Công nghiệp hoá Lễ hội của trẻ em

Tôi là một người trưởng thành ở trong nước, chưa từng sống  ở nước ngoài, hồi bé, chỉ hiểu được các ngày lễ truyền thống như Tết nguyên đán, Tết trung thu, Ngày hiến chương nhà giáo, Ngày quốc khánh. Ngoài ra các ngày lễ khác thì chỉ gọi là biết, ăn mừng theo bạn bè, chứ không hiểu. Từ khi có con và được làm việc với các trường mầm non, thì tôi mới tham gia nhiều ngày lễ lớn nhỏ từ Đông sang Tây ở trường, trong đó, lễ Noel thường là lễ hoành tráng nhất. Tôi bắt đầu tự hỏi liệu trẻ em bây giờ có giỏi hơn mình ngày xưa, hiểu được những ngày lễ này có ý nghĩa gì?

Nhiều người trong chúng ta hẳn thấy vô cùng buồn cười với cảnh tượng chen nhau “bẹp ruột” ở chốn linh thiêng trong ngày Giỗ tổ Hùng Vương, lễ hội Chùa Hương, Yên Tử… nhưng cũng nhiều người trong chúng ta tặc lưỡi hoặc ngụy biện để cho con trẻ bị doạ ma, hoá trang thành trò cười cho người lớn trong ngày Halloween, thành đứa trẻ đến “check-in” nhà thờ ngày Noel hay thành nghệ sĩ mặc trang phục hớ hênh, một cách ngây thơ, để biểu diễn trên sân khấu. Cũng thường xuyên, các sân khấu cho trẻ em mà sử dụng loa đài, với âm lượng và ánh sáng quá mức như là tra tấn người xem vậy, chỉ với mục đích quảng cáo cho người đi đường thấy sự công phu, đầu tư của nhà trường. Buồn thay, khi người lớn còn chưa hiểu, thì trẻ con làm sao mà hiểu?

Ở trường học, lý tưởng là trẻ em được học về những ngày lễ này trong một vài tuần trước lễ hội, ví dụ như tô màu tranh theo chủ đề, nghe đọc truyện về ngày lễ đó, tập văn nghệ, tham gia chuẩn bị cho ngày “chính hội”. Nhưng ở một số trường mầm non, những phần như trang trí, tập văn nghệ và tiệc buffet đã chiếm quá nhiều thời gian trong khi phần hồn, phần tinh thần của Lễ hội lại sơ sài hoặc không có màu sắc riêng. Trong ngày chính hội, trẻ em chỉ đơn thuần là công cụ biểu diễn, nhận quà rồi xuống, phụ huynh vội vã đến xem rồi đón trẻ về, các thầy cô giáo thì tất bật với việc trông trẻ và thay quần áo cho các tiết mục, tất nhiên, không thể quên việc giúp các con xếp vào đội hình để chụp ảnh, khoảng vài trăm kiểu. 

Hậu quả là khi các con tôi 6 tuổi, con không phân biệt được ngày lễ nào là truyền thống và ngày lễ nào là ngoại nhập. Con cũng không biết gì nhiều hơn tôi ngày xưa về các ngày lễ của các dân tộc khác. Thậm chí, con trai tôi còn không thích tham gia lễ hội ở trường vì con “không thích biểu diễn” và con thấy mệt.

Tôi cho đó là sự “công nghiệp hoá, sân khấu hoá” các lễ hội dành cho trẻ em. Điều này có thể nhìn rất rõ ở thế giới người lớn, nơi thương mại hoá và tâm lý đám đông âm thầm nhắc nhở chúng ta phải trang trí và đặt… tiệc pizza vào các ngày lễ của Ki-tô giáo (như Noel, Halloween), hay chúng ta vẫn châm biếm nhau rằng “Hôm nay là Tết thiếu nhi – Mà sao người lớn lại đi chơi nhiều?”. Còn ở thế giới trẻ em, nó mang lại hậu quả khó lường hơn nữa bởi các em đang ở độ tuổi hình thành thế giới quan bằng cách quan sát thế giới của người lớn và có rất ít kinh nghiệm để “lọc” thông tin đến với mình.

Tôi tin rằng phần đa các trường mầm non đều hiểu và cố gắng tổ chức các lễ hội cho các con với mục đích đẹp là tăng thêm trải nghiệm và hiểu biết về văn hoá – truyền thống của dân tộc mình cũng như dân tộc bạn. Cũng như các gia đình đều cố gắng để gửi gắm các bài học, đưa con trẻ đi trải nghiệm nào phố Hàng Mã, nào nhà thờ đêm Giáng Sinh… cho dù vẫn quay cuồng với công việc, nhà cửa. Thế nhưng, nhìn lại thì thành quả chưa thực sự hiện diện ở con trẻ.

Ở độ tuổi mầm non, các em đang hình thành thế giới quan bằng cách quan sát thế giới của người lớn và có rất ít kinh nghiệm để “lọc” thông tin đến với mình.

Có một dịp mà tôi cứ nhớ mãi, xúc động vô cùng. Đó là một buổi tối mùa hè, chúng tôi đưa con gái đi dạo loanh quanh khu phố, sắp tới Trung thu, mà ánh trăng không sao sáng tỏ bằng ánh đèn đường. Chúng tôi tình cờ hoà mình vào một buổi phá cỗ, trông trăng của một trường mầm non. Không sân khấu, không loa đài, không múa lân, cũng không bạn nhỏ nào rước đèn điện tử, chúng tôi chỉ nhìn thấy nhau nhờ nến và ánh trăng, vào dịp trăng sáng nhất trong năm. Cả trường cùng đồng thanh hát những lời du dương – là thứ âm thanh duy nhất trong không gian mà ai cũng nghe rõ từng lời, cùng rước đèn ông sao do phụ huynh tự tay làm, rồi cùng phá cỗ – là những thức quà đặc trưng của mùa thu. Lòng tôi xúc động nhớ đến mâm cỗ trông trăng của mẹ chồng thời nhà còn ở trong làng, giờ ngôi nhà đó đã cho thuê để chuyển lên chung cư cao tầng, chúng tôi chẳng còn chỗ để bày cỗ. 

