NUÔI CON LỚN BẰNG NHỮNG CÁI ÔM

Hàng ngày, việc mẹ ôm em bé sơ sinh từ nhỏ cho tới lớn không chỉ có ý nghĩa về mặt tình cảm yêu thương, mà việc ôm con, tiếp xúc với da thịt của con hàng ngày còn có ý nghĩa rất lớn về sự phát triển và hoàn thiện não bộ.

Đối với trẻ sơ sinh, những tuần đầu con khóc rất nhiều và sẽ giảm dần khi trẻ lớn dần lên, bởi con sợ, con hoang mang với thế giới rất khác, không an toàn như trong bụng mẹ. Việc tiếp xúc da thịt của mẹ với con (ôm con, xoa lưng, vỗ nhẹ mông con, xoa đầu, cho con bú,…) như một cách giao tiếp kỳ diệu đầu tiên mà trẻ có được khi chào đời. Qua cách giao tiếp này, mẹ sẽ hiểu phần nào nhu cầu của con, nóng hay lạnh, thoải mái hay khó chịu,…

Mỗi khi cha mẹ ôm ấp và vuốt ve bé nhẹ nhàng, một thông điệp yêu thương được truyền đến bộ não bé, đồng thời một sự kết nối được thiết lập giữa các tế bào não bộ. Sự kết nối nào giúp bé có thể nói, sự kết nối nào giúp bé có thể nhìn, những kết nối nào quan trọng cho sự cảm nhận, vận động và học hỏi?

Các nghiên cứu chỉ ra rằng: những cái ôm, những cái chạm, vuốt ve chủ động của người lớn khiến trẻ mới sinh bình tĩnh, giảm bớt căng thẳng. Một đứa trẻ ôn hòa có thể hiểu được các dấu hiệu, âm thanh, hình ảnh và mùi hương xung quanh mình. Và những kinh nghiệm này sẽ tạo ra các kết nối trong bộ não bé.

Những nhà chăm sóc – giáo dục trẻ phát hiện ra rằng: những thông điệp cơ thể mà trẻ sơ sinh được tiếp nhận sẽ đẩy mạnh khả năng hàn gắn và phát triển. Nếu trẻ được sinh ra sớm hay cân nặng nhẹ, thì sự ôm ấp vuốt ve thường sẽ làm gia tăng sự thèm ăn ở bé. Điều đó giúp trẻ đạt tới cân nặng được khuyến cáo tại lứa tuổi bé nhanh hơn, và bé sẽ đạt đúng mục tiêu tăng trưởng và phát triển tại lứa tuổi mình. Nếu con bị đau bụng, cha mẹ chỉ cần ôm ấp, chạm nhẹ vào bé, xoa nhẹ quanh vùng rốn hoặc bụng, chắc hẳn bạn sẽ ngạc nhiên vì tác dụng xóa tan sự đau đớn và làm bé cảm thấy dễ chịu hơn.

Chính vì vậy, cha mẹ dù bận mấy thiết nghĩ vẫn nên dành thời gian mỗi ngày để ôm ấp con một cách tình cảm. Nói với con khi bạn vuốt ve nhẹ nhàng lên tay, chân, lưng, bụng, bàn chân và các ngón tay, ngón chân của bé: “Mẹ đang vuốt ve bàn chân xinh xắn của con này, giờ là đến tay nhé!”…Sự chạm, ôm ấp và lời nói diễn tả giúp bé hiểu mẹ đang tương tác thế nào với bé.

Sự chạm, ôm ấp và vỗ về của cha dành cho bé cũng không kém phần quan trọng. Người cha càng ôm ấp và dành nhiều thời gian cho con, thì mối quan hệ ràng buộc càng thêm gắn bó, và sự thân mật giữa hai cha con ngày càng tăng lên.

Hãy đầu tư thời gian, tìm hiểu xem con bạn thích gì, thích được đối xử như thế nào. Hãy luôn ghi nhớ rằng mỗi đứa trẻ là một cá nhân khác biệt. Một vài đứa trẻ rất nhạy cảm và có thể phản ứng lại khi được cuốn an toàn trong một cái chăn hay được đu đưa lúc lắc. Một số khác lại cần được vuốt ve nhẹ nhàng. Số khác nữa lại phản ứng tốt hơn với một cái ôm vững chắc. Quan sát và xem con bạn phản ứng ra sao với mỗi kiểu tương tác khác nhau của người lớn (đặc biệt là cha mẹ, họ hàng, người thân…), điều gì dường như khiến con bình tĩnh hơn? Điều gì làm con cười? Điều gì khiến bé buồn? Đừng bị phân tâm nếu bé không phản ứng theo những gì bạn mong muốn. Cha mẹ sẽ sớm khám phá ra kiểu tương tác nào mà con mình yêu thích, mong chờ nhất.

Trẻ chỉ có thể phát triển và trưởng thành nhanh chóng khi được ôm ấp, vuốt ve nhẹ nhàng và thường xuyên. Tương tác giúp con cảm thấy an toàn và bình tĩnh, khiến con có thể tiếp tục học hỏi và phát triển. Khi cha mẹ dành thời gian để ôm trẻ, con cảm thấy sự gần gũi đó thật đặc biệt biết bao, và thậm chí bạn có thể nhận thấy rằng mình cũng có cảm giác bình yên hơn, khỏe mạnh lên rất nhiều, tràn trề năng lượng cho cuộc sống.

Trong một nghiên cứu khác của một trường đại học tại Mỹ trên đười ươi. Họ nghiên cứu trên hai đười ươi con. Một con được chung sống với đười ươi mẹ, còn một con bị tách khỏi đười ươi mẹ sau khi sinh, sống trong một cái lồng có một con đười ươi giả.

Ban đầu họ thấy, cả hai đười ươi con trong vài ngày đầu đều có những biểu hiện tương tự nhau, quấn quýt với đười ươi mẹ. Tuy nhiên, càng thời gian về sau khi lớn lên, đười ươi bị tách mẹ trở nên hung tính và dữ dằn, còn đười ươi được mẹ chăm bẵm, ôm ấp từ mẹ lại không gặp những biểu hiện này. Điều đó cho thấy sự gần gũi, chăm sóc, tương tác của cha mẹ trong những ngày tháng đầu đời thực sự có ý nghĩa quan trọng trong việc hình thành và phát triển nhân cách, cảm xúc ở trẻ.

—–
~ Bài viết được tham khảo, tổng hợp từ báo cáo khoa học từ dự án chương trình nghiên cứu phát triển giáo dục, được điều hành bởi Học viện Giáo dục và Phát triển Quốc gia về Trẻ em (Trước tuổi đến trường) – Bộ Giáo dục Hoa Kỳ (2001)
Tác giả công trình: Diane Trister Dodge và Cate Heroman.