
Trả lời: Số lượng học sinh lý tưởng của một lớp thay đổi tuỳ từng thời kỳ. Cách đây khoảng 30 năm, con số đẹp nhất là từ 25 đến 30. Ngày nay, trẻ ngày càng khác trước và chỉ những giáo viên nhiều kinh nghiệm mới đảm đương được con số này một cách tốt đẹp. Con số lý tưởng cũng tuỳ thuộc vào từng giáo viên, có người đảm đương tốt được 20 em, có người nhiều hơn hoặc ít hơn. Với những lớp có quá ít học sinh, giáo viên thực ra lại mất nhiều năng lượng hơn vì các em sẽ đòi hỏi sự chú ý cá nhân hơn nhiều so với lớp đông học sinh. Tuy nhiên nếu lớp quá đông, việc dạy học và dành năng lượng cho từng em chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng. Lớp học với số học sinh vừa đủ sẽ là một xã hội thu nhỏ để các em tương tác và học hỏi lẫn nhau.
Đối với phần hai của câu hỏi, câu trả lời là đúng như vậy. Tất cả học sinh nam và nữ đều nên học mọi môn học. Học sinh nam học đan móc và may vá, học sinh nữ học đục đẽo cưa gỗ… Hai giới tính là điều tự nhiên của cuộc sống và việc tách riêng ra để dạy đồng nghĩa với việc tạo ra một thế giới nhân tạo. Kinh nghiệm dạy học cho thấy, việc dạy chung cả nam và nữ thú vị hơn rất nhiều so với dạy lớp nam riêng, nữ riêng.

CÂU HỎI 4: Tại sao lại chia ra những cấp lớp như Mầm non, Tiểu học, Trung học?

TRẢ LỜI: Lý do cơ bản là phục vụ mục đích giáo dục. Trong quá trình phát triển, đứa trẻ mở mang những phẩm chất khác nhau trong những giai đoạn khác nhau, và vì vậy không những cần các cách tiếp cận khác nhau mà còn là các môn học khác nhau trong những giai đoạn này. Do đó, một cách tiếp cận có thể đúng đối với độ tuổi này nhưng sẽ phải thay đổi đối với độ tuổi khác. Các môn học giới thiệu ở từng cấp lớp cũng phải đáp ứng lại nhu cầu phát triển của trẻ ở từng độ tuổi tương ứng.

Giáo dục Steiner không dựa trên chuẩn kiến thức và kỹ năng để từ đó áp lên đứa trẻ, mà dựa trên sự phát triển tâm lý của trẻ và đưa đến những gì các em cần vào thời điểm đó. Nói cách khác, “đúng thời điểm” là yếu tố đem lại nhiều lợi ích cho trẻ nhất và là điều chúng ta quan tâm nhất. Trong giáo dục, một quá trình hai chiều diễn ra. Một mặt, người giáo viên giới thiệu thế giới với trẻ, mặt khác, người giáo viên giới thiệu trẻ với thế giới. Nhưng hai tiến trình thực chất chỉ là một vì sự cho đi thông tin, kiến thức và kinh nghiệm đánh thức những nguồn lực trên trong trẻ. Nguồn lực nào được đánh thức sẽ phụ thuộc vào cách tiếp cận. Cách tiếp cận sai sẽ có thể huỷ hoại những nguồn lực này.

Một bất mãn phổ biến trong nền giáo dục hiện đại là trẻ bị ép phải nhớ quá nhiều kiến thức và không được tiêu hoá hợp lý – do đó xảy ra tình trạng chán học, thậm chí muốn bỏ học. Giáo dục Steiner hướng đến phát triển những phẩm chất của một con người và toàn bộ việc học tập cốt cũng chỉ đạt đến mục đích này.
Chất liệu của cơ thể con người được thay thế bảy năm một lần. Cứ mỗi bảy năm, có một sự chuyển biến trong quá trình phát triển tâm lý/ tinh thần. Sự chuyển biến này được đánh dấu rõ nhất trong giai đoạn tuổi thơ, vì vậy, chúng ta thường đề cập đến ba giai đoạn bảy năm đầu của đời người.

Rudolf Steiner mô tả trẻ nhỏ trong bảy năm đầu sống chủ yếu trong ý chí. Trẻ năng động và muốn làm mọi thứ. Trẻ mang trong mình một thôi thúc muốn bắt chước. Những yếu tố trên là chìa khoá cho phương pháp giáo dục trong những năm này. Đứa trẻ chủ yếu phát triển thể chất và quá trình phát triển đó dần hoàn tất ở thời điểm thay răng sữa, vào khoảng sáu hoặc bảy tuổi. Trước thời điểm này, trẻ chưa sẵn sàng cho bất cứ việc học nào liên quan đến đầu óc. Do đó, giáo dục mầm non đem đến một môi trường xứng đáng với khả năng bắt chước của trẻ, khiến em muốn hoạt động, muốn làm theo. Bằng cách này, chúng ta dạy trẻ nói, hát, tạo hình hoặc vẽ màu nước, tuy nhiên ta sẽ không cố gắng đưa ra những chỉ dẫn chính thức, ngay cả đối với những môn căn bản.

Trường mầm non, ở một phương diện, là sự mở rộng của môi trường ở nhà, nơi cô và trẻ làm các công việc nhà, như giặt quần áo búp bê, may vá, làm vườn và lau dọn… Điều quan trọng là trong độ tuổi này, trí tưởng tượng của đứa trẻ được nuôi dưỡng và làm đầy bằng hoạt động chơi tự do cũng như những câu chuyện cổ tích phù hợp vốn chứa đựng sự thông thái của nhân loại, được thể hiện bằng hình ảnh, và đó là nền tảng của việc dạy dỗ đích thực. Môi trường xung quanh của trẻ nhỏ cũng quan trọng không kém. Trong khi người lớn có thể kháng cự được việc tiếp nhận môi trường xung quanh, trẻ nhỏ thì không. Các em thấm hút tất cả như một miếng bọt biển. Vì vậy, toàn bộ môi trường của đứa trẻ cần tích cực, lành mạnh và hài hoà. Việc lạm dụng công nghệ và thiết bị điện tử gây hại cho trẻ rất nhiều, bao gồm cả những đồ chơi máy móc được thiết kế tối tân và tinh vi, vì chúng bào mòn khả năng tưởng tượng của trẻ.

Khi trẻ bước lên sáu, bảy tuổi, trẻ vào Lớp Một. Thay răng sữa là một trong những biểu hiện của việc hoàn tất quá trình phát triển của thể chất, và những nguồn lực mới đã được giải phóng giúp trẻ sẵn sàng cho việc học. Lúc này, có một sự chuyển biến về mặt tinh thần. Nếu trước kia, trẻ sống chủ yếu trong ý chí, thì giờ đây em bị ảnh hưởng nhiều hơn bởi thế giới tình cảm. Vì lý do này, phương pháp giáo dục giai đoạn được thể hiện thông qua nghệ thuật. Điều này không có nghĩa là ta dạy trẻ nghệ thuật thuần tuý mà đưa yếu tố nghệ thuật vào trong tất cả các bài giảng, tất cả các môn học. Khả năng sống trong hình ảnh của tâm trí con người được thể hiện qua cách chúng ta dùng phép ẩn dụ, so sánh, ngụ ngôn, nghĩa bóng… Ở trẻ em, trước khi trí năng phát triển, khả năng sống trong hình ảnh này là yếu tố quan trọng hơn hết thảy.

Khi trẻ được mười ba hoặc mười bốn tuổi, một sự thay đổi khác diễn ra, và lúc này, ta có thể bắt đầu làm việc với trẻ theo cách dùng đầu óc như người lớn. Năng lực phán đoán và khả năng nhận thức được mở mang – năng lực tư duy. Giờ đây, những người trẻ tuổi có thể tìm kiếm nguyên nhân, nguyên do và những lý giải. Một ví dụ sẽ minh hoạ cho ý này. Trong suốt giai đoạn của giáo viên chủ nhiệm, học sinh được nghe những câu chuyện sử thi như Ấn Độ, Ba Tư, Ai Cập, Hy Lạp… Vào độ tuổi mười sáu, học sinh có thể phải nhớ lại những câu chuyện này (hoặc đọc lại nếu đã quên), sau đó cố gắng khám phá ra sự khác biệt trong từng quan điểm. Các em sau đó sẽ hiểu được quá trình phát triển tâm thức nhân loại thể hiện qua những tác phẩm văn học này. Lúc này, sự hướng dẫn nằm trong tay của giáo viên bộ môn, là những chuyên gia thực thụ.

CÂU HỎI 5: Tôi không cho là truyện cổ tích tốt cho trẻ. Chẳng phải chúng chỉ đơn thuần là sự tưởng tượng của bộ não vốn sẽ khiến trẻ có cái nhìn méo mó về cuộc sống sao?

TRẢ LỜI: Truyện cổ tích là một trong những phương tiện giáo dục trẻ nhỏ hiệu quả nhất. Chúng chuyển tải sự thông tuệ bằng hình ảnh, cung cấp cho trẻ những hướng dẫn và vốn hiểu biết về thế giới, cũng như phát triển khả năng cảm nhận đạo đức. Cái thiện phải thắng và cái ác bị đánh bại. Điều này khắc sâu vào tâm trí trẻ cảm nhận về sự công bằng. Liệu nỗ lực của hoàng tử dành cho công chúa và sự vượt qua những chướng ngại mang ý nghĩa gì khác ngoài bức tranh về đời sống thực – con người nỗ lực hướng đến một lý tưởng? Hình ảnh thường lặp đi lặp lại của nhân vật bị lạc trong rừng mang ý nghĩa gì ngoài sự ẩn dụ về những vấn đề của chính chúng ta trong thế giới vật chất này, và những yếu tố chúng ta gặp, dù là giúp đỡ hay cản trở, là gì khác ngoài những năng lượng trái ngược mà ta phải vượt qua trong cuộc sống? Cũng cùng một tư tưởng, chúng ta có thể nhắc đến tác phẩm Pilgrim’s Progress (Hành hương) mang hiệu quả giáo dục vô cùng mạnh mẽ cho độ tuổi lên mười. Ngôn từ trong tác phẩm có thể hơi cổ xưa nhưng điều chỉnh được. Thỉnh thoảng, người ta phản đối những “điều kinh khủng” trong truyện cổ tích. Những “điều kinh khủng” vốn thuộc về đời sống và thường đại diện cho những cái xấu xa cần phải được vượt qua. Tên khổng lồ bị chặt bay đầu có thể gợi lên hình ảnh máu me trong tâm trí của người lớn, nhưng trẻ em không nghĩ về nó một cách tường tận như thế. Ta không bao giờ giải thích cho trẻ về tinh thần đạo đức của câu chuyện. Hãy để hình ảnh tự nó thể hiện và được trẻ thẩm thấu.

CÂU HỎI 6: Nói đến thời khoá biểu, bạn có nhắc đến hai tiếng đồng hồ mỗi ngày dành cho một môn học. Nghe có vẻ là thời gian dài; liệu trẻ có thấy chán không?
(Câu trả lời được lấy từ Tài liệu của Chương trình Đào tạo Giáo viên Đông Phi)
TRẢ LỜI: Việc dành ra mỗi ngày một khoảng thời gian tập trung chỉ cho một môn học trong nhiều tuần có nhiều ích lợi. Tâm trí không bị liên tục làm chệch hướng bởi nhiều môn học, và học sinh có cơ hội đào sâu một môn học hơn. Chúng ta có thể cho rằng hai tiếng là quá nhiều nhưng thực ra lại hoàn toàn ngược lại và thường là không đủ thời gian. Có lẽ ta nên nói thêm về hai tiếng đồng hồ này.
Buổi sáng bắt đầu với phần NHỊP ĐIỆU (hay còn gọi là Sinh hoạt Vòng tròn)

Mục đích của phần nhịp điệu trong bài học chính là đánh thức trẻ, giúp phần tinh thần kết nối với thể chất một cách phù hợp sau giấc ngủ đêm dài để trẻ học tốt. Bên cạnh đó, phần nhịp điệu hướng đến việc tạo ra bầu không khí đầm ấm, vui tươi và tràn đầy sức sống. Phần nhịp điệu gắn kết trẻ, giúp các em giũ bỏ được sự xa cách với người khác và sẵn sàng hòa nhập, tham gia tất cả mọi hoạt động.
Phần này bao gồm nhiều hoạt động như vận động (phát triển sự ý thức về cơ thể, sự phối hợp các bộ phận trên cơ thể, sự tập trung và ý thức về vần điệu, thơ…), nhảy, hát, âm nhạc, ngôn ngữ, một hay hai trò chơi ngắn, hoạt động với túi đậu hoặc với gậy. Bất cứ lúc nào có thể, những hoạt động này cần liên hệ với môn trẻ sẽ được học.

Sinh hoạt vòng tròn được thực hiện để làm trẻ sinh động; nó đem đến sự quân bình đối với thời gian có phần trầm lặng hơn của giờ học. Ở lớp 1,2 và 3, sinh hoạt vòng tròn chiếm khoảng 40 phút.
Tiếp theo là phần TƯ DUY. Phần này nhìn chung được chia thành ba phần nhỏ:

ÔN BÀI:
Đây là hoạt động quan trọng giúp trẻ “tiêu hóa” và củng cố bài học hôm trước. Mục tiêu là để trẻ tự thực hiện hoạt động ôn bài càng nhiều càng tốt, giáo viên chỉ khuyến khích và hướng dẫn. Việc ôn bài không chỉ đơn thuần là bài tập liên quan đến trí nhớ – đó là hoạt động trải nghiệm lại bài học hôm trước, mang đầy sự tưởng tượng, sự thẩm thấu và tình cảm sâu sắc.
Cách thức giáo viên tổ chức hoạt động ôn bài và tạo điều kiện để việc thảo luận trong lớp tạo nên sự khác biệt rất lớn: nếu ôn lại câu chuyện đã được kể ngày hôm trước, giáo viên có thể giới thiệu phần đầu câu chuyện, đưa trẻ về không khí và nội dung của câu chuyện ngày hôm trước. Sau đó các em có thể thay cô kể tiếp nội dung còn lại của câu chuyện, giáo viên hướng dẫn nếu cần thiết. Nếu câu chuyện được dùng để dẫn dắt cho bài học, giáo viên có thể gợi ý cho trẻ nói về nội dung bài học mới, theo cách gợi mở không khí hoặc nội dung liên quan, không phải là về kiến thức cụ thể.

BÀI GIẢNG CỦA GIÁO VIÊN:
Giáo viên chuẩn bị bài giảng về nội dung mới (hoặc tiếp tục bài hôm trước). Bài giảng này, cách này hay cách khác, cần phải chạm được cả trí tưởng tượng và tình cảm của trẻ. Nói một cách khác, bài giảng không chỉ cung cấp kiến thức cho não mà còn là “thức ăn” cho tâm hồn của trẻ.
Có nhiều cách nuôi dưỡng tâm hồn:
• Thông tin có thể được chuyển thành một câu chuyện.
• Thông tin có thể được trình bày dưới dạng một hình ảnh.
• Giáo viên có thể mô tả phong phú nội dung bài học mới.
Trong nhiều trường hợp, bài giảng hoàn toàn sẽ do giáo viên nắm quyền chủ đạo – đó là món quà giáo viên trao cho trẻ ngày hôm ấy. Cũng có những lúc một chủ đề mới (hoặc nội dung tiếp theo của chủ đề mới) có thể được xây dựng cùng với trẻ; trong trường hợp này, sẽ có sự luân chuyển nhịp nhàng giữa giáo viên và trẻ cùng nhau xây dựng nội dung bài học mới.
Khi giáo viên hoàn thành bài giảng của mình, sẽ có khoảng thời gian thảo luận về nội dung mới học. Hoạt động này có thể thực hiện tự do giữa trẻ và giáo viên, hoặc chia các em theo từng đôi hoặc các nhóm nhỏ (giáo viên có thể đưa ra một vài hướng dẫn). Điều này đem đến sự cân bằng lành mạnh giữa việc hít vào (bài giảng của giáo viên) và thở ra (sự hưởng ứng/phản hồi của trẻ trong buổi thảo luận). Buổi thảo luận giúp trẻ kết nối sâu sắc hơn với đề tài được học và mở rộng kiến thức của các em.

CỦNG CỐ:
Đây là thời gian giáo viên chuyển tiếp từ bài giảng vừa thực hiện sang những gì cần được học. Trong trường hợp các phép tính toán học, giáo viên có thể làm phép tính cùng với trẻ (chẳng hạn như dùng hạt đếm ở Lớp 1); trong trường hợp học chữ cái, giáo viên hướng dẫn cho trẻ thấy chữ cái nổi lên từ bức tranh như thế nào (khi mới bắt đầu học chữ, hoạt động này được thực hiện vào ngày hôm sau).
Trong giờ này, việc sử dụng bảng phấn là điều thiết yếu nhằm giúp trẻ học thông qua mắt và tai. Ở những lớp lớn hơn, giáo viên viết một vài từ chính giúp các em nhớ những chi tiết quan trọng của bài học, giúp các em nhìn thấy cách đánh vần của những từ chính, và cung cấp cho các em một cấu trúc cho việc học viết nằm trong bài tập giáo viên đưa ra.
Phần LÀM VIỆC
Trong phần này, giáo viên ra một bài tập cho trẻ, đưa những gì các em vừa được học vào hoạt động tay chân (đưa vào ý chí). Nếu bài giảng và buổi thảo luận truyền được cảm hứng cho trẻ, các em sẽ rất nhiệt tình tham gia bài tập này!

CÂU HỎI 7: Nếu thời gian theo “lốc” được dành cho một môn học, rồi sau đó không đụng đến môn này trong nhiều tháng thì trẻ có quên những gì đã được học không?
TRẢ LỜI:Có thể có những phản đối đối với cách dạy theo lốc vì e ngại trẻ sẽ quên, nhưng hãy nhớ rằng mục đích của nền giáo dục này không phải cung cấp những kiến thức hời hợt trên bề mặt, mà chính là giúp xây dựng bản sắc riêng của mỗi cá nhân. Những môn học được dạy trong giờ bài học chính là những môn có tác động sâu sắc nhất và được dạy theo lốc; còn những môn khác như ngoại ngữ, thổi sáo, thủ công, vận động… thì được dạy mỗi ngày. “Quên” chính là quá trình tiêu hoá và khiến những gì đã được học thấm sâu và trở thành “máu thịt” của con người. Bất luận thế nào, nội dung môn học có thể được nhớ lại nhanh chóng và quá trình làm sống lại môn học tự nó là bài tập mang đến nhiều lợi ích. Tuy nhiên, hầu hết các trường Waldorf luôn cho học sinh ôn lại những môn cơ bản như Toán và Ngôn ngữ đều đặn vào giờ Bài tập thực hành.

CÂU HỎI 8: Khi một giáo viên chủ nhiệm một lớp trong nhiều năm, điều gì sẽ xảy ra nếu giáo viên và một trẻ nào đó trong lớp không hợp nhau?
TRẢ LỜI: Trong quá trình dạy học nhiều năm của tôi và nhiều lần tham quan các trường khác, tôi hiếm khi gặp hoặc nghe về tình huống như trên; ít nhất là không xảy ra đối với trường hợp trẻ nhỏ. Đối với tuổi dậy thì thì mâu thuẫn này có thể xảy ra nhưng có lẽ nó sẽ xảy ra bất kỳ đâu. Chúng ta phải nhớ rằng một giáo viên Waldorf cần thiết phải là một người luôn nỗ lực trên con đường tìm hiểu chính mình và hiểu học sinh mình, và sự hiểu biết đó phải đi cùng sự quan tâm chân thật và tình yêu của mình đối với học sinh.

CÂU HỎI 9: Làm sao một giáo viên có thể dạy hết tất cả các môn học trong suốt tám năm?
TRẢ LỜI: Không có giáo viên nào phải dạy tất cả các môn học cả. Giáo viên chủ nhiệm dạy những môn học của giờ bài học chính; những môn học khác có thể được dạy bởi giáo viên bộ môn. Tuy nhiên, rõ ràng giáo viên chủ nhiệm mang nhiều trọng trách; anh ta phải luôn học những điều mới mẻ, nhưng hãy nghĩ xem mỗi năm học của anh ta sẽ tươi mới và sống động biết nhường nào, so với giáo viên chỉ dạy một cấp lớp từ năm này sang năm khác.

Vì khối lượng công việc và trọng trách mà người giáo viên chủ nhiệm phải mang trong suốt tám năm, thông thường, giáo viên sẽ được nghỉ ngơi sau một vòng dạy của mình. Rudolf Steiner đã từng đề nghị giáo viên chủ nhiệm nên nghỉ một năm, họ không nhất thiết nghỉ chỉ để đi chơi và không làm gì, mà vẫn nên làm các công việc khác chẳng hạn như làm nông để giữ chân mình trên mặt đất, và đồng thời mở mang những trải nghiệm. Lý tưởng là vậy, nhưng chúng ta thường không có đủ giáo viên nên thời gian nghỉ đó thường chỉ nằm trên lý thuyết.

CÂU HỎI 10: Nếu giáo viên không thể tiếp tục dạy trong tám năm thì sao?
TRẢ LỜI: Con người đôi khi phải đối mặt với những tình huống “bất khả kháng”, thường là giáo viên nữ sẽ lập gia đình và sinh con. Giáo viên cũng chết nữa chứ! Rõ ràng chúng ta sẽ phải làm những gì tốt nhất tuỳ theo tình huống. Nếu có giáo viên thay thế hiểu rõ về nhóm trẻ đó thì sẽ là lựa chọn tốt nhất.
***
Nguồn bài từ trường Tre Xanh trong mục của khối Tiểu học. Tre Xanh Steiner School

Hỏi và Đáp về Giáo dục Steiner, đa phần nội dung lấy từ quyển sách nhỏ “Questions & Answers on Steiner Education” của nhà giáo Roy Wilkinson, và được thay đổi để phù hợp với bối cảnh giáo dục Steiner ở Việt Nam.

Roy Wilkinson là cái tên mà rất nhiều giáo viên Steiner chỉ cần nhìn thấy trên bìa quyển sách, đã mặc nhiên đóng dấu chất lượng cho tác phẩm mà không cần đọc qua nội dung bên trong. Sách của ông trải rộng trên nhiều chủ đề, từ triết lý Anthroposophy đến tổng quan giáo dục, cũng như kiến thức và cách tiếp cận những môn học trong nhà trường. Cả cuộc đời ông gắn liền với giáo dục Steiner; ông đã dạy hầu hết tất cả các môn học trong chương trình và kinh nghiệm ông có được không chỉ đến từ giáo dục Steiner mà còn là nền giáo dục công thời đó. Trong nhiều năm, ông tham gia với tư cách diễn giả và dịch giả đều đặn tại hội thảo được tổ chức ở Gotheanum, Thuỵ Sĩ, là trung tâm của các công trình của Steiner trên toàn thế giới.
Sách của ông dung dị, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ tiếp cận ngay cả đối với đề tài hóc búa như Anthroposophy, và được các trường Steiner trên thế giới áp dụng. Quyển sách nhỏ này được xuất bản lần đầu năm 1962, là kết quả và là nội dung dựa trên kinh nghiệm của những lần diễn thuyết ở hội trường lớn.