Sau này tôi mới biết lễ rước đèn mà tôi từng ấn tượng kia là của một trường mầm non theo phương pháp giáo dục Waldorf Steiner. Nói chuyện với một cô giáo, tôi được biết rằng nhà trường đã tâm niệm xây dựng văn hoá cộng đồng phụ huynh Steiner, để phụ huynh cũng tham gia vào chuẩn bị các lễ hội của con ở trường, nhằm giúp các gia đình trẻ bận rộn ngày nay có thời gian quây quần và kỉ niệm đẹp bên con trẻ, đặc biệt là trong hai lễ hội giàu truyền thống Việt như Tết nguyên đán và Tết trung thu. 

Trẻ ở trường Steiner trải qua một lễ hội có cả phần lễ, phần hội do các thầy cô và bố mẹ chung tay chuẩn bị cho trẻ.

Cô giáo cũng nói các lễ hội ở trường mầm non Steiner đều khác nhau, mang màu sắc riêng của từng ngày lễ. Trong phần “lễ”, không có các bài phát biểu cảm ơn dài dòng, thay vào đó là không khí trang nghiêm và mơ màng của bàn rối kể chuyện. Mỗi ngày lễ, trẻ đều được nghe một câu chuyện kể về ngày lễ đó, lặp đi lặp lại qua nhiều năm để đi vào tiềm thức của trẻ”. “Một phụ huynh kể rằng con của họ rất tin rằng chị Hằng xuất hiện hàng năm ở trường đã thực sự đi xuống từ cung trăng, còn những chị Hằng ở nơi khác không phải là chị Hằng thật!”, cô giáo kể. Nó thể hiện rằng những câu truyện được kể ở trường học Steiner có tác động sâu sắc tới tâm trí và niềm tin của trẻ về thế giới.

Mỗi ngày lễ, trẻ đều được nghe một câu chuyện kể về ngày lễ đó, lặp đi lặp lại qua nhiều năm để đi vào tiềm thức của trẻ.

Tôi cho rằng đó là một điểm sáng tươi vui trong giáo dục độ tuổi nhỏ mà chúng ta nên học hỏi để thay đổi, thay vì âm thầm cổ súy cho công nghiệp hoá lễ hội và tuổi thơ con. Khi chúng ta hiểu sâu sắc về bản chất của từng ngày lễ; về cách trẻ em dùng cảm nhận tinh tế và trái tim tuyệt vời của chúng để thấu hiểu tầng tầng ý nghĩa của các lễ hội, mà không cần đến các bài giao giảng kiến thức; và về cách tổ chức một lễ hội sao cho trẻ em được làm người học hỏi, chứ không phải làm công cụ biểu diễn – chúng ta hoàn toàn có thể làm cho các ngày lễ ở trường mầm non trở nên giàu tính giáo dục và chạm tới ý nghĩa tinh thần của nó hơn nữa. Cùng với đó, chúng ta có thể mong chờ con trẻ lớn lên với sự tỏ tường về văn hoá, lòng tự hào với các truyền thống lâu đời của dân tộc ta trong khi nhạy cảm và tôn trọng nền văn hoá, truyền thống khác biệt của dân tộc bạn.

Chị bạn tôi, vốn là một chủ trường mầm non có tiếng ở Hà Nội, thường xuyên chia sẻ những mẩu chuyện hàng ngày giữa hai mẹ con chị và bé M (7 tuổi) trong khi hai mẹ con sống ở nước ngoài, thường xuyên giao lưu văn hoá với người bản địa. Chị có kể câu chuyện về ngày lễ Noel như thế này:

M: Ông già Noel không có thật.

Bạn M: Không có thật sao tớ có quà dưới gốc cây?

M: Quà của tớ là do bố mẹ tặng.

Bạn M: Quà của tớ là ông già Noel tặng.

Không ổn rồi, mẹ cần can thiệp bằng tiếng Việt.

Mẹ: M, con không bàn chuyện tôn giáo, tôn giáo của bạn khác tôn giáo của con. Người ta có thể giết nhau vì sự khác biệt tôn giáo đấy con. Có hai thứ con sẽ không bao giờ bàn với các bạn là tiền và tôn giáo vì đó là những điều riêng tư của mỗi người con nhé.

Câu chuyện khiến tôi cảm thấy mỗi bậc cha mẹ –  dù là một người mẹ bình thường như tôi, một cô giáo, hay một người xa xứ như chị bạn tôi – đều có trách nhiệm và có khả năng giúp cho con cái học hiểu về văn hoá và truyền thống dân tộc. Chắc chắn, các lễ hội là những cơ hội lớn để dạy cho trẻ; nhưng bên cạnh đó thì hàng ngày đều có nhiều những cơ hội nhỏ: cơ hội trò chuyện, tâm sự, giải đáp thắc mắc, cùng đọc sách, xem phim, nghe nhạc, giải câu đố… để mà học. Nếu gia đình, nhà trường và cả xã hội làm được như vậy, tôi tin rằng các công dân tương lai của Việt Nam sẽ tham gia vào hội nhập mọi mặt một cách tự tin và hiệu quả hơn.


Tác giả: Mẹ Cúc Thu, phỏng vấn cô Hà – Giáo viên trường Sồi