ĐỪNG BIẾN TUỔI THƠ THÀNH CUỘC ĐUA

Làm sao để cân bằng hiện tại & tương lai trong giáo dục con trẻ?

Trước cổng trường tiểu học đông nghịt lúc 5h chiều, nhiều bạn học sinh vội vã trèo lên xe máy bố mẹ đang đợi sẵn, cầm chiếc bánh mì được giúi vào tay, gặm vội cho đỡ đói trên đường đi đến một lớp học thêm khác.

Đó là cảnh tượng phổ biến mà bạn có thể nhìn thấy trước cổng trường học ở các thành phố lớn vào giờ tan tầm. Một ngày của nhiều trẻ em ngày nay bắt đầu từ 7h sáng, sau cả ngày ở trường là di chuyển giữa dòng người đông nghẹt để đến một lớp học khác, trở về nhà với bữa ăn tối muộn và có thể là đống bài tập đang đợi.

Cuối tuần không phải là ngoại lệ, đó là thời gian để bổ sung vào các khóa học về STEAM, nghệ thuật, đàn, thể thao… mà cha mẹ cho là còn thiếu trong chương trình chính khóa ở trường.

Đứng trước áp lực phải chuẩn bị cho tương lai, cho sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường lao động không thể đoán trước, nhiều cha mẹ trong chúng ta đang cố nhồi nhét ngày càng nhiều hoạt động, khóa học vào cuộc sống của con trẻ. Áp lực này len lỏi vào cả cuộc sống của trẻ em trong những năm đầu đời,  khi lịch trình của nhiều trường mầm non được thiết kế dày đặc hoạt động, để đáp ứng nhu cầu của các phụ huynh muốn “nhiều hoạt động hơn nữa”, “học tiếng Anh nhiều giờ” hơn, “phải có STEAM”, “phải học thêm ngoại ngữ 2”… Thậm chí, các bạn mầm non 4,5 tuổi đã bắt đầu đi học thêm, luyện chữ để chuẩn bị bước vào lớp1.

Tôi từng tổ chức một hội thảo về học tiếng Anh cùng con tại nhà, trong khi diễn giả – cũng là một phụ huynh – chia sẻ về cách giúp con học tiếng Anh thành công, thì phía dưới, một không khí căng thẳng bao trùm. Một bà mẹ hỏi: “Nhưng em đi làm về muộn lắm, 7h mới về đến nhà, chỉ có vài tiếng để chơi cùng con, làm sao để giúp con học tiếng Anh?” Tôi hỏi, con em bao nhiêu tuổi. Bà mẹ trả lời: “con em 6 tháng”.

Câu trả lời của người mẹ với gương mặt lo lắng làm tôi lặng người đi một lúc. Trong lúc worshop vẫn đang diễn ra, tôi nói nhanh với người mẹ trẻ “con em 6 tháng, em đi làm cả ngày, vậy thì điều quan trọng nhất không phải là tìm cách để dạy con con tiếng Anh, mà là dành thời gian để ôm ấp, âu yếm, trò chuyện.”  Điều trẻ em cần nhất ở những năm đầu đời là tình yêu thương và tương tác của bố mẹ, và chúng cần những bố mẹ thực sự hiện diện, có mặt cùng con, chứ không phải những người lớn căng thẳng, mệt mỏi bởi gánh nặng trong ngày, cộng thêm những kỳ vọng vào tương lai.

Là cha mẹ và giáo viên, chúng ta cần chuẩn bị cho con trẻ lớn lên thành những người lớn độc lập. “Preparing for life, Preparing for future” là slogan được nhiều trường học lựa chọn, nhấn mạnh rằng giáo dục cần chuẩn bị cho cuộc sống, cho tương lai. Tuy nhiên, sẽ như thế nào nếu như tuổi thơ của trẻ biến thành một cuộc đua, thành một giai – đoạn-chuẩn-bị cho thời kỳ trưởng thành? Làm sao để con trẻ sẵn sàng cho tương lai, nhưng đồng thời cũng được sống trọn vẹn với hiện tại?  Làm sao để “mỗi ngày trẻ đi học là một ngày vui”, chứ không phải là một ngày áp lực lo lắng từ khi đi thức dậy tới khi đi ngủ?! Đây có lẽ là điều mà mọi bố mẹ đều cần suy ngẫm, để trẻ em được sống đúng với tuổi thơ của mình, được tận hưởng giây phút hiện tại – “cái bây giờ đẹp nhất” như chia sẻ của thiền sư Thích Nhất Hạnh! (https://bit.ly/3qRaMJo)

 

LÀM SAO ĐỂ CHUẨN BỊ TỐT NHẤT CHO TƯƠNG LAI?

Cô giáo Nguyễn Thu Hương là nhà sáng lập  Koi Steiner, tiền thân là Hà Nội Steiner – trường mầm non Steiner đầu tiên tại Hà Nội. Ra đời hơn 100 năm trên thế giới, các ngôi trường Waldoft Steiner được coi là “thánh địa của tuổi thơ”, nơi việc bảo vệ tuổi thơ được coi là nhiệm vụ quan trọng của nhà giáo dục và trường học. 20 năm làm việc trong lĩnh vực giáo dục, hơn 8 năm nghiên cứu và thực hành triết lý giáo dục Steiner, cô Hương đã đi học tập và quan sát tại nhiều trường, nhiều tổ chức Steiner trên khắp thế giới… Cô Thu Hương đã liên tưởng tới trải nghiệm chơi bóng ném của mình để chia sẻ về mối liên hệ giữa hiện tại và tương lai trong giáo dục con trẻ, làm sao để trẻ tận hưởng hạnh phúc của hiện tại, đồng thời chuẩn bị sẵn sàng cho tương lai.

“Một vài lần tôi tập chơi môn bóng ném wise ball, tôi quan sát những lần ném trượt và trúng của mình mà có chút giật mình, hóa ra kết quả hoàn toàn không phải vì tôi ít luyện tập hay luyện tập nhiều. Sau một vài phút thực hành cầm bóng, ném bóng cho thành thạo,  thì việc ném trúng hay không lại hoàn toàn phụ thuộc vào trạng thái bên trong của tôi. Nếu tôi bị mục đích “ném trúng” lôi kéo đi, tức là tôi có chút lo lắng, tham lam, e dè bất cứ cảm xúc gì xuất hiện trong tôi khi quả bóng chuẩn bị được ném ra đều làm nó trượt mục tiêu. Nếu tôi mặc kệ việc ném bóng, ném được chăng hay chớ thì chắc chắn là trượt bóng. Chỉ duy nhất những khi tôi ném bóng với trọn vẹn sự chú tâm cho giây khắc hiện tại khi tay tôi chạm quả bóng, mắt tôi hướng mục tiêu mà tâm không gợn lên bất cứ lo lắng, tham lam, sợ hãi, e dè gì về việc ném trượt hay trúng thì lúc đó, bóng trúng đích.

Cách chuẩn bị tốt nhất cho một cú ném trúng đích không là gì khác lại chính là việc quên cái đích đi, mắt nhìn thẳng đích mà toàn bộ tâm trí, thể xác, toàn bộ con người mình hiện diện với quả bóng, với việc nắm giữ và buông quả bóng ra sao, cũng chính là có mặt hoàn toàn và trọn vẹn trong giây phút hiện tại.

Và như thế, để chuẩn bị cho tương lai tốt nhất chính là có mục tiêu, định hướng trong khi thoát khỏi áp lực, kỳ vọng, lo lắng về kết quả, để đứa trẻ được sống trọn vẹn trong giây khắc hiện tại, vốn là sở trường hay thậm chí là bản năng thiên tài của con trẻ.”

Tuy nhiên, theo nhà giáo Thu Hương, điều này không có nghĩa chúng ta không có tầm nhìn xa trong việc nuôi dạy con trẻ, không có nghĩa là “phó mặc con trẻ lớn lên được chăng hay chớ”. “Tầm nhìn khác với mong muốn, kì vọng mà không có nền tảng vững chắc của hiện tại. Gia đình nào cũng có nề nếp của chính nó, bố mẹ nào cũng có những hệ giá trị của mình, chính những nếp nhà bố mẹ xây được trong hiện tại là nền tảng vững chắc nhất trong việc giáo và dưỡng con mình, chính hệ giá trị của bố mẹ (chứ không phải áp đặt, kì vọng, hay dục vọng) của bố mẹ sẽ gợi mở, định hướng con đường mà đứa trẻ đang và sẽ bước trên”

Để hiện tại của trẻ không nằm ngoài mục tiêu dài hạn, để trẻ em sống trong tuổi thơ thần tiên, đồng thời chuẩn bị cho tương lai, theo nhà giáo Thu Hương, bố mẹ cần xây dựng nếp nhà, nhận thức sâu sắc hệ giá trị của bản thân và gia đình mình. Đây là nền tảng vững chắc cho mỗi đứa trẻ lớn lên, dù tương lai có biến động ra sao, dù xã hội có liên tục thay đổi. Các kỹ năng để thành công trong một nghề nghiệp cụ thể, một môi trường xã hội cụ thể sẽ liên tục thay đổi, nhưng giá trị thì không, hay hơn thế, khi các điều kiện xã hội càng thay đổi chóng mặt thì các giá trị nhân văn lại càng trường tồn. Một đứa trẻ được sống trong môi trường gia đình chan hòa giá trị nhân văn khi bé, lớn lên sẽ có nhiều cơ hội trở thành một người hạnh phúc, thành công.

Người Việt có câu “con nhà tông không giống lông cũng giống cánh”, câu này không chỉ đúng khi xét trên bề mặt vật chất, tức hình dong nét mặt, mà còn sâu hơn nữa, ở những giá trị gia đình, dòng tộc mà đứa trẻ thấm hút tự nhiên khi lớn lên. Khi ông bà bố mẹ sống đầy yêu thương, san sẻ thì đứa trẻ khi lớn lên, dù vẻ ngoài lạnh lùng phá phách hay dịu dàng êm ái tùy cá tính mỗi đứa, nhưng chúng sẽ giống nhau ở tình thương và sự tử tế giữa người với người, thật và sâu. Khi bố mẹ đề cao giá trị của tri thức, của lao động và sống với điều đó, ắt hẳn đứa trẻ lớn lên cũng sẽ tự nhiên ôm sách vở, biết học tập, lao động nghiêm túc. Những giá trị mà chúng ta đề cao, cách mà chúng ta sống cuộc đời mình và môi trường gia đình chúng ta nuôi dưỡng… chính là nếp nhà, là nền tảng quan trọng nhất cho tương lai của trẻ.

Chuẩn bị kỹ năng nào cho con để có một tương lai vững vàng, học tiếng Trung hay học bơi, học lập trình hay các kỹ năng của thị trường lao động tương lai như tư duy phản biện, khả năng giải quyết vấn đề? Đó là mối quan tâm của các phụ huynh trong thời đại 4.0, khi đứng trước tương lai đầy biến động, thay đổi. Nhà giáo Thu Hương cho rằng điều ưu tiên trên hết không phải là “cần kỹ năng gì” mà chính là xây dựng cho trẻ một thái độ tự giác, kỷ luật, một nhịp điệu đều đặn hàng ngày để việc rèn luyện kỹ năng trở thành việc của trẻ chứ không phải học cho bố cho mẹ, để trẻ học được cách xây dựng một kỹ năng, rèn được sự tự giác, kỷ luật, và đặc biệt là ý chí, niềm vui trong chính công việc hàng ngày ấy. Trong giáo dục Steiner, trẻ càng nhỏ càng dễ để bồi đắp ý chí sâu và bền bằng một cách nhẹ nhàng qua chính những hoạt động trong đời sống của trẻ. Chính đời sống hài hòa, nhịp điệu, êm ái, sự lặp lại bền bỉ và trong say sưa sẽ mang lại cho trẻ nguồn lực sống, ý chí sống mạnh mẽ chứ không phải những bài giao giảng về “quyết tâm sắt đá” hay việc hổ mẹ ép hổ con trong nước mắt.

 

HÃY BẢO VỆ TUỔI THƠ!

Có nhiều quan điểm và xu hướng nuôi dạy trẻ khác nhau, nhiều bố mẹ thích con cái phải chịu áp lực sớm, phải chống chọi được với những va đạp của cuộc sống càng sớm càng tốt, từ chuyện bị đánh mắng, phạt nặng sớm đến chuyện phải làm, phải học thật nhiều thật sớm! Những phụ huynh này tin rằng bây giờ trẻ phải đối mặt với đau khổ, căng thẳng, khó khăn để tôi rèn bãn lĩnh, nghị lực… thì sau này mới thành công và đương đầu được với sóng gió cuộc đời.  Nhà giáo Thu Hương chia sẻ góc nhìn khác về giáo dục Steiner: “Trong tinh thần giáo dục Steiner, trẻ em ở độ tuổi càng nhỏ càng cần được ủ ấm trong yêu thương, trong êm đềm, trong dịu dàng, trong cái đẹp cái đúng và cái tốt. Bởi, một hạt mầm được ủ đủ ngày đủ tháng, được đặt trong môi trường đủ nắng, đủ gió, đủ dinh dưỡng sẽ có cơ hội là một cái cây khỏe mạnh trước giông bão hơn một hạt mầm phải va đập ngay từ trứng nước, phải chịu đói, chịu rét, chịu ghẻ lạnh từ trước khi nhú mầm đầu tiên.”

“ Tuổi thơ là chốn thiên đường nơi trần thế, là quãng thời gian mà với bản năng thiên tài mỗi đứa trẻ chỉ sống trong hiện tại và, càng nhỏ càng có khả năng trực nhận sự thật. Bảo vệ tuổi thơ là bảo vệ chốn thiên đường ấy, suối nguồn mát lành cho suốt những năm tháng dài rộng, nhiều nắng gió mưa giông sau này của mỗi đời người, là chốn an ủi, là nơi trở về mỗi khi tâm hồn tả tơi với những được mất hơn thua của đời. Bảo vệ tuổi thơ cũng là bảo vệ và dung dưỡng cái khả năng trực nhận sự thật ấy, cái mà tự nhiên rồi chúng ta sẽ mất hay chẳng còn là bao trong thời đại tư duy logic độc tôn như hiện nay.

Còn một bí mật nữa, một tuổi thơ thảnh thơi, êm đềm và có nhịp điệu đều đặn là nền tảng vững chắc để nuôi dưỡng ý chí trong tương lai, một đứa trẻ được bảo vệ trong một nhịp điệu sống lành mạnh sẽ có cơ hội lớn lên làm một người lớn mạnh mẽ bền chí hơn so với chính chúng nếu có một tuổi thơ ồn ào, lắm biến động, nhiều tai ương.”

Tác giả: Hướng Dương