Lễ hội Ánh sáng ở trường Koi Steiner

“Xuân sinh, hạ trưởng, thu liễm, đông tàng” nói đến quy luật vận hành của trời đất và vạn vật. Thuận theo đó, mùa đông là khoảng thời gian vạn vật nghỉ ngơi, giữ cho những hạt mầm ngủ yên chờ mùa xuân đến; cũng là khoảng thời gian mà con người đi vào tĩnh lặng để có những suy tưởng sâu sắc, nhìn nhận lại một năm qua với cả phần sáng và phần tối, khó khăn và thuận lợi của mình để tìm thấy ánh sáng sâu thẳm từ trong trái tim mình.

Năm nay ngày Đông Chí rơi vào 22.12.2023, là ngày có đêm dài nhất trong năm, sau ngày này, mặt trời sẽ thay đổi đường đi cho ánh sáng nhiều hơn và đêm dần ngắn lại. Theo truyền thống đây là ngày tổ chức lễ hội ánh sáng – lễ hội đặc trưng của mùa đông ở các trường học Steiner khắp nơi.

Trong bốn tuần trước lễ hội, cô trò mầm non Koi đã cùng nhau chuẩn bị cho lễ hội và sống trong bầu không khí bao trùm là sự ấm áp, từ tốn và hân hoan chờ đợi những điều kỳ diệu lấp lánh sẽ đến.


Hoạt động làm quà tặng cho gia đình: cô trò chọn món quà sức khoẻ là mật ong ngâm chanh đào, vừa đơn giản, vừa thân thuộc với tủ thuốc của gia đình Việt.


Hoạt động làm bánh quy gừng được cô trò cùng làm vào ngày làm bánh (ở trường Koi là thứ năm hàng tuần). Bánh quy gừng có hương thơm đặc trưng của bơ, chút cay ấm của gừng, và nhiều hình thù đẹp khiến các bạn nhỏ rất thích thú.


Hoạt động làm nến sáp ong được cô giáo chuẩn bị kỹ lưỡng từ sáp ong, thanh quế, cây bấc, lọ đựng nến… và trình tự các bước để các em nhỏ cũng có thể làm cùng cô, hoặc hỗ trợ cô những việc đơn giản nhất.

Cuối năm là khi đường xá trở nên đông đúc hơn, mọi người đi ra ngoài để mua bán, hay để hoà mình vào bầu không khí chộn rộn, rực rỡ ngoài phố. Ai để ý kỹ hơn sẽ thấy mùa đông còn là mùa cây cối khô, đất đá khô, động vật ít xuất hiện vì chúng đã đi trú đông, ngủ đông, thay vì trổ ra ngoài. Thuận theo tự nhiên, những trổ ra của mùa xuân, cũng như những phần lấp lánh của lễ Giáng Sinh mà ta thường thấy, ấy là phần “quả ngọt” sau một quá trình âm thầm, tĩnh lặng mà bền bỉ, mạnh mẽ của sự sống ẩn mình dưỡng lực trong bóng tối. Ngày Đông chí hàng năm là mốc quan trọng (đối với Bắc bán cầu) khi trái đất được mặt trời soi tỏ cho đêm dần ngắn lại, cho ánh sáng dần trở về, để vạn vật hướng tới một bước phát triển mới. Nói cách khác, nhịp điệu của sự sống cần bóng tối như cần ánh sáng, cái nào cũng quan trọng, có cái này mới có cái kia.

Ở nhà, các bố mẹ hãy cùng nhau hướng tới tinh thần lễ hội bằng việc trang trí nhà cửa bằng các vật phẩm của mùa đông như sỏi, đá, cành khô, …; và cùng các bạn nhỏ ở nhà làm những hoạt động liên quan như: đan khăn quàng len, đốt lửa nướng ngô khoai, ngâm chân trong nước gừng, xông nhà bằng bồ kết, vỏ cam quýt phơi khô, làm bánh, mứt, … hay đơn giản như đặt một lọ hoa tươi nhỏ trên bàn ăn. Nếu được, Koi mong muốn các gia đình sau đó sẽ chụp ảnh lại hoạt động của nhà mình và chia sẻ cho nhau để tiếp lửa trong những ngày đông giá rét. Bố mẹ có thể tìm kiếm ý tưởng trang trí bằng cách tìm kiếm từ khoá “Winter nature table Waldorf school” trên Pinterest hay Google Image, quan sát thiên nhiên xung quanh mình cũng là một nguồn ý tưởng dồi dào. Đặc biệt vào tối đêm Đông chí nên hạn chế các hoạt động sôi nổi, ồn ào để tạo sự tĩnh lặng, ấm áp trong không gian ở nhà. Có thể thắp một cây nến, hát và trò chuyện nhẹ nhàng cùng với nhau sau khi cùng nhau ăn một bữa cơm gia đình ấm cúng. Làm được như vậy, chính bố mẹ đã thắp nên ngọn lửa sức sống và ánh sáng trong trẻo trong các con và cho cả chính mình.

Cô trò mầm non Koi có thêm một lễ hội được bên nhau và cùng nhau vẽ nên bức tranh ánh sáng tuyệt đẹp từ những ngọn nến và từ chính ngọn lửa ấm áp trong trái tim mình. Cô giáo đã kể cho các em nghe câu chuyện về “Ánh sáng của con người” (*), trong câu chuyện có Cha Mặt trời, Mẹ Mặt trăng, muôn ngàn vì tinh tú bền bỉ chiếu sáng cho Trái Đất qua năm tháng. Sau đó, từng học sinh bước đi vòng xoắn ốc được kết bởi cành thông tươi – vòng xoắn ốc tượng trưng cho nhịp điệu của thiên nhiên, cũng như thể hiện hành trình chiêm nghiệm để tìm thấy ánh sáng của tình yêu và sức mạnh có sẵn bên trong mỗi người. (**)

Trở về ngày Đông chí năm 2015 là ngày khai sinh ra Mầm non Koi – Vườn Thương Yêu, một ngôi nhà nhỏ ở Trung Kính với vỏn vẹn chục đứa trẻ và những cô giáo trẻ hơn bây giờ rất nhiều. Thấm thoắt thoi đưa vậy mà đã tám năm trôi qua rồi, bây giờ Koi đã là một ngôi làng, với hàng ngàn đứa trẻ được nuôi dưỡng xa gần qua các buổi chia sẻ, gặp gỡ nhau. Và những cô giáo đã vững vàng biết bao qua những thử thách và khó khăn, nhưng mọi người đã luôn luôn chọn sát cánh cùng nhau, chọn con đường khó để đi, để làm giáo dục tử tế nhất có thể. Trong tương lai phía trước, Koi chắc chắn sẽ còn đi xa, đi sâu hơn nữa, bởi Koi biết rằng mình luôn được chúc phúc, ban phước lành từ xung quanh và từ trên cao.

(*) Câu chuyện “Ánh sáng của con người”: https://hanoisteiner.edu.vn/cau-chuyen-ke-cho-tre-anh-sang-cua-con-nguoi/

(**) Về vòng xoắn ốc trong giáo dục Waldorf Steiner, mời bạn đọc thêm tại đây: https://hanoisteiner.edu.vn/tim-hieu-ve-vong-xoan-oc-trong-le-hoi-anh-sang